25.- TỪ TAM GIÁO, TỨ GIÁO, TỚI VẠN GIÁO ĐỒNG NGUYÊN
Văn Phòng Phổ Thông Giáo Lý Hội Thánh Di Lạc
Tuất thời, 30-8 Tân Hợi (Thứ Hai 18-10-1971)
Thông công: Bộ phận Hiệp Thiên Đài
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam.
Pháp đàn: Huệ Chơn. Đồng tử: Thanh Căn xuất khẩu.
THI
THIỆN nguyện Thiên tùng sự cổ kim (1)
HẠNH viên (2) vun quén với tâm điền
ĐỒNG bào đau xót gan bào cũng (3)
TỬ tế vị tha sạch nghiệp duyên.(4)
THIỆN HẠNH ĐỒNG TỬ
Tiểu Thánh chào chư liệt vị hướng đạo Thiên ân. Chào chư đạo tâm nam nữ. Giờ này Tiểu Thánh vâng lịnh xuống báo tin có Đức Vạn Hạnh Thiền Sư lai cơ.(5) Vậy trong ngoài thành tâm nghinh tiếp. Tiểu Thánh xin xuất ngoại hộ đàn.
TIẾP ĐIỂN
VẠN HẠNH THIỀN SƯ
Bần Tăng chào mừng chư hiền đệ, hiền muội lưỡng ban đàn nội.
THI
Chuỗi dài ý hệ (6) cõi Nam Giao
Thích, Đạo, Nho tông những sắc màu
Đã có trường thi Tam Giáo trước
Nhịp đầu để nối nhịp theo sau.
Hôm nay Bần Tăng thừa hành thánh ý của Đức Di Lạc Thiên Tôn và Tòa Tam Trấn đến đây để chứng minh ngày lễ khai mạc Văn Phòng đại diện Phổ Thông Giáo Lý của Hội Thánh Trúc Lâm Thiền Điện Di Lạc Bửu Tòa. Tuy chỉ có Bần Tăng giáng đàn chứng lễ, nhưng nơi thiên không,(7) Đức Di Lạc đang chiếu lằn quang điển trong cuộc lễ này.
Để đáp ứng với những công lao hoàn thành vị trí làm phương tiện phổ độ nhơn sanh và tâm thành hiến dâng lên Ơn Trên của chư hiền đệ, hiền muội nơi này và các nơi lân cận, Bần Tăng miễn phép toàn thể chư hiền đệ muội đồng an tọa tịnh tâm nghe Bần Tăng có đôi lời gọi rằng huấn dụ sau buổi lễ khai tựu vừa xong.
Chư hiền đệ, hiền muội!
Xuyên qua cuộc lễ khai mạc này, những phát biểu về ý nghĩa của vấn đề phổ thông giáo lý trong hiện tại của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nói chung, và nơi Hội Thánh Di Lạc này nói riêng, tưởng cũng đủ rồi với chư hiền. Nơi đây, Bần Tăng cũng bày tỏ thêm về nhiệm vụ phổ thông giáo lý trên căn bản đồng nguyên vạn giáo.
Này chư hiền đệ hiền muội!
THI
Tinh thần vạn giáo cõi trời Đông
Từ thuở xa xưa muốn hiệp đồng
Trên những tinh anh về lẽ Đạo
Nhưng chưa kết hợp sự duy tâm.
Trước hết, Bần Tăng nói qua vài nét về phổ thông giáo lý trên hai phương diện:
Thứ nhứt, trên đường lối sinh hoạt thực tế.
Chư hiền đệ, hiền muội!
Một nền tôn giáo, một chủ thuyết nào có mang đầy những tính chất sống động hợp thời đại nhân tâm đều là những tôn giáo, những chủ thuyết nằm trọn vẹn trong lòng sự sống của nhân sinh.
Thật vậy, đã mang tiếng là con dân trong một nước có một nền văn hóa huy hoàng từ ngàn xưa được cấu tạo trên một nền tảng văn minh nhân bản sớm nhất nhân loại, dĩ nhiên chư hiền đệ, hiền muội và tất cả đều ý thức được đường hướng, được truyền thống cao cả của hiền nhân tiên tổ lưu lại. Phần lớn đều có một bản chất miên viễn (8) lâu dài. Lại nữa, cho tới những thời đại sau này, đời sống con người được mở mang và tiếp nhận thêm những ánh sáng tư tưởng hoàn mỹ để tô điểm cho kiếp vi nhân.(9) Gần hơn nhất và điển hình nhất là phương châm hành đạo trong giáo lý Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay Cao Đài Giáo.(10)
Đã có một tôn chỉ, một hướng tiến đến tột đỉnh của lẽ sống miên trường (11) theo Đại Đạo rồi, chư hiền tất nhiên đã, đang và sẽ sống, sẽ dấn thân trong một thế giới hỗn tạp này để tiến hóa bằng sự tu hành độ tha. Thế thì, nhìn ngay vào cuộc sống, chư hiền phải là những người sống với tất cả ý nghĩa mà Thượng Đế phó giao và an bài, thị hiện (12) cho mỗi người một quyền năng, một sở hữu tuy khác nhau nhưng cũng đồng tánh đồng chất như nhau, làm gương mẫu cho đời trông vào, từ những tiểu tiết của sự ăn uống, xê dịch, sống còn trong đời vật chất tầm thường, mặc dầu những phong thái ăn mặc, ngôn ngữ giao tế ấy hoàn toàn là phần hữu vi vật chất, song phải được thành hình bởi một động lực tinh thần mà giáo lý đạo đức đã lên khung.
Người tín hữu sở dĩ khác đời là ở chỗ đó, ở chỗ đối với bản thân mình thì trong sạch từ tư tưởng lời nói đến việc làm, ở tha nhân, gia đình hay xã hội thì mưu được sự hòa thuận an bình lợi ích cho chung.
Mình muốn siêu thoát khỏi cái đời sống ô trược này thì cũng mong ước cho kẻ khác được như vậy bằng tấm gương chói lọi. Chẳng hạn, muốn bảo thiên hạ cùng ăn chay, cùng không sát sanh hại vật, cùng đem tình thương vô tư chan rưới khắp nơi, trước ý muốn ấy là tự thân mình đã sống trọn vẹn hy sinh hoàn toàn cho ý hướng ấy bằng bất cứ khó khăn nào.
Vả lại, Đức Thượng Đế Ngài ban cho loài người lẽ sống thì lẽ sống phải được thể hiện vuông tròn linh động theo định luật đạo lý. Như thế là Ngài mới vui vì được các con cái chứng minh rõ ràng về nguồn sáng tạo, đức háo sanh vô lượng vô biên của Ngài.
Cho nên vấn đề đem giáo lý hay thế gian gọi là văn hóa vào đời sống tầm thường chan hòa trong mọi lãnh vực, thấm nhuần được cốt tủy của sự thật, của lẽ thuần lương và tốt đẹp rất là quan trọng, đứng vào bậc nhất trong quá trình tiến bộ đạo đức con người.
Những sự kiện ấy, ngày xưa các phái đạo gia thường cho đó là bất ngôn chi giáo,(13) không dạy bảo thiên hạ bằng ngôn ngữ hình thức mà thiên hạ vẫn nghe theo, làm theo đúng đường. Các đấng tiên vương (14) ở thời cổ đại cũng hằng thể hiện được lẽ sống linh hoạt ấy mà đem hạnh phúc thạnh trị cho muôn dân. Tinh thần ấy đến nay vẫn còn giá trị to tát. Chư hiền đệ, hiền muội lưu ý để làm đà phát triển cơ phổ độ nhơn quần.
Thứ hai là phổ thông giáo lý trên hình thức giáo điều thuyết lý.
Giai đoạn này là kết quả, là hậu thân của giai đoạn sống đạo trọn vẹn ở trên.
Thật vậy, trong xã hội đảo điên về mọi mặt này, con người ít khi bình thản tâm trí để kiếm tầm những lẽ mầu vi huyền bí, những an ủi tinh thần nào xa xăm. Thái độ của người đời như vậy không phải tại họ lười biếng hay không ưa thích tự đáy lòng, nhưng tại hoàn cảnh phủ ngăn từ mọi chiều hướng đưa tới. Nhiệm vụ của những người sống đạo như ban nãy, chư hiền đệ, hiền muội là người hữu duyên đi trước, có bổn phận phải phát huy đường hướng ấy lên trên mắt thiên hạ để họ thấy mà tùy tiện cùng theo. Sự theo những giáo lý của Đại Đạo mà chư hiền có sứ mạng cầm nắm và phát huy không có nghĩa là theo chư hiền, vì chư hiền chỉ là một tiểu thiên địa, một con người như hàng vạn con người khác, chỉ khác là giác ngộ trước lẽ Đạo và hướng dẫn người theo sau mà thôi.
Cũng cần phải nói thêm là trên phương diện truyền bá giáo lý phải được thuần nhứt đúng theo chơn truyền tân pháp, không được bẻ cong bởi tư tâm nào nếu không có Hội Đồng Tam Giáo chỉnh tu.
Người cầm đuốc dẫn đường luôn luôn phải là thông hiểu rõ đường nào phải đi, đường nào phải tránh, không được lẫn lộn với nhau, cùng lúc phải giữ gìn ngọn đuốc cho sáng tỏ mãi mãi để mình và mọi kẻ đi mút được khoảng đường. Sự vinh quang thành công theo lý tưởng là ở đó.
THI
Hai đường phổ độ đến nhân sanh
Phải được hy sinh để đạt thành
Sống với Đạo Trời miên viễn sống
Mọi thời mọi kẻ rạng thanh danh.
Sau vài nét về phổ thông giáo lý, bây giờ chư hiền đệ, hiền muội chịu khó nghe thêm, nhớ lại vài nét đại cương về căn bản đồng nguyên Tam Giáo.
Sở dĩ Bần Tăng nêu lại nơi đây vì thấy chư hiền đệ muội vừa rồi cũng đề cập tới.
Thứ nhứt, sự manh nha lý đồng nguyên Tam Giáo.
Này chư hiền đệ, hiền muội!
Như chư hiền đã biết, tư tưởng Tam Giáo đồng nguyên đã khai sinh từ những triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần. Trước thời kỳ này, các tôn giáo như Phật Giáo, Đạo Giáo và Nho Giáo đều biệt lập với nhau về thế đứng trong xã hội lúc bấy giờ, nhưng bản chất con người Giao Chỉ (15) vốn là hảo hòa nên sự thể hiện tinh thần đồng nguyên ba nhà đạo giáo ấy qua các đấng tiên vương cho mở những trường thi Tam Giáo (16) và cho những giáo lãnh,(17) những bậc tu hành mỗi phái này được tham dự vào công cuộc đại sự quốc gia.(18) Song le,(19) những cuộc trao đổi thi thố tài năng giữa ba nhà đạo giáo ấy khi xưa chỉ có tánh cách hình thức nông cạn mà thôi.(20)
Vì sao? Vì ba nhà này chỉ được quyền phát huy tôn giáo của mình mà chưa có ý thức quy mô về sự trao đổi giáo lý hòa hiệp tinh thần; cho nên, trải qua từng thời gian, phái này thạnh bởi nắm được quyền bính nơi tay, thì phái kia phải chịu thối thân vào nơi lặng lẽ để tu dưỡng hành đạo.
Tuy nhiên, nói như vậy không phải là dân mình thời ấy và dần dần những năm kế tiếp không có tư tưởng đồng nguyên Tam Giáo. Chính tư tưởng đồng nguyên Tam Giáo ấy được thể hiện đầy đủ nơi chốn dân gian qua đời sống nhàn tản tiêu dao xa lánh lợi danh để tu tâm dưỡng tánh, hay có chăng làm những việc lành để khỏi bị luân hồi kiếp nạn về sau, hay dốc chí đem tài đức của mình ra để tề gia trị quốc.
Sự đồng nguyên của ngày xưa là ở chỗ đó, không tác thành một hệ thống rõ rệt, một là có tính cách thi thố tài năng với nhau, hai là bàng bạc trong mọi tầng lớp xã hội nhân gian.(21)
Sang điểm thứ hai là sự đồng nguyên Tam Giáo trong thời đại này.
Tục ngữ có câu: Có bột mới gột nên hồ. Những tư tưởng dung hòa Tam Giáo từ xưa đã là những nền tảng của bột để sang đến thời kỳ này, Đức Chí Tôn mới thị hiện để làm nên hồ, có đầy đủ một hệ thống giáo lý căn bản không sót từ xưa, chẳng những từ cổ tới kim mà còn từ Đông sang Tây nữa.
Điểm phong phú dồi dào sinh lực tinh thần ở thời kỳ hạ nguơn (22) này là như thế. Tam Giáo, Tứ Giáo (23) và cả vạn giáo (24) nữa để góp thành một tân tôn giáo mệnh danh là Cao Đài Giáo hay Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Nhưng lẽ sống dồi dào trên phương diện tinh thần này không phải đơn thuần có sự sống ban cho nhơn loại rồi thôi, nhơn loại tha hồ mà hưởng. Nếu thế thì nói làm chi nữa. Từ mấy chục năm nay, vì bên cạnh nguồn sống đạo vô biên nhưng tín nhiệm này, trong xã hội loài người đã có một sự phá giá (25) rất to về sự sống, về lẽ sống tinh thần đi rồi. Lặp lại thêm những trạng huống ấy chi cho thêm đau lòng ở kẻ chơn tu nhiệt thành ưa tế độ! Thôi thì hãy trở lại con đường phải làm sao để không hổ danh với nhiệm vụ dung hòa Tam Giáo hay vạn giáo, tức là chư hiền đệ, hiền muội không phải theo lối xưa của các vì vua muốn thử tài các ông đạo sĩ, tăng lữ nữa, mà phải dung hòa trên tinh thần chơn thật.
Vạn Hạnh Đạo Tràng hay Văn Phòng Đại Diện để phổ thông giáo lý nơi đây nói riêng, là thể hiện điều đó.
Bần Tăng muốn bảo rằng mỗi khi chư hiền đứng lên nói lời đạo lý về tôn giáo mình giữa những người bạn khác cũng nói lên giáo lý của họ, thì chư hiền và những bạn khác không phải cách biệt nhau bởi màn tư tưởng tranh đua với nhau, mong cho lời nói của mình ra được nhiều người hưởng ứng hơn các bạn khác. Như vậy, sẽ không có ý nghĩa đồng nguyên nào cả, mà chỉ là cuộc tranh tài nơi thí trường cho thiên hạ xem, không hơn không kém.
Chư hiền sứ mạng nên lưu tâm điều đó luôn, để nâng đỡ các bạn ở những tôn giáo khác, để họ không có một mặc cảm không tốt đẹp nào mỗi khi đặt chân lên bục, vì giáo lý của những giáo chủ ấy chư hiền mạnh dạn học hỏi thi hành lấy, các bậc giáo chủ khác chư hiền dám thờ phụng lấy, thì sá chi việc nâng đỡ tận tình đối với những kẻ anh em.
Hỡi chư hiền đệ hiền muội!
THI
Đó là Tam Giáo được đồng nguyên
Về với ông cha một chiếc thuyền
Thuyền đạo đóng bằng tư tưởng đạo
Cho tròn danh nghĩa Đấng Cao Thiên.
Thiên địa giao nhơn (26) lẽ sống còn
Lập đời thánh đức chẳng chi hơn
Là tâm, là tánh, là công quả
Đều thể hiện trong sự Thánh Nhơn.(27)
Sau đây, Bần Tăng dặn dò thêm chư hiền đệ hiền muội nơi Hội Thánh Di Lạc. Văn Phòng Đại Diện Phổ Thông Giáo Lý nay đã thành tựu rồi, chỉ còn tổ chức lại nhân sự chăm nom và điều khiển. Việc này, Bần Tăng sở cậy chư hiền đệ lo cho. Mọi sự gì cũng thế, bền bỉ nuôi dưỡng lâu dài vẫn là sự kiện đưa đến thành công. Trường đồ tri mã lực,(28) sự cửu kiến nhân tâm (29) là thế. Những người được giữ nhiệm vụ cho phần phổ thông giáo lý thường xuyên phải là người có khả năng về đạo lý trên căn bản Tam Giáo và Đại Đạo rõ ràng để khỏi phải sơ hở trên công cuộc phổ truyền, vì nhất hào sai thiên lý (30) đó chư hiền đệ.
(...)
THI
Ban ơn toàn thể đàn trung (31)
Nữ nam lớn nhỏ trùng phùng (32) nơi đây
Cơ Quan thừa lịnh hiệp vầy
Phổ Thông Giáo Lý phận này tròn xong
Minh thiên hồi phản chung đồng (33)
Tiếp lo sứ mạng phổ thông Đạo Trời
Nữ nam tín hữu nhớ lời
Quy nguyên vạn giáo Thầy Trời chủ trương
Giã từ đàn nội tam ban
Điển thiên lần trở, Niết Bàn dời chơn.
Thăng.
Huệ Khải chú thích (28-5-2014):
(1) Thiện nguyện Thiên tùng sự cổ kim 善願天從事古今: Sự việc xưa nay là hễ có lòng mong muốn tốt lành thì Trời đều chìu theo (The everlasting fact is that God always meets people’s good will).
(2) Hạnh viên 行園: Vườn hạnh, mảnh vườn đức hạnh (the garden of virtues), biết vun quén thì cảnh vườn tươi đẹp, bỏ bê thì cỏ dại um tùm (tánh xấu dẫy đầy). Tâm điền 心田: Ruộng lòng. Lòng người như thửa ruộng, không chăm sóc thì cỏ dại mọc hoang. Biết vun phân tưới nước, gieo giống tốt thì sẽ sanh ra trái ngọt, cây lành, kết quả tốt đẹp. (The field of the mind, or heart, in which spring up good and evil.)
(3) Đồng bào 同胞: Cùng một bọc; người cùng một dòng giống, dân cùng một nước (fellow citizen, countryman). Bào: Đau đớn (như bị cái bào của thợ mộc xát lên da thịt). Truyện Kiều có câu: Sinh [Thúc Sinh] càng thảm thiết khát khao / Như nung gan sắt như bào lòng son. Câu thơ của Đức Thiện Hạnh Đồng Tử có nghĩa: Đồng bào đau xót (trong cảnh khổ) thì gan ruột (người tu) cũng đau xót lây. Ở đây Ngài chơi chữ khi dùng hai chữ bào đồng âm khác nghĩa. Bào 胞 (trong đồng bào) là cái dạ con (womb); và bào 刨 là cái bào của thợ mộc (carpenter’s plane).
(4) Tử tế vị tha sạch nghiệp duyên: Đem lòng tử tế đối đãi với người khác (vị tha) thì bản thân mình hết nghiệp quả.
(5) Lai cơ 來乩: Đến đàn cơ, cũng như lai đàn 來壇, giáng đàn 降壇, lâm cơ 臨乩, lâm đàn 臨壇.
(6) Ý hệ: Ý thức hệ, hệ tư tưởng (ideology).
(7) Thiên không 天空: Bầu trời (sky).
(8) Miên viễn 綿遠: Lâu dài (everlasting).
(9) Vi nhân 為人: Làm người.
(10) Theo Đức Giáo Tông Vô Vi Lý Thái Bạch, khi nói tắt là đạo Cao Đài, khi nói đầy đủ là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Đàn tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-01 Tân Hợi (10-02-1971).
(11) Miên trường 綿長: Dài lâu (everlasting).
(12) Thị hiện 示現: Bày ra cho mọi người thấy.
(13) Bất ngôn chi giáo 不言之教: Dạy không dùng lời (Teaching without words).
(14) Tiên vương 先王: Vua đời trước (former king).
(15) Giao Chỉ 交趾 (阯): Tên gọi Việt Nam thời xưa, có từ thời Hùng Vương, bao gồm lãnh thổ tương đương Hà Nội ngày nay và miền hữu ngạn sông Hồng. Sau khi nhà Đông Hán (Trung Quốc) chiếm Giao Chỉ, vua Hán Hiến Đế đổi tên Giao Chỉ thành Giao Châu vào năm 203.
(16) Trường thi Tam Giáo: Trong buổi đầu rực rỡ của lịch sử dân tộc, các vua tuyển chọn nhân tài giúp nước thông qua hai kỳ thi về Tam Giáo. Lần thứ nhất mở năm 1195, triều Lý Cao Tông (trị vì 1175-1210). Lần thứ hai mở năm 1247, triều Trần Thái Tông (trị vì 1226-1258).
(17) Giáo lãnh (lĩnh) 教領: Người lãnh đạo trong tôn giáo (religious leader).
(18) Các vua Đinh, Lê, Lý chọn các thiền sư, đạo sĩ vào triều làm cố vấn hoặc quốc sư. Chẳng hạn: Vua Đinh Tiên Hoàng (trị vì 968-979) phong thiền sư Khuông Việt (Ngô Chân Lưu, 933-1011) làm Tăng Thống, phong thiền sư Đặng Huyền Quang làm Sùng Chân Uy Nghi, phong đạo sĩ Trương Ma Ni làm Tăng Lục. Vua Lý Thái Tổ (trị vì 1009-1028) tôn thiền sư Vạn Hạnh làm Quốc Sư. Vua Lý Nhân Tông (trị vì 1072-1127) thường kề cận thiền sư Giác Hải và đạo sĩ Thông Huyền. Vua Lê Đại Hành (trị vì 980-1005) thì tham vấn thiền sư Đỗ Pháp Thuận (915-990). Vua Lý Thần Tông (trị vì 1128-1138) được thiền sư Viên Thông (1080-1151) giúp. Vua Lý Cao Tông (trị vì 1176-1210) cử thiền sư Nguyễn Thường làm Tăng Phó.
(19) Song le: Tuy nhiên (however).
(20) Một hôm vua Lý Nhân Tông đang đàm đạo cùng thiền sư Giác Hải và đạo sĩ Thông Huyền thì phía trên đầu có hai con tắc kè đua nhau kêu điếc cả tai. Vua bảo đạo sĩ làm cho nó im. Thông Huyền lâm râm niệm chú, liền rơi xuống một con. Giác Hải ngẩng lên, định thần nhìn con còn lại, nó liền rớt xuống. Vua làm thơ khen: Giác Hải tâm như hải / Thông Huyền đạo hựu huyền / Thần thông kiêm biến hóa / Nhất Phật, nhất Thần Tiên. 覺海心如海/ 通玄道又玄/ 神通兼變化/ 一佛一神仙. (Giác Hải lòng như biển / Thông Huyền đạo lại càng huyền diệu / (Cả hai đều giỏi) thần thông và biến hóa / Một vị là Phật, một vị là Thần Tiên.)
(21) Để hiểu thêm điều này, có thể tham khảo: Huệ Khải, Tam Giáo Việt Nam, Tiền Đề Tư Tưởng Mở Đạo Cao Đài (Nxb Tam Giáo Đồng Nguyên, California, Hoa Kỳ, ấn tống).
(22) Hạ nguơn (nguyên) 下元: Thời kỳ cuối cùng của một đại chu kỳ gồm có Thượng nguơn (nguơn thượng đức, nguơn tạo hóa, the first kalpa), Trung nguơn (nguơn thượng lực, nguơn tranh đấu, the second kalpa), Hạ nguơn (nguơn điêu tàn, nguơn tái tạo để trở lại thượng nguơn, the last kalpa), cũng gọi là hạ nguơn mạt kiếp 下元末劫.
(23) Tứ Giáo: Nho, Lão, Phật, và Thiên Chúa (Công Giáo).
(24) Vạn giáo 萬教: Tất cả các tôn giáo (all religions).
(25) Phá giá: Làm giảm giá trị, mất giá trị (to devalue).
(26) Thiên địa giao nhơn: Trời đất và con người cùng giao hòa.
(27) Sự Thánh Nhơn: Việc làm của Thánh Nhơn.
(28) Trường đồ tri mã lực 長途知馬力: Đường dài mới biết sức ngựa (Long distance tests the strength of a horse).
(29) Sự cửu kiến nhân tâm 事久見人心: Làm việc lâu dài mới thấy được bụng dạ con người (Longtime work tests people’s will).
(30) Nhất hào sai thiên lý 一毫差千里: Sai một ly đi một dặm (one false step leads to another).
(31) Đàn trung 壇中: Những người có mặt trong đàn cầu cơ (those who are present at the seance).
(32) Trùng phùng 重逢: Gặp lại nhau (to be reunited).
(33) Minh thiên 明天: Ngày mai (tomorrow). Hồi phản 回反: Trở về (returning). Minh thiên hồi phản chung đồng: Ngày mai trở về rồi cùng nhau chung lo (hành đạo).