The Left Eye of God

30.- LẼ SỐNG VÀ LẼ CHẾT

Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời, 01-11 Tân Hợi (18-12-1971)

Bộ phận Hiệp Thiên Đài Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý

Đồng tử: Hoàng Mai. Độc giả: Huệ Chơn

TIẾP ĐIỂN

VẠN HẠNH THIỀN SƯ

Bần Tăng chào mừng chư Thiên ân hướng đạo. Mừng chư đạo hữu lưỡng phái.

THI

Người đời úy tử (1) với tham sanh

Mà chẳng sớm lo phục tánh lành

Úy tử nên tìm phương bất tử

Tham sanh mới kiếm vị trường sanh

Mãi lo hồn sống trong thân tử

Quên thấy tử hồn ở thể sanh

Tiên Phật, phàm nhân còn khác biệt

Bởi đời chưa thấu tử và sanh.

Bần Tăng may duyên tái ngộ chư đạo hữu hôm nay. Cũng như tự lúc nào, thương nhau không phải chỉ để lời chào hỏi xã giao hoặc thăm nom sức khỏe, hoặc khen ngợi để chư đạo hữu hài lòng, mà việc chính là việc giúp đỡ cho nhau những gì cần biết trên phương diện tu học. Như thế mới thật là thương. Vậy Bần Tăng xin mời chư đạo hữu đồng tọa thiền.

Bần Tăng để lời hỏi thăm sức khỏe đạo hữu Định Pháp Minh Thiện. Bần Tăng mừng cho đạo hữu đã trút bớt một phần gánh nặng của nghiệp thân.

Bần Tăng cũng để lời hỏi thăm sức khỏe đạo hữu Bảo Pháp Huỳnh Chơn và Bần Tăng cũng mừng cho đạo hữu được trút bớt một phần gánh nặng của nghiệp thân. Điều mà Bần Tăng mừng hơn hết là đạo hữu ý thức được lời dạy của Đức Vô Cực Từ Tôn cũng như lời khuyến ái của Nguyệt Điện Tiên Cô. Đó là hai vị tiên dược đã, đang và sẽ giúp cho đạo hữu phục hồi sinh lực.

Chư đạo hữu đàn trung! Vấn đề Bần Tăng sắp đàm đạo là vấn đề lẽ sống và lẽ chết.

Chư đạo hữu! Thế gian, đã là con người đang mang phần nhục thể, ai ai cũng thiết tha với sự sống và sợ sệt sự chết. Giới hạn kiếp sống của thế nhân trung bình là một trăm năm, nhưng thử hỏi trong khoảng thời gian ba vạn sáu ngàn ngày có mấy ai trọn hưởng?

Đã biết thế, nghĩa là không ai tránh khỏi luật sanh tử trong ý nghĩa sanh trưởng thu tàng.(2) Nhưng ai ai cũng sợ lẽ tử, ham chuộng lẽ sanh.

Thử hỏi, dầu có hoảng hốt kinh sợ cách mấy đi nữa, nhưng có ai thoát khỏi cái định luật ấy đâu! Tuy ước định rằng đời người một kiếp trăm năm chỉ có một lần, nhưng có mấy ai hiểu được và suy nghĩ đến việc sống chết lai vãng (3) với con người không biết bao nhiêu lần trong một kiếp sống. Nhân thế chỉ biết rằng con người chỉ có một lần chết là lần dứt hơi thở, ngũ tạng (4) lục phủ (5) tứ chi ngừng hoạt động, nhưng nào có mấy ai để ý đến mỗi ngày hoặc mỗi đêm con người đều bị chết ít nhất là một lần. Cái chết trước tiên, như đã nói phần trên, là cái chết dài hạn. Cái chết trong giấc ngủ là cái chết trung hạn. Còn biết bao nhiêu cái chết khác từng giờ từng phút từng giây của các tế bào trong cơ thể của con người. Sự sanh tử tử sanh luôn luôn đến rồi đi, đi rồi lại đến, sanh rồi diệt, diệt lại nhường cho sự sanh khác nữa. Đó chỉ nói ở phần nhục thể của con người mà thôi.

Đã là con người mang phần nhục thể, là một trong những hằng hà sa số sinh vật. Việc ấy đâu có chi rằng quan trọng mà phải lo âu sợ hãi, lo tính việc trăm năm. Điều tối quan trọng là sự sanh tử về mặt tinh thần hoặc tâm linh, hoặc linh hồn hay chơn như bản thể cũng thế. Sự sanh tử của phần này mới là quan hệ cho kiếp nhân sinh khi chơn linh ẩn tàng vào phần chủ thể.

Thử hỏi con người sanh ở trần gian để làm chi? Không phải chỉ sanh ra một thời gian nào đó để rồi lại tử như các loài sinh vật khác.

Nếu nói rằng tiếng như nơi đây, dầu cho như các loài sinh vật khác cũng phải cần đến sự tiến hóa từ thấp lên cao, nhưng nhiệm vụ và sứ mạng của con người, ngoài cái như đó, lại còn có phần quan trọng khác nữa, vì Tạo Hóa đã ban cho con người một Thiên tánh, đó là tâm linh, khôn hơn muôn vật. Vì con người được biết đâu là phải và trái, đâu là thiện và ác, đâu là tội và phước, đâu là liêm sỉ và không liêm sỉ. Con người dầu cho có hung ác bạo tàn đến cách mấy đi nữa, nhưng có lúc lương tri cũng hiện đến với họ, tự họ nhận biết việc đã làm đó là phải hay trái, thiện hay ác, tội hay phước, nhưng vì lòng tham dục quá nặng nề khiến họ không thể cải ác tùng thiện (6) mà thôi.

Sứ mạng của con người mà Bần Tăng vừa nêu lên trên, đó là sứ mạng tự mình làm cho mình tiến hóa bằng cách tu học tu hành, khêu tỏ ngọn đèn Thiên lương (7) và giữ ánh sáng Thiên lương ấy mãi mãi trong nội tâm. Kế đến là sứ mạng đem đạo độ đời, cảnh tỉnh giác ngộ người đời hiểu biết để cùng khêu tỏ ngọn đèn Thiên lương ấy mà danh từ đạo học gọi là tâm đăng.

Nếu mỗi người hằng giữ cho ngọn tâm đăng hằng sáng tỏ mãi mãi, thì ngôi Tiên vị Phật đã sẵn dành một bên cho họ. Ngọn tâm đăng ấy trường tồn vĩnh cửu trong hiện kiếp cũng như các kiếp bất sanh bất diệt. Đó mới gọi rằng sống trong thể chết. Còn trái lại, nếu con người không biết sứ mạng vi nhân,(8) tưởng rằng một kiếp sống hiện tại, chạy đôn chạy đáo, làm đủ mọi cách để gầy dựng sự nghiệp trăm năm cho mình, cho con cháu trong hậu thế; trong sự gầy dựng sự nghiệp vật chất đó, đã vùi lấp chơn linh Thiên tánh trong mê muội tham dục, phú quý đỉnh chung, danh lợi tình tiền, làm ngọn đèn tâm đăng bị che lấp trong muôn thuở. Đó là con người đã và đang chết trong xác thể còn sống.

Tuy nhiên, có lúc lương tri hoặc nói đúng hơn là tánh tham lam hoặc lòng ích kỷ cũng nhắc nhở họ rằng rồi đây trăm năm cũng bỏ xác, còn linh hồn; nhưng nhớ đến Thập Điện Diêm Vương ngán quá, bèn đem dưng lễ vật trong số tiền kiếm được bằng phương tiện bất lương đó để dâng Trời cúng Phật [lo lót] cho linh hồn được siêu thoát sau khi lìa khỏi xác.

Xuyên qua những điều đan cử (9) đó, chư đạo hữu đã hiểu người đời hằng lo sợ sự chết, mãi lo gầy dựng sự nghiệp cho linh hồn ở kiếp lai sanh,(10) mà quên hẳn rằng linh hồn đang chết trong thân sống.

Như vậy, để chư đạo hữu thấy rằng không thể đem tài sản sự nghiệp vật chất làm cho linh hồn được tiến hóa nếu không lo tu học để cải tạo tư tưởng lần hồi trên đà tiến hóa.

Nói như vậy, Bần Tăng vừa thấy trong nội tâm một số đạo hữu nơi đây vừa phân vân hoang mang rằng: Ủa, như vậy bấy lâu nay mình đã góp phần vật chất sự nghiệp và sự nghiệp đạo đức vô bổ hay sao?

Khoan đã chư đạo hữu! Đừng vội nghĩ vậy không nên. Những của cải tiền tài vật chất đem sử dụng vào lãnh vực xã hội từ thiện đạo đức rất có ích, chư đạo hữu! Đó là của cải đem gởi nhà băng trên thượng giới, trộm không cắp, cướp không giựt được, hỏa hoạn bom rơi không thiêu hủy được. Đã vậy mà một vốn đến trăm ngàn lần lãi suất. Nhưng nó [của cải vật chất] có ích ở các lãnh vực sau đây:

1. Là có cơ hội may duyên để trả bớt lần những món nợ tiền khiên mình đã thiếu [tiền nghiệp].

2. Là dùng vật chất để tạo điều âm chất, để dùng cho kiếp lai sanh [luân hồi tái thế].

3. Là nếu của ấy giúp cho người tu hành trong cơn khốn khổ về vật chất, cái âm đức ấy đã khiến kẻ thụ hưởng cảm động hằng hộ niệm cho sở thí chủ (11) được tăng trưởng phước đức sớm trừ bớt nghiệp xấu tiền khiên.

4. Nếu của cải giúp cho người chưa biết tu hành, nhưng biết chừng đâu đó là cơ duyên được trả nợ tiền kiếp như ở phần số một.

5. Là nếu của cải ấy sử dụng đúng với tinh thần tương thân, tương ái, tương trợ vì phát tâm hành thiện, thì sẽ là tài sản sự nghiệp để dành cho kiếp lai sanh, nếu còn đầu thai tái thế sẽ được hưởng cảnh phú quý vinh hoa hoặc nhiều hoặc ít do hiện kiếp biết để dành trong hành thiện.

Chư đạo hữu để ý phần số 5 sẽ thấy rằng, nhìn hiện kiếp của một người nào đó, sẽ hiểu được quá khứ kiếp hoặc vị lai kiếp của họ.

Nhưng rất tiếc thay! Có người hiện kiếp đương hưởng phú quý vinh hoa, tưởng rằng do tài năng của mình tạo ra hoặc của phụ ấm (12) để lại, mà không hiểu cái nhân của nó. Thế nên, người đời thường mỉa mai rằng: Tại sao những kẻ tham tàn độc ác vẫn giàu có phây phây, còn người chí công tu niệm hành đạo suốt đời lại bị nạn nọ tai kia, khó nghèo theo đuổi? Như thế, tu cũng vậy, không tu cũng vậy.

Chư đạo hữu ý thức được điều chót này nên lấy đó làm phương tiện để an ủi, vỗ về, nhắc nhở, khuyến khích hoặc giúp đỡ những người bạn đạo trong cảnh ấy, đang trả quả, để ngăn chặn sự sa sút đức tin, phế đạo rồi bỏ lỡ cơ hội được trả bớt nghiệp tiền khiên quá nặng.

Xuyên qua những phần ấy, chư đạo hữu hãy cố gắng khắc phục mọi khó khăn trong hiện kiếp, làm sao nuôi dưỡng sự sống (thiên lương, tâm đăng) trong thể chết, chớ đừng để tinh thần, chơn như bổn tánh bị chết trong thân xác còn đang sống.

THI

Sanh tử hai đường có lạ chi

Người nào rồi cũng phải qua đi

Phải lo sự sống trong thân chết

Đừng để chết khi hiện sống này.

BÀI

Tiên Phật trước cũng người thế tục

Nhờ biết lo tu đức tu công

Gian lao chẳng lúc sờn lòng

Khó nghèo đạo hạnh mãi không xa mình.

Sống như kẻ thường tình bên ngoại (13)

Nhưng bên trong mãi mãi trau dồi

Tâm đăng mỗi lúc sáng ngời

Nặng phần đạo đức, nhẹ đời lợi danh.

Lòng chí quyết tu hành sớm tối

Lỡ mảy may lầm lỗi điều chi

Ăn năn cải hối tức thì

Cho lòng an định lương tri lố bày.

Nên học tập hằng ngày trau sửa

Tu với hành hằng bữa không lơi

Chung quy (14) bỏ lốt người đời

Chơn linh về chốn cõi Trời Phật Tiên.

Đạo khó chỗ nhẫn kiên bền bỉ

Đạo khó nơi hữu thỉ hữu chung

Vui thì hăng hái gia công (15)

Buồn thì phế phận giữa dòng buông trôi.

Chưa làm chủ sáu ngôi lục dục

Chưa điều hành lãnh vực thất tình

Buồn vui giận ghét quanh mình

Mặc cho sai khiến, mặc tình kéo lôi.

Khó là khó vô hồi vô tận

Chủ nhân ông bị dẫn dắt đi

Bên này kéo, bên kia trì

Làm cho rối loạn lương tri chủ quyền.

Đạo cao thấp, thành Tiên thành Phật

Do tâm mình còn mất tử sanh

Đừng rằng đã có duyên lành

Nguyên căn tá thế rồi sanh kiêu kỳ.

Dầu Tiên Phật từ bi bác ái

Từ trên trời sanh lại thế gian

Nếu không tu tập mọi đàng

Trau dồi linh tánh huy hoàng vị ngôi

Thì vẫn bị luân hồi chuyển kiếp

Tùy căn duyên quả nghiệp ít nhiều

Thế nên người thế đừng kiêu

Ráng tu ráng sửa sớm chiều luôn luôn.

Dù trước việc vui buồn đắc thất

Dầu khen chê chớ phật ý tà

Rồi mình tách bước đi xa

Đó là mắc kế quỷ ma dẫn đường.

Hỡi ai giữ mãi Thiên lương!

Chư đạo hữu! Vì từ hơn một năm qua, có nhiều chư đạo hữu muốn được Bần Tăng gọi riêng mình để dạy đạo nhưng chưa được mãn nguyện. Sở dĩ như thế, vì trong suốt thời gian viết kinh,(16) nào đâu có đủ thì giờ để thỏa mãn. Tuy nhiên, mỗi lần có chút thì giờ nào tạm gọi rằng dư, Bần Tăng cũng không bỏ qua cơ hội đem những kinh nghiệm tu học của mình để hàn huyên,(17) đàm đạo một vấn đề nào đó để chư đạo hữu xem qua hầu suy nghiệm.

Tuy nhiên, mỗi một vấn đề, tuy trình bày tổng quát nhưng đã giải đáp gián tiếp từng lãnh vực, từng hoàn cảnh riêng mỗi chư đạo hữu, đã được gói ghém trong vấn đề ấy.

(…)

Đã hết giờ. Bần Tăng hẹn còn tái ngộ cùng chư đạo hữu. Bần Tăng cảm ơn chư đạo hữu đã kiên chí đợi chờ, và dành nhiều thiện cảm đối với Bần Tăng. Xin chào chung chư đạo hữu. Bần Tăng lui điển trở về thượng giới.


(1) Úy tử 畏死: Sợ chết (to fear death).

(2) Sanh (sinh) trưởng thu (thâu) tàng 生長收藏: Bốn giai đoạn tương ứng với bốn mùa là xuân (sinh sôi), hạ (trưởng, phát triển), thu (gom lại, co cụm lại), đông (tàng bế, cất giữ); đồng nghĩa với thành trụ hoại không, thành thịnh suy hủy.

(3) Lai vãng 來往: Tới lui (to come and go).

(4) Ngũ tạng 五臟: Năm cơ quan trong thân thể con người, gồm tâm, can, tỳ, phế, thận 心, 肝, 脾, 肺, 腎 (tim, gan, lá lách, phổi và thận: heart, liver, spleen, lungs, and kidneys).

(5) Lục phủ 六腑: Vị, đảm, đại tràng, tiểu tràng, bàng quang, tam tiêu 胃, 膽, 大腸, 小腸, 膀胱, 三焦. Dạ dày, mật, ruột già, ruột non, bọng đái, và tam tiêu (miệng trên của dạ dày, phần giữa của dạ dày, và miệng trên của bọng đái). [Six bowels (hollow organs): stomach, gall bladder, large intestine, small intestine, bladder, triple focus.]

(6) Cải ác tùng (tòng) thiện 改惡從善: Sửa đổi những gì không tốt, đi theo đường ngay chính (correcting one’s wrong deeds and following the right way).

(7) Thiên lương 天良: Phần tốt đẹp của con người do Trời ban cho, lương tâm (conscience).

(8) Vi nhân (nhơn) 為人: Làm người.

(9) Đan (đơn) cử 單舉: Nêu ra.

(10) Kiếp lai sanh: Kiếp sau (next life).

(11) Sở thí chủ 所施主: Người công quả vật chất giúp mình (one’s own donor).

(12) Phụ ấm 父蔭: Tài sản cha để lại.

(13) Bên ngoại: Bên ngoài, bề ngoài.

(14) Chung quy 終歸: Kết cục; chung cục 終局(in the end, eventually). Trong bài có nghĩa là khi chết.

(15) Gia công 加功: Thêm sức, ráng sức làm việc gì (to try hard).

(16) Viết kinh: Đức Thiền Sư và Đức Thánh Trần Hưng Đạo tả bộ kinh Đạo Học Chỉ Nam.

(17) Hàn huyên 寒暄: Lạnh và ấm. Hỏi han, tâm sự khi gặp lại nhau.