Trở lại trang chánh của Website Thiên Lý Bửu Tòa

 

25.- KINH NGHIỆM ÐẠO ÐỨC

THIÊN-LÝ-ÐÀN

Tuất thời mùng 9 tháng 9 Canh-Tuất (8-10-1970)

_________

Thi:

Một kiếp làm người thiệt quá mau,

Xuân chưa hưởng kế tóc pha màu,

Ðạo đời công nghiệp chưa thu gọn,

Lão, bịnh, tử hề biết nói sao!

      CAO-TRIỀU-TRỰC, Tệ Huynh chào mừng chư hướng đạo, chư hiền hữu hiền muội.

Thi:

Tái ngộ nhau đây để nhắc nhau,

Buồn vui nổi đạo tự ban đầu,

Xuyên qua đã mấy mươi Thu lẻ,

Ðạo nghiệp chinh chồng chửa tới đâu!

      Trong tình bạn đạo, gặp lại nhau, không thể không ôn lại những gì diễn tiến từ dĩ vãng đến hiện tại, những nổi buồn vui bại thành trên bước đường hành Ðạo, để giúp đở cho nhau những kinh nghiệm sống, âu đó cũng là bổn phận của người đi trước. Có chỉ bảo cho nhau để lớp người sau biết những gì cần phải làm, những gì cần phải tránh, để làm vốn liếng thực hiện đại chí của bực hướng đạo, làm sao cho đúng với tôn chỉ khai Ðạo mà Ðức Chí-Tôn đã định, để hoàn thành sứ mạng thế Thiên hành hóa và cũng để khỏi ân hận nuối tiếc như lớp người đã đi qua trong quá khứ.

      Nhớ lại buổi ban sơ, thoạt tiên chỉ là con số không. Nếu có thì cũng chỉ có 3 chữ nguyên âm A, Ă, Â. Từ con số không và A, Ă, Â, Chí-Tôn muốn thành trụ tướng Ðại-Ðạo Tam-Kỳ Phổ-Ðộ, phải nhờ cậy đến những lớp người có tấm lòng yêu nước thương nòi, có đức tin với Phật Trời, có những bản lĩnh can trường và đức hy sinh, có thế lực uy quyền để lập thành trụ tướng Cao-Ðài trong buổi ban sơ.

      Cũng từ buổi ấy, tuy Tân-Pháp Ðại-Ðạo được ban hành, nhưng quyền thưởng phạt của Ðức Chí Tôn cũng hải hà chi lượng, mở cửa Ðạo thật rộng để đón tiếp cứu độ các từng lớp nhơn sanh, và cũng do sự hải hà chi lượng đó nên các cấp lãnh đạo áp dụng luật pháp Ðạo không được nghiêm minh chặt chẻ. Kể từ đó nảy sanh những dị đồng trong quan niệm phổ độ nhơn sanh. Trong trạng huống đó có sự mâu thuẩn giữa hai tác dụng: một là lợi ích về phương diện truyền bá Ðạo, phổ độ thu hút nhơn sanh càng ngày càng đông đảo trong khoảng thời gian kỷ lục, nhơn số dân đạo đông đáng kể. Bất lợi khác là về phương diện thống nhứt ý chí, chấp hành luật pháp Ðạo. Cũng do sự dị đồng ấy, lực lượng tinh thần Ðạo bị chi phối ly tán, trở nên nhiều chi nhiều phái.

      Nếu khách quan phân định tội phước, thì mỗi một tổ chức nào cũng có công đức với Ðạo, vì mỗi cấp lãnh đạo chi phái đều đem hết nhiệt tâm truyền bá đạo lý, phổ độ nhơn sanh.

      Nếu trong sự phân tán đó có tổ chức, có lập trường, có chánh sách, có sự phân công ngay từ buổi ban đầu thì sự nghiệp đạo đức ngày nay đâu đến nổi để cực lòng cho hàng hướng đạo có nhiệt tâm với tiền đồ Ðại-Ðạo trong sự qui nhứt, hiệp nhứt hay thống nhứt.

      Năm xưa, vì căn trí nhơn sanh tín hữu chỉ mới tiến triển được ngần ấy, nên Chí-Tôn và các Ðấng Thiêng-Liêng tùy vào mức độ căn trí ấy để dạy Ðạo trên hình thức phổ độ truyền bá, đặt nặng vào guồng máy hành chánh đạo, tổ chức qui củ theo lề lối nhơn sanh thế đạo nhiều hơn.

      Còn về mặt nội tâm tịnh dưỡng, phân tách giữa cái ta của Thiên tánh và cái ta của bản ngã, có mấy ai được tường lãm. Cũng do đó mà từ hàng Chức Sắc, Thiên-Phong đến Chức Việc và nhơn sanh tín hữu thường thường chỉ nhận diện tôn sùng cái ta của bản ngã!

      Ngày nay, trải qua hơn bốn mươi lăm năm học Ðạo, hành Ðạo, những kinh nghiệm đắt giá do sự nhận thức của cái ta bản ngã đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các bực hướng Ðạo chơn tu hãy trở lại với thực tại, hướng về nội tâm để tìm cái ta Thiên tánh mà khoan dung, hỷ xã, chấp nhận mọi dị đồng, để linh động biến thể, đồng hóa các dị đồng ấy trở nên quan niệm tận thiện tận mỹ.

      Tạo-Hóa đã sanh vạn vật, mỗi loại đều có những sinh hoạt, những đặc tính riêng biệt của chúng, nhưng chỉ có sự sống và sự chết đều do một luật tối thượng vô hình duy nhứt chi phối mà thôi.

      Trong vạn loại ấy, mỗi mỗi đều có bản năng sinh tồn, có những sinh hoạt đặc biệt và có những sở trường sở đoản đặc biệt trong giới hạn của chúng, và cũng chịu sự chi phối đồng nhứt của luật Tạo đoan.

      Nhơn sanh cũng vậy. Tuy con người thuộc về hàng tối linh, nhưng khả năng thiên phú cũng có giới hạn nào đó mà thôi. Vì vậy, trong phạm vi hoạt động, bất cứ ngành nào, khoa nào cũng vậy, muốn cho ngành ấy, khoa ấy càng ngày tinh xảo thành công tuyệt mỹ, phải tập trung tất cả ý chí khả năng sở trường vào công cuộc nghiên cứu xây dựng, thì khoa ấy, ngành ấy mới mong đạt được như ý.

      Thí dụ người lập vườn, muốn ngôi vườn mình được sum sê sung túc từng cây từng bụi một, phải đòi hỏi người thợ vườn ấy có một khả năng tương xứng và diện tích khu vườn có giới hạn thích hợp với khả năng người thợ vườn. Có như vậy mới mong khu vườn ấy được sum sê sung mãn như ý muốn. Bằng trái lại thì cây và bụi, số lượng tuy nhiều, nhưng thiếu sự chăm sóc bón phân tưới nước thường xuyên, không sao tránh khỏi sự còi cọc sâu bọ và tàn rụi.

      Trong lãnh vực hành Ðạo cũng vậy. Hỡi ai có những khả năng tài ba đức độ và tác phong đạo hạnh, hãy xem gương người thợ vườn vừa kể trên, để chọn một việc làm cho thích hợp khả năng và hoàn cảnh của mình hầu làm cho phần việc ấy hoặc tổ chức ấy được sum sê sung mãn trong khu vườn đạo đức.

      Hiện nay chư hiền hữu hiền muội đang học tập tìm hiểu về nội tâm, phân tích giữa cái ta Thiên tánh và cái ta bản ngã. Hãy xem đó là đề tài cốt yếu để tiến đến hàng Thánh Tiên Phật thật sự. Nói cho chư hiền mừng và đừng quá tự kiêu e bị khảo. Mừng là vì đang giữa thời loạn ly, hoàn cảnh đất nước xã hội đang bị xáo trộn mọi mặt, người có phương tiện vật chất dễ dãi thì không nói chi, người thiếu phương tiện ấy, một mặt phải lăn vùi trong cát bụi để tìm miếng sống, một mặt tiết kiệm, rút những ngày giờ trong sự sống để tìm về lẽ sống bất diệt. Nếu không phải là những hàng thiện căn thiện trí, làm gì đánh thức được Thánh tâm, thuận tùng Thánh ý để thực hành Thánh sự!

      Tệ Huynh chỉ cho thấy mà giựt mình. Ðừng tưởng đang sống trên vinh hoa phú túc, được phương tiện dễ dãi mà hành Ðạo và đánh thức được Thánh tâm đâu nghe. Nếu thiếu căn trí, không khắc kỷ phục lễ, thì miếng đất phì nhiêu kia là những phân bón tốt cho loại ký sinh trùng, là những hố sâu để làm mồ chôn những nguyên căn xuống trần còn tham vọng, thích thụ hưởng vật chất đam mê. Còn những người thiếu mọi phương tiện cũng là những trở ngại rất lớn, nếu thiếu căn trí, lại nêu lên những từ ngữ: tại vì, bởi vì, lý do, v.v... Bao nhiêu thì giờ đành nhốt hết vào trong sự sống tạm bợ mà đành đánh mất sự sống vĩnh cửu!

      Cái câu "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn" cũng dựa vào đó mà phân định.

      Thử hỏi: vũ trụ bao la, trong thời hỗn mang sơ khai, thử hỏi Trời đâu? Ðất đâu? và Ta đâu?

      Sau khi phân định âm dương mới có thể gọi Trời, gọi Ðất và lần hồi có Ta. Trời, Ðất, Ta là ai? Nếu không tìm tòi học hỏi phân tích được cái ta Thiên tánh và cái ta bản ngã, thì muôn đời sau câu "Thiên thượng thiên hạ v.v..." vẫn còn trong bí mật và vẫn để cho đời chứng kiến sự đối chọi định nghĩa của mỗi người. Tại sao không kèm theo hai câu sau đây để cho sáng nghĩa:

"Tu hành là học làm Trời"

      Trời có phải là Thiên thượng chăng?

"Phải đâu kiếp kiếp làm người thế gian?"

      Người đây có phải là thiên hạ chăng?

      Còn cái ta là ai? Có phải cái ta là Thiên tánh trong cái bản ngã của thiên hạ đó chăng? Nếu ta bản ngã không tìm được cái ta Thiên tánh thì biết đời thuở nào mới kết quả được ý nghĩa của câu:

"Thầy là các con, các con là Thầy".

      Làm gì để cho hậu thế độc tôn?

      Ðó là Thích-Ca, đó là Gia-Tô Giáo-Chủ, đó là các hàng Giáo-Chủ siêu nhân, v.v...

      Vì quan hệ của kiếp làm người như thế, chi nên các Ðấng Thiêng-Liêng hằng kêu gọi nhắc nhở người tu đừng phí phạm thì giờ trong kiếp làm người.

      Tục ngữ Việt-Nam có câu: "Một tấc quang âm một tấc vàng", hoặc là "Tấc bóng tấc vàng" là quý ở chỗ đó.

      So sánh mà đem vàng vào đạo lý cũng là gượng để mà so sánh vậy thôi. Nếu một tấc bóng hành được đạo lý thì muôn lượng vàng cũng không đánh giá để so sánh được. Thế nên người tu luôn luôn thận trọng, kiểm soát, giữ gìn ý tứ, lời nói, việc làm.

            Có câu : "Bán cú phi ngôn ngộ tổn bình sanh chi đức". Thế nên người chơn tu thuần Ðạo rồi, ít nói những lời vô ích. Một lời nói ra phải có tác dụng như sau: an ủi, cảnh tỉnh, xoa dịu sự đau khổ, giáo dục đạo lý, đem lại nguồn an vui phấn khởi cho tha nhơn. Chỉ một cái liếc nhìn cũng nói lên được sự cảm tình trìu mến ngợi khen, biết ơn, tán đồng. Và cũng chính một cái liếc nói lên sự miệt thị, khinh khi, khêu khích, kiêu căng, làm cho tha nhân đau khổ. Và hành động cũng vậy. Mỗi việc, từ cái nhìn, lời nói, việc làm, đều có hai tác dụng: thiện và ác của nó. Nếu chịu khó phân tách được hai tác dụng đó sẽ lộ chơn tướng của cái nào chơn ngã, cái nào là giả ngã. Có phải vậy chăng chư hiền hữu hiền muội?

----> NEXT

 

Thiên-Lý Bửu-Tòa, 12695 Sycamore Ave, San Martin, CA 95046 - USA. Tel: (408) 683-0674

Website: www.thienlybuutoa.org     Email    Sơ đồ hướng dẫn tới TLBT

Thông bạch in Kinh