XIN VUI LÒNG CHO HỎI (INFORMATION PLEASE)

Tặng vật quý nhất dành cho một em bé là gì nhỉ? Những vật cụ thể như đồ chơi lạ đắt tiền, thức ăn ngon quý hiếm, áo quần xinh đẹp tinh khôi chăng? Có thể là như thế. Nhưng để được là một bảo vật vô giá đi theo em bé suốt đời cho tới khi em đã trưởng thành thì hình như người lớn phải kiếm tìm một thứ khác.

Khi bằng tình thương yêu trẻ thơ tự nhiên, và biết dành nhiều thời gian cho trẻ không nề hà so đo tính toán, nhẫn nại làm bạn để chia sẻ với trẻ những nỗi niềm trẻ thơ, thì chính là người lớn đã dành cho trẻ một bảo vật có ý nghĩa to tát nhất.

Câu chuyện chan chứa tình thương do Paul Villiard thuật lại chắc chắn sẽ khiến mọi người xúc động và thêm một lần nữa cùng nhận ra rằng trên đời này quả thực không có gì êm đềm, sâu lắng mà lại vĩ đại hơn tình thương yêu, lòng nhân ái.

Khi tôi còn bé gia đình tôi có được một trong những máy điện thoại đầu tiên trong xóm. Tôi nhớ rõ cái hộp gỗ sồi đánh bóng được đính vào tường nơi chân cầu thang. Chiếc ống nghe sáng loáng máng vào một bên hông cái hộp. Thậm chí tôi còn nhớ cả số máy -- 105. Tôi còn bé quá không vói tới điện thoại, nhưng lại thường say mê lóng tai nghe khi má nói chuyện với nó. Một lần má ẵm tôi lên để tôi nói chuyện với ba, bấy giờ đang bận làm ăn xa nhà. Thiệt là kỳ diệu!

Về sau tôi khám phá ra rằng có một người rất tuyệt vời đang sống đâu đó bên trong cái máy kỳ diệu ấy -- tên bà là “Xin-vui-lòng-cho-hỏi” (1) và không có điều chi mà bà không tường tận. Má có thể hỏi bà số điện thoại của bất cứ ai; khi đồng hồ nhà tôi ngưng chạy, bà Xin-vui-lòng-cho-hỏi lập tức nói ngay cái giờ chính xác.

Bản thân tôi lần đầu tiên có được kinh nghiệm riêng với vị thần-trong-ống-nghe này đúng vào hôm má đi thăm một người hàng xóm. Trong lúc một mình chơi dưới tầng hầm với con ngựa gỗ,(2) tôi bị búa nện trúng một ngón tay. Cơn đau thật khủng khiếp, nhưng dường như khóc la cũng chẳng ích lợi gì vì đâu có ai ở nhà mà vỗ về an ủi. Tôi đi lòng vòng quanh nhà, miệng mút mãi cái ngón tay đau nhói, cuối cùng tôi bước tới bên chân cầu thang. A, điện thoại! Lẹ làng tôi chạy đi tìm cái ghế thấp dùng gác chân trong phòng khách và lôi nó về chân cầu thang. Leo lên ghế, tôi nhấc ống nghe ra và áp chặt vào tai. Tôi nói vào máy: “Xin vui lòng cho hỏi.”

Tôi nghe có một hay hai tiếng “cách” và một giọng trong trẻo, nhỏ nhẹ rót vào tai tôi: “Xin nghe.”

Tôi rên rỉ vào máy: “Cháu đau ngón tay...” và nước mắt liền tuôn trào vì bây giờ tôi đã có người nghe.

“Má cháu không có nhà sao?”

Tôi khóc òa lên: “Không ai hết, có mình cháu hà.”

“Cháu có chảy máu không?”

Tôi đáp: “Không có. Cháu đập búa trúng ngón tay đau lắm.”

Bà hỏi: “Cháu mở được tủ lạnh không?” Tôi nói được. “Vậy cháu lấy một cục nước đá nhỏ và đặt lên ngón tay đó. Cháu sẽ hết đau. Hãy cẩn thận khi cạy nước đá nhé.” Bà nhắc nhở. “Thôi đừng khóc. Cháu sẽ qua khỏi mà.”

Sau lần đó, chuyện gì tôi cũng gọi bà Xin-vui-lòng-cho-hỏi. Tôi xin bà giúp tôi về bài học địa lý và bà cho tôi biết chỗ nào là thành phố Philadelphia,(3) ở đâu có dòng Orinoco -- là con sông tưởng tượng mà khi nào lớn lên tôi sẽ thám hiểm. Bà giúp tôi làm toán, và bảo tôi lấy trái cây và hạt dẻ nuôi con sóc chuột tôi bắt được trong công viên mới ngày hôm trước.

Có lần con hoàng yến Petey nhà tôi nuôi lăn ra chết, tôi gọi bà Xin-vui-lòng-cho-hỏi và kể lể câu chuyện buồn. Bà lắng nghe, rồi rót vào tai tôi những điều mà người lớn thường vẫn nói khi vỗ về một đứa trẻ. Nhưng lòng tôi không nguôi: tại sao chính những con chim hót hay đến thế và mang niềm vui đến với mọi gia đình lại chỉ còn là một dúm lông cỏn con nằm bẹp ở đáy lồng?

Hẳn là cũng thấu hiểu nỗi lòng u uất của tôi, bà dịu dàng bảo: “Paul à, cháu hãy luôn nhớ rằng còn có những cõi miền khác nữa để hót ca nơi đó.”

Vì một lẽ nào đó tôi đã cảm thấy dễ chịu hơn.

Một ngày khác tôi ở bên điện thoại. Cũng cái giọng mà nay đã quen thuộc: “Xin hỏi.”

Tôi hỏi: “Bà ơi, chữ sửa viết làm sao?”

“Sửa chữa phải không? S-Ử-A.”

Đúng lúc ấy, vì muốn hù dọa tôi cho vui, chị tôi từ trên cầu thang phóng xuống người tôi, miệng rít lên “Ma... a... a... !” Tôi té khỏi chiếc ghế, giật đứt ống nghe ra khỏi hộp điện thoại. Cả hai chị em đều khiếp vía -- bà Xin-vui-lòng-cho-hỏi không còn ở trong máy nữa, và tôi hoàn toàn chẳng biết chắc là đã có làm bà đau đớn không khi tôi giật đứt ống nghe.

Lúc sau, một người đàn ông hiện ra ở hàng hiên. Ông nói: “Chú là thợ sửa điện thoại. Chú đang làm việc ở cuối đường thì tổng đài cho biết có lẽ số máy này trục trặc gì đó.” Ông vói cầm lấy ống nghe đang nằm trong tay tôi. “Chuyện gì vậy?”

Tôi kể hết đầu đuôi.

“Được, chú cháu mình có thể sửa nó trong một hai phút.” Ông mở hộp điện thoại, bày ra trước mắt một mớ dây và cuộn dây rối rắm. Ông mày mò một lát với chỗ đầu dây nối với ống nghe, xiết chặt các thứ bằng một chiếc tuốc-nơ-vít nhỏ. Ông lay nhè nhẹ lên xuống cái móc để máng ống nghe vài lần, rồi nói vào máy: “A lô, Pete đây. Máy số 105 đã kiểm tra mọi thứ. Chị chú nhỏ hù dọa chú và cu cậu giật đứt dây điện thoại.”

Ông gác máy, nhoẻn miệng cười, vỗ nhẹ lên đầu tôi và bước ra cửa.

Tất cả những chuyện ấy đã xảy ra ở một thị trấn nhỏ miền tây bắc nằm về phía Thái Bình Dương. Sau này, hồi tôi chín tuổi, gia đình tôi đã băng ngang qua đất nước để dọn về thành phố Boston -- và tôi nhớ tha thiết con người thông thái từng làm cố vấn cho tôi. Bà Xin-vui-lòng-cho-hỏi trong cái hộp gỗ cũ kỹ ở lại nhà cũ, và vì một lẽ nào đó mà tôi không hề nghĩ tới việc dùng thử cái điện thoại mới, thanh mảnh, nằm trên chiếc bàn nhỏ trong căn phòng lớn.

Tuy vậy, khi tôi mười mấy tuổi đầu, những ký ức về các lần trò chuyện trong thời thơ ấu ấy thật sự chưa bao giờ xa lìa tôi; thường trong những khoảnh khắc nghi nan, bối rối, tôi lại nhớ đến cái tâm trạng thanh thản, an bình mà tôi có được khi tôi biết rằng tôi có thể nhấc điện thoại gọi bà Xin-vui-lòng-cho-hỏi và sẽ được một giải đáp đúng đắn. Giờ đây tôi hiểu ra với lòng cảm kích rằng bà đã rất nhẫn nại, thông cảm, tử tế biết bao nhiêu khi phải phí hết ngần ấy thời giờ của bà cho một chú bé.

Vài năm sau, trên đường về miền tây khi tôi vào đại học, máy bay tôi đáp xuống thành phố Seattle.(4) Tôi có khoảng nửa giờ để chờ chuyến bay tiếp, và tôi đã trò chuyện chừng mươi, mười lăm phút gì đó với chị tôi qua điện thoại. Bấy giờ chị sống ở đó, hạnh phúc được làm một người vợ và bà mẹ chín chắn. Thế rồi, thật sự cũng không biết mình đang làm gì nữa, tôi đã quay số gọi tổng đài nơi thị trấn năm xưa và nói: “Xin vui lòng cho hỏi.”

Kỳ diệu thay, tôi lại nghe được giọng nói nhỏ nhẹ, trong trẻo mà tôi đã rất quen thuộc: “Xin hỏi.”

Tôi chẳng hề rắp tâm sẵn, nhưng tôi nghe tiếng mình thốt lên: “Xin vui lòng cho hỏi, chữ sửa viết làm sao?”

Im lặng khá lâu. Sau đó, là câu trả mềm mỏng của bà Xin-vui-lòng-cho-hỏi: “Tôi đoán ra rồi, đến nay thì ngón tay của cậu hẳn đã lành.”

Tôi cười, nói: “Vậy đúng là bà đây rồi. Cháu không biết bà có nghĩ rằng trong suốt thời gian xưa kia bà đã có ý nghĩa như thế nào đối với cháu không.”

Bà đáp: “Tôi tự hỏi là cậu có biết rằng cậu đã có ý nghĩa như thế nào đối với tôi không. Tôi không con cái, và tôi thường chờ cậu gọi tới. Có ngốc nghếch không nhỉ?”

Dường như chẳng có chi ngốc nghếch cả, nhưng tôi chẳng nói ra. Thay vì vậy, tôi kể cho bà nghe trong những năm qua tôi thường nghĩ tới bà nhiều thế nào, và hỏi xem tôi có thể gọi lại cho bà không, khi tôi trở về thăm chị tôi lúc hết học kỳ một.

“Hãy gọi nhé. Cứ hỏi gặp Sally.”

“Tạm biệt Sally.” (5) Nghe như là lạ khi bà Xin-vui-lòng-cho-hỏi cũng có một cái tên. “Nếu cháu tình cờ gặp những chú sóc chuột nào đấy, cháu sẽ dặn chúng ăn trái cây và hạt dẻ.”

Bà bảo: “Hãy nói thế. Và tôi hy vọng một ngày nào đó cậu sẽ lên đường thám hiểm dòng sông Orinoco. Chào cậu nhé.”

Vừa vặn ba tháng sau tôi quay lại sân bay Seattle. Một giọng nữ khác trả lời và tôi xin gặp Sally.

“Anh là bạn à?”

Tôi đáp: “Phải, một bạn cũ.”

“Vậy tôi lấy làm buồn phải báo tin anh biết. Vì ốm đau, mấy năm sau này Sally chỉ làm việc bán thời gian. Bà qua đời cách đây năm tuần.” Nhưng trước khi tôi kịp gác máy, chị ấy hỏi: “Khoan đã, anh nói anh tên là Villiard phải không?”

“Phải.”

“À, Sally có viết mấy chữ để lại cho anh.”

“Viết gì thế?” Tôi hỏi, nhưng hầu như đã biết trước lời lẽ ấy ra sao rồi.

“Nó đây rồi, tôi đọc nhé -- ‘Hãy nói với cậu ấy rằng tôi vẫn bảo là còn có những cõi miền khác nữa để hót ca nơi đó. Cậu ấy sẽ hiểu tôi muốn nói gì.’ ”

Tôi cám ơn chị và gác máy. Tôi đã hiểu Sally muốn nói gì rồi.

__________________________

(1) Khi liên hệ với tổng đài 105 nhờ giải đáp thắc mắc, câu nói thường nghe là “Information, please.” Chú bé thơ ngây tưởng lầm đó là tên của người ở đầu dây bên kia. Trong bài này, tùy theo tình huống, tạm dịch “Xin vui lòng cho hỏi”, hoặc “Xin hỏi”.

(2) Con ngựa gỗ (tool-bench): cái băng ghế của thợ mộc dùng để kê miếng gỗ khi cưa, bào, đục...

(3) Philadelphia: thành phố lớn nhất của bang Pennsylvania (Mỹ).

(4) Thành phố ở trung-tây bang Washington, là thành phố lớn nhất trong miền Tây Bắc Thái Bình Dương (the Pacific Northwest).

(5) Người châu Âu, khi xưng hô thân tình, chỉ cần gọi tên riêng mà không kèm theo một tiếng ông, bà... ở trước.

Dũ Lan Lê Anh Dũng dịch

08-8-1998