Trở lại trang chánh của Website Thiên Lý Bửu Tòa
|
6.- BẾN MÊ BỜ GIÁC MINH-LÝ THÁNH-HỘI Tuất thời Mùng 3 tháng Giêng Canh-Tuất (8-2-1970) ________
VẠN-HẠNH THIỀN-SƯ, Bần Tăng chào mừng chư hướng Ðạo, mừng chư đạo hữu đạo tràng. Nhân tiết Xuân sang, Bần Tăng đến trước thăm viếng chư đạo hữu, sau có một đôi lời đạo đàm cùng chúc Xuân trên bước đường thế Thiên hành hóa. Ðã là đồng chung nhiệm vụ, đồng chung sứ mạng nên cảm thông nhau. Tuy xa cách nơi cõi dương gian và miền Phật cảnh, nhưng tâm hồn vẫn còn tưởng nhớ nhau, thì sự xa cách kia không còn là vấn đề. Bần Tăng mong ước chư đạo hữu kiên tâm trì chí để vượt qua những nổi khó khăn mọi mặt trên cõi vô thường nầy mà tăng tiến trên bước đường hành Ðạo, dày công lập đức để sớm trở về cùng đoàn viên nơi non Bồng nước Nhược. Chư đạo hữu ơi! Nếu lấy theo nhận xét của thế nhân thì xem cõi đời nầy là nơi đủ mùi vị vui buồn cùng sướng khổ, nhưng nếu lấy theo nhận xét của bậc giác ngộ, hay nói xa hơn nữa là sự nhận xét của hàng Tiên Phật, thì cõi đời nầy là chốn sông mê bể khổ. Con người sinh trưởng nơi đây để chịu sự trui rèn đúc giũa để trở nên hàng Tiên Phật sau thời kỳ trả quả nghiệp duyên. Những điều mà thế nhân gọi là vui, là hạnh hưởng, đó là những điều tạm bợ cho con người lấy đó an ủi để chịu đựng bớt căng thẳng thần kinh trong thời kỳ trui rèn đúc giũa. Có hiểu được như vậy mới quan niệm được hướng đi của con người trong cõi vô thường nầy. Lời thường nói: "Tu nhứt kiếp, ngộ nhứt thời". Lời ấy không ngoa, nhưng có sai bởi nơi người nhận xét mỗi cách khác nhau. Chư đạo hữu thử nhìn một cội cây hoặc hoa quả đang lên, mỗi mỗi đều trong luật tiệm tiến, từ bé đến lớn, từ thấp lên cao, theo thời gian trưởng thành. Sự tu tiến của người cũng thế, không phải suốt một đời gây ra bao điều tội ác, chỉ có một giờ hối ngộ là được thành Phật nên Tiên. Nếu quan niệm như vậy thì còn đâu là luật công bình của Tạo Hóa. Có thể xem đạo nghiệp cùng tác phong đạo hạnh của một người trong kiếp hiện tại mà đoán được trong những kiếp quá khứ. Thế nên người tu hành luôn luôn thận trọng gìn giữ thân tâm từ ngày, từ giờ, từ phút, từ ý nghĩ, lời nói đến hành động. Vì là kiếp người đang trong lò trui rèn, thì bao nhiêu ngoại cảnh xảy đến rất phức tạp chen lấn trong sự giao tế của nếp sống hằng ngày. Phải cố gắng phân tách lọc lược những điều thuần thiện hạp Ðạo Lý để mà suy, mà nói, mà hành. Ðường Ðạo tuy rộng thênh thang, nhưng chung qui chỉ có hai lối là: Bến Mê và Bờ Giác. Hễ giác là được Tịnh Ðộ siêu thăng, còn mê thì trầm luân trong lục đạo luân hồi. Trong chỗ giác mê cũng lắm điều phức tạp, tùy theo nhận xét của mỗi người. Có người tự biết mình mê, sớm tìm về nẻo giác. Còn người tuy chưa biết mình mê nhưng được sự chỉ dẫn liền phục thiện để xa lối mê quày về nẻo giác. Trong lúc đó, cũng có người đã giác mà lại giả đò mê. Ðiều nầy mới là trở ngại rất lớn cho sự tiến hóa. Thế nên hai chữ "Sắc Không, Không Sắc" người tu thường lẫn lộn, nói rằng "Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc". Ðã nói rằng Ðạo, cuối cùng của Ðạo là "Không", mà hữu thể vạn vật đang có kia mà? Còn nói rằng "Sắc" thì sao không vật gì trong vạn loại trường tồn miên viễn mà phải nay đổi mai dời? Vậy thì người tu phải khổ công tìm học để hiểu và hành cho rõ những điều "Không, Sắc". Chư đạo hữu ơi! Bần Tăng quan sát qua một vòng thấy phần đông chư đạo hữu đã được thực hành phương pháp tham thiền tịnh định, hoặc một số đạo hữu đang muốn nhập định tham thiền. Bần Tăng cho việc đó là tốt lắm, vì con người trong cõi phàm, muốn thay hồn đổi xác, hoặc xuất thần đến một cõi Phật Tiên, điều sơ đẳng là phải qua được cửa tham thiền nhập định. Nhưng mỗi đạo hữu đã thực hành rồi có thấy được sự nhập định của mình có thật đại tịnh hay chưa? Có xem mà không thấy, có lắng mà không nghe, có ngửi mà không mùi, có ngồi mà không tọa, có suy nghĩ mà không trầm tư chăng? Hay vẫn còn trong trạng thái: càng nhắm mắt lại thấy sự vật càng to tướng, càng tịnh nhĩ càng nghe rõ âm vang, càng tịnh tỷ càng cảm thấy mùi thơm ngào ngạt, càng tịnh tọa càng nghe tay chân mỏi, lưng ngứa ngáy khắp cả châu thân, càng kềm lòng yên định càng nhớ đến trăm muôn ngàn việc còn dở dang bận rộn, càng tịnh tâm càng nhớ đến những ân oán vui buồn tự mấy mươi năm trong quá khứ! Có trả lời được những câu hỏi ấy mới làm chủ và thấy được mức tu tiến của mình. Thông thường nơi chỗ tịnh là một nơi lặng lẽ xa cách mọi hoạt động thường nhựt của thế nhân, nhưng đó chỉ là hình thức của phần tịnh nơi buổi ban sơ, cố gắng tập làm sao đến khi ngồi giữa chợ đông mà mắt không thấy người, tai không nghe tiếng, mũi không còn biết hơi, thân không còn biết giao động, trí không còn tưởng vu vơ, đó mới thật là Ðại Tịnh. Có Ðại Tịnh thì thần mới tụ, tụ rồi mới xuất phi thăng đến miền Thượng Giới. Khó quá phải không chư đạo hữu? Nhưng không phải khó mà chẳng ai làm được, vì từ chân núi vẫn có xe chạy đến chót núi kia mà. Như vậy kể cũng nhiều rồi. Bần Tăng mỗi lần gặp chư đạo hữu là cảm thấy phải nói nhiều, nói thêm về phương pháp cùng đường đi nước bước trong phạm vi tu thân hành đạo. Thông thường, Bần Tăng cũng không quên để lời chúc nhau trong những ngày Xuân đến.
----> NEXT |
Thiên-Lý Bửu-Tòa, 12695 Sycamore Ave, San Martin, CA 95046 - USA. Tel: (408) 683-0674 Website: www.thienlybuutoa.org Email Sơ đồ hướng dẫn tới TLBT
|