SẮC PHONG ĐỨC AN TRINH THẦN NỮ
LÊ THỊ BẠCH TUYẾT (1943-1969)
Thánh Thất Bình Hòa
Tý thời, 14 rạng 15-8 Canh Tuất
(Thứ Hai 14 rạng Thứ Ba 15-9-1970)
Thông công: Bộ phận Hiệp Thiên Đài Cơ Quan PTGL
Pháp đàn: Huỳnh Chơn.
ĐÀN TÁI CẦU
(Đồng tử Kim Quang xuất khẩu.)
THI
Tam Kỳ sứ mạng độ nguyên nhân (1)
Chứng vị Tiên bang (2) thoát nghiệp trần
Một giọt cam lồ tiêu lửa dục
Trước thềm Bạch Ngọc bái Hoàng ân.(3)
Quan Âm Đại Sĩ (4) Từ Hàng Phổ Độ (5)
Chào chư Thiên sắc,(6) chư hiền đệ muội.(7)
Bần Đạo đến đêm trung thu đem tin mừng cho chư hiền đệ muội.
Nhân lễ Triều Thiên Vô Cực,(8) Đức Chí Tôn ban hồng ân (9) cho chư vị đạo tâm thoát xác để khuyến khích người tu hành hiện tại dũng mãnh tinh tấn trên đường học đạo.
Chư hiền (10) thành tâm nghe Bần Đạo phân:
Thừa Ngọc Hư Cung sắc chiếu,
Thừa lịnh Tam Giáo Tòa ban hành,
Nhân danh Tam Trấn Oai Nghiêm Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ thi hành Thiên lịnh,
SẮC PHONG
- ĐẶNG THỊ TÝ, thủ tử thiện đạo,(11)
thọ Thiên ân BẢO ĐỨC TIÊN NƯƠNG.
- ĐINH THỊ NGHĨA, nhứt tâm hành đạo,
thọ Thiên ân VĨNH THỌ THÁNH NƯƠNG.
- PHẠM THỊ SANG, nhứt tâm hành đạo,
thọ Thiên ân THÁNH LINH THÁNH NỮ.
- NGUYỄN THỊ HỒ, nhứt tâm hành thiện,
thọ Thiên ân BẢO ÂN THẦN NỮ.(12)
- TRƯƠNG THỊ SIÊU, hiền phụ,
thọ Thiên ân THỤC LINH THẦN NỮ.
- LÊ THỊ BẠCH TUYẾT, nhứt tâm hành đạo,
thọ Thiên ân AN TRINH THẦN NỮ.
Các sắc Thần được thân nhơn thờ phượng để có phương tiện độ đời ba năm để tiến đến Thánh vị. Đây là bổn phận của thân nhơn các Thánh vị đã siêu thoát hồng trần, công phu tu tiến.
THI
Phật Tiên Thần Thánh cũng là người
Được một kiếp người chớ dể ngươi
Thành đắc đạo tâm không dứt bỏ
Gương nêu thanh sử (13) ở cung Trời.
Bần Đạo mừng đại lễ trung thu Nữ Chung Hòa thành công đạt đạo. Bần Đạo chào chư Thiên sắc, chư hiền đệ muội. Phục chỉ.(14) Thăng.
(1) Nguyên nhân (nhơn) 原人: Những linh căn 靈根 nguồn gốc từ cõi trời, xưa kia nhận lãnh sứ mạng xuống thế gian độ đời; khác với hóa nhân (nhơn) 化人 là những ai từ kim thạch, thảo mộc, cầm thú tiến hóa lên làm người.
(2) Tiên bang 仙邦: Cõi Tiên.
(3) Bạch Ngọc: Bạch Ngọc Kinh 白玉京, kinh thành ngọc trắng, nơi Đức Thượng Đế ngự. Bái Hoàng ân 拜皇恩: Lạy tạ ơn Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế.
(4) Ðại Sĩ 大士: Tiếng Sanskrit Bodhisattva được người Hoa dịch hai cách: 1) Chuyển âm (translitering) là Bồ Đề Tát Đóa 菩提薩埵,gọi tắt Bồ Tát 菩薩; 2) Dịch nghĩa là Ðại Sĩ 大士. Do đó, Quan Âm Bồ Tát cũng là Quan Âm Đại Sĩ.
(5) Từ hàng 慈航: Từ là thương yêu; hàng là con thuyền. Từ hàng là thuyền từ, con thuyền thương yêu, tức là đạo pháp cứu vớt con người thoát khỏi biển khổ cuộc đời.
(6) Thiên sắc 天色: Thiên ân chức sắc.
(7) Hiền 賢: 1) [Tính từ] Dùng để gọi người khác một cách tôn kính, hoặc lịch sự. Thí dụ: gọi mẹ là hiền mẫu 賢母; gọi vợ là hiền thê 賢妻 hay hiền nương 賢娘; gọi anh là hiền huynh 賢兄; gọi chị là hiền tỷ 賢姊; gọi em trai là hiền đệ 賢弟; gọi em gái là hiền muội 賢妹. Trong thánh giáo, Ơn Trên gọi các môn sanh là chư hiền đệ, hiền muội là theo nghĩa này. Chư 諸: [Từ chỉ số nhiều] Các.
(8) Lễ Hội Yến Bàn Đào rằm tháng Tám, cũng gọi Yến Diêu Trì (Đức Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Từ Tôn).
(9) Hồng ân 洪恩: Ơn huệ to tát.
(10) Hiền 賢: [Đại từ] Tiếng trọng kính gọi người trước mặt (ngôi thứ hai). Trong thánh giáo, thay vì gọi chư hiền đệ, hiền muội, Ơn Trên gọi chư hiền.
(11) Thủ tử thiện đạo 守死善道: Thà chịu chết để giữ tròn đạo lý. Lời này Đức Khổng Tử dạy trong Luận Ngữ, 8:13.
(12) Về Đức Bảo Ân Thần Nữ, xem thêm: Tu Cứu Cửu Huyền Thất Tổ. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2013, tr. 22-24. Quyển 52-2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
(13) Thanh sử 青史: Sử xanh. Ngày xưa chưa biết làm ra giấy, viết sử phải ghi vào các thẻ tre, do đó gọi lịch sử hay sử ký là thanh sử. [Thanh: màu xanh của tre.] Để giữ tre lâu hỏng, người ta hơ tre trên lửa cho khô, nước trong thân tre rịn ra ngoài như đổ mồ hôi [hãn: mồ hôi], vì thế cũng gọi sử sách, sử ký là hãn thanh 汗青. Thừa tướng Văn Thiên Tường 文天祥 (1236-1283) đời Tống là bậc trung nghĩa, có nói: Nhân sinh tự cổ thùy vô tử / Lưu thủ đơn tâm chiếu hãn thanh. 人生自古誰 無死 / 留取丹心照汗青. (Xưa nay thử hỏi ai không chết / Để lại lòng son rọi sử xanh.) Lòng son (đơn tâm) là lòng trung cang tiết liệt.
(14) Phục chỉ 復旨: Trở về trình báo lại Thiên Đình sau khi thi hành xong Ngọc chỉ của Thượng Đế.