Trở lại trang chánh của Website Thiên Lý Bửu Tòa
|
Phép bói của người Trung Quốc ngày xưa Lê Anh MinhI. DẪN NHẬP
Phùng Hữu Lan 馮友蘭 [1] liệt kê 6 phép dự trắc chính yếu mà ông gọi chung là thuật số 術數, bao gồm: thiên văn 天文 (astrology), lịch phổ 歷譜 (almanacs), ngũ hành 五行 (five elements), thi quy 蓍龜 (yarrow stalk divination and tortoise shell divination), tạp chiêm 雜占 (miscellaneous divinations), và hình pháp 形法 (system of forms). Trong bài viết này tôi giới hạn đề tài ở ba phép bói: bói giáp cốt, bói cỏ thi, và bói đồng xu. Thật ra là hai phép mà Phùng Hữu Lan gọi chung là thi quy. Phép bói đồng xu (coin oracle) là biến dạng của bói cỏ thi.
Phép bói giáp cốt có từ đời Thương 商 (1766-1121 tcn). Phép bói cỏ thi có từ đời Chu 周 (1121-255 tcn).[2] Phép bói đồng xu không rõ xuất hiện tự bao giờ. Các phép bói này thất truyền đã lâu. Ở đây tôi chú trọng khía cạnh lịch sử hơn là bói toán. Theo quan điểm cụ Phan Bội Châu[3] và cụ Nguyễn Hiến Lê[4] Kinh Dịch nên được xem là một triết thư (sách triết) hơn là một bốc thư (sách bói). Cụ Phan đã bỏ tất cả những chương tiết nói về bói toán. Cụ Nguyễn có dịch bổ sung những chương tiết đó, chẳng hạn chương IX của Hệ Từ Thượng (Cụ Phan bỏ trọn) bàn về phép bói cỏ thi và sự bí ẩn của những con số, nhưng cụ Nguyễn bảo không có gì sâu sắc. Ngay đến Richard Wilhelm, rất nổi tiếng với bản dịch Đức ngữ I Ging-Das Buch der Wandlungen (Jena 1923) và từng biểu diễn bói Dịch tại The Psychological Club (Zürich) theo lời mời của C.G. Jung[5] năm 1923, cũng cho rằng «việc bói toán thiếu ý nghĩa đạo đức.» [6]
Joseph Needham,[7] Werner,[8] Richard Wilhelm,[9] Tsui Chi,[10] Février[11] ... khi khảo về lịch sử, văn minh, xã hội, khoa học, văn tự Trung Quốc đều nói đến hai phép bói giáp cốt và cỏ thi này bởi lẽ chúng phản ảnh phần nào về nhân sinh quan, vũ trụ quan, và văn tự Trung Quốc. Tuy rằng các vị trình bày vấn đề hơi khác nhau.
Dẫu biết việc bói toán thật huyễn hoặc và thiếu đạo đức (như Richard Wilhelm nói) nhưng thiết tưởng cần có một sự tổng hợp về vấn đề này dựa trên kiến giải của các nhà Đông phương học nói trên. Nếu bài viết chưa toát được một cái nhìn đầy đủ thì nó cũng làm tròn nhiệm vụ kép: tổng hợp và gợi mở vấn đề cho những ai quan tâm. II. XÃ HỘI TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI VÀ CĂN NGUYÊN VIỆC BỐC PHỆ
Xã hội Trung Quốc cổ đại đắm chìm trong bầu không khí thần bí, mê tín. Người dân thuở ấy tin rằng người và vũ trụ có mối tương quan mật thiết. Họ tin tưởng và quy phục những thế lực siêu nhiên và từ đó nảy sinh tín ngưỡng đa thần (多神論 polytheism); và cũng từ đó nảy sinh giới phù thủy, đồng cốt, thầy cúng, thầy bói... Chính những người này đã vẽ vời những nghi thức cúng tế, xếp đặt ngôi vị cho các thiện thần và ác thần. Đến đời Hạ 夏 (2205-1766 tcn), đời Thương 商 (1766-1121 tcn), quan niệm Thiên 天 và Đế 帝 xuất hiện. Tín ngưỡng nhất thần (一神論 monotheism) ra đời với ảnh hưởng mạnh mẽ và được truyền bá song hành với tín ngưỡng đa thần.[12]
Người dân Trung Quốc cổ đại quan niệm Thiên (ông Trời) là một tuyệt đối thể có tính cách như con người trên mặt đất, những chữ khắc trên xương, trên đồ đồng ngày xưa cho thấy cổ nhân khắc một hình người đứng thẳng để tượng trưng cho Trời và gọi là Thiên. Phải chăng người xưa quan niệm Thiên 天 chính là con người phóng to và nhân 人 (người) là ông Trời thu nhỏ? Phải chăng đây là vết tích chứng tỏ các quan niệm Thiên địa vạn vật đồng nhất thể 天地萬物同一體, Thiên nhân hợp nhất 天人合一, Thiên nhân tương dữ 天人相與 là những quan niệm hết sức lâu đời trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc?
Những chữ khắc trên đồ đồng cuối đời Thương và vào đời Chu cho thấy người ta hay dùng từ Thượng đế 上帝 và người đời Chu thường dùng từ Thiên 天 để biểu thị một tuyệt đối thể là ông Trời. Khi nhà Chu kế tục nhà Thương, hai từ Thượng đế và Thiên được dùng thông với nhau vì ý nghĩa tương đồng.
Tuy nhiên người Trung Quốc cổ đại không chỉ thờ thần linh, họ còn thờ cúng gia tiên nữa (tổ tiên sùng bái 祖先崇拜: ancestor worship). Thật khó mà xác định tín ngưỡng nào có trước, có sau. Thông thường, khuynh hướng thờ cúng gia tiên (thờ cúng cha mẹ, ông bà, và tổ tiên đã khuất) xuất hiện trong xã hội định cư nông nghiệp. Khuynh hướng thờ thần linh thường thấy ở dân du mục vì họ thường xuyên tiếp cận với thiên nhiên bao la hùng vĩ và chứng kiến biết bao hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ. Cả hai khuynh hướng này không tương khắc mà lại tương hòa và cùng xuất hiện trong xã hội Trung Quốc từ cuối đời Thương vốn dĩ là xã hội định cư nông nghiệp.
Người Trung Quốc cổ đại tin vào sự toàn năng (omnipotence), toàn trí (omniscience) của Trời. Trời bảo sao thì nghe vậy (thuận thiên mệnh 順天命). Người ta còn tin vào sự độ trì của gia tiên, bởi tin rằng con người có linh hồn bất tử trong một thân xác khả hoại. Tuy đã khuất nhưng gia tiên luôn có thể bảo hộ độ trì cho con cháu. Sự hướng về đối tượng thiêng liêng trong gia tộc đó là sợi dây liên kết những người trong gia tộc với nhau và điều này dẫn đến tinh thần gia tộc và huyết thống rất mãnh liệt của người Trung Quốc. Những thiện thư 善書 (sách khuyến thiện: morality tracts, books of edification) phổ biến nhất như Cảm Ứng Thiên 感應篇, Âm Chất Văn 陰騭文, Công Quá Cách 功過格 của Đạo giáo đều nhấn mạnh đến khía cạnh huyết thống và thân tộc trong việc tu dưỡng đạo đức của từng cá nhân. Chính vì thế mà nảy sinh quan niệm sinh ký tử quy 生寄死歸 (sống gởi thác về). Về đâu? Về với gia tiên nơi cõi trời vĩnh phúc (cũng như người Việt hay nói đi theo ông bà ông vải)? Quan niệm đó có thể sai. Nhưng điều đó không quan trọng. Một khi con người bám víu vào một niềm tin nào đó (đúng hoặc sai), họ sẽ cảm thấy an tâm trong cuộc sống vì ít ra cuộc đời còn có một ý nghĩa gì đó. Nếu vậy cái chết chẳng qua là cuộc hành trình quy cố hương có cuộc đoàn viên đón chờ. Quan niệm sinh ký tử quy còn tiết lộ cái thế giới quan (Weltsanschauung / world view) của người Trung quốc: mỗi con người là một phần tử của vũ trụ, cái chết không phải là mất đi mà là một sự phát triển tự nhiên trong chuỗi sinh tử bất tận.[13] Thế kỷ XI, Trương Tái 張載, một đại nho đời Bắc Tống, viết trong bài Tây Minh 西銘: «Tồn, ngô thuận sự. Một, ngô ninh dã.» 存吾順事沒吾寧也 (Khi ta sống, ta thuận [Trời] mà phụng sự, khi ta chết, ta cảm thấy an bình).[14] Thái độ vô úy tử (không sợ chết) phần nào đã giải thích được tính thâm trầm của người Đông phương.
Người Trung Quốc cổ đại dân trí thấp, nói gì đến cái mà ngày nay ta gọi là khoa học kỹ thuật. Trước thiên tai, địch họa, nghèo đói, họ bám víu vào đâu? Muốn tiên liệu công việc sẽ tốt (cát) hay xấu (hung), được (đắc) hay mất (thất), muốn xem mưa có thuận, gió có hòa, muốn được lời khuyên để an tâm trong cơn bĩ, muốn tìm một sinh lộ trong cơn nguy khốn, thì người xưa chỉ còn biết trông cậy vào thần minh, vào gia tiên khuất mặt.
Thiên Hồng phạm 洪範 của Kinh Thư, nơi trù thứ 7 (Minh dụng kê nghi 明用稽疑: sáng suốt dùng những cách để xét kỹ những sự nghi ngờ), bảo: «Nhữ tắc hữu đại nghi, mưu cập nãi tâm, mưu cập khanh sĩ, mưu cập thứ nhân, mưu cập bốc phệ.» 汝則有大疑謀及乃心謀及卿士謀及庶人謀及卜筮 (Nếu ngươi có điều nghi hoặc lớn thì hãy tự hỏi lòng, hỏi khanh sĩ, hỏi thứ nhân, và hỏi bốc phệ).[15] Trù thứ 7 này cũng quy định sự tuyển chọn người chuyên lo về việc bốc phệ: «Trạch kiến lập bốc phệ nhân nãi mệnh bốc phệ.» 擇建立卜筮人乃命卜筮 (Chọn và đặt người trông coi về bói, rồi sai bói toán).[16] Bốc là phép bói bằng mai rùa, xương thú. Phệ là phép bói bằng cỏ thi. Trong ba viên chức lo về bốc phệ (bốc phệ nhân), lời giải đoán tùy thuộc vào nguyên tắc quá bán để có một kết luận chung (Tam nhân chiêm tắc tòng nhị nhân chi ngôn 三人占則從二人之言 (Ba người xem bói thì phải theo ý kiến của hai người).[17] Kinh Thư quan niệm đại đồng 大同 là khi vua bằng lòng, bói rùa được, bói cỏ thi được, khanh sĩ đồng ý, và dân chúng bằng lòng (Nhữ tắc tòng, quy tòng, phệ tòng, khanh sĩ tòng, thứ dân tòng 汝則從龜從筮從卿士從庶人從 ) .[18] Dù vua tôi và dân chúng không bằng lòng nhưng khi bốc phệ cho là tốt thì sự việc hoài nghi đưa ra xem bói ấy vẫn tốt. Còn Kinh Dịch (Hệ Từ Thượng) thì bảo: «Để tiên liệu điều tốt hoặc xấu của thiên hạ, để tựu thành những nỗ lực của thiên hạ, không có gì bằng bốc phệ.» (Dĩ định thiên hạ chi cát hung, thành thiên hạ chi vĩ vĩ giả, mạc đại hồ thi quy 以定天下之吉凶成天下之亹亹者莫大乎蓍龜).[19]
Nơi triều đình nhà Thương, vua cũng là Đại tư tế (grand prêtre) lo việc tế trời và hương khói tiên đế trong nhà thái miếu. Việc bốc phệ cũng diễn ra ở đây. Quan lo việc bốc phệ gọi là quan thái bốc. Cuộc khai quật ở An Dương 1899 phát hiện kinh đô cuối đời Thương chu vi khoảng 800 mét; cung vua quay về hướng Nam, gồm 3 ngôi điện (gọi là Minh Đường). Điện giữa (chiùnh điện) để họp triều, phía Đông điện đó là nhà thái miếu thờ tiên đế, và phía Tây là nơi thờ thần xã tắc.[20] III. NGHI THỨC BỐC PHỆ-LUẬT CẢM ỨNG
Mục đích bói đã rõ, nhưng việc bói muốn thành công phải có lễ nghi và thành khẩn. Trong bốc phệ có luật cảm ứng (nếu ta có thể gọi đó là luật). Người xem bói (enquirer) phải cảm (tức là thành khẩn) thì thần minh mới ứng (đáp ứng, trả lời). Những người bói toán thường vin vào đây để chống chế cho những lời giải đoán sai lạc tối tăm của họ: Vì người xem bói không thành khẩn nên quẻ bói không linh nghiệm.
Sự thành khẩn phải thể hiện cụ thể, từ thái độ trân trọng vật để bói cho đến nghi thức tiến hành phép bói. Ngô Tất Tố ghi chép khá kỹ về nghi thức bốc phệ. Nào là cách làm nhà chứa cỏ thi, cách giữ gìn, cách bố trí chỗ bói, nào là cách khấn vái, cúng lạy, v.v. Chính lời khấn vái này phản ánh mục đích người xem bói: «Mượn ngươi vật bói lớn (đọc 2 lần). Tôi (chức tước, họ tên) vì việc chưa biết nên hay chăng, vậy đem lời nghi hoặc hỏi thần linh. Việc sẽ lành dữ, được mất, hối tiếc hay lo sợ, ngươi có thiêng hãy bảo cho rõ.» [21]
John Blofeld, trong quyển I Ching (The ancient Chinese Book of Divination) [22] của ông, đã tóm tắt cách bói trong 11 điều, trong đó có 4 điều về nghi thức sau khi ông dành trọn hai chương nói về bói Dịch. Tôi dịch 4 điều đó như sau:
1. Khi không dùng Kinh Dịch, hãy bọc sách lại sạch sẽ bằng vải hay lụa và để chỗ cao thích hợp, thấp nhất là ngang vai người lớn đứng thẳng. Các thẻ bói (divining sticks) được đặt trong hộp có nắp đậy và không được dùng cho mục đích khác. Đặt hộp thẻ bói kế bên quyển Kinh Dịch. (Blofeld thay cỏ thi bằng những thẻ tre chừng 1-2 feet, cỡ kim đan áo len). 2. Trước lúc lập quẻ bói, lấy Kinh Dịch xuống, đặt lên bàn giữa phòng, hướng về phía Nam. Trên bàn còn đặt bát nhang (incense burner), 50 thẻ bói, hai khay nhỏ, và giấy bút. 3. Người xem bói quỳ trước bàn, lưng xoay về phía Nam, lạy 3 lạy (the enquirer prostrates himself thrice), đốt nhang và khấn (khấn thầm hoặc ra tiếng). Trong lúc khấn, tay phải cầm 50 thẻ bói đảo 3 vòng theo chiều kim đồng hồ trong khói hương xông lên. Sau đó lập quẻ bói và đoán. 4. Khi bói xong, thắp một nén nhang nữa, lạy 3 lạy, cất dụng cụ bói về chỗ cũ.
Các nhà nghiên cứu Kinh Dịch trình bày hơi khác nhau về nghi thức bói nhưng đại khái đều nhấn mạnh đến sự thành khẩn. IV. BÓI GIÁP CỐT VÀ GIÁP CỐT VĂN
Trong hai chữ bốc phệ, bốc 卜 tức là phép bói rùa (bói giáp cốt) và phệ 筮 là phép bói bằng cỏ thi. Phép bói giáp cốt có từ đời Thương. Giáp 甲 ở đây là quy giáp 龜甲 (mai rùa: tortoise shell, tortoise carapace). Cốt ở đây là xương bả vai (scapula) cuả thú vật (bò hoặc nai). Theo Bản Thảo Cương Mục, mai rùa để bói là của loài thủy quy 水龜 (rùa nước), loài này rất giống một loài rùa có tên khoa học là reevesii. Nhưng các nhà khảo cổ khảo sát những mai rùa đào được ở An Dương lại cho rằng đó là loài địa quy 地龜 (rùa đất, land tortoise), tên khoa học là pseudocadia anyangensis nay đã tuyệt chủng.
Cách bói bằng mai rùa và xương thú được gọi là bốc卜. Chữ bốc gồm một nét dọc (tung) và một nét ngang (hoành) tượng trưng nét nứt trên mai rùa sau khi bị hơ nóng (Chích quy chi hình, quy triệu chi tung hoành dã 炙龜之形龜兆之縰橫也).[23] Nguyễn Hiến Lê hiểu quy giáp là yếm rùa chứ không phải mai rùa (có lẽ vì yếm rùa dễ nứt hơn?)[24] Lưu Ngọc Kiến 劉玉建 trong Trung Quốc Cổ Đại Quy Bốc Văn Hóa 中國古代龜卜文化 [25] đã trưng dẫn nhiều hình ảnh về những mảnh quy giáp bao gồm cả mai rùa (bối giáp 背甲) lẫn yếm rùa (phúc giáp 腹甲). Thực tế người ta còn đào được những mảnh giáp kiều 甲橋 (phần hông tiếp giáp bối giáp và phúc giáp) có khắc chữ.
Lionel Charles Hopkins[26] (1854-1952) cho rằng chữ bốc 卜 giống hình xương bả vai của loài thú. Còn chữ chiêm 占 (giải đoán) gồm chữ khẩu 口 (miệng) và bốc 卜 (bói), ngụ ý dùng lời nói để giải đoán từ những mảnh xương đó.[27] Léon Wieger giải thích chiêm là bói để hỏi những gì mà ta nghi hoặc (bốc dĩ vấn nghi dã 卜以問疑也). Theo từ điển Từ Hải, bốc là vết nứt ngang dọc trên mai rùa bị nung nóng. Cổ nhân muốn dự đoán công việc sẽ tốt xấu ra sao, đa số thường nung nóng mai rùa để tìm vết nứt mà đoán.
Nhưng tại sao lại dùng mai rùa? Linh mục Larre trong bài thuyết trình tại Trung Tâm Văn Hóa Pháp (Saigon, 1965) về Đạo Xử Kỷ Tiếp Vật Trong Kinh Dịch (Le savoir vivre dans le Livre des Mutations) bảo cổ nhân dùng mai rùa vì rùa là một vũ trụ thu nhỏ. Mai rùa tượng trưng cho vòm trời, bốn chân tượng trưng cho đất. Còn cỏ thi (l’achillée millefeuille) là cỏ thiêng có thể cảm ứng được những biến dịch trong vũ trụ. Charles Poncé thì bảo rùa là vật mang sự minh triết (the carrier of wisdom), không những biết được những bí mật dưới đáy biển mà còn ôm ấp những bí mật ấy trong bụng. Rùa sống được dưới nước lẫn trên đất, nó dung hòa hai hành tương khắc trong ngũ hành 五行 là thủy 水 (nước) và thổ 土 (đất).[28]
Thật ra người Trung quốc cổ đại có nhiều phép bói tùy theo nhóm dân tộc. Hán tộc dùng cốt bốc骨卜 (bói xương), quy bốc龜卜 (bói rùa), thi phệ 蓍筮 (bói cỏ thi). Đó là ba phép bói chính thống được sử dụng trong ba vương triều : Hạ 夏, Thương 商, và Chu 周. Các dân thiểu số lại có các phép bói riêng như: tộc Khổ Thông 苦聰 bói bằng cỏ (thảo), trứng gà (kê đản); tộc Ngõa 佤 (nay chủ yếu phân bố ở tỉnh Vân Nam) bói bằng gan trâu, gan bò (ngưu can), xương gà (kê cốt); tộc Lê 黎 (nay ở Quảng Đông) bói bằng gà (kê), đá (thạch), nắm bùn (nê bao); tộc Cảnh Pha 景頗 (nay ở Vân Nam) bói bằng tre trúc (trúc); tộc Lật Túc 傈僳 (đọc là lisu, nay ở tỉnh Vân Nam) bói bằng dao (đao), vỏ sò vỏ ốc (bối xác); tộc Di 彝 (nay ở Vân Nam, Tứ Xuyên, Quý Châu) bói bằng xương bả vai của con dê (dương kiên giáp cốt 羊 肩 胛 骨); tộc Khương 羌 (nay ở Tứ Xuyên) bói bằng trứng gà (kê đản), lông dê (dương mao), v.v...[29] Điều này chính Tư Mã Thiên cũng xác nhận: «Tam vương bất đồng quy, tứ di các dị bốc.» 三王不同龜四夷各異卜 (Sử Ký, Quy sách liệt truyện 龜策列傳). Hán tộc sùng bái rùa vì rùa là một trong bốn linh vật như Lễ Ký đã xác định: «Hà vị chi tứ linh? Lân, phụng, quy, long vị chi tứ linh.» 何謂之四靈麟鳳龜龍謂之四靈 (Bốn linh vật là gì? Lân, phượng, rùa và rồng được gọi là tứ linh) (Lễ Ký 禮記, Lễ vận 禮運). Trong tứ linh chỉ có quy là có thật còn ba linh vật kia là huyền thoại, chỉ nghe nói, chưa ai thấy. Quy đứng đầu tứ linh. Theo Vương Hữu Tam 王友三 [30] sùng bái tứ linh, nhất là sùng bái rùa là một hình thức của tôn giáo nguyên thủy của Trung Quốc.
Lưu Ngọc Kiến [31] cho rằng sùng bái rùa còn liên quan đến sùng bái đồ đằng 圖騰 (thờ vật tổ, totemism, đồ đằng phiên âm chữ totem) và sùng bái sinh thực khí (cult of fertility). Lưu Ngọc Kiến chịu ảnh hưởng của Quách Mạt Nhược 郭沫若, trích dẫn tác phẩm Trung Quốc Cổ Đại Xã Hội Nghiên Cứu của họ Quách rằng: «Căn để của bát quái mà chúng ta có thể thấy rõ là dấu vết của sự sùng bái sinh thực khí. Nét vạch liền tức là nam căn, nét vạch đứt tức là nữ âm. Vì thế mà diễn ra thành quan niệm nam nữ, phụ mẫu, âm dương, cương nhu, và thiên địa.» Quả thực nền văn hoá phong nhiêu (hay phồn thực: fertility, fécondité, Fruchtbarkeit) là một hình thức phổ biến của tôn giáo nguyên thủy trên khắp thế giới. Người cổ đại thờ những linga (nam căn), yoni (nữ âm), thờ những nữ thần sinh sản và phồn thịnh (Fruchtbarkeitsgöttin). Thuyết của họ Quách có thể đúng. Trên cơ sở đó Lưu Ngọc Kiến liên tưởng đến đầu rùa (quy đầu) và những đào tổ 陶祖 hay thạch tổ 石祖 tức là những nam căn (sinh thực khí nam) bằng gốm hoặc bằng đá khai quật được ở Thiểm Tây, Cam Túc, Sơn Đông, Quảng Tây, Hồ Bắc, Hồ Nam, v.v. Chúng được giám định thuộc giai đoạn cuối của nền văn hóa Ngưỡng Thiều 仰韶文化 có 5000 năm tuổi. Như vậy sự sùng bái nam căn chứng tỏ vào thời kỳ này xã hội Trung Quốc cổ đại đã được chuyển từ chế độ mẫu hệ sang phụ hệ và sự sùng bái sinh thực khí nam đã ở giai đoạn đỉnh thịnh.
Sự sùng bái rùa có liên quan sự sùng bái sinh thực khí là một thuyết mới mẻ và táo bạo của họ Lưu. Nhưng bảo rằng sự sùng bái rùa có liên quan đến sùng bái đồ đằng 圖騰 thì chưa thuyết phục. Mặc dù Sơn Hải Kinh 山海經 tiết lộ rất nhiều về một số hình thức của tôn giáo nguyên thủy tại Trung Quốc như sùng bái linh vật, sùng bái đồ đằng (totem). Đặc điểm của đồ đằng là tính chất huyết duyên 血緣 hay thân duyên 親緣 của vật tổ. Vật tổ là bất kỳ một loại động vật, thực vật, hay vô sinh vật được một bộ tộc sùng bái như tổ tiên hay thân nhân. Đó là tính chất huyết duyên hay thân duyên. Người trong bộ tộc sùng bái đến mức sợ hãi vì chính vật tổ sẽ phù hộ cho cuộc sống của họ. Chính sùng bái đồ đằng (totemism) phát triển thành thờ cúng gia tiên (ancestor worship) về sau này.[32] Về nguyên tắc, sát thương hay ăn thịt vật tổ là một đại cấm kỵ. Nhưng trong thực tế người cổ đại vẫn giết rùa vì hai mục đích: lấy quy giáp làm vật bói và làm tiền tệ. Thời tiên Tần, mai rùa là một thứ tiền. Quẻ Tổn 損 của Kinh Dịch nói: «Thập bằng chi quy.» 十朋之龜 tức là số tiền gồm 20 xâu mai rùa (hai xâu là một bằng 兩串為一朋).[33] Vậy thì bảo rùa là một vật tổ của người Trung quốc cổ đại là không thông. Tôi cho rằng người ta sùng bái rùa vì ý nghĩa tượng trưng (symbolic meaning) của nó hơn là chính bản thân nó.
Lưu Ngọc Kiến giải thích nguyên do sự sùng bái rùa còn ở mấy điểm mà tôi tóm tắt như sau:
(1) Quy được xem là vật trân bảo, tầm cỡ quốc bảo. Kinh Thư (Hạ Thư-Vũ Cống) có câu : «Cửu Giang nạp tích đại quy.» 九江納錫大龜 (Dân Cửu Giang phải cống nạp rùa lớn). Khổng An Quốc nói: «Xích nhị thốn viết đại quy, xuất ư Cửu Giang thủy trung, quy bất thường dụng, tích mệnh nhi nạp chi.» 尺二寸曰大龜出於九江水中龜不常用錫命而納之 (Rùa một thước hai tấc gọi là đại quy, phát xuất từ Cửu Giang,[34] rùa này người ta không thường dùng, mà theo lệnh phải cống nạp). Kinh Thư (Chu Thư-Đại Cáo) có câu: «Ninh Vương di ngã đại bảo quy, thiệu thiên minh tức mệnh.» 寧王遺我大寶龜紹天明即命 (Vua Ninh Vương [tức là Vũ Vương] di tặng cho ta con rùa lớn rất quý báu dùng để xem mệnh Trời). Lễ Ký(chương Lễ Khí) chép: «Chư hầu dĩ quy vi bảo.» 諸侯以龜為寶 (Chư hầu xem rùa là vật báu). Khổng Dĩnh Đạt chú sớ: «Chư hầu dĩ quy vi bảo giả, chư hầu hữu bảo thổ chi trọng nghi tu chiêm tường cát hung, cố đắc dĩ quy vi bảo dã.» 諸侯以龜為寶者諸侯有保土之重宜須占詳吉凶故得以龜為寶也 (Chư hầu xem rùa là vật báu vì việc quan trọng là bảo vệ lãnh thổ, nên cần xem bói để rõ việc tốt xấu. Vì thế khi được rùa, xem đó là vật báu).
(2) Quy là biểu tượng của sự tài phú. Hán Thư (chương Thực Hóa Chí 食貨誌) nói: «Thực vị nông thực gia cốc khả thực chi vật. Hóa vị bố bạch khả ý, cập kim đao quy bối, sở dĩ phân tài bố lợi thông hữu vô dã. Nhị giả sinh dân chi bản, hưng tự Thần Nông chi thế... Thực túc hóa thông, nhiên hậu quốc thực dân phú, nhi giáo hóa thành.» 食謂農殖嘉谷可食之物貨謂布帛可衣及金刀龜貝所以分財布利通有無也而者生民之本興自神農之世… 食足貨通然後國實民富而教化成 (Thực phẩm là những thứ nhà nông trồng trọt cày cấy và ăn được. Hóa là những thứ vải bố vải lụa có thể mặc cho đến vàng, dao, rùa, vỏ sò nhằm phân bố tài lợi và lưu thông vật chất giữa chỗ có và chỗ không. Cả hai thứ ấy là điều cơ bản của đời sống dân chúng. Chúng hưng thịnh từ đời Thần Nông về sau... Lương thực đầy đủ, hàng hóa lưu thông thì nước mạnh dân giàu, và rồi việc giáo hóa dân chúng mới thành tựu). Như vậy quy giáp ngoài việc dùng để bói còn là một hàng hóa giá trị, thậm chí được sử dụng là một thứ tiền (hóa tệ 貨幣). Dân đời Thương đã qua giai đoạn sơ khai của nền kinh tế hàng đổi hàng (barter). Họ đã biết dùng tiền, tức là những vỏ sò vỏ ốc (bối xác) và mai rùa (quy giáp). Kinh Dịch, hào lục ngũ của quẻ Tổn và hào lục nhị của quẻ Ích đều nói: «Thập bằng chi quy.» 十朋之龜 (Số tiền gồm có 10 bằng) [hai bối 貝 là một bằng 朋, có người bảo 10 bối là một bằng]. Thuyết Văn Giải Tự 說文解字 của Hứa Thận 許慎 nói: «Cổ giả hóa bối nhi bảo quy, Chu nhi hữu bạch, chí Tần phế bối hành tiền.» 古者貨貝而寶龜周而有帛至秦廢行錢 (Người xưa dùng vỏ sò và mai rùa làm hóa tệ, đời Chu dùng lụa làm hóa tệ, đến đời Tần vỏ sò bị bỏ đi và lưu hành tiền tệ).
(3) Quy có tuổi thọ cao, biến hóa khôn lường nên linh vật này được dùng để bói. Luận Hành của Vương Sung, chương Bốc Phệ, có ghi chép cuộc đối thoại giữa Khổng Tử và cao đệ là Tử Lộ: «Tử Lộ vấn Khổng Tử viết: Trư kiên dương bác khả dĩ đắc triệu, hoan vĩ cao mao khả dĩ đắc số, hà tất dĩ thi quy? Khổng Tử viết: Bất nhiên. Cái thủ kỳ danh dã. Phù thi chi vi ngôn kỳ dã, quy chi vi ngôn cựu dã. Minh hồ nghi chi sự, đương vấn kỳ cựu dã.» 子路問孔子曰豬肩羊膊可以得兆雚葦藳芼可以得數何必以蓍龜孔子曰不然蓋取其名也夫蓍之為言耆也龜之為言舊也明狐疑之事當問耆舊也 (Tử Lộ hỏi Khổng Tử rằng: Thưa Thầy, xương vai heo, xương bả vai dê đều có thể [hơ nóng để tìm vết nứt mà] bói; cỏ hoan, cỏ vĩ, cỏ cao và cỏ mao cũng có thế bói xem số mệnh, việc gì mà phải dùng cỏ thi và mai rùa? Khổng Tử đáp: Không phải như vậy. Ấy bởi vì cái tên của chúng.Nói chung, thi [cỏ thi] là gọi từ kỳ [bậc kỳ lão sống lâu],còn quy là gọi từ cựu [cố cựu, lâu đời]. Muốn hiểu rõ việc mình đang hồ nghi thì phải hỏi han người kỳ cựu vậy). Thuyết Văn Giải Tự bảo: «Quy, cựu dã.» 龜舊也 (quy là xưa cũ). Đoàn Ngọc Tài chú: «Tức cửu tự dã. Lưu Hướng viết: Thi chi ngôn kỳ, quy chi ngôn cửu, quy thiên tuế nhi linh, thi bách kinh nhi thần, dĩ kỳ trường cửu, cố năng biện cát hung.» 即久字也劉向曰蓍之言耆龜之言久龜千歲而靈蓍百莖而神以其長久故能辨吉凶 (Đó là chữ cửu [lâu dài] vậy. Lưu Hướng nói: Thi là ý nói chữ kỳ, quy là ý nói chữ cửu; quy sống lâu ngàn năm nên linh thiêng, cỏ thi có trăm cọng lá nên có thần, cho nên lấy cái sự trường cửu của thi quy mà đoán việc cát hung). Bão Phác Tử nói: «Thiên tuế linh quy, ngũ sắc cụ yên, như ngọc như thạch, biến hóa mạc trắc, hoặc đại hoặc tiểu, hoặc du ư liên diệp chi thượng, hoặc phục ư kỳ tùng chi hạ.» 千歲靈龜五色具焉如玉如石變化莫測或大或小或游於蓮葉之上或伏於芪叢之下 (Rùa linh sống ngàn năm, có đủ ngũ sắc như ngọc như đá, biến hóa khôn lường, khi thì hóa to khi thì biến nhỏ, lúc thì bơi trên lá sen lúc lại nằm phục dưới đám cỏ kỳ). Bản Thảo Cương Mục 本草綱目 của Lý Thời Trân 李時珍 nói: «Quy niên chí bách thiên, tắc cụ ngũ sắc, nhi hoặc đại hoặc tiểu, biến hoá vô thường.» 龜年至百千則具五色而或大或小變化無常 (Tuổi của rùa có thể đến trăm ngàn năm, lúc ấy rùa có đủ năm sắc màu, khi hoá to lúc thu nhỏ, biến hóa không chừng).
(4) Quy là biểu tượng tam tài: thiên địa nhân. Lưng rùa (quy bối) cong tròn lên, tượng trưng cho vòm trời; yếm rùa (phúc giáp) phẳng và có góc cạnh, tượng trưng cho đất, ứng với thuyết thiên viên địa phương (trời tròn đất vuông). Sách Chu Bễ Toán Kinh 周髀算經 nói: «Phương thuộc địa, viên thuộc thiên, thiên viên địa phương.» 方屬地圓屬天天圓地方 (Vuông là thuộc tính của đất, tròn là thuộc tính của trời, nên trời tròn và đất vuông). Dịch Truyện (thuyết quái) nói: «Càn vi thiên, vi viên.» 乾為天為圓 (Càn là trời, thì tròn). Lã Thị Xuân Thu 呂氏春秋 (thiên Viên Đạo 圓道) viết: «Thiên viên nhi địa phương, thánh vương pháp chi, sở dĩ lập thượng hạ.» 天圓而地方聖王法之所以立上下 (Trời tròn mà đất vuông, bậc thánh vương noi theo đó mà ấn định phép tắc có trật tự trên dưới). Rùa theo truyền thuyết bị bà Nữ Oa 女媧 chặt chân làm cột chống trời, Hoài Nam Tử 淮南子 (thiên Lãm Minh Huấn 覽冥訓) chép: «Vãng cổ chi thời, tứ cực phế, Cửu Châu liệt, vô bất kiêm phúc, địa bất chu tái, hỏa lam viêm nhi bất diệt, thủy hạo dương nhi bất tức, mãnh thú thực chuyên dân, chí điểu quắc lão nhược. Ư thị, Nữ Oa luyện ngũ sắc thạch dĩ bổ thương thiên, đoạn ngao túc dĩ lập tứ cực, sát hắc long dĩ tế Ký châu, tích lư khôi dĩ chỉ dâm thủy. Thương thiên bổ, tứ cực chính, dâm thủy hạc, Ký Châu bình, giảo trùng tử, chuyên dân sinh, bối phương châu, bão viên thiên.» 往古之時四極廢九州裂無不兼覆地不周載火爁炎而不滅水浩洋而不息猛獸食顓民鷙鳥攫老弱於是女媧鍊五色石以補蒼天斷鼇足以立四極殺黑龍以濟冀州積蘆灰以止淫水蒼天補四極正淫水涸冀州平狡蟲死顓民生背方州抱圓天 (Ngày xa xưa, bốn trụ chống trời bị hư hoại, Cửu Châu [tức là Trung Quốc] bị đổ lở, không đâu mà không bị lật úp, đất không được che kín, lửa cháy hừng hực liên miên không tắt, nước ngập lụt mênh mông không ngưng, thú dữ ăn thịt dân lành, chim ưng hung ác quắp lấy người già cả ốm yếu. Cho nên bà Nữ Oa mới luyện đá năm màu để vá trời xanh, chặt chân rùa lớn làm bốn cột chống đỡ bầu trời, giết rồng đen cứu Ký Châu, chèn tro cỏ lư để ngăn nước lụt. Bầu trời xanh được vá lại, bốn trụ chống đỡ ngay ngắn, nước lụt rút khô đi, Ký Châu yên bình, thuồng luồng chết, dân lành sống, dựa lưng vào đất vuông ôm lấy bầu trời tròn). [Ngao là đại quy: rùa lớn]. Vậy rùa mang hình tượng trời và đất, chân rùa là cột chống đỡ bầu trời. Còn yếu tố thứ ba: nhân? Đó là thuyết sinh thực sùng bái liên hệ với đầu rùa (quy đầu 龜頭). Tóm lại rùa hết sức trân quý, hết sức linh thiêng không những vì sống lâu biết việc quá khứ vị lai mà còn vì bao gồm tam tài: Thiên-Địa-Nhân.[35]
Việc bói giáp cốt tưởng chừng đơn giản, thực tế thì không. Nó giúp ta hiểu được phần nào về nguồn gốc văn tự Trung Quốc. Mục đích bói thì không có gì để bàn. Nhưng cách bói thì thế nào? Các lời giải thích của từ điển và của các học giả không hoàn toàn giống nhau. Kể từ đời Thương đến nay (nghĩa là trên 3000 năm rồi), nó đã thất truyền. Những mảnh giáp cốt (oracle bones) đào được tại An Dương 安陽 ở thôn Tiểu Đồn 小屯 (cách huyện An Dương tỉnh Hà Nam 河南 5 dặm về phía Tây Bắc) kể từ năm 1899 tức năm Quang Tự 光緒 thứ 25 [36] khiến cho các nhà khảo cổ Trung Quốc lẫn Tây phương giám định là có từ đời Thương bởi lẽ An Dương là kinh đô cuối cùng của nhà Thương. Nhưng những chữ khắc trên giáp cốt (gọi là giáp cốt văn 甲骨文, trinh bốc văn tự 貞卜文, quy giáp văn 龜甲文) khó giúp ta hình dung trình tự phép bói.
Vậy có hai trường hợp cần khảo xét: (1) cổ nhân hơ nóng mai rùa hay xương thú rồi tìm vết nứt để chiêm đoán; hay là (2) cổ nhân khắc chữ trên mai rùa, sau đó hơ nó trên lửa nóng để tìm vết nứt mà chiêm đoán?
Lời giải thích của từ điển Từ Hải là căn cứ vào Thuyết Văn Giải Tự (của Hứa Thận, thế kỷ I cn), nguyên văn: Cổ nhân dục dự tri hậu sự chi cát hung, đa chước quy dĩ thủ triệu, cố vị kỳ sự viết bốc 古人欲預知後事之吉凶多灼龜以取兆故謂其事曰卜. Hai chữ thủ triệu 取兆 này quan trọng. Triệu 兆 (omen) là quy triệu, tức là vết nứt hiện ra sau khi mai rùa bị nung nóng. Thủ triệu là thu lấy các vết nứt ấy để suy đoán.
Nguyễn Hiến Lê bảo: «Họ (dân đời Thương) dùng yếm rùa, xương vai, xương chậu của bò, ngựa, dùi những lỗ dễ nứt, rồi hơ lửa, xương nứt ra, tùy theo vạch nứt mà đoán. Bói cách đó thì chỉ biết được có hay không, xấu hay tốt thôi.» [37] Richard Wilhelm nói: «Sau khi đánh bóng mai rùa, người ta khắc vạch vào mặt trong của mai rùa, rồi dùng que lửa nóng bỏng hơ chỗ khắc vạch ấy. Mặt trên của mai rùa hiện ra vết nứt, số vết nứt và hình dạng của chúng cho ra lời giải đoán.» [38] Février viết rằng: «Trong việc bói rùa người ta viết câu hỏi lên một mảnh xương, thường là xương bả vai (omoplate) hoặc xương chân thú, hoặc trên mai rùa. Thầy bói hơ mặt kia trên lửa, vết nứt hiện ra cho biết lời đáp, và chỉ có bọn thầy bói mới hiểu những chữ này thôi.» [39] Dường như Wilhelm có lý hơn. Ông dùng chữ khắc vạch (inciser) còn Février dùng chữ viết (écrire). Đời Thương thuộc giai đoạn khế thư (khắc chữ : carved writing), là giai đoạn tiếp theo của giai đoạn kết thằng 結繩 (thắt nút dây). Sau giai đoạn khế thư mới xuất hiện bút viết tức là tiền thân của cây bút lông (mao bút) ngày nay.[40]
Quỷ thần trả lời thì cần gì phải lập lại câu hỏi. Vậy câu hỏi này phải được người xem bói khắc vào (gọi là bốc từ 卜辭), nghĩa là đã có sẵn một hệ văn tự biệt lập với việc bói. Bởi vì vết nứt là việc ngẫu nhiên, văn tự là định sẵn, làm sao có sự trùng hợp được. Ta cần chú ý thêm các chữ trên được bố trí khác với thứ tự hiện nay.
Ta có thể nghĩ rằng trước tiên người ta đã quy ước một số ký hiệu ngôn ngữ rồi. Lúc bói người ta khắc câu hỏi bằng những ký hiệu ấy vào mai rùa hoặc xương thú, rồi dùi vài lỗ cho dễ nứt, sau đó đem hơ lửa. Câu trả lời nằm ở những vết nứt do những lỗ đã dùi. Nếu vậy, ta định được lai lịch của hệ văn tự khắc vạch ấy (mà ngày nay ta gọi là giáp cốt văn). Lối chữ ấy không phải do phép bói giáp cốt mà ra. Và hai trường hợp mà ta nêu ra ở trang trước chỉ có trường hợp thứ hai là đúng: cổ nhân khắc chữ trên mai rùa, sau đó hơ nó trên lửa nóng để tìm vết nứt ở mặt bên kia mà chiêm đoán.
Giáp cốt văn được khảo cứu sôi nổi kể từ cuộc khai quật tại An Dương 安陽 năm 1899. Người dân địa phương trước năm 1898 đã đào được một ít xương mà họ gọi là long cốt 龍骨 (xương rồng: os de dragon; Drachenknochen). Đó là một thứ linh dược nghe nói trị được bá bệnh (le remède efficace contre les douleurs). Khi bán cho các tiệm thuốc Bắc, những chữ khắc trên xương bị cạo đi. Năm 1898, giới buôn đồ cổ mua những mảnh giáp cốt có khắc chữ khai quật ở thôn Tiểu Đồn 小屯 và đem bán ở Thiên Tân. Thoạt đầu Mạnh Định Sinh 孟定生 nhận định đó là những di vật cổ đại và đặt tên là cổ giản 古簡. Năm 1899, một lái buôn đồ cổ là Phạm Duy Khanh 范維卿 đem những mảnh giáp cốt thu mua ở Tiểu Đồn đi bán tại Bắc Kinh. Chính Vương Ý Vinh 王懿榮 (1845-1919) và bạn của ông là Lưu Ngạc 劉鶚 [43] (1857-1909) nhận định đó là nhưng tư liệu về nhà Thương.[44] Triều đình nhà Thanh (Quang Tự 光緒) hay tin, sai quan đi thu mua. Cứ mỗi chữ trên miếng xương trị giá 2 lạng rưỡi bạc (khoảng 92 gam).[45] Vì đếm chữ tính tiền nên năm 1900 những ngụy khắc 偽 刻 [46] xuất hiện. Năm này, Vương Ý Vinh mất, con trai là Vương Hàn Phủ 王翰甫 tiếp tục công việc thu mua giáp cốt và cổ vật. Năm 1901, Lưu Ngạc (tự là Thiết Vân 鐵雲) mới bắt đầu thu mua giáp cốt. Năm 1902, họ đã thu mua được trên một ngàn mảnh. Lưu Ngạc còn sai con trai thứ ba là Lưu Đại Thân 劉大紳 đi khắp nơi thu mua. Cuối năm ấy họ có được 5000 mảnh giáp cốt và Lưu Ngạc mới bắt đầu tạo những thác bản 拓本 (thoa mực đen lên giáp cốt rồi lấy giấy trắng đặt lên mà dập để lấy chữ). La Chấn Ngọc 羅振玉 đến nhà Lưu Ngạc nhìn thấy những thác bản, giật mình tán thán. Năm 1903, sau khi tạo thác bản từ 1058 mảnh giáp cốt, Lưu Ngạc cho xuất bản thành bộ Thiết Vân Tàng Quy 鐵雲藏龜 (6 quyển), khẵng định đó là văn tự do dân đời Ân-Thương khắc nên. Giáo sĩ người Mỹ Frank Herring Chalfant (1862-1914) trú tại Sơn Đông và Giáo sĩ người Anh Samuel Couling (1859-1922) trú tại Thanh Châu bắt đầu mua giáp cốt. Thượng Hải Hoàng Gia Á Châu Văn Hội Bác Vật Viện mua 400 mảnh. Đó là lần đầu người Tây phương mua giáp cốt.
Vùng An Dương nằm giữa hai con sông Kỳ 淇 và sông Hoàn 洹, nguyên là kinh đô cuối cùng của nhà Thương. Hàng trăm ngàn mảnh giáp cốt được khai quật. Mảnh mai rùa dài nhất là 0.3 mét, ngắn nhất là 0.025 mét. Mảnh dài nhất có cả trăm chữ khắc, mảnh ngắn nhất có một hai chữ.[47]
Giới học giả Anh Mỹ cùng thương buôn đổ xô đến mua về các bảo tàng của họ tại Anh và Mỹ. Năm 1914, một người Canada mua hàng ngàn mảnh giáp cốt, có người nhân dịp này phất lên rất nhanh. Năm 1927, chính quyền cấm dân khai quật miền đồi An Dương. Từ 1927 đến 1936, viện Academica Sinica tiến hành những đợt khai quật.[48] Sau đó là Viện Sử và Ngữ Văn cũng bắt tay khai quật tổng cộng 17 cuộc (từ năm 1928), tập trung ở thôn Tiểu Đồn. Năm 1937, công cuộc khai quật bị chựng lại vì chiến tranh Trung Nhật bùng nổ ở Bắc Trung Quốc. Theo tường trình của Viện Sử và Ngữ Văn, 150 ngàn ngày công được bỏ ra để khai quật vô số cổ vật gồm đỉnh đồng, vạc đồng, ngọc khảm, đồ gốm, vật sơn mài, vật dụng bằng đá và bằng xương thú, vật trang sức bằng vỏ sò, khoáng vật, xương thú, mai rùa, và xương người. Tổng số những mảnh giáp cốt đào được tại An Dưong là 109.617 mảnh.[49]
Giới khảo cổ ở đây có Vương Ý Vinh, Lưu Ngạc, La Chấn Ngọc, Vương Quốc Duy, Cơ Phật Đà, Đổng Tác Tân, Hồ Hậu Tuyên, Thương Thừa Tộ, Đường Lan, Tôn Hải Ba, Mã Vi Khuynh, Lý Hiếu Định, Chu Phương Bổ, Trần Mộng Gia,... Các giáo sĩ phương Tây có Frank Herring Chalfrant (Mỹ), Samuel Couling (Anh), H. Mušller (Đức), James Mellon Menzies (Canada),... và một số học giả Nhật Bản như Lâm Thái Phủ, Đảo Bang Nam,... Nổi bật nhóm là La Chấn Ngọc. Giáo sĩ James Mellon Menzie nổi tiếng về tài giảo nghiệm xương và giáp cốt văn. Đổng Tác Tân đích thân điều khiển việc khai quật ở Tiểu Đồn, là người có công nghiên cứu thâm hậu và uy quyền nhất. Học trò Đổng Tác Tân là Hồ Hậu Tuyên, Nghiêm Nhất Bình, Kim Tường Hằng nắm giữ địa vị quan trọng trong ngành giáp cốt học. Lý Hiếu Định tổng hợp các lời giải thích về giáp cốt văn trong quyển sách hết sức giá trị là Giáp Cốt Văn Tự Tạp Thích 甲骨文字雜釋. Đảo Bang Nam (Nhật) có công phân loại để đối chiếu với nguyên văn. Phần lớn giáp cốt được tàng trữ tại Quốc Lập Cố Cung Bác Vật Viện Đài Bắc 臺北國立故宮博物院.[50] Năm 1935, tại Luân Đôn một cuộc triển lãm về cổ ngoạn Trung Quốc được tổ chức, gây chấn động Tây phương. Trong các cổ vật trưng bày, các mảnh giáp cốt và các chung đỉnh bằng đồng đời Thương được khách tham quan chú ý nhiều nhất. Người Anh gọi năm ấy là «năm Trung Quốc» (the China Year). Một cuộc triển lãm tương tự được Chính quyền Trung Quốc tổ chức tại Washington D.C. năm 1961.[51]
Trương Kỳ Quân trích lời giáo sư Thạch Chương Như 石璋如 nhận xét về cuộc khai quật ở An Dương: «Cuộc khai quật tại An Dương là sự kiện trọng đại nhất trong lịch sử của ngành khảo cổ Trung Quốc. Nó chủ yếu đã được người Trung Quốc tiến hành bằng phương pháp khoa học hiện đại. Xét theo nghĩa rộng, nó cũng là sự kiện quan trọng trong lịch sử khảo cổ Đông Á, thậm chí là của thế giới. Bởi vì, với tư cách của Trung Quốc là một trong những nước có nền văn minh lâu đời nhất, những cổ vật phát hiện ở An Dương chắc chắn cung cấp những tư liệu mới không những cho ngành nghiên cứu về văn hóa Trung Quốc cổ đại mà còn cho ngành nghiên cứu về văn minh thế giới cổ đại nữa.» [52]
Đời nhà Thương dài 630 năm, là một thời kỳ có nhiều tiến bộ đáng kể trong nhiều lĩnh vực văn hóa. Những văn vật xuất thổ quý nhất chính là những mảnh giáp cốt đào được tại An Dương, xưa kia là kinh đô cuối cùng của nhà Ân / Thương (gọi là Ân khư 殷墟). Những mảnh được giám định là xưa nhất thì được tạo ra vào đời vua Vũ Đinh 武丁 (1339-1281 tcn), nghĩa là cách nay trên 3300 năm. Theo bài báo của Đổng Tác Tân 董作賓 Giáp Cốt Học Ngũ Thập Niên 甲骨學五十年 (Fifty Years of Oracle Bone Literature Studies),[53] những mảnh giáp cốt xuất thổ tại An Dương gồm 109.617 mảnh và trong đó có 31.139 mảnh được chú giải và phân loại. Năm 1960, có 24.918 mảnh được trân tàng tại Academia Sinica ở Nam Cảng 南港, Đài Loan. Một số lượng tương tự được trân tàng Bảo Tàng Viện của huyện Khai Phong, tỉnh Hà Nam. 3656 mảnh khác được trân tàng tại Bảo Tàng Viện Lịch Sử của Đài Bắc.
Phương pháp khảo cứu của Đổng Tác Tân là kết hợp những khắc từ ngay trên mảnh giáp cốt đối chiếu với thư tịch cổ và sử liệu thành văn để đưa ra những kết luận thích đáng. Tuy vậy tinh thần đa văn khuyết nghi vẫn được tôn trọng. Kể từ tác phẩm Thiết Vân Tàng Quy (1903) của Lưu Ngạc cho đến năm 1980 đã có trên 90 tác phẩm biên khảo cho ngành giáp cốt học non trẻ của Trung Quốc.[54]
Nhận chân lai lịch của giáp cốt văn, ta có thể hình dung vị trí của giáp cốt văn trong quá trình diễn biến của hệ thống văn tự Trung Quốc như sau: Thoạt đầu là giai đoạn thắt nút dây (kết thằng 結繩) vì chưa có chữ viết. Kể từ đời Thương (1766-112) có giáp cốt văn 甲骨文 (cũng gọi trinh bốc văn 貞卜文, quy giáp văn 龜甲文) và chung đỉnh văn 鐘鼎文 (cũng gọi làkim văn 金文, vì chữ được khắc trên đồ vật bằng đồng). Đồng thời cũng có khoa đẩu văn 科斗文 (chữ nòng nọc, gọi như vậy vì chữ được viết bằng những que chấm sơn trên thẻ tre (trúc giản 竹簡) hay thẻ gỗ (mộc giản 木簡), nét sơn không đều, giống hình con nòng nọc). Ba lối chữ giáp cốt, chung đỉnh và khoa đẩu được gọi chung thành nhóm cổ văn 古文. Thời Chiến Quốc có chữ đại triện 大篆. Khi Tần Thủy Hoàng 秦始皇 thống nhất Trung Quốc, thừa tướng Lý Tư 李斯 thống nhất văn tự, cải lương những lối chữ dị biệt đương thời thành tiểu triện 小篆 . Chữ triện và cổ văn phối hợp nhau thành chữ lệ 隸.Đời Tần, chữ lệ (gọi là Tần lệ) chưa được phổ dụng bằng chữ triện. Đến đời Hán, chữ lệ (gọi là Hán lệ) mới được chính thức dùng trong công văn giấy tờ. Chữ thảo đã có từ đời Hán, có thuyết cho rằng do Sử Du 史游 sáng chế. Đời Đông Hán đã có Trương Chi 張芝 viết chữ thảo. Chữ thảo gồm hai loại kim thảo 今草 (chương thảo 章草) và cuồng thảo 狂草. Chữ hành 行 do Lưu Đức Thăng 劉德昇 thời hậu Hán sáng chế. Chữ khảI 楷 (chữ chân 真) thịnh đạt nhất đời Đường, nó phối hợp chữ lệ với chữ Ngụy bi 魏碑 (chữ khắc trên bia mộ đời Ngụy Tấn và Nam Bắc Triều). Tô Đông Pha 蘇東坡 đời Tống bảo: «Chân như lập, hành như hành, thảo như tẩu.» 真如立行如行草如走 (Chữ khải như [người] đứng, chữ hành như đi, chữ thảo như chạy). Nhưng nói như vậy không có nghĩa là chữ hành và chữ thảo bắt nguồn từ chữ khải. Nhiều người đã ngộ nhận như thế. Kể từ 1949 chữ khải (gọi là phồn thể tự 繁體字) được giản hóa thành giản thể tự 簡體字.
Giáp cốt văn Bộ vị trên yếm rùa (phúc giáp)
IV. BÓI DỊCH
Bói Dịch gọi là phệ 筮, là phép bói của đời Chu mà công cụ để bói là cỏ thi và Kinh Dịch, đúng hơn là Chu Dịch (Kinh Dịch của nhà Chu). Chữ phệ có phần trên là bộ trúc 竹, ngụ ý là cọng cỏ thi (ban đầu là cỏ thi, về sau người ta dùng thẻ tre để bói cho tiện), phần dưới là chữ vu 巫 (đồng cốt, phù thủy). Chữ vu gồm chữ công 工 và hai chữ nhân 人, tượng trưng hai người đang nhảy múa cầu cơ. Người ta gọi chung bọn đồng cốt phù thủy là vu hịch 巫覡 (vu gọi nữ, hịch gọi nam). Vương Hữu Tam[55] giải thích hai chữ vu hịch như sau: «Vu hịch là những người cổ đại cầu đảo thần minh giáng phúc, là người môi giới giữa con người và thần minh, cũng có thể thay mặt quốc gia mà cầu thần minh phù hộ. Trong thời ban sơ của tôn giáo, vu hịch chiếm địa vị quan trọng. Quan chế thời cổ có chức chúc 祝, đó là chức quan phụ trách việc tế trời và cầu đảo thần minh, và vu chính là biệt danh của chúc. Người nam gọi là hịch, người nữ gọi là vu. Thuyết Văn Giải Tự nói: «Vu, chúc dã.» 巫祝也 (Vu chính là chúc) và «Hịch năng trai túc sự thần minh dã, tại nam viết hịch, tại nữ viết vu.» 覡能齋肅事神明也在男曰覡在女曰巫 (Hịch trai giới cúc cung phụng sự thần minh, người nam gọi là hịch, người nữ gọi là vu).[...] Dần dần vu hịch trở thành một tệ mê tín phổ biến trong dân gian, và lưu truyền tại Trung Quốc mấy ngàn năm mà không suy thoái.» Theo Lưu Ngọc Kiến[56] đời Thương là thời kỳ đỉnh thịnh của bọn vu hịch, gần như một tôn giáo, gọi là vu giáo 巫教. Bọn họ (gọi là vu sử 巫史) giữ chức vụ trọng yếu trong triều, vừa có nhiệm vụ về tôn giáo (thông công với thần minh) vừa có nhiệm vụ chính trị. Một số nhân vật vu hịch có tên tuổi được cổ tịch đề cập như Y Doãn 伊尹 (tức là A Hành 阿衡) (xem Sử Ký Tư Mã Thiên-Ân bản kỷ; Mặc Tử-Thượng hiền trung; Kinh Thi-Thương tụng), Y Trắc 伊陟 (con trai của Y Doãn) (xem Sử Ký-Ân bản kỷ), Vu Hàm 巫咸 và con trai là Vu Hiền 巫賢 (xem Sử Ký-Ân bản kỷ), Cam Bàn (xem Thương Thư-Chu thư; Sử Ký-Yên thế gia).
Ngoài chữ phệ 筮 người ta cũng dùng chữ thi 蓍 (cỏ thi) với ý nghĩa là phép bói bằng cỏ thi. Phép bói cỏ thi được dùng thay thế hoặc bổ sung cho phép bói giáp cốt (gọi là quy phệ hiệp tòng). Phép bói giáp cốt căn cứ vào những vết nứt, lời giải khó luận vì phần nhiều dựa trên kinh nghiệm những lần bói trước, vì thế mơ hồ. Trù thứ 7 của Hồng Phạm (Kinh Thư-Chu Thư) bảo: «Viết vũ, viết tê, viết mông, viết dịch, viết khắc.» 曰雨曰霽曰蒙曰驛曰克 ([Bói rùa, theo vết nứt mà] biết mưa, biết trời quang đãng, biết mưa phùn lất phất, biết có mưa dầm , biết lượng mưa có đủ dùng không).[57] Rồi nói tiếp: «Viết trinh, viết hối.» 曰貞曰悔 ([Xem bói cỏ thi thì biết sự việc có] chắc chắn hoặc có điều hối tiếc). «Phàm thất, bốc ngũ, chiêm dụng nhị. Diễn thắc.» 凡七卜五占用二衍忒 (Trong bảy điềm bói ấy, năm điềm của bói rùa và hai điềm của bói cỏ thi, [nhờ vậy mà biết] sẽ có sai lầm hay không). Như vậy theo Hồng Phạm, lời giải đoán chủ yếu tập trung vào việc đảo vũ cầu mưa giúp ích cho nông sự và câu trả lời khẳng định hoặc phủ định chung chung. Thành thử cần có phối hợp thi quy như Chu Lễ (thiên Xuân Quan 春官) nói: «Phàm quốc chi đại sự, tiên phệ nhi hậu bốc.» 凡國之大事先筮而後卜 (Nói chung, việc trọng đại của quốc gia trước hết phải bói cỏ thi sau đó mới bói rùa). Thật ra mục đích bói không chỉ là đảo vũ cầu mưa, vì vương triều nhà Thương và nhà Chu thường có 8 việc cần phải bói gọi là bát cố 八故 hay bát sự 八事, mà Chu Lễ (thiên Xuân Quan) ghi chép như sau: «Dĩ bát quái chiêm phệ chi bát cố, dĩ thị cát hung.» 以八卦占筮之八故以視吉凶 (Lấy 8 quẻ bói vì 8 nguyên do nhằm đoán trước lành hay dữ). Bát cố (8 nguyên do) cũng là bát sự (8 việc) mà Trịnh Huyền 鄭玄 chú rằng: (1) Chinh 征 (hỏi xem việc chinh phạt); (2) Tượng 象 (hỏi xem về hiện tượng thiên nhiên); (3) Dữ 與 (hỏi xem việc cho và nhận đồ vật tốt hay xấu); (4) Mưu 謀 (hỏi xem dự định công việc tốt hay xấu); (5) Quả 果 (hỏi xem kết quả thành bại của việc làm); (6) Chí 至 (hỏi xem quốc khách có đến không); (7) Vũ 雨 (hỏi xem có mưa không, nhiều hay ít); (8) Sưu 瘳 (hỏi xem bệnh tật có qua khỏi không).[58]
Phân tích chữ thi 蓍, theo kết cấu hội ý, trên là bộ thảo 艹 (草 : cỏ), dưới là chữ kỳ 耆 (người già sống lâu, trên 60 tuổi, như kỳ lão: sexagenarian). Chữ kỳ có cấu tạo hình thanh, Thuyết Văn Giải Tự bảo: «Tòng lão tỉnh, chỉ thanh.» 从老省旨聲. Nghĩa là: theo chữ lão 老 (mà lão bị tỉnh lược chữ chủy 匕 ), hợp với chữ chỉ 旨 (chữ chỉ làm thanh phù). Vậy chữ kỳ gồm chữ lão làm nghĩa phù và chữ chỉ làm thanh phù. Sự tỉnh lược bộ phận chủy của chữ lão nhằm phân bố kết cấu cho quân chỉnh. Bản nghĩa của chữ kỳ là lão (già nua). Chu Lễ (Khúc Lễ thượng) nói: «Lục thập viết kỳ.» 六十曰耆 (Sáu mươi [tuổi] gọi là kỳ). Chữ lão, theo Thuyết Văn Giải Tự, chính là chữ khảo 考 (sống lâu): «Lão, khảo dã. Thất thập viết lão.» 老考也七十曰老 (Lão là khảo: sống lâu. 70 tuổi gọi là lão: septuagenarian).[59] Vây chữ kỳ ám chỉ chung những bậc thuộc loại cổ lai hy, không những già nua mà còn già dặn, biết mệnh trời, hiểu việc lành dữ, có thể giúp ta nhiều lời khuyên bảo quý báu.[60]
Bói Dịch nguyên là phép bói cỏ thi, về sau được giản hóa thành phép bói đồng xu (coin oracle). Bói cỏ thi phức tạp nhưng có quy củ. Nó thay cho phép bói giáp cốt vì các vết nứt trên quy giáp thú cốt khó luận đoán. Phùng Hữu Lan đã nói: «Những vết nứt trên quy giáp sau khi hơ nóng có rất nhiều và khó giải đoán. Những lời giải đoán của những lần bói trước thì có rất nhiều và khó nhớ. Khi phép bói cỏ thi hưng thịnh, nó giải quyết được sự khó khăn này. Những hào âm hào dương (bắt nguồn từ những vết nứt trên giáp cốt) của các quẻ dịch thì có số lượng nhất định. Mỗi hào gắn liền với số hào từ nhất định. Khi bói cỏ thi, gặp quẻ nào, hào nào tức thì có thể noi theo quái từ và hào từ để suy luận. So với phép giáp bốc, bói cỏ thi dễ dàng hơn. Cái tên Chu Dịch 周易 có lẽ khởi xuất từ chữ dị 易 (giản dị), quyển kinh này được viết vào đời Chu và dụng pháp dễ dàng nên mới mang tên Chu Dịch (Chu Dị: phép bói giản dị đời Chu).» [61]
Trình tự bói Dịch có thể tóm tắt thành bốn bước: (1) Nghi lễ; (2) Tạo quẻ Dịch (bằng cỏ thi hoặc đồng xu); (3) Giải đoán; (4) Lễ nghi tất. Phần nghi lễ đã được nói ở phần III (Nghi thức bốc phệ và luật cảm ứng). Ở đây xin nói về cách lập quẻ Dịch.[62] Trước tiên ta cần nhớ đại lược về cơ cấu một quẻ Dịch:
(1) Cơ cấu quẻ Dịch:
∙ Một quẻ kép (hexagram) gồm 6 hào (âm hoặc/và dương). Hào dương gọi là hào cửu (9) tượng trưng bằng một vạch liền , hào âm gọi là hào lục (6) tượng trưng bằng một vạch đứt. Thứ tự các hào đếm từ dưới lên trên: sơ, nhị, tam, tứ, ngũ, thượng. Các hào dương theo thứ tự có tên là: sơ cửu, cửu nhị, cửu tam, cửu tứ, cửu ngũ, thượng cửu. Các hào âm theo thứ tự có tên là: sơ lục, lục nhị, lục tam, lục tứ, lục ngũ, thượng lục.
∙ Tất cả có 64 quẻ kép, do 8 quẻ đơn (trigram) tức là bát quái luân phiên đắp đổi tạo thành. Mỗi quẻ kép gồm hai quẻ đơn chồng lên nhau. Tám quẻ đơn (bát quái) là:
CÀN 乾 (thiên 天, trời), ĐOÀI 兌 (trạch 澤, ao đầm), LY 離 (hỏa 火, lửa), CHẤN 震 (lôi 雷, sấm), TỐN 巽 (phong 風, gió), KHẢM 坎 (thủy 水, nước), CẤN 艮 (sơn 山, núi), KHÔN 坤 (địa 地, đất).
∙ Viết quẻ theo thứ tự từ dưới lên trên; đọc tên quẻ từ trên xuống dưới. Thí dụ quẻ số 11 (quẻ Thái 泰), gồm quẻ Khôn ☷ trên (quẻ đơn ở trên gọi là ngoại quái), quẻ Càn ☰ dưới (quẻ đơn ở dưới gọi là nội quái). Khôn là địa, Càn là thiên, vậy đọc tên quẻ là Địa Thiên Thái. Nếu trên dưới là hai quẻ đơn giống nhau thì đọc là «bát thuần...» như Bát Thuần Càn, Bát Thuần Đoài, Bát Thuần Ly, v.v…
∙ Dịch là thay đổi chuyển hóa, nên có quan niệm động và tĩnh. Vậy có 4 loại hào sau:
( 6 biến thành 7 và 9 biến thành 8 )
Hào động sẽ biến thành hào tĩnh tương ứng. Thí dụ: Lão âm (6) biến thành thiếu dương (7). Lão dương (9) biến thành thiếu âm (8). Giải đoán quẻ cần lưu tâm đặc biệt đến các hào biến này. Cần phân biệt 4 hào nói trên với tứ tượng 四象 (four emblems, four symbols): Thái cực 太極 (taiji, t'ai chi) sinh lưỡng nghi 兩儀 (two forms, two principles) là âm 陰 (yin) và dương 陽 (yang). Lưỡng nghi sinh tứ tượng (four emblems, four symbols) là thái dương 太陽 (great yang), thiếu dương 少陽 (lesser yang), thái âm 太陰 (great yin), và thiếu âm 少陰 (lesser yin). Mỗi tượng có 2 hào.
∙ Hỗ quái 互卦 (nuclear trigram): Hai quẻ đơn trên dưới của một quẻ kép (tức là ngoại quái và nội quái) là hai quẻ cấu thành (component trigrams). Bốn hào bên trong của quẻ kép (hào 2, 3, 4, 5) tạo ra hai quẻ giúp nhau gọi là hỗ quái. Thí dụ: Quẻ 30 (Bát Thuần Ly 八純離), hai quẻ cấu thành đều là Ly ☲, còn hai hỗ quái là Tốn ☴ (hào 2, 3 4) và Đoài ☱ (hào 3, 4, 5). Tốn chồng lên Đoài thành quẻ kép 61 (Trung Phu 中孚).
∙ Một số khái niệm khác như: trung, chính, đắc, chủ hào, v.v... có thể tìm đọc trong Kinh Dịch Phan Bội Châu hoặc các sách Dịch khác bằng tiếng Việt.
(2) Lập quẻ bằng cỏ thi:
∙ Vật bói: Kinh Dịch, 50 cọng cỏ thi (Blofeld thay bằng que tre nhỏ như kim đan áo len), giấy bút. Ở đây ta theo Blofeld cho tiện và gọi là que bói. Khi thực tập ta có thể dùng 50 cọng chân nhang cũng được.
∙ Để cho tiện, ta quy ước các ngón bàn tay trái là ngón trỏ số 1, ngón giữa số 2, ngón áp út số 3, và ngón út số 4.
∙ Cần thao tác ba lần mới được một hào, nghĩa là mất 18 lần mới được một quẻ bói.
a) Cách gieo hào sơ (hào 1): # LẦN 1:
* Trả một que vào hộp (hộp dùng để đựng các que bói), chỉ dùng 49 que bói thôi. Chia đại thành 2 mớ bất kỳ, đặt mỗi mớ vào một cái khay (Ta gọi A là mớ que bên trái, B là mớ que bên phải) * Lấy một que ở mớ B kẹp vào kẽ ngón 3 và ngón 4 tay trái. * Tay phải tách mớ A thành từng đợt 4 que, sao cho số que dư còn lại là ≤ 4 (ít hơn hoặc bằng 4). Lấy số que dư đó kẹp vào kẽ ngón 2 và ngón 3 tay trái. * Tay phải tách mớ B thành từng đợt 4 que như trên rồi kẹp số que dư ≤ 4 vào kẽ ngón 1 và 2 tay trái. Tổng các que trên bàn tay trái là 5 hoặc 9 (9 sẽ được xem là 2, 5 sẽ được xem là 3). Để số que (5 hoặc 9) này qua một bên. Đó là kết quả lần 1.
# LẦN 2:
* Bó que còn lại sẽ là 44 hoặc 40 (do 49 quẻ trừ đi kết quả lần 1 là 5 hoặc 9). Chia đại thành hai mớ bất kỳ A và B. Tiếp tục làm như ở lần 1. Tổng các que trên bàn tay trái sau đó sẽ là 8 hoặc 4 (8 sẽ được xem là 2, 4 sẽ được xem là 3). Để số que (8 hoặc 4) này qua một bên. Đó là kết quả lần 2.
# LẦN 3:
* Số que còn lại có thể là 32 hoặc 36 hoặc 40 (do 44 và 40 trừ kết quả lần 2 là 4 hoặc 8). Chia đại làm hai mớ bất kỳ A và B, rồi tiếp tục tách ra từng đợt như trên. Sau đó tổng các que trên bàn tay trái sẽ là 8 hoặc 4 (8 sẽ được xem là 2, 4 sẽ được xem là 3). Để số que (8 hoặc 4) này qua một bên. Đó là kết quả lần 3. * Cộng 3 kết quả trên với nhau ta được một hào. Thí dụ: Lần 1 được 5 que, lần hai được 8 que, lần 3 được 4 que. Vì 5 kể là 3, 8 kể là 2, 4 kể là 3 nên tổng (5 +8 +4 ) phải được kể là là 3 + 2 +3 = 8. * Dựa theo bảng bói (Divining table) để biết nó là hào gì:
* Hào sơ mới gieo được là số 8, vậy nó là hào thiếu âm .
(b) Cách gieo hào 2:
* Gom lại đủ 49 que bói, thao tác y hệt như trên, sau 3 lần ta sẽ được một tổng có thể là 6 hoặc 7 hoặc 8 hoặc 9. Rồi căn cứ vào bảng bói trên mà biết đó là hào gì. * Các hào 3, 4, 5, 6 cũng gieo y như vậy. * Tóm lại mất 18 lần thao tác ta mới lập được một quẻ bói.
(3) Lập quẻ bằng đồng xu:
Phép bói cỏ thi (yarrow stalk oracle) rất phiền toái như ta thấy, về sau người ta thay nó bằng phép bói đồng xu (coin oracle). Nhiều người, như Blofeld chẳng hạn, lại chuộng phép bói cỏ thi hơn. Theo Blofeld, bói tức là thỉnh vấn ý kiến của một bậc cao minh, nên cần thận trọng, chậm rãi và thành khẩn, cũng như người có tâm bệnh cần đến bác sĩ trị tâm lý (psychistrist) vậy, không thể tiến hành chớp nhoáng được. Charles Poncé thích bói đồng xu, nhưng thay vì gieo liền một lúc để có 6 hào, ông cần đến 6 tuần lễ, mỗi tuần chỉ gieo một hào. Ngô Long Dự (đời Thanh) vẫn dùng phép bói đồng xu nhưng lại đặt tên cho bí kíp mình là Phệ Học Chỉ Yếu.
Richard Wilhelm nói nên chọn 3 đồng xu (tiền xưa bằng đồng, có lỗ ở giữa). Hai mặt sấp ngửa của đồng xu không giống nhau, nên ta qui ước: một mặt là âm (có giá trị là 2), và một mặt là dương (có giá trị 3). Gieo một lượt 3 đồng xu ta được một hào. Gieo 6 lần được 6 hào, tức là một quẻ Dịch.
Các lần gieo có thể như sau: 3 + 3 + 3 = 9 ứng với hào 2 + 2 + 2 = 6 ứng với hào 3 + 2 + 2 = 7 ứng với hào 3 + 3 + 2 = 8 ứng với hào
John Blofeld thì đơn giản hơn, ông gọi hai mặt đồng xu là sấp (S) và ngửa (N), rồi tóm thành bảng bói đồng xu (coin table) như sau: S + S + S là hào N + N + N là hào S + N + N là hào S + S + N là hào
(4) Giải đoán quẻ:
Lời giải là sự tổng hợp của Thoán và hào từ của quẻ gieo được, chú trọng nhất là hào động (moving lines). Ngoài ra cần xét thêm quẻ biến từ hào động và quẻ được tạo do hỗ quái. Khi xét quẻ biến thì bỏ đi ý nghĩa của hào tương ứng với hào động. Thí dụ: Ta gieo được quẻ Trung phu như sau:
Theo Ngô Long Dự, chỉ cần căn cứ vào quẻ Trung phu và quẻ Đoài. Theo John Bolfeld và Charles Poncé, cần xét thêm quẻ Tiểu quá. Ngoài ra Bolfeld còn nhấn mạnh đến tính trực giác (intuition) của người giải đoán. Tôi không đi sâu vào phần này vì thấy nó quá mơ hồ.
VI. TẠM KẾT
Về tính cách linh ứng của sự bói toán tôi xin nhường lại cho các chuyên viên có ý kiến. Riêng tôi có vài nhận xét thô thiển như sau:
Việc bói toán là điều nguy hiểm, nếu không muốn nói là phi đạo đức. Dường như luật lệ Phật giáo có lý khi cấm tăng ni làm chuyện bói toán. Một khi ta tin bói, ta mặc nhiên phủ nhận tư duy và kinh nghiệm cá nhân, thậm chí thủ tiêu luôn ý chí phấn đấu của bản thân nữa. Tin vào bói toán là nhìn nhận mọi sự đã dĩ định, con người chỉ là diễn viên rối, bị giật giây từ một đạo diễn siêu nhiên theo một kịch bản mà diễn viên rối không biết trước. Một sự thật ít người chịu thú nhận: tâm lý con người rất yếu đuối. Chỉ cần một lời «phán» vu vơ là có thể bị ám ảnh mất ăn mất ngủ. Cái tâm lý bị ám đó biết đâu lại dẫn lối khổ chủ đễn chỗ lầm lạc, đoạn trường? Cả tin vào số mệnh, ký thác đời mình vào những lời chiêm đoán vu vơ thật là đáng thương vô cùng.
Mặc khác, việc tạo ra quẻ bói đã có quy củ, rất dễ thực hiện, nhưng ta dùng quyển Kinh Dịch nào để mà giải? Phần lớn ta dùng những bản Dịch tiếng Việt, Anh, Pháp, Đức. Riêng tiếng Anh, người ta thường dựa theo bản của James Legge và Richard Wilhelm. Carl G. Jung chê bản dịch của J. Legge là không đạt (the inadequate rendering) [mặc dù ông tự thú nhận là không biết chữ Hán !], ông khen bản dịch Đức ngữ của Richard Wilhelm nên sai đệ tử là C. F. Baynes dịch từ tiếng Đức sang tiếng Anh. Baynes thú nhận không biết chữ Hán, chính ông cũng nhận thấy bản dịch của một bản dịch là xuyên tạc nguyên văn đến hai lần (a translation of a translation is a double distortion of a text), quả là một sự liều lĩnh.[63] Bản của Wilhelm lại được Etiemme Perrot dịch sang tiếng Pháp (là xuyên tạc chánh văn mấy lần). Wilhelm không nói rõ ông dịch ra tiếng Đức từ bản chữ Hán nào, chỉ biết sư phụ dạy Kinh Dịch cho Wilhelm là Lao Nãi Tuyên 勞乃宣, một văn nhân, khi Wilhelm làm cố đạo tại Thanh Đảo 青島, Trung Quốc. (Thật sự, Wilhelm đã dùng bản Ngự Toản Chu Dịch Chiết Trung 御纂周易折中, 23 quyển, của Lý Quang Địa 李光地 trong Tứ Khố Toàn Thư 四庫全書.)
Phùng Hữu Lan cảnh giác độc giả rằng cổ văn Trung Quốc rất khó dịch, mỗi bản dịch chỉ nói lên một khía cạnh nào đó của nguyên bản và lệ thuộc vào sở học của người dịch nữa. Về bản Kinh Dịch chữ Hán có rất nhiều người chú giải khác nhau. Người sau chú người trước thành những tập giải khiến người đọc chẳng biết nên tin ai. Bản hiện hành phần lớn là dựa vào bản của Chu Hy tập chú 朱熹集註, bản Vương Bật 王弼 chú, nhưng những văn vật khai quật được tại Trung Quốc khiến các nhà Dịch học cần xem lại vấn đề và khôi phục ý nghĩa nguyên thủy của Kinh Dịch. Thí dụ, bản Bạch Thư Chu Dịch 帛書周易 (Chu Dịch viết trên vải lụa) đã được khai quật trong ngôi Hán mộ số 3 tại Mã Vương Đôi 馬王堆 (Trường Sa 長沙, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc) năm 1972 hoàn toàn khác với bản Kinh Dịch hiện hành. Ngoài ra có nhiều góc nhìn khác nhau về Kinh Dịch, người thì theo quan điểm thuật số, người thì theo quan điểm triết học, kẻ thì theo quan điểm luyện đan của Đạo giáo,v.v... Các bản Kinh Dịch bằng tiếng Việt cũng không thoát khỏi tình trạng này.
Tuy nhiên ta phải nhận Kinh Dịch là một kỳ thư có nhiều giá trị tiềm ẩn. John Blofeld rất tin tưởng vào Kinh Dịch và bói Dịch. Trong bài tham luận đọc tại Hiệp Hội Triết Học Đối Chiếu Alan Watts (Alan Watts Society for Comparative Philosophy) ngày 24-6-1978, ông nói: «Hãy nhớ rằng, người sử dụng Kinh Dịch đúng đắn không bao giờ phục vụ cho tư lợi của mình. Anh ta phải sử dụng Kinh Dịch cho điều phải, cho cả anh ta và tha nhân. Dùng Kinh Dịch để trục lợi là xa rời chức năng thiêng liêng của Kinh Dịch. Mỗi một quẻ trong 64 quẻ Dịch là tượng trưng cho một tình huống điển lệ hay chăng? Chúng ta có thể tin tưởng như vậy, bởi vì sự trực giác của Văn Vương và Chu Công đã được chứng minh trên 3000 năm qua. Khi bói một quẻ Dịch, chúng ta sẽ nhận ra sự chính xác cực kỳ của lời chiêm đoán, nếu câu hỏi khấn thích đáng, tâm trạng người xem bói thích đáng, và nghi lễ diễn ra thích đáng. Lời chiêm đoán sẽ được chứng minh là đúng mỗi khi hội đủ ba yếu tố trên. Vậy quả thực mỗi quẻ Dịch tượng trưng cho một tình huống có tính điển lệ. Tôi đồng ý với các vị thầy người Hoa và các bè bạn tôi rằng thật là một sự báng bổ Kinh Dịch nếu người ta dùng Kinh Dịch để giải đáp những chuyện rắc rối tầm phào, tệ hơn nữa, sử dụng Kinh Dịch để cầu danh tranh lợi một cách vị kỷ. Y hệt như vậy, một Mantra (chú nguyện) sẽ mất đi huyền năng nếu dùng vào mục đích tầm thường, hay thuốc DDT sẽ mất tác dụng nếu bị dùng bừa bãi, hay á phiện sẽ mất tác dụng về mặt y học nếu bị lạm dụng. Và Kinh Dịch sẽ không còn linh nghiệm nếu bị dùng bừa bãi cho những việc bất chính. Tôi tin chắc là tôi diễn tả được ý nguyện của cổ nhân là tác giả của Kinh Dịch khi bảo rằng: (1) Kinh Dịch hết sức thiêng liêng, nên không thể bị lợi dụng vào mục đích tầm thường. (2) Mục đích đúng đắn của Kinh Dịch chính là giúp con người làm chủ lấy bản thân, ngõ hầu phục vụ chính nghĩa. Hai điều ấy cũng là một: sự tự chủ ngụ ý sự trừ khử tham lam dục vọng, cầu danh tranh lợi, ngõ hầu tùy thuận theo Đạo và đạt tới đức tính của Thánh nhân, mà niềm hạnh phúc tột cùng của các ngài nằm ở việc hành thiện phục vụ nhân sinh.» [64] Xin mượn lời John Blofeld để tạm kết bài viết này.● LÊ ANH MINH
CHÚ THÍCH
HANOSOFT R & D |
Thiên-Lý Bửu-Tòa, 12695 Sycamore Ave, San Martin, CA 95046 - USA. Tel: (408) 683-0674 Website: www.thienlybuutoa.org Email Sơ đồ hướng dẫn tới TLBT
|