CÁC EM TÔI

THANH MAI

Buổi học đầu tiên của lớp Lễ Nghi Đạo Đức khóa 2002 chỉ vỏn vẹn có ba học viên. Đây là các học viên của khóa trước còn lưu lại vì các em chưa đủ tuổi để lên lớp Phổ Huấn với các bạn cùng khóa, mặc dù các em đã “mài đũng quần” ở ghế lớp Lễ Nghi khá lâu rồi. Các em có vẻ buồn mà các chị hướng dẫn cũng kém phần hăng hái vì sĩ số lớp ít quá. Chị Kim Dung, Vụ Trưởng Vụ Giáo Sĩ Tu Sĩ, bảo chúng tôi: “Các em cố gắng chiêu sinh đi!” Thế là gặp ai tôi cũng hỏi: “Ở nhà đạo huynh (đạo tỷ) có các cháu nhỏ từ 9 đến 11, 12 tuổi không? Đạo huynh (đạo tỷ) cho các em đi học Lễ Nghi Đạo Đức nhé!” Thời gian trôi qua, vẫn chưa thấy “tân binh” nào đầu quân.

Thế rồi hai tuần sau ngày khai giảng, Ban Cai Quản Thánh tịnh Ngọc Minh Đài quyết định gửi các em lớp Lễ Nghi Đạo Đức của Thánh Tịnh sang Cơ Quan học. Tôi còn nhớ buổi sáng Chủ Nhật hôm ấy, các em theo chân chị hướng dẫn ùa vào lớp học và chẳng mấy chốc đã lấp đầy hết các ghế trống. Chúng tôi vui mừng vì từ đây lớp học sẽ không còn buồn tẻ nữa. Thế nhưng, chưa kịp vui lâu chúng tôi đã nhận ra những gương mặt “hình sự” của các em. Hỏi ra mới biết: các em muốn được tiếp tục học với cô giáo cũ; các em không muốn bị phân chia vì có một số em đã quá tuổi phải lên lớp Phổ Huấn học. Chúng tôi lựa lời giải thích, an ủi, vỗ về; các em vẫn giận dỗi. Có em còn biểu lộ thái độ phản kháng bằng cách hất tập xuống đất, xé vụn tất cả những gì em đang có trong tay, kể cả những tờ giấy bạc mà có lẽ mẹ em đã cho em để ăn quà sáng. Chị chủ nhiệm lớp và tôi lặng lẽ nhìn nhau, thầm nghĩ: “Dân quận Tư có khác!” Phải giải quyết vấn đề cách nào đây? Tôi quyết định thay đổi chiến thuật: không năn nỉ nữa. Tôi nhìn thấy vẫn còn một số em có thái độ hòa hoãn hơn. Tôi bảo: “Thôi được rồi, hôm nay các em cứ ngồi tạm ở đây, nguyện vọng của các em, các đạo tỷ sẽ xin ý kiến của Vụ Giáo Sĩ Tu Sĩ. Dù sao thì đây là lần đầu tiên chúng ta gặp nhau cũng nên vui vẻ. Bây giờ đạo tỷ sẽ kể chuyện cho các em nghe”. Và tôi bắt đầu kể chuyện. Tôi nhận thấy gương mặt “hình sự” của các em dần dần giãn ra, những cặp mắt tròn xoe tập trung vào câu chuyện. Kể xong, tôi đặt câu hỏi, nhiều cánh tay giơ lên xin phát biểu. Không khí lớp học trở nên sinh động hơn.

Sau phần kể chuyện, thấy tình hình “chính sự” đã bớt hồi căng thẳng, chị chủ nhiệm lớp và tôi quyết định cho bầu lớp trưởng. Tôi hỏi: “Ở đây có em nào xung phong làm lớp trưởng không?” Tôi thật bất ngờ khi thấy bao nhiêu cánh tay giơ lên xung phong làm lớp trưởng! Chẳng những thế, các “ứng cử viên” còn đả kích nhau, lời qua tiếng lại, mày mày tao tao. Có lẽ, đối với các em, chức vụ lớp trưởng “oai” lắm. Tôi liền nói tiếp: “Các em biết không, làm lớp trưởng không phải để ra oai với các bạn mà lớp trưởng có nhiều nhiệm vụ lắm: phải đi học sớm để sắp bàn ghế, treo bảng, chuẩn bị phấn, nhắc nhở các bạn chấp hành nội quy lớp học, v.v… Các em suy nghĩ kỹ xem mình có thể làm tròn các nhiệm vụ vừa kể thì nhận chức lớp trưởng.” Thế là bao nhiêu cánh tay xung phong đều rụt lại hết! Cuối cùng, chúng tôi chọn một em lớn tuổi và có vẻ lanh lợi nhất làm lớp trưởng mặc dù vẫn có vài ý kiến phản đối. Kế đến, chị chủ nhiệm cho các em học tập nội quy lớp và sau cùng là phần sinh hoạt vui nhộn do hai chị Trúc Xanh, Trúc Vàng phụ trách. Các em dường như đã quên hẳn mọi chuyện không vui lúc ban đầu và thế là buổi học kết thúc trong không khí vui vẻ. Mấy ngày sau, tôi gặp chị phụ trách cũ của các em và được chị cho biết: “Các em hết đòi lên lớp Phổ Huấn và cũng không đòi cô giáo cũ nữa rồi.” Tôi mừng thầm trong bụng nhưng vẫn chưa hết lo khi nghĩ đến tính khí ngang ngạnh thất thường của các em.

Thế mà Chủ Nhật tuần sau, tôi lại nhận được một món quà tinh thần hết sức bất ngờ: Đến lớp 15 phút trước giờ học, tôi ngạc nhiên nhìn thấy các em đã hiện diện đông đủ, bàn ghế đã được sắp xếp, bảng đen đã được treo lên và lau chùi sạch sẽ, phấn trắng đã được chuẩn bị sẵn và khi vừa nhìn thấy tôi bước vào lớp học em lớp trưởng liền hô to: “Các bạn đứng dậy chào cô!” Lòng tôi ngập tràn niềm vui sướng. Hóa ra các em tôi vẫn là những đứa trẻ hồn nhiên thật đáng yêu. Tuy nhiên, phải thú thật rằng những ngày Chủ Nhật kế tiếp sau đó chúng tôi vẫn phải tiếp tục vất vả với những chú ngựa con bất kham. Giữ gìn trật tự trong giờ học, thu hút sự chú ý của các em vào bài giảng đã là một việc khó, bắt các em học thuộc bài lại càng khó hơn. Tôi khuyến khích các em bằng cách treo giải: Em nào làm bài kiểm tra đạt điểm 10 sẽ có thưởng. Biện pháp này có ít nhiều tác dụng tốt nhưng bên cạnh đó cũng gây ra nhiều phiền toái: T. là một học sinh có tính cách cá biệt: lầm lì, hay đố kỵ và giận lẫy. Tuy nhiên đôi khi trong giờ học em cũng cố gắng tích cực phát biểu ý kiến. Đã nhiều lần làm bài mà vẫn chưa lần nào em đạt điểm 10. Một hôm, tôi cho các em làm kiểm tra sau khi kết thúc một chương học và tôi biết lần này em hạ quyết tâm đạt điểm 10 để lãnh thưởng. Tôi cũng mong em làm được điều đó. Bài em viết rất sạch sẽ, cẩn thận, chứng tỏ em rất thuộc bài nhưng đến câu hỏi cuối cùng em lại lạc đề. Tôi cho em 8 điểm mà lòng cứ tiếc mãi. Tôi biết em sẽ thất vọng lắm. Ngày phát bài, em đã giận tôi và bảo với các bạn rằng em sẽ xé nó đi. Cho dù tôi có giải thích rằng em đã lạc đề nhưng em vẫn cứ giận dỗi bịt hai tai lại không chịu nghe, bảo gì em cũng không làm. Tôi bèn thay đổi chiến thuật: không thèm nói chuyện, không thèm quan tâm đến em nữa. Em biết tôi giận và thỉnh thoảng em lại len lén nhìn tôi. Chủ Nhật tuần sau tôi vẫn giữ thái độ lạnh lùng với em. Chị chủ nhiệm lớp gọi em ra ngoài giảng giải cặn kẽ. Khi buổi học kết thúc, em chạy đến giúi vào tay tôi mẩu giấy nhỏ, với dòng chữ nguệch ngoạc: “Em xin lỗi cô vì đã làm cô buồn. Cô K.T vừa giải thích cho em hiểu, mong cô tha thứ cho em.” Đọc xong, tôi ôm em vào lòng và cất giữ mẩu giấy như một kỷ niệm.

Một hôm, chúng tôi quyết định cùng nhau đi thăm gia đình các em. Nhờ chuyến đi này chúng tôi đã hiểu rõ gia cảnh các em hơn. Phần lớn gia đình các em đều sống trong một xóm lao động nghèo ở quận Tư. Có em bố mẹ chia tay nhau mỗi người mỗi ngả và bỏ em cho bà ngoại. Bà ngoại lưng còng tóc bạc ngày ngày vẫn phải gánh hàng rong kiếm tiền nuôi cháu. Có em bố nhậu nhẹt say sưa suốt ngày, mẹ tần tảo kiếm tiền nuôi con từ những thúng rau quả dạt lượm từ chợ Cầu Muối. Có em mẹ bệnh nặng, một mình bố nuôi mấy anh chị em ăn học; một gia đình năm miệng ăn mà tiền chợ mỗi ngày chỉ vỏn vẹn mười ngàn đồng! Mỗi gia đình một hoàn cảnh nhưng tất cả đều có một điểm giống nhau là cuộc sống còn đầy khó khăn. Từ giã các em ra về mà lòng chúng tôi ai cũng bùi ngùi xúc động. Chị chủ nhiệm lớp nói với tôi: “Đến thăm các em rồi mới thấy thương và thông cảm cho những lỗi lầm của các em.” Phải rồi, đã nhiều lần tôi bực tức vì các em quậy phá, chửi thề, đánh lộn, giành giựt nhau từng mẩu bánh mà chúng tôi phát cho các em sau mỗi buổi học… nhưng bây giờ tôi đã hiểu: Làm sao các em có thể là những đứa trẻ ngoan khi cha mẹ suốt ngày vật lộn với cuộc sống cơm áo gạo tiền, bỏ mặc các em tụm năm tụm ba rong chơi trong các ngõ hẻm của khu phố lao động? Làm sao các em lại không giành giựt nhau từng mẩu bánh khi mà hằng ngày ngoài ba bữa cơm đạm bạc, có bao giờ các em được ăn quà vặt như bao nhiêu trẻ khác? Kể từ hôm ấy chúng tôi càng yêu thương các em hơn, ôn tồn với các em hơn. Vụ Giáo Sĩ Tu Sĩ quyết định trợ giúp hằng tháng cho gia đình các em còn quá khó khăn với sự đóng góp công quả của một vài đạo hữu.

Một năm học đã trôi qua, nhưng thành quả mà chúng tôi đạt được hãy còn quá khiêm tốn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn tự nhủ phải cố gắng hết sức mình để giành giựt các em trước bao nhiêu cạm bẫy, cám dỗ ngoài xã hội. Và dẫu biết rằng phần lớn gia đình các em chưa theo đạo Cao Đài, chúng tôi vẫn luôn tâm niệm phải rán sức thực hiện bằng được lời dạy của Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo:

Việc giáo hóa mới vừa khởi lập,

Các lớp lang ngăn nắp phân minh,

Cho vườn măng mọc đẹp xinh,

Độ con trước, độ phụ huynh sau này.

Con đường chúng tôi đang đi chỉ mới là một nhớm gót nơi khởi điểm. Xin nguyện cầu cho các em tôi và chúng tôi cùng níu nương nhau, chân cứng đá mềm, vững bước tới ngày kết quả.

THANH MAI