BÀI HÁT MỪNG SINH NHẬT (A BIRTHDAY SONG)
Xã hội người lớn có phân biệt giai cấp thường tạo ra những vách ngăn vô hình chia rẽ con người với con người. Còn đối với con trẻ thơ ngây, sự phân biệt rẽ chia có thực hay không? Một đứa trẻ da đen nghèo khổ giữa bọn trẻ da trắng con nhà khá giả có bị kỳ thị chăng? Nếu có, người lớn phải biết xử sự thế nào? Câu chuyện đơn giản của Robert Tate Miller chắc sẽ gợi cho lương tâm con người ít nhiều nỗi niềm suy gẫm.
Buổi sáng hôm đó John Evans lê bước vào đời tôi. Một thằng bé bộ dạng rách rưới, lại điểm thêm áo quần thùng thà thùng thình mà anh hay chị nó đã thải ra, và nó còn xỏ đôi giày cũ mòn đã đứt bung các đường chỉ may.
John là con trai một gia đình da đen tha hương cầu thực và họ vừa mới tới tỉnh nhỏ chúng tôi ở Bắc Carolina để tìm việc nhân mùa hái nho. Những người lao động này nghèo mạt hơn cả những người nghèo, họ kiếm chỉ đủ ăn cho gia đình.
Sáng hôm đó, khi đứng trước lớp Hai của chúng tôi, John Evans là một hình ảnh bất hạnh. Trong lúc cô giáo Parmele ghi tên nó vô sổ điểm danh, nó cứ hết co chân này lên rồi lại hạ xuống, co chân khác lên. Chúng tôi không biết cái kẻ thảm hại mới tới đó được tạo bằng chất liệu gì, nhưng những tiếng xì xào phản đối bắt đầu lan ra các dãy bàn.
“Gì thế?” Thằng bé đằng sau tôi thì thầm. “Có tên nào mở cửa sổ ra đó.” Một đứa con gái đáp, cười khúc khích. Cô Parmele ngước lên nhìn chúng tôi qua làn kính trắng. Tiếng lao xao im bặt, và cô trở lại với công việc sổ sách.
“Cô giới thiệu với cả lớp đây là em John Evans.” Cô Parmele lên tiếng, cố làm ra giọng phấn khởi. John nhìn quanh lớp mỉm cười, hy vọng ai đó sẽ cười đáp lễ. Chẳng ai cười lại. Vậy mà nó vẫn tiếp tục nhe răng ra.
Tôi nín thở, hy vọng cô Parmele sẽ không chú ý thấy chỗ ngồi còn trống bên cạnh tôi. Nhưng cô đã thấy và chỉ cho John về hướng đó. Nó nhìn tôi dò xét khi lách vào chỗ ngồi, nhưng tôi quay mắt đi để nó khỏi tưởng rằng tôi hứa hẹn làm người bạn mới.
Cuối tuần lễ đầu tiên, John đã ở hẳn vào nấc thang chót trong đẳng cấp xã hội của học trò trường tôi. Một hôm vào bữa cơm tối, tôi nói với má: “Đó là lỗi của nó. Thậm chí nó chỉ biết đếm.”
Má ngày càng biết về John rõ hơn qua các câu chuyện hằng đêm tôi kể. Má bao giờ cũng nhẫn nại lắng nghe nhưng ít khi nói gì hơn ngoài những tiếng ậm ừ hay “À ra thế” với vẻ trầm ngâm.
“Tớ ngồi với cậu được không?” John đứng trước mặt tôi, tay cầm khay đựng bữa ăn trưa và nụ cười toe toét trên mặt. Tôi nhìn quanh xem có ai trông thấy không, rồi đáp nhỏ “Ờ”.
Khi tôi nhìn nó ăn và lắng nghe nó huyên thuyên đủ thứ đầu ngô mình sở, tôi dần dần nhận ra có lẽ một số lời lẽ không tốt đã đổ trút lên đầu nó đều là bá láp cả. Kết bạn với nó thực sự khoái lắm và nó là đứa tếu nhất mà tôi biết.
Sau buổi ăn trưa tụi tôi kết bạn chơi đùa thỏa thích trong sân trường. Khi chúng tôi xếp hàng sau lưng cô Parmele để trở vô lớp, tôi quyết định rằng từ nay John sẽ không bao giờ còn phải cảnh thiếu bạn nữa.
Một tối nọ, khi má sửa mền gối chèn cho tôi nằm ngủ được êm, tôi hỏi: “Tại sao má nghĩ là chúng nó không tốt với John?”
Má buồn buồn đáp: “Má không biết. Có lẽ bọn trẻ biết tất cả.”
“Má à, mai là sinh nhật nó, mà nó chẳng có gì hết. Không bánh không quà. Không chi cả. Chẳng ai thèm quan tâm.”
Má và tôi đều biết rằng mỗi khi tới sinh nhật đứa nào, má nó sẽ mang bánh trái vô cho cả lớp. Nhưng má John làm việc cả ngày trong vườn nho. Cái ngày trọng đại của nó sẽ qua đi hờ hững.
“Con đừng lo.” Má nói trong lúc hôn tôi chúc ngủ ngon. “Má chắc chắn rằng mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp cả thôi.” Lần đầu tiên trong đời, tôi nghĩ chắc má lầm rồi.
Bữa điểm tâm sáng hôm sau tôi tuyên bố là cảm thấy không khoẻ và muốn nghỉ ở nhà.
Má hỏi: “Vụ này có dính dáng gì tới sinh nhật của John không hả?” Mặt tôi đỏ bừng lên, và đó là câu trả lời duy nhất má muốn biết. “Con sẽ ra sao nếu như đứa bạn độc nhất của con không ló mặt vào sinh nhật của con?” Má hỏi dịu dàng. Tôi suy nghĩ một lát và rồi hôn má chào đi học.
Tôi chúc John sinh nhật vui vẻ vào đầu buổi sáng sớm, và nụ cười ngượng ngập của nó cho tôi thấy rằng nó vui vì tôi đã nhớ. Có lẽ sau cùng thì cũng chẳng phải là một ngày đáng sợ đâu.
Khoảng giữa chiều tôi gần như đã quyết định rằng sinh nhật sinh nhiếc chẳng phải là cái gì trọng đại. Thì khi ấy, trong lúc cô Parmele đang viết các bài toán lên bảng đen, tôi nghe một âm thanh quen thuộc vọng lại từ hành lang. Cái giọng tôi quen biết đó đang hát bài ca mừng sinh nhật.
Giây lát sau má bước vô cửa với một khay đầy bánh ngọt lung linh ánh nến. Kẹp dưới nách má là một món quà gói xinh xắn có buộc nơ đỏ.
Cô Parmele cất giọng hòa theo bài hát trong lúc cả lớp trố mắt nhìn tôi chờ giải thích. Má thấy John có bộ tịch như con nai bị ánh đèn pha xe hơi làm cho chết sững. Má đặt những cái bánh ngọt nhỏ và quà tặng lên bàn nó và nói: “Chúc mừng sinh nhật cháu John.”
Thằng bạn tôi hào phóng chia phần bánh cho cả lớp, nó nhẫn nại bưng khay đi tới từng bàn một. Tôi bắt gặp má đang nhìn tôi. Má mỉm cười và nháy mắt khi tôi há miệng cắn vô lớp kem sô cô la ươn ướt phủ trên mặt bánh.
Hồi tưởng lại, tôi không còn nhớ hết tên những đứa đã chung vui sinh nhật hôm ấy. Không lâu sau đó John Evans lại dọn đi, và tôi chẳng bao giờ còn được tin tức gì về nó nữa. Nhưng mỗi khi nghe bài hát sinh nhật quen thuộc ấy, tôi lại nhớ đến cái ngày những nốt nhạc reo vang chân thật nhất: trong cái giọng êm ái của má tôi, trong ánh mắt hân hoan của một thằng bé và trong cái hương vị của chiếc bánh kem ngọt ngào nhất.
09-4-1996
Dũ Lan Lê Anh Dũng dịch