Chín phương trời, mười phương Phật
Lê Anh Minh
Dân gian hay nói “Chín phương trời, mười phương Phật”. Thật ra đó là những phương nào?
A. Chín phương trời hiểu theo dân gian Việt Nam gồm có đông, tây, nam, bắc, đông nam, đông bắc, tây nam, tây bắc, và trung ương.
Người Trung Quốc cổ đại gọi chín phương trời là cửu dã 九野 hay cửu thiên 九天 bao gồm trung ương và tám phương hướng – tức là tứ chính 四正 (bốn hướng chính: đông, tây, nam, bắc) và tứ ngung 四隅 (bốn góc: đông nam, đông bắc, tây nam, tây bắc).
Theo sách Lã Thị Xuân Thu (chương Hữu thủy lãm) đời nhà Tần, chín phương trời có tên gọi và vị trí như sau:
(1) Ở trung ương gọi là Quân Thiên 鈞天 (quân: đều đặn, quân bình);
(2) Phương đông là Thương Thiên 蒼天 (thương: màu xanh biếc);
(3) Phương đông bắc là Biến Thiên 變天 (biến: thay đổi);
(4) Phương bắc là Huyền Thiên 玄天 (huyền: màu đen huyền);
(5) Phương tây bắc là U Thiên 幽天 (u: tối tăm, kín đáo, sâu xa);
(6) Phương tây là Hạo Thiên 顥天 (hạo: sáng trắng);
(7) Phương tây nam là Chu Thiên 朱天 (chu: màu đỏ như son);
(8) Phương nam là Viêm Thiên 炎天 (viêm: nóng, ngọn lửa);
(9) Phương đông nam là Dương Thiên 陽天 (dương: trái với âm).
Sang đời Hán, sách Hoài Nam Tử (chương Thiên văn) giải thích gần giống Lã Thị Xuân Thu, chỉ thay khác nhau hai điểm: Phương đông bắc là Mân Thiên 旻天 (mân: bầu trời); phương tây là Hạo Thiên 皓天 (hạo: sáng trắng; chữ Hán viết khác với Lã Thị Xuân Thu).
Sách Quảng nhã (chương Thích thiên) giải thích cũng hơi khác: Phương đông là Hạo Thiên 皡天 (hạo: rộng rãi, lồng lộng; chữ Hán viết khác với Lã Thị Xuân Thu và Hoài Nam Tử), phương tây là Xích Thiên 赤天 (xích: màu đỏ). Các phương còn lại thì cũng giống giải thích của hai sách trên.
Sách Thái huyền kinh của Dương Hùng chỉ liệt kê chín tầng trời (cửu thiên) là: Trung Thiên 中天 (trung: ở giữa); Tiện Thiên 羨天 (tiện: dư thừa); Đồ Thiên 徒天 (đồ: không có); Phạt Canh Thiên 罰更天 (phạt: hình phạt; canh: thay đổi); Tối Thiên 晬天 (tối: trọn một năm); Quách Thiên 郭天 (quách: tường thành bọc phía ngoài); Hàm Thiên 咸天 (hàm: bao gồm tất cả); Trị Thiên 治天 (trị: sửa sang, cai trị); và Thành Thiên 成天 (thành: thành tựu, làm xong).
Thay vì nói chín phương trời, đạo Lão quan niệm có chín tầng trời và gọi là: cửu trùng, cửu giai, cửu tiêu, cửu thiên. Một thuyết cho rằng chín tầng trời là:
(1) Uất Thiền Vô Lượng Thiên 鬱禪無量天;
(2) Thượng Thượng Thiền Thiện Vô Lượng Thọ Thiên 上上禪善無量壽天;
(3) Phạn Giám Tu Diên Thiên 梵監須延天;
(4) Tịch Nhiên Đâu Suất Thiên 寂然兜率天;
(5) Ba La Ni Mật Bất Kiêu Lạc Thiên 波羅尼密不驕樂天;
(6) Động Huyền Hóa Ứng Thanh Thiên 洞玄化應聲天;
(7) Linh Hóa Phạn Phụ Thiên 靈化梵輔天;
(8) Cao Hư Thanh Minh Thiên 高虚清明天;
(9) Vô Tưởng Vô Kết Vô Ái Thiên 無想無結無愛天.
(Tham khảo: Trương Chí Triết chủ biên, Đạo giáo văn hóa từ điển, Giang Tô Cổ Tịch xuất bản xã, 1994, trang 82.)
Tuy nhiên, trong văn học khi nói chín phương trời thường ngụ ý là trọn cả bầu trời, khắp nơi khắp chốn.
B. Mười phương Phật tức là thập phương chư Phật 十方諸佛. Mười phương (hay thập phương) gồm có đông, tây, nam, bắc, đông nam, đông bắc, tây nam, tây bắc, trên trời, dưới đất (hay trung ương).
Tuy nhiên, có quan niệm cho rằng thập phương không phải là mười phương mà hàm nghĩa tất cả mọi nơi. Nói mười phương Phật hay thập phương chư Phật tức là chỗ nào cũng có Phật, Phật có ở khắp nơi không phân biệt sang hèn, xấu tốt, dơ sạch, thanh tịnh hay không thanh tịnh…
Lê Anh Minh
(Source: Blog thánh thất Bàu Sen)
Chú thích về font Arial Unicode MS