Trở lại trang chánh của Website Thiên Lý Bửu Tòa

 

26.- TRÊN ÐƯỜNG TIẾN HÓA

MINH-LÝ THÁNH-HỘI

Tuất thời 25 tháng 9 Canh-Tuất (4-10-1970)

_________

Thi:

Lớp người học Ðạo độ nhân gian,

Ví tợ tha nhân lọc kiếm vàng,

Gạn đục lóng trong bao cát bụi,

Kiên tâm trì chí với thời gian.

      VẠN-HẠNH THIỀN-SƯ, Bần Tăng chào mừng chư hướng đạo, chư đạo hữu đạo tràng.

      Chư đạo hữu! Ðã là sinh được làm người ở cõi vô thường nầy, con người hằng chung đụng với mọi phức tạp trong nếp sống. Do đó, tâm tư con người phải chịu ảnh hưởng một phần lớn bởi sự phức tạp đó. Thế nên người tu hành cần phải học hỏi đạo lý để phân định được cái chân cái giả, lẽ thiệt lẽ hư, điều chánh điều tà, sự thiện sự ác. Có chịu khổ công học hỏi suy nghiệm phân tách rõ rệt để tìm lẽ chánh mà lánh điều tà, tìm lẽ chơn mà xa điều giả, tìm lẽ thiệt mà xa điều hư và để làm sự thiện mà xa sự ác, ví như người tìm vàng trong giữa lòng đất cát.

      Chư đạo hữu! Bởi sự nhận xét thiển cận thông thường của con người qua sự thâu nhận từ mắt thấy tai nghe, nên dễ bị dối gạt của giác quan, thế nên con người dễ bị lầm lẫn giữa sự chánh tà, hư thiệt, giả chơn và thiện ác. Ví như người lọc vàng, nếu không phải là con người có cặp mắt chuyên nghiệp cũng dễ bị nhầm lẫn giữa vàng thau bạc thiết hoặc ngọc và đá.

      Vàng, thau, bạc, thiết, ngọc và đá được phân biệt tính chất của nó, người chuyên nghiệp còn dễ dàng phân biệt nhờ dụng cụ phân chất, nhưng sự chánh tà, chơn giả, thiệt hư, thiện ác, không có dụng cụ hữu thể để phân chất chơn tướng của chúng. Ðó là điều rất khó đối với người tu học, nhưng không phải vì sự khó đó mà các bậc chơn tu hướng đạo không tìm ra chân tướng của chúng.

      Vậy dụng cụ để phân tách tìm ra chân tướng của chúng là chi hỡi chư đạo hữu? Có phải căn cứ vào cơ khí hữu thể như máy đo quang tuyến, ra đa, máy đo xạ tuyến, kính hiển vi để tìm loại vi trùng trong một phần nghìn của ly, v.v... ?

      Nếu là dụng cụ hữu thể thì chỉ có tác dụng tìm ra những gì hữu thể, nhưng đối với sự chân giả, thiện ác, hư thực, thì những dụng cụ ấy là vô dụng. Như vậy, để phân biệt được chân tướng của dữ kiện ấy, cần phải dùng đến Ðạo tâm, chánh tâm, chơn tâm và Thánh tâm để phân biệt được chúng mà thôi.

      Nhưng than ôi! Ðạo tâm, Chơn tâm, Thánh tâm không phải dễ gì mua sắm bằng phú quý công danh hoặc bằng tiền tài thế lực, mà phải cần sự kiên tâm trì chí chân thành thiết tha vô tư kỷ với đạo đức, với vong kỷ vị tha, với tinh thần phục vụ Thượng-Ðế và nhân sanh. Nhưng mức độ để phát triển Ðạo tâm, Chơn tâm và Thánh tâm ấy không phải mỗi ai cũng đều giống nhau, khó là khó ở chỗ đó. Nếu là dụng cụ hữu thể để phân chất những gì hữu thể thì máy móc thuộc loại nào cũng giống như đồng loại ấy, miễn là ai có khả năng tài chánh tương xứng với dụng cụ ấy đều có thể mua về và dùng được. Còn phương tiện về tâm linh, về căn trí, thì khác hẳn. Vậy nên mỗi một người, giữa Ðạo tâm, Chơn tâm và Thánh tâm đều có mức độ khác nhau, tùy theo căn trí, tùy theo sự tu học. Do đó, sự phát triển những dụng cụ ấy không đồng đều nhau.

      Chư đạo hữu hãy tạm dùng một máy thu thanh hữu thể để thâu nhận các làn sóng điện để ngầm hiểu mức độ về dụng cụ đo lường sự thiệt hư chân giả và thiện ác. Không phải mỗi cái máy thu thanh nào cũng có thể bắt được đầy đủ các làn sóng điện xa gần, và cũng không phải mỗi cái máy thâu thanh nào cũng đều thâu nhận âm thanh rõ ràng từ bốn phương xa cách.

      Về căn trí của con người cũng vậy. Thế nên Thiêng Liêng thường nhắc nhở các hàng tín hữu trong sự tu học. Nếu không có gì trở ngại thì sự tu học luôn luôn phải được liên tục trong nhựt nhựt thường hành, thời thời tập luyện, ví như Pháp-luân thường chuyển tiếp nối.

      Một bộ máy trong chiếc xe hơi,máy có chuyển động liên tục, xe mới có thể tiếp tục vượt trên đường dài. Pháp luân có thường chuyển, Ðạo Pháp có trường lưu, vạn vật mới có thể sinh tồn và tiến hóa. Sự tu học về nội tâm có liên tục thì sự phát triển tâm linh bén nhạy, dụng cụ đo lường chơn giả thiệt hư thiện ác mới chính xác, thời sự thành công đắc quả trong kiếp người tu học mới được trọn vẹn, thâu ngắn khoảng đường luân hồi chuyển kiếp.

      Trên đường tiến hóa giải thoát chẳng khác nào trên vạn nẻo đường nhân thế. Nẻo đường nhân thế tuy có đường quanh cũng còn có ngã tắt.

      Trên đường tiến hóa cũng thế. Một võ sư huấn luyện hằng trăm võ sinh trên đường võ nghiệp. Suốt trong thời gian huấn luyện, những môn tổng quát thao diễn thường thức thì môn sinh nào cũng có thể làm được đồng đều giống nhau, nhưng hay dở là ở chỗ phân thế, phân miếng.

      Sự hành đạo trên trường đạo và trên quãng đường tiến hóa cũng thế. Từ cõi Thượng Thiên, chơn linh được xuống đến cõi hồng trần, trên quãng đường dài bao nhiêu lớp, nhưng cứ tuần tự phản bổn hoàn nguyên trên quãng đường ấy rồi một thời gian dài cũng sẽ đến. Tuy nhiên, cũng có lối đi tắt trong Tam-Kỳ Phổ-Ðộ để cho các hàng hướng Ðạo, các bực chân tu sớm giác ngộ trì chí hy sinh can đảm để đi về ngỏ tắt ấy, mà ngõ tắt ấy chính là dụng cụ bén nhạy để nhận chân phân tách tính chất của sự hư thiệt, chơn giả, thiện ác đó.

      Hỡi chư đạo hữu! Ðạo lý pháp môn vô lượng, chúng sinh căn trí vô lượng. Hỡi những ai muốn rút ngắn quãng đường tiến hóa để đi về ngõ tắt, phải thực thà, trì chí, kiên tâm, hy sinh, đại lượng, phá chấp, đừng dối lòng, để sớm trùng hoan cùng các Ðấng trong thú tiêu dao non Bồng nước Nhược.

----> NEXT

 

Thiên-Lý Bửu-Tòa, 12695 Sycamore Ave, San Martin, CA 95046 - USA. Tel: (408) 683-0674

Website: www.thienlybuutoa.org     Email    Sơ đồ hướng dẫn tới TLBT

Thông bạch in Kinh