NHỮNG LỜI TIÊN TRI VỀ ĐẠO CAO-ĐÀI
Ngày giáng trần lập đạo của Thượng Đế đã được tiên tri từ mấy ngàn năm về trước.
1) Trong quyển “Phật Tông Nguyên Lý”, khi Đức Thích Ca sắp viên tịch, đệ tử của Ngài là Ananda rơi lụy hỏi rằng:
- "Khi Tôn Sư nhập Niết Bàn rồi ai dạy bảo các con?"
Đức Phật đáp:
- "Ta chẳng phải vị Phật đầu tiên hay cuối cùng, ngày giờ đến, sẽ có một Đấng khác xuất hiện cứu đời, một Đấng Chí Thánh, một Đấng Đại Giác, cực kỳ cao thượng, một Đấng dẫn Đạo vô song, một Đấng Chúa Tể Thánh Thần và loài người, Đấng ấy sẽ truyền dạy các con một mối Đạo vinh diệu buổi sơ khai, vinh diệu buổi thạnh hành, vinh diệu buổi kết cuộc, Đấng ấy sẽ xướng xuất một đời sống đạo đức hoàn toàn thuần khiết".
Đấng Chúa Tể Thánh Thần và loài người chỉ có thể là Đức THƯỢNG-ĐẾ mà
thôi.
2) Lời tiên tri trong quyển “Thanh Tịnh Kinh” của Lão giáo:
"Thanh Tịnh kinh hữu di tích: Công viên quả mãn chỉ thọ đơn thơ. Thiên mạng phương khả truyền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ" nghĩa là: "Kinh Thanh Tịnh có dấu tích để lại rằng: Công đầy quả đủ sẽ được lãnh thọ đơn thơ. Người có mạng Trời khá nên truyền Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ".
3) Lời tiên tri trong quyển “Vạn Pháp Qui Tông”: Quyển “Vạn Pháp Qui Tông” lưu truyền trong nhân gian hơn mấy trăm năm nay có câu "Cao Đài tiên bút thi văn tự" nghĩa là trong Đạo Cao-Đài mai sau sẽ có thơ văn của chư Tiên do thần cơ diệu bút tiếp ra.
4) Lời tiên tri qua cơ bút (*)
Các đàn tiên tri quy tụ những người hầu đàn cơ gồm đủ mọi tầng lớp trong xã hội, do nhiều mục đích khác nhau. Có thể chia ra ba nhóm chính:
- Nhóm sĩ phu ưu thời mẫn thế, mượn đàn cơ để hỏi việc thiên cơ, hầu hết vận mệnh đất nước ra sao. Những đàn này thường lập rất kín đáo.
- Nhóm mặc khách tao nhân, mượn đàn cơ để xướng họa thi phú với thần tiên, di dưỡng tính tình. Những đàn này thường lập trong ít người đồng thanh khí.
- Nhóm bình dân, gồm những người cần xin thuốc chữa bịnh, cầu thọ ... Những đàn này phổ biến hơn cả, rất đa dạng. Qua sự linh ứng nhãn tiền, đông đảo dân chúng đã có đức tin nơi siêu hình. Những đàn này thường chỉ hoạt động trong một thời gian nhất định, tại một địa phương nào đó, rồi ngưng hẳn (bế đàn). Ở Nam Kỳ hồi đầu thế kỷ XX có một số đàn hữu danh thuộc loại này, như đàn Hiệp Minh (ở Cái Khế, tỉnh Cần Thơ), đàn Minh Thiện (ở Thủ Dầu Một), đàn Chợ Gạo (tỉnh Chợ Lớn)...
Trong số các đàn tiên tri sự xuất hiện của đạo Cao Đài, có thể dẫn lại ba trường hợp tiêu biểu như sau:
a. Đàn tại quận Cao Lãnh (1913)
Thứ sáu, ngày 03-01-1913 (26-11 Quý Sửu), tại quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc, một nhóm sĩ phu lập đàn tại nhà ông Lê Quang Hiển (nhạc phụ nhà báo Diệp Văn Kỳ), mục đích hỏi về thiên cơ, quốc sự. Chơn linh nhà Nho yêu nước Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân (1841 - 1875) giáng cơ ban cho bài thơ chữ Nho như sau:
Dung tất Cao Đài nhiệm khuất thân,
Tứ triêm đào lý nhứt môn xuân.
Canh tân bồi ức giang sơn cựu,
Trừ cựu thời thiêm tuế nguyệt tân.
Cửu thập thiều quang sơ bán lục,
Nhất luân minh nguyệt vị tam phân.
Thứa nhàn hạc giá không trung vụ,
Mục đỗ Cao Đài tráng chí thân.
Ngài lại ban cho bài thơ dịch:
Co duỗi Cao Đài khoẻ tấm thân,
Dạo xem đào lý đượm màu xuân.
Giang sơn chẳng khác ngàn năm cũ,
Ngày tháng chờ thay một chữ tân.
Chín chục thiều quang vừa nửa sáu,
Một vừng trăng rạng chửa ba phân.
Thừa nhàn cưỡi hạc không trung ruổi,
Chạm mắt Cao Đài khoẻ tấm thân. [1]
Hai chữ Cao Đài được nhắc tới bốn lần mà không ai hiểu ngụ ý gì. Gia đình ông Lê Quang Hiển sao lại hai bài thơ, cất lên trang thờ làm kỷ niệm. Cuối năm 1926 (Bính Dần), khi các ông Cao Quỳnh Cư, Cao Hoài Sang, Lê Bá Trang, Vương Quan Kỳ ... trong đợt phổ độ Lục Tỉnh đến tại quận Cao Lãnh bấy giờ mọi người mới nhớ lại bài thơ mười ba năm trước.
Lê Quang Hiển (ảnh tài liệu của Thiện Mộc Lan, Sa Đéc)
b. Đàn tại miễu Nổi (1923) và chùa Ngọc Hoàng (1923)
Miễu Nổi không biết có từ bao giờ, nằm trên một cồn nhỏ rộng khoảng một trăm thước vuông, ở giữa sông Bến Cát, là chi nhánh sông Bình Lợi, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định cũ. Trong miễu thờ Tề thiên Đại thánh, Ngũ long Công chúa.[2]
Trong một đàn lập ở miễu Nổi đêm 17-6 Quý Hợi (thứ Hai 30-7-1923), một vị trong Bát tiên là Tào Quốc Cữu giáng cơ khuyến tu, có đoạn: “Chư nhu có phước có duyên nên mới gặp Đạo kỳ này là kỳ thứ ba. Thiệt chư nhu có đại căn mới gặp trước thiên hạ đó. Hữu duyên đắc ngộ Tam kỳ độ, tiên thánh đều lâm phàm mà độ kẻ nguyên nhân.” [3]
Cùng năm ấy còn có một đàn cơ tiên tri khác, vào đêm 22-7 Quý Hợi (Chủ nhật 02-9-1923):
Huê phát Tam kỳ Đạo dĩ khai,
Quang minh tứ hướng thướng tam tài.
Đại phước kim đơn thân đắc ngộ,
Đế quân giáng hạ, nhữ vô tai. [4]
Bài thơ quán thủ thành Huê Quang Đại đế, là vị giáng đàn. Câu một nói “Tam kỳ Đạo dĩ khai” (Đạo kỳ Ba đã mở rồi) ám chỉ việc ông Ngô Văn Chiêu đã học đạo với đức Cao Đài trước đó hai, ba năm (1920-1921). Câu hai nói “tứ hướng thướng tam tài” (bốn phương đều kéo cờ ba màu) tiên tri từ năm 1926 trở đi khắp nơi sẽ nhìn thấy cờ của đạo Cao Đài gồm ba màu Vàng, Xanh, Đỏ, tượng trưng cho Tam giáo (Phật, Lão, Nho). Câu ba nói tới “kim đơn” nhằm ngụ ý liên hệ tới phần nội giáo tâm truyền (tu thiền hay tịnh luyện) của đạo Cao Đài.
Đàn tiên tri nói trên tiếp nhận tại chùa Ngọc Hoàng. Chùa này nằm trên đường Phạm Đăng Hưng, vùng Đất Hộ (Đa Kao), lúc đầu tên gọi là Ngọc Hoàng điện, tạo tác trong hai năm 1905-1906. Vị giữ chùa đầu tiên là Lưu Minh, ăn chay trường, tu Minh sư. [5]
Chùa Ngọc Hoàng ở Đa Kao (ảnh tài liệu)
5) Lời tiên tri trong kinh điển Minh sư (*)
Minh sư là một tông phái thờ Tam giáo, nhưng trọng về Lão, sử dụng cơ bút, tu đơn (tức thiền đạo Lão). Khởi thuỷ, môn phái này quy tụ các di thần nhà Minh (Trung Quốc), xuất hiện đầu đời Thanh (cuối thế kỷ XVII). Tổ thứ mười hai của Minh sư là ông Trần Thọ Khánh có qua Việt Nam năm Giáp Ngọ (1894), năm sau tạ thế ở Trung Quốc.[6] Đạo Minh sư lúc đầu nuôi chí “phản Thanh phục Minh” nhưng với thời gian đã thay đổi nhiều. Khi được truyền bá ở Việt Nam, Minh sư trở thành một môn phái tu hành thuần túy, rất có uy tín ở Trung Kỳ và Nam Kỳ. Chùa Minh sư được gọi là Phật đường. Rất nhiều Phật đường là căn cứ mật của nghĩa quân chống Pháp.
Trước khi đạo Cao Đài xuất thế, trong tín đồ thông chữ Hán của Minh sư thường truyền tụng hai câu mà quán thủ là Cao Đài:
Cao như bắc khuyết nhân chiêm ngưỡng,
Đài tại nam phương Đạo thống truyền.
Ở miền Tam Quan, tỉnh Bình Định, Trung Kỳ, có phái tu Minh sư của một nhà ái quốc là đạo sĩ Trần Cao Vân (1866-1916). Kinh nhật tụng của phái này có hai câu:
Con cầu Phật tổ Như lai,
Con cầu cho thấu Cao Đài Tiên ông .
Đợi đến khi Cao Đài truyền từ Nam ra Trung, tín đồ Minh sư mới nghiệm được lời tiên tri. Lối tu có cơ bút, thờ Tam giáo của Cao Đài lại phù hợp Minh sư nên các lão sư và đông đảo tín đồ đã mau lẹ nhập môn, trong sự hân hoan là từ đây người nước Nam đã có đạo của dân tộc Việt Nam.
Sự xuất hiện của đạo Cao Đài ở Việt Nam, khởi nguyên từ đất Nam Kỳ, đã diễn ra trong một thời kỳ lâu dài. Riêng về thời kỳ tiềm ẩn, nhằm chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho đạo Cao Đài ra đời, có thể ấn định mốc thời gian khởi từ năm Canh Thân (1920) là năm lần đầu tiên vị môn đồ đầu tiên của đức Cao Đài là ông Ngô Văn Chiêu được biết đến hồng danh Cao Đài trong một đàn cơ ở tỉnh Tân An. Khởi từ năm ấy, thời kỳ tiềm ẩn có thể coi như kết thúc vào cuối tháng 8 Bính Dần (tháng 9-1926), vì vào lúc đó, ông Lê Văn Trung đã cùng các đồng môn công bố tuyên ngôn chính thức về sự ra đời của đạo Cao Đài. Tuyên ngôn này thường được gọi đơn giản là Tờ khai Đạo.
....Thượng Đế, ứng hợp với những lời tiên tri, đã giáng trần, bằng huyền cơ diệu bút, sáng lập Đạo Cao-Đài tại Việt Nam vào năm Bính Dần 1926.
___________________________
Chú thích:
(*) Phần 4 và 5 của bài này được trích từ “Lịch sử Đạo Cao-Đài thời kỳ tiềm ẩn 1920-1926”, chương I “Đất Nam Kỳ”, của tác giả Lê Anh Dũng.
[1] Huệ Lương, Đại đạo Tam kỳ Phổ độ (Cao Đài giáo) sơ giải. Sài Gòn: Nxb Thanh hương Tòng thơ, 1963, tr. 27.
[2] Huỳnh Minh, Gia Định xưa và nay. Sài Gòn: 1973, tr. 203.
[3] Nguyễn Trung Hậu, Đại đạo căn nguyên. Sài Gòn: 1957, tr. 9.
[4] Nguyễn Trung Hậu, Đại đạo căn nguyên. 1957, tr. 9.
[5] Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa. Sài Gòn: Nxb Khai trí, 1969, tr. 198.
[6] Sơn Nam, Cá tính của miền Nam. Sài Gòn: Nxb Đông phố, 1974, tr. 108.