Trở lại trang chánh của Website Thiên Lý Bửu Tòa

 

Từ Công Quá Cách của Đạo giáo

đến Vô Ngã Kiểm của Cao Đài giáo

Lê Anh Minh

 

Trong ba đại thiện thư của Đạo giáo là Cảm Ứng Thiên, Âm Chất Văn, Công Quá Cách thì Công Quá Cách có thể được xem là một bảng tự kiểm hàng ngày của người tu nhằm tu sửa bản thân, hành thiện, xa lánh điều ác. Đạo Cao Đài cũng có cách ghi tương tự, gọi là Vô Ngã Kiểm 無我檢, tức là tự kiểm để tu dưỡng nhằm tiến tới cảnh giới thuần chân vô ngã 純真無我. Bài viết này thử tìm hiểu sự tương đồng và dị biệt giữa Công Quá Cách của Đạo giáo và Vô Ngã Kiểm của Cao Đài giáo.

CÔNG QUÁ CÁCH [1]

Công Quá Cách bắt nguồn từ đời Hán. Trong Thái Bình Kinh đời Đông Hán có thuật ngữ «Thiên khoán» 天券, coi như đồng nghĩa với «Thiên cách» 天格, tức là «Thiên chi cách pháp» 天之格法. Dịch học đời Hán có cách xem ngày tốt xấu theo bát quái do Mạnh Khang 孟康 giảng, và thuật ngữ Thiên khoán chịu ảnh hưởng của cách xem ngày này nhưng các đạo sĩ đã cải biến ý nghĩa mà thành cách ghi công và tội mà mỗi cá nhân đã làm hàng ngày. Vậy Công Quá Cách là một dạng bảng tự kiểm hàng ngày. Thiện ngôn thiện hành (lời lành việc tốt) được xem là công và được ghi vào công cách 功格; ác ngôn ác hành (lời ác việc ác) được xem là quá và được ghi vào quá cách 過格 (chữ quá 過 nghĩa là «sai lầm, tội lỗi»). Lời tựa của Thái Vi Tiên Quân Công Quá Cách [2] 太微仙君功過格 viết: «Tu Chân chi sĩ, minh thư nhật nguyệt, tự ký công quá, tự tri công quá đa quả» 修真之士,明書日月,自記功過,自知功過多寡 (Người tu chân mỗi ngày mỗi tháng phải ghi rõ công và tội của mình để tự biết công và tội ấy nhiều hay ít). Cũng theo lời tựa này, đời Kim 金 (1115-1234) năm Đại Định 大定 Tân Mão 辛卯 (1171) (triều vua Thế Tông 世宗), một đạo sĩ tên là Hựu Huyền Tử 又玄子 đã mộng du tử phủ [3] 紫府, triều lễ Thái Vi Tiên Quân và nhận lĩnh yếu chỉ Công Quá Cách; khi tỉnh mộng, chấp bút viết thành sách này.

Chung Lữ Truyền Đạo Tập [4] 鐘呂傳道集, chương 18 (Luận Chứng Nghiệm 論證驗) viết: «Ư tử phủ triều kiến Thái Vi Tiên Quân, khế khám hương nguyên danh tính, hiệu lượng công hành đẳng thù, nhi ư Tam Đảo an cư, nãi viết chân nhân tiên tử» 於紫府朝見太微仙君契勘鄉原名姓校量功行等殊而於三島安居乃曰真人仙子 (Nơi cung tiên triều kiến Thái Vi Tiên Quân để được khám xét tên và nguyên quán có phù hợp chăng, rồi được xét công trạng đã làm vân vân, kế đến là an cư nơi ba đảo tiên, bấy giờ được gọi là thần tiên).[5]

Các học giả Nhật Bản, như Tửu Tỉnh Trung Phu 酒井忠夫, Cát Cương Nghĩa Phong 吉剛義豐, Thu Nguyệt Quan Ánh 秋月觀映, cho rằng Thái Vi Tiên Chân Công Quá Cách có liên quan với Tịnh Minh Đạo  淨明道 vì giáo phái này yêu cầu đệ tử phải có cuốn sổ nhỏ, ghi chép những việc tội phước mỗi ngày để phản tỉnh mà tu dưỡng. Kinh Thái Thượng Linh Bảo Tịnh Minh Phi Tiên Độ Nhân Kinh Pháp 太上靈寶淨明飛仙度人經法 của Tịnh Minh Đạo đời Nguyên dạy về Thập Giới 十戒, thì giới thứ 3 yêu cầu mỗi người học đạo phải có một quyển nhật ký, gọi là nhật lục 日錄: «Nhật lục giả, sở dĩ tu kiểm thiện ác chi xứ» 日錄者所以修檢善惡之處 (Nhật lục là nơi tu dưỡng và kiểm điểm việc thiện ác của mình). Nó là «bất giáo chi sư dã, bất thuyết chi hữu dã, bất chiếu chi quân phụ, bất ước chi pháp độ» 不教之師也不說之友也不詔師父不約之法度 (Người thầy không dạy, là người bạn không nói, là vua và cha không ra lệnh, là pháp độ không ấn định).

Nhưng cách tự ghi công và tội mà mình đã làm hàng ngày cũng rất phổ thông, đâu phải chỉ Tịnh Minh Đạo mới có. Cuối đời Đường đã có một bản Công Quá Cách khác gọi là Lữ Động Tân Thập Giới Công Quá Cách 呂洞賓十誡功過格. Lại có quyển Cảnh Thế Công Quá Cách 警世功過格 nữa. Như vậy Công Quá Cách có rất nhiều chủng loại. Phép tự kiểm bằng cách ghi ra sổ hoặc dùng hạt đậu (đậu vàng hoặc đỏ ghi việc thiện, đậu đen ghi việc ác) cũng là tập quán của Tống Nho. Tương truyền Phạm Trọng Yêm 范仲淹 (989-1052) và Tô Tuân 蘇洵 (1009-1066) luôn có một cuốn Công Quá Cách theo bên mình.

Chủ đề chính của Công Quá Cách vẫn là thiện ác báo ứng, một quan niệm hình thành vào thời Tiên Tần. Dịch Kinh, Văn ngôn 文言 ở quẻ Khôn 坤, nói: «Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh; tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương» 積善之家必有餘慶積不善之家必有餘殃 (Nhà nào tích thiện thì ắt có dư điều tốt lành; nhà nào tích ác thì ắt có dư tai ương). Thái Bình Kinh 太平經, thiên Đại Công Ích Niên Thư Xuất Tuế Nguyệt Giới 大功益年書出歲月戒, nói: «Quá vô đại tiểu, Thiên giai tri chi, bạ sớ thiện ác chi tịch, tuế nhật nguyệt câu hiệu, tiền hậu trừ toán giảm niên. Kỳ ác bất chỉ, tiện kiến quỷ môn» 過無大小天皆知之薄疏善惡之籍歲日月拘校前後除算減年其惡不止便見鬼門 (Tội lỗi chớ kể lớn nhỏ, Trời đều biết cả và ghi chép vào sổ thiện ác, vào ngày [cuối] tháng [8] mỗi năm đều có sửa đổi chỉnh lý, [xem] trước sau [để] trừ bớt tuổi thọ. Nếu không dừng tội ác, kẻ gây ác phải vào cửa quỷ).[6] Tuy nhiên trong các chủng loại Công Quá Cách, việc thiện được tính theo đơn vị là công 功 (như cứu sống một người trọng bệnh thì tính là 10 công, chẩn tế những kẻ quan quả cô độc [7] một trăm quan tiền thì tính là một công, v.v...), việc ác được tính theo đơn vị là quá 過 (như hại tính mạng người khác thì tính là 100 quá, hại sinh mạng mỗi con chim muông cầm thú thì tính là 10 quá, v.v...). Công và quá còn nhân lên với số ngày và số đối tượng liên đới (người / vật) như tạo thuyền bè và bắc cầu giúp người qua sông miễn phí thì phí tổn cứ 100 quan tiền là một công và mỗi người lao động một ngày được 10 công.

THÁI VI TIÊN QUÂN CÔNG QUÁ CÁCH

Nội dung cơ bản của Thái Vi Tiên Quân Công Quá Cách 太微仙君功過格 gồm hai loại chính: Công Cách 功格 (ghi điều thiện) và Quá Luật 過律 (ghi điều ác).

Công cách có 36 điều, chia làm 4 loại:

(1) Cứu Tế 救濟 (12 điều): nói về cứu bệnh nhân bằng y liệu châm cứu, giúp người khốn khó hoạn nạn bằng tài vật, tạo cầu sửa đường, chôn cất xác vô thừa nhận. Thí dụ, dùng thuốc và châm cứu trị người trọng bệnh (10 công); cứu người khỏi tội tử hình (100 công); chẩn tế những người quan quả cô độc (1 công cho mỗi 100 quan tiền); giúp người đói khát một miếng ăn miếng uống (1 công); giúp người lỡ bước một chỗ ngủ ấm áp trong đêm giá rét (1 công); chôn cất xác vô thừa nhận (50 công), v.v...

(2) Giáo điển 教典 (7 điều): nói về truyền thụ kinh sách và pháp tu. Thí dụ, tự chú soạn kinh sách hay phép tắc cứu người là 30 công, v.v...

(3) Phần tu 焚修 (việc hương khói và tu sửa nơi thờ phụng, 5 điều): nói về việc kiến tạo miếu mạo, tượng thờ, các vật cúng dường. Thí dụ, tu bổ tượng thờ, điện thờ, cúng dường đồ khí mãnh, rèm trướng, bàn ghế và những vật dụng khác (1 công cho mỗi phí tổn 100 quan tiền); sớm chiều thắp nhang cầu an cho đất nước và bá tánh (mỗi lần 2 công) và cầu an cho mình (mỗi lần 1 công); vì dân vì nước vì tổ tiên quá vãng vì cô hồn vô chủ mà tụng kinh (một biến kinh lớn là 6 công, một biến kinh nhỏ là ba công), v.v...

(4) Dụng sự 用事 (12 điều): nói về các loại việc thiện. Thí dụ, giảng dạy kinh sách khuyến thiện (cho mỗi 10 người thì được 1 công); lấy văn chương thi từ mà khuyến thiện (mỗi bài là 1 công); tiến cử người hiền tài đạo đức (tiến cử 1 người thì được 10 công); tán dương việc thiện của người (mỗi việc 1 công); ngăn chận việc ác của người (mỗi việc 1 công); khuyên người chớ bất liêm, bất hiếu, bất trinh, bất lương, bất nghĩa, bất thiện, bất từ, bất nhân (mỗi người hồi tâm tùng thiện thì ta được 1 công), v.v...

Quá luật có 39 điều, cũng chia làm 4 loại:

(1) Bất nhân 不仁 (15 điều): nói những việc bất nhân như dùng độc dược hại người (10 quá); hại mạng người (100 quá); hại mạng chúng sinh thú cầm (10 quá); học bùa chú để hại người (10 quá); mưu hại người bị tử hình (mưu thành bị 100 quá, mưu bại bị 10 quá); nảy sinh lòng tà dâm (1 quá); nói lời độc ác đối với sư trưởng (10 quá), với người thiện (8 quá), với người bình thường (4 quá), với trẻ em hoặc kẻ dưới (1 quá), v.v...

(2) Bất thiện 不善 (8 điều): như bài xích hủy hoại tượng thờ chư thiên tôn (20 quá), chân nhân (15 quá), thần quân (10 quá); tụng niệm kinh sót một chữ (1 quá), sót một câu (5 quá), đọc sai âm một chữ (1 quá); đọc tụng thác loạn làm mất ý nghĩa một câu kinh (5 quá); đọc tụng mà không chuyên tâm lòng còn lo nghĩ việc khác (5 quá); đọc kinh không theo nghi thức (5 quá); đọc kinh mà phát sinh sân nộ (10 quá), v.v...

(3) Bất nghĩa 不義 (10 điều): như biết người hiền mà không tiến cử (1 quá), không bắt chước (1 quá); phản bội sư trưởng (50 quá); trộm cắp và dạy người trộm cắp (100 tiền ứng với 1 quá); mượn tiền không trả (100 tiền ứng với 1 quá); v.v...

(4) Bất quỹ 不軌 (không noi theo phép tắc, 6 điều): như điều răn thực nhục (ăn thịt): cố ý sát sinh mà ăn (6 quá), mua thịt ăn (3 quá); ăn nhầm thức ăn có thịt (3 quá); ăn thịt vào ngày phải ăn chay (10 quá); ăn thịt xong vào chùa nói điều thiện (10 quá); và điều răn ẩm tửu (uống rượu): uống rượu cùng mưu việc ác (mỗi thăng rượu 6 quá); uống rượu với kẻ bất lương (mỗi thăng 2 quá); vô cố uống rượu với thường nhân (mỗi thăng 1 quá); uống rượu trợ dâm (mỗi thăng 10 quá); uống rượu đến say vào ngày ăn chay hoặc uống xong vào chùa nói điều thiện (5 quá), v.v...

Trên đây là nội dung sơ lược của Thái Vi Tiên Quân Công Quá Cách. Qua đó ta có thể thấy những luật định bao quát 3 phương diện: tư tưởng (ý), lời nói (khẩu), và hành vi (thân). Trong lời tựa của Thái Vi Tiên Quân Công Quá Cách, Hựu Huyền Tử nói: «Minh thư nhật nguyệt, tự ký công quá, nhất nguyệt nhất tiểu tỉ, nhất niên nhất đại tỉ. Tự tri công quá đa quả, dữ thượng thiên chân tư khảo hạch chi số chiêu nhiên tương khế.[...] Y thử hành trì, viễn ác thiên thiện, thành vi chân giới, khứ tiên bất viễn hỹ» 明書日月自記功過一日一小比一年一大比自知功過多寡與上天真司考核之數昭然相契 [...] 依此行持遠惡遷善誠為真戒去仙不遠矣 (Viết rõ từng ngày từng tháng, tự ghi công và tội của mình, một tháng thì tỉ lệ nhỏ, một năm thì tỉ lệ lớn. Tự biết công và tội của mình nhiều hay ít, và số liệu ấy ăn khớp rõ ràng với số liệu mà vị thần trên trời tra xét. [...] Cứ theo cách này mà hành trì, xa điều ác gần điều thiện, thành tâm làm theo những giới cấm chân chính này, thì thành tiên không xa vậy).

Nhưng Công Quá Cách có nhiều chủng loại. Ta có thể kể thêm Thập Giới Công Quá Cách, tương truyền là do Lữ Động Tân trứ tác.

THẬP GIỚI CÔNG QUÁ CÁCH

Léon Wieger [8] cho rằng Thập Giới Công Quá Cách 十戒功過格 xuất hiện cuối đời Đường, nhưng theo Khanh Hy Thái, Thập Giới Công Quá Cách hấp thu nội dung tu dưỡng của Lý học gia đời Tống và Minh, như vậy ắt xuất hiện rất trễ tuy nhiên chẳng rõ vào thời điểm nào.

Thiện thư này bảo: «Học Đạo nãi thân tâm tính mệnh chi sự.[...] Dĩ thập giới định công quá» 學道乃身心性命之事 [...]以十戒定功過 (Học Đạo là chuyện [liên quan đến] thân tâm và tính mệnh. [...] Nên lấy thập giới để định công và quá).

Thập giới là 10 giới cấm về sát 殺 (sát sinh, giết người và loài vật), đạo 盜 (trộm cắp), dâm 淫 (dâm dục), khẩu ác 口惡 (lời nói ác độc), khẩu thiệt 口舌 (cãi cọ), ỷ ngữ 綺語 (lời nói hoa mỹ),[9] vọng ngữ 妄語 (lời nói dối trá), tham 貪 (tham lam), sân 嗔 (nóng giận), và si 痴 (ngu si). Bảy giới đầu ứng với 4 giới trong Ngũ Giới Cấm của Phật giáo (bất sát sinh, bất du đạo, bất vọng ngữ, bất tà dâm), còn 3 giới sau ngăn trừ tam độc (tham, sân, si).

Bản Thập Giới Công Quá Cách mà Léon Wieger dịch ra Pháp văn chia thành 17 chủ đề như: (1) Đối với cha mẹ, (2) Đối với huynh đệ, (3) Đối với thê thiếp, (4) Cha và chú bác đối với con cháu, (5) Môn đệ đối với thầy học và bằng hữu đối với nhau, (6) Đối với gia nhân, (7) Bác ái, từ thiện, (8) Thương yêu loài vật, (9) Tổng quát về thiện ác, (10) Tư tưởng, (11) Hành vi, (12) Ngôn ngữ, (13) Đối với thánh thần, (14) Dục vọng và tự chủ, (15) Y phục và ẩm thực, (16) Tài sản và thương nghiệp, và (17) Giới dâm.

Tóm lại, Công Quá Cách – cũng như Cảm Ứng Thiên Âm Chất Văn – dung hợp luân lý tam giáo với lý luận về sinh mệnh của Đạo giáo (tu luyện thành tiên). Phương pháp tu dưỡng đạo đức này ngày nay cũng được thể hiện qua Vô Ngã Kiểm của Đạo Cao Đài. Nhưng giữa Công Quá Cách của Đạo giáo và Vô Ngã Kiểm của Đạo Cao Đài có những đặc điểm tương đồng và dị biệt ra sao?

VÔ NGÃ KIỂM [10]

Đức Quan Âm Bồ Tát giáng bút rằng:

«Chư hiền sĩ hiền muội đã theo dõi và hình dung một con người có hai trạng thái, từ trong nội tâm cũng như nơi ngoại thể hằng mâu thuẫn nhau. Vì vậy trong cửa tôn giáo, nói đúng hơn là phần Đạo học, thường dạy người tu thân học đạo nên thận trọng, kỹ lưỡng, theo dõi để phân tích và kiểm soát phần nội tâm mình, từ ý nghĩ, lời nói, đến việc làm, xem coi phần nào là thiên phú (thiên tánh chân ngã), và phần nào là của cái ta (giả ngã). Có như vậy mới phân tích nhận định được việc nào nên nghĩ, nên nói, nên làm, và việc nào không nên nghĩ, không nên nói, không nên làm. Trước nhất, bản thân mỗi người suốt một ngày làm việc mưu sinh, chung đụng với những phức tạp hỗn loạn ngoại cảnh, tâm trí con người bị xáo trộn. Sau một ngày ấy, cần để nhín chút thì giờ (nếu nhiều thì càng tốt) để kiểm điểm nội tâm. Khi lòng được an định rồi, sẽ kiểm điểm lại suốt ngày qua mình đã tiếp xúc với những ai, có những ý nghĩ gì, nói những ngôn ngữ nào, và có những hành động gì. Khi lòng trần lắng dịu, Phật tánh phát hiện lần lần, sẽ thấy nổi lên những nét thiện ác trong những hoạt động ngày qua.

«Nhớ rằng phải công bình mà phán xét, phải vô tư mà nhận định, đừng tự ái, ích kỷ, vì một mình trong phòng tối còn ai nhìn thấy hoặc hiểu biết những hoạt động không đẹp ấy đâu mà tự ái, phải hoan hỉ để phục thiện và hoan hỉ để tinh tiến.

«Trên hình thức cụ thể để theo dõi sự tu tiến của mình, Bần Đạo chỉ cho hai phương pháp:

«Một là sắm một cuốn sổ tay nhỏ, hai cây bút có hai màu đen đỏ. Trên cuốn sổ đó hãy chia nhiều hàng theo chiều ngang, nhiều hàng theo chiều dọc. Khi vô tư tự kiểm, thấy rằng trong ngày nay có nhiều điểm thiện, từ tư tưởng, ngôn ngữ đến hành động, thì ghi bút màu đỏ bằng một chấm hoặc khoanh tròn nhỏ. Nếu có một điểm thiện trong tư tưởng, ghi ở cột tư tưởng một khoanh tròn đỏ, nếu được hai, ba, bốn, năm, v.v... ở phần tư tưởng thì cũng khoanh tròn hai, ba, bốn, năm khoanh.

«Ở cột ngôn ngữ cũng làm như vậy, hoặc ở cột hành động cũng làm như vậy. Ngày nay ghi ở mức độ đó, nếu ngày mai các phần thiện có tiến triển hơn thêm sẽ lập một bản đồ cho trang giấy kế bên về sự trồi hoặc tiến triển đó.

«Ngược lại, khi vô tư tự kiểm, nếu thấy mình có những tư tưởng, ngôn ngữ, hành động nào có vẻ bất thiện, thì ghi theo thứ tự mỗi cột bằng bút mực màu đen và đồng thời ghi sang bản đồ bên trang kế theo sự trồi sụt của nó. Đó là phương pháp thứ nhất dành cho người học đạo có trình độ văn hóa, kế toán, v.v... và siêng năng.

«Sau đây là phương pháp thứ hai để dành cho người tu học trình độ văn hóa hơi kém hoặc lười biếng. Sắm hai cái hộp có nắp, một hộp đựng đầy hột đậu đỏ, một hộp khác đựng đầy hột đậu đen, và sắm một hộp thứ ba để trống. Khi tham thiền tịnh định vô tư tự kiểm, nếu thấy trong ngày qua từ ý nghĩ, lời nói, việc làm không mấy tốt đẹp thì đếm đủ bấy nhiêu số hột đậu đen bỏ vào hộp thứ ba. Trái lại, khi vô tư tự kiểm, thấy ngày qua có được những ý nghĩ (tư tưởng), ngôn ngữ, hành động được tốt đẹp, thì cũng đếm bấy nhiêu hột đậu đỏ bỏ vào hộp thứ ba.

«Phương pháp thứ hai này tuy giản dị, dễ làm, nhưng không theo dõi được phần nào tiến hoặc thoái của tư tưởng, ngôn ngữ, hành động, chỉ biết chung là sự thiện ác nhiều ít sau khi tổng kết trong một tuần mà thôi.

«Có theo dõi như vậy mới biết bước đường tu học của mình tiến hay thoái. Nếu thấy thoái đừng buồn, đừng chán nản, cố gắng làm sao đẹp thêm hơn để số hột đậu đen càng ngày càng ít. Nếu thấy được tiến thêm, đừng vội tự đắc, tự phụ, tự cao, rồi khoe khoang sẽ tổn đức. Hãy hoan hỉ mà tiến thêm cho đến khi nào số hột đậu đỏ càng ngày càng tăng thêm nhiều hơn.

«Khi nào thấy ở hộp thứ ba, hạt đậu đỏ chiếm đại đa số, hãy hoan hỉ bước qua lãnh vực chờ đón tiếp nhận ân Thiên trong hệ thống giao cảm giữa mình và các bậc trọn lành.»

Sự tiến bộ của phương pháp ghi Vô Ngã Kiểm so với Công Quá Cách như ta thấy: Công Quá Cách quá chú trọng vào sự tính toán chi li điểm số (công coi như điểm dương, quá coi như điểm âm), cuối cùng sự tổng kết điểm số sẽ đưa đến một phần thưởng hay hình phạt vô hình nào đó. Người tuân thủ Công Quá Cách (kể cả Kinh Cảm Ứng) dễ có xu hướng làm điều thiện để hưởng phúc lộc, trông chờ «bách phúc biền trăn, thiên tường vân tập» (trăm phúc cùng đến, ngàn may mắn tụ về). Trái lại, Vô Ngã Kiểm chú trọng đến sự triệt tiêu bản ngã đầy dục vọng thấp hèn nơi cá nhân nhằm tự nâng cao nhân cách và hoàn thiện lấy bản thân, hướng tới cảnh giới thuần chân vô ngã. Mà đó mới là cứu cánh đích thực của người tu tập.

Tuy nhiên đôi khi cái ranh giới thiện ác khó mà phân định rõ ràng. Một hành vi, một lời nói, hay một ý nghĩ không phải luôn được đánh giá (thiện/ ác) giống nhau trong sự nhận thức của từng người. Ở khía cạnh này, Công Quá Cách đã giải quyết được bằng cách nêu ra từng trường hợp cụ thể (thế này là thiện, thế kia là ác, thậm chí được tính điểm là bao nhiêu nữa) nhưng những trường hợp ấy vẫn chưa được kể ra đầy đủ so với cuộc đời đa đoan phiền toái thiên hình vạn trạng.

Vô Ngã Kiểm chỉ thích hợp cho những ai đã biết rõ ranh giới thiện ác trên một hệ giá trị mà thế tục và tôn giáo cùng chấp nhận. Thí dụ, lời nói thô tục chắc chắn là sái quấy, là ác, trong quan điểm thế tục lẫn tôn giáo. Nhưng đôi khi vì không kiềm chế được, ta lại buông lời thô tục. Trong trường hợp này, ghi dấu vào cột ác khẩu trong vô ngã kiểm, thì chính xác rồi. Ở một trường hợp khác, ta thốt lời vô tình (thí dụ, nói: «Nếu gặp phải tình cảnh đó thà chết còn sướng hơn.»), và nói xong thì quên đi, nhưng không ngờ gần đấy có người tình cờ nghe được. Giả sử người này vốn có nhiều mặc cảm tự ti và tinh thần đang suy sụp. Lời nói vô tình của ta tuy không nhắm vào người đó nhưng lại là giọt nước làm tràn ly sầu não của anh ta. Nếu nó không làm tâm hồn anh ta quằn quại đau đớn thì cũng dẫn đến một hành vi nông nổi rồ dại nào đó của chính anh ta (thí dụ anh ta đi tự tử). Tuy vậy, lời nói ác (một cách gián tiếp) của ta đã không được ghi vào vô ngã kiểm.

So sánh Công Quá Cách của Đạo giáo và Vô Ngã Kiểm của Đạo Cao Đài chúng ta thấy rằng: (1) Phương pháp tu dưỡng đạo đức từ xưa đến nay về cơ bản không khác nhau; (2) tinh thần chung của các phương pháp chính là sự tự kiểm điểm của từng cá nhân về ba phương diện thân, khẩu, ý; và (3) quả thực có sự tương quan về giáo lý giữa Đạo giáo Trung Quốc với Cao Đài giáo Việt Nam.

LÊ ANH MINH

CHÚ THÍCH

[1] Phần này chủ yếu dựa vào Khanh Hy Thái 卿希泰 chủ biên, Trung Quốc Đạo Giáo中國道教, Thượng Hải, 1996, quyển 2, trang 356-358, và Lý Cương李剛 Đạo Giáo Sinh Mệnh Luân Lý道教生命倫理, Tứ Xuyên Nhân Dân xbx, 1994, tr. 158-164.

[2] Thuộc Đạo Tạng道藏, bộ Động Chân洞真, loại Giới Luật 戒律.

[3] Tử phủ紫府: cung trời (heaven), cung tiên (the palace of the genii). Xem: Mathews' Chinese-English Dictionary, Harvard University Press, 1971, mục từ 6954.

[4] Chung Lữ Truyền Đạo Tập 鐘呂傳道集 do Lữ Động Tân 呂洞賓 ghi chép lời của Chung Ly Quyền 鐘離權 truyền đạo cho mình dưới hình thức vấn đáp. Sách xuất hiện cuối đời Đường, gồm 18 luận đề, là một cổ thư về luyện đan hết sức quan trọng.

[5] Tam đảo (hoặc Tam Tiên Đảo 三仙島 hay Tam Hồ 三壺) là ba đảo tiên ở Bột Hải 渤海 (theo truyền thuyết), gồm Bồng Lai 蓬萊, Phương Trượng 方丈 và Dinh Châu 瀛洲. Xưa kia Tần Thủy Hoàng 秦始皇 nghe lời mê hoặc của các phương sĩ như Từ Phất 徐芾 (hay Từ Phúc 徐福), Lô Sinh 盧生, Hàn Chúng 韓眾, và Hầu Công 侯公, v.v..... , đã hoài công sai họ và biết bao đồng nam đồng nữ cùng hàng nghìn người trai giới đem lễ vật vượt trùng dương tìm Bồng Lai Phương Trượng mà xin thần tiên thuốc trường sinh bất tử.

[6] Ngô Phong 吳楓 chủ biên, Trung Hoa Đạo Học Thông Điển 中華道學通典, Nam Hải Xuất Bản Công Ty, 1994, tr. 515 (Chú giải Thái Bình Kinh 太平經).

[7] Quan 鰥: kẻ góa vợ hoặc không vợ; quả 寡: kẻ góa chồng; 孤: trẻ mồ côi; độc 獨: người không con.

[8] Léon Wieger S.J., Histoire des Croyances religieuses et des Opinions philosophiques en Chine, Hien-hien 獻縣 (Hiến Huyện), 1927, tr. 579 (L'index des mérites et des démérites).

[9] Lão Tử nói: «Tín ngôn bất mỹ, mỹ ngôn bất tín» 信言不美美言不信 (Lời đáng tin thì không hoa mỹ, lời hoa mỹ thì không đáng tin), Đạo Đức Kinh 道德經, chương 81. Khổng Tử nói: «Xảo ngôn lệnh sắc tiển hỹ nhân» 巧言令色鮮矣仁 (Kẻ nào lời nói hoa mỹ và bề ngoài kiểu cách ắt kém lòng nhân), Luận Ngữ 論語, Học Nhi 學而.

[10] Thánh giáo do Đức Quan Âm Bồ Tát giáng bút tại Minh Lý Thánh Hội, ngày 16/ 6 Canh Tuất (18/ 7/ 1970). Trích dẫn từ quyển Cẩm Nang Yếu Lý của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, xb 1974, lưu hành nội bộ, tr. 108-113.

 

 

Chú thích về font Arial Unicode MS

Cùng một tác giả Lê Anh Minh

Thiên-Lý Bửu-Tòa, 12695 Sycamore Ave, San Martin, CA 95046 - USA. Tel: (408) 683-0674

Website: www.thienlybuutoa.org     Email    Sơ đồ hướng dẫn tới TLBT

Thông bạch in Kinh