TRỌNG PHÁP GIÁO
(Châu Minh, 14-6 năm Đại Đạo 36 Tân Sửu,
16-7-1961)
Nầy chư hiền nam nữ! Vàng
ở trong mỏ vàng, chẳng biết vàng là quý; cũng như người ở vườn chi lan
mùi thơm nực, nào hay biết được mùi thơm.
Với pháp giáo từ ngàn
xưa, những nhà mộ đạo đều thành tâm cung kính để cầu học pháp. Bởi chữ
pháp nghĩa là phép dạy người từ chỗ tối ra chỗ sáng, từ tục nên tiên,
từ phàm nên thánh. Bởi vậy nhà tu sĩ rất quý trọng pháp giáo vô cùng.
Đây Bần Đạo nhắc lại một
tích xưa của một vị Bồ Tát trọng pháp giáo là thế nào?
Thuở xưa, bên thành Ba La
Nại, có nhà vua tên Xu Ru Ba trị vì trong nước được thanh bình, lê dân
an cư lạc nghiệp. Nhà vua lại mộ đạo, thích sự từ thiện bố thí, hằng
hành đạo giải thoát. Hoàng hậu là Xon Đa Ri Ca có sanh một thái tử là
Xon Đa Ra Ca rất tốt đẹp vui vẻ.
Nhà vua vì ham mộ pháp
giáo mới hội quần thần bảo phải đi tìm sư đem về thuyết pháp cho nhà
vua nghe.
Quần thần tâu: Việc nghe
pháp khó lắm, trừ khi nào phật xuất thế thì pháp mới hiển hiện mà
thôi.
Vua rất buồn rầu vì không
được nghe pháp giáo. Lúc ấy, Đế Thích là vua của chư thiên, biết rõ
hết những việc dưới cõi trần, nên biến hình Dạ xoa để thử nhà vua Xu
Ru Ba.
Trong lúc đang hội quần
thần, Dạ xoa tâu rằng: “Nhà vua muốn nghe pháp chăng? Tôi sẽ thuyết.”
Vua Xu Ru Ba rất hân hoan
đáp lại: “Tôn thần cứ thuyết đi vì tôi mong ước từ lâu.”
Dạ xoa đáp: “Nầy Đại
vương! Pháp lý cần có sự no đủ trước. Vậy để ta ăn no rồi sẽ thuyết
cho nhà vua nghe.”
Vua truyền đem những đồ
ăn lại cho Dạ xoa, nhưng Dạ xoa rằng: “Ta chỉ muốn dùng huyết nhục của
người là thái tử.”
Nhà vua nghe rất thản
nhiên, suy nghĩ thầm, nay ta mới gặp được dịp nghe pháp, nhưng pháp
nầy quá cao, ta theo không nổi.
Thái tử Xon Đa Ra Ca rõ
chuyện trên, tâu cùng nhà vua nên nhẫn nhục để thái tử hiến thân cho
Dạ xoa để nhà vua được nghe pháp. Vua Xu Ru Ba nén lòng vì pháp mà
hiến đứa con thân yêu cho Dạ xoa ăn. Ăn xong chưa no lòng, đòi nữa
rằng: “Còn phải ăn luôn hoàng hậu tôi mới thuyết pháp được.”
Nhà vua cũng vì pháp liền
dâng. Ăn xong hoàng hậu rồi, Dạ xoa nói: “Tôi cũng chưa no, ăn luôn bệ
hạ mới đủ.” Nhà vua đáp: “Nếu Tôn thần ăn tôi rồi làm sao tôi nghe
pháp được? Vậy hãy thuyết trước đi, rồi tôi sẽ hiến thân nầy.” Dạ xoa
bắt nhà vua lập thệ hứa hẹn, rồi thuyết lên bài pháp nầy:
Vì chưng ưa thích, nên lo,
Vì chưng ưa thích, làm cho hãi
hùng.
Ai mà dứt mối yêu thương,
Chẳng còn lo lắng, chẳng phương
hãi hùng.
Tuy có mấy câu ấy, mà nhà
vua lãnh hội đủ lý Đạo cao siêu, nên phán cùng Dạ xoa: “Đây, thân tôi
Tôn thần muốn chi tự tiện!”
Đế Thích thấy căn cơ chặt
dạ, liền hiện nguyên hình, một tay cầm thái tử, một tay cầm hoàng hậu,
mà bảo với vua Xu Ru Ba rằng: “Lành thay! Lành thay! Ngài sẽ đắc quả
Bồ đề Vô thượng trong kiếp sau. Tôi rất mừng cho căn cơ đạo lý của
ngài sâu rộng. Đó là tôi thử lòng ngài nên dùng thần thông. Vậy tôi
trả lại thái tử và hoàng hậu cho ngài đó!”
Đây là câu chuyện quá khứ
để chư hiền nam nữ nhận định lý siêu việt của pháp giáo là cao thượng
thăm thẳm dường nào, phải mua bằng một giá rất cao.
Bởi vậy những vị giáo chủ
từ ngàn xưa hay thử lòng đệ tử, coi bền tâm chặt ý trên việc đạo đức
tu hành hay không, rồi mới truyền pháp giáo.
Nay thời kỳ mạt kiếp,
Đức Thượng Đế khai Đại Đạo, truyền pháp giáo biết bao! Ngày kế cận
đây, khắp trên hoàn cầu, nhơn loại người có căn đức đều lần lượt đến
nước Việt Nam để thọ truyền pháp giáo của Đức Chí Tôn.
Hiểu lẽ quý báu vô giá
ấy, chư hiền nam nữ chớ nên khinh thường lời của Ơn Trên giáo hóa,
rồi ngày tương lai hối tiếc cũng đã muộn.
Vậy cố gắng tinh tấn nghe
lời chỉ giáo của Ơn Trên, rồi chư hiền nam nữ khắc chặt vào tâm trí để
hành đúng theo lời dạy, tức nhiên là kết quả hoàn thành trên đường đạo
lý tu học chẳng sai.
Thi:
Pháp giáo
cao thâm rất diệu kỳ,
Hữu duyên,
hữu phước ngộ tiên tri,
Nữ nam cố
gắng trên đường đạo,
Trau luyện
thân tâm đúng pháp y.
PHÁP LỰC KIM TIÊN |