14.- HAI TIẾNG TU HÀNH
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam
Tuất thời, 15-4 Tân Hợi (Chủ Nhật 09-5-1971).
Pháp đàn: Huỳnh Chơn. Đồng tử: Thanh Căn xuất khẩu.
TIẾP ĐIỂN
VẠN HẠNH THIỀN SƯ
Bần Tăng chào chư hướng đạo Thiên ân.(1) Chào chư đạo hữu đàn tiền.(2)
THI
Thiền y (3) một mảnh một lòng trong
Nguồn cũ bao phen nước lớn ròng
Sanh tử còn mơ đời bảo hợp (4)
Ngã nhân chưa tỏ đạo huyền thông (5)
Ví dầu được có đừng mơ có
Thì lúc lìa không cũng ngộ không (6)
Oi ả lạnh lùng thời mạt hạ (7)
Nương cơ (8) nhắn nhủ kẻ tâm đồng.(9)
Nhân ngày lễ Phật Đản,(10) Bần Tăng được sự thỉnh ý của đạo hữu Ngọc Lịch Nguyệt (11) đến với chư đạo hữu thiện tín (12) giờ này, trước là gặp gỡ các hàng Thiên ân hướng đạo, các hàng nguyên nhân (13) trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ và sau, nhân tinh thần ưu ái ấy, Bần Tăng có ít lời bày tỏ. Vậy mời chư đạo hữu an tọa.
Chư đạo hữu nam nữ! Hôm nay là ngày tối trọng của toàn thể tín đồ Phật Giáo trên hoàn cầu, và không chỉ tín đồ Phật Giáo mà thôi, cho đến cả tín đồ Đại Đạo nữa, đang thành khẩn dâng lên Đức Từ Bi Giáo Chủ Như Lai (14) tấm lòng thành kỉnh hiến dâng trong ngày Phật Đản.
Theo tinh thần hoài tưởng ngày trọng đại này, chư đạo hữu và toàn thể thiện tín trên toàn thế giới hẳn đã tạo nơi lòng một quan điểm, một lập trường noi gương nào đó của Đấng đã khai sinh ra nền giáo lý làm thay đổi cả cuộc diện (15) tôn giáo và tinh thần của một dân tộc vốn dĩ hiếu đạo và gây cho nhân loại một nguồn sống tinh thần cao cả. Thế là ngày lịch sử tôn giáo vậy.
Bây giờ, con người phải làm thế nào để được đúng với ý nghĩa chân thực của ngày lịch sử đó?
Dĩ nhiên, chư đạo hữu sẽ trả lời rất dễ dàng cho câu hỏi này. Đồng quan điểm với tất cả mọi người, Bần Tăng xin trình bày nơi đây một ý niệm rất thông thường cho chữ tu hành. Tuy là rất thông thường, nhưng chính nhờ nó mới tạo cho con người những yếu tố cao cả hơn trên bước đường tu thân tiến hóa.
Thế thì, chư đạo hữu đang sống trong một xã hội nhân sinh tương đối và chịu luật chi phối của đầy dẫy những nhân sự (16) tầm thường, nên Bần Tăng cũng do đó để nói lên lời tầm thường ngõ hầu trở nên phi thường, vượt lên cái xã hội tầm thường của nhân sinh thế sự.
Ngày xưa cho tới ngày nay, trên xã hội loài người, nhứt là xã hội Việt Nam, người ta thường dùng hai tiếng tu hành để làm kim chỉ nam cho cuộc sống, dù là cuộc sống của bực ly gia cát ái,(17) dù là cuộc sống của kẻ ra cúi vào lòn, dù là cuộc sống của kẻ mua gánh bán bưng, và hơn nữa, ở cửa thiền, mỗi khi đối diện với kẻ trần tục, thì người ta bảo tôi là kẻ tu hành, rồi họ định nghĩa luôn rằng ăn chay niệm Phật, không sát sanh, không uống rượu, không không và không...
Ở giới quan lại sĩ phu,(18) mỗi khi muốn lấy lòng dân, muốn chiếm hữu một hữu thể vật chất nào, họ cũng tỏ rằng mình là những bực trị dân có đức độ, biết tu hành, ban bố ân sủng cho dân chúng đặng nhờ. Và đến cả những tay bán buôn tráo đấu,(19) nhiều mưu chước lường gạt tha nhân (20) để cầu lấy cái lợi vật chất về mình, mỗi khi gặp việc cần để thâu hút món ăn, họ cũng chẳng ngại đem hai tiếng tu hành để che đậy thói hư tật xấu của mình.
Nói quanh nói quẩn cũng hai chữ tu hành. Nó đã trở thành một từ ngữ phổ thông, mà phổ thông trong các giới. Giới nào xài cũng được, thì tự nó không còn ý nghĩa đích thực của nó nữa. Tức là nó đã biến thiên, nó được định nghĩa đủ thứ. Cho đến cả những thành phần băng hoại nhân phẩm, đổ vỡ giá trị con người, cũng nhờ nó mà chở che. Song dù thế nào chăng nữa, là người tu chánh đạo, cũng nên đem nó trở lại ý nghĩa căn bản thực sự của nó hầu dùng nó cho đúng chỗ đúng nơi.
Tu là sửa. Ấy chỉ là phần tiêu cực, mà còn phải bồi bổ mới là phần tích cực. Nghĩa là sửa đổi đi những điểm xấu xa tội lỗi để không còn một bợn nhơ, một mặc cảm nào về tội lỗi; và còn phải bồi bổ nó thêm về những hành động hiền lành phước đức, đúng lời Phật dạy: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành.” (21)
Phần tu là bồi bổ, chỉ cho người một cái hướng, cái chỗ đi, nhưng chưa biết phải làm gì và đi tới đâu, tức phải nhờ vào sở học.(22) Nhưng học gì đây, trong khi mình là một người tu, một người phế đời (23) hành đạo, một người hướng thiện?
Học đạo, nếu chỉ một tiếng thôi, cũng chưa đủ. Nó còn phải hiểu thêm nhiều nữa, vì lâu nay, từ đâu tới đây, từ bao giờ tới bây giờ, chỗ nào cũng có người học đạo. Bao giờ cũng có người học đạo nhưng thế giới vẫn chưa được ổn định, con người vẫn chưa nắm vững được giềng mối của đạo là thế nào, nên mới chịu những chia ly về chữ đạo, làm phân hóa con người ra từng mảnh. Bởi lời nói ra là tương đối nên phải bị chi phối đủ mọi mặt, không trách sao con người phải sa vào tình trạng hỗn loạn như ngày nay.
Bần Tăng muốn chỉ cho chư đạo hữu một lối học đạo, không phải là thứ đạo ngoài cái đạo. Nói như vậy chẳng phải chư đạo hữu xưa nay đã lầm lẫn về môn học đạo đâu. Chư đạo hữu đã gặp minh sư.(24) Hiện hữu minh sư là Đức Cha Trời Thượng Đế, bạn hữu là những người đồng hành trên Đại Đạo.
Trên Đại Đạo ấy, chư đạo hữu đã, đang học những gì, và cái học đó để giúp yếu tố cho sự tu đức, sự bồi bổ vậy.
Sự bồi bổ về đạo này cũng gọi là hành, mà từ ngữ tu hành được gói ghém trong đó.
Thường thường phần đông những nhà tu hành theo Đại Đạo hiểu chữ tu hành được chia ra hai giai đoạn, cũng không phải giai đoạn nữa, được chia ra hai phần là đúng hơn. Một phần tu đức, tu thân, sửa chữa thân mình cho đẹp, cho thiện mỹ, cho trong sáng, khỏi những vô minh.(25) Một phần nữa là hằng đem năng lực và sự hiểu biết về lẽ tu, lẽ đạo để làm cho người khác nên, làm cho người khác được yên vui cũng như mình, để đồng nhau dẫn dắt về nơi tuyệt đỉnh của sự tu, là sự đắc đạo.
Nói một cách khác, là tự độ và độ tha đó. Cũng như Đức Phật đã dạy tự giác, giác tha,(26) để rồi giác hạnh viên mãn.(27)
Quan trọng hơn hết, là trong thời kỳ hạ nguơn này, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ chủ trương không tu thân độc thiện (28) mà phải song hành độ tha nữa. Điều đó chư đạo hữu tất cả hiểu rõ lắm rồi.
Như vậy, không có lý do nào để khước từ nhiệm vụ hành đạo hữu vi để trở về chốn thâm sơn cùng cốc (29) mà an dưỡng thân trần,(30) sớm tối tụng kinh niệm kệ mà ngắm nhìn thế sự dẫy đầy những đau khổ, những hoạn nạn, những nghèo đói, những dốt nát, những vô minh, những đủ thứ của kiếp con người xa đạo, xa nguyên bản (31) của con người.
Đức Phật ngày xưa cũng thế, dù nhìn đời bằng đôi mắt xót thương, vì đời là biển khổ, nhưng không vì biển khổ mà con người giác ngộ lại hóa ra ích kỷ, lẩn tránh nhiệm vụ để giải thoát một mình, còn bao nhiêu nhân sinh thì phó mặc cho sóng thần (32) trôi dạt nhận chìm, không buồn biết đến.
So sánh như trên để nhận thấy rằng tu hành tự độ độ tha, không phải là hai giai đoạn cách biệt, mà nó phải song hành với nhau.
Không cần phải đi xa vào thế giới ảo tưởng nào hơn, nhìn lại xã hội loài người hiện đang trước mặt, những sụp đổ nền tảng tinh thần, những rạn nứt tình đệ huynh tứ hải, những hủy hoại nền phong hóa (33) cao đẹp của từng xã hội dân tộc, không phải do luồng gió độc bởi phong vân bất trắc (34) hay phong vũ bất kỳ,(35) cũng không phải do bàn tay sắt thép hữu hình nào đè ép phá vỡ xô ngã được nó, mà tất cả đều do lòng người, do con người không còn nhận một hiện thể của chơn thường diệu hữu (36) nào cả. Con người đã phản kháng chính con người mà tự con người không hay không biết. Chỉ bằng đôi mắt phàm gian tự mãn (37) về trí khôn, về quyền lực, để mong tiến bộ tột đỉnh cho nền văn minh nhơn loại, hóa ra một sự nhầm lẫn to tát của con người. Cái có đó, cái mà con người chấp nhận là một hiện hữu bất di bất dịch (38) ấy, lại là cái hữu thể (39) hẹn ngày sụp đổ bởi thời gian. Không gìn giữ, không biết đến cái sâu thẳm và nguyên thỉ là cái chơn không mà diệu hữu. Cái đó được mệnh danh là Đạo, là tâm linh, là linh quang,(40) tiểu thiên địa (41) vậy.
Biết được những sụp đổ tinh thần, những sụp đổ vật thể không phải do ai, do đâu, chính do cái lòng trần hay dịch biến nó tạo nên mà thôi. Cũng như xưa kia, thời Đức Lục Tổ Huệ Năng, những vị tăng đồ đang ngồi thưởng cảnh trước sân thiền, nhìn lá phướn phất phơ trước gió, người thì cho là tại như thế này, người thì cho là như thế nọ lá phướn nó mới bay. Sự thật thì lá phướn không có bay có động, bổn thể (42) của nó là như như,(43) chẳng lay chẳng động. Có động chăng là do cái nhìn của con người...
THI
Tánh động cảnh trần cũng động theo
Người tu chơn chánh hãy xem vèo (44)
Chẳng lo chấp trước hình thinh sắc (45)
Mà để thần linh (46) phải hiểm nghèo.
HỰU
Nghèo tiền nghèo bạc chẳng hề đâu (47)
Đạo đức gìn trau được đủ giàu
Diệu hữu (48) trường tồn trong một lẽ
Chơn thường (49) không chuyển bởi ba đào.(50)
HỰU
Đào nguyên (51) khó đặng ở nơi nao
Hỡi khách trần gian bước ngõ nào?
Đây lộ trình đang khơi đạo mạch (52)
Quay về chẳng nệ những gian lao.
HỰU
Lao khổ tu đi một kiếp này
Tu là sửa đổi dở ra hay
Tu là bồi bổ nền âm chất (53)
Tu rạng thanh danh mối đạo Thầy.
HỰU
Thầy hiện nhân gian ở chúng sinh
Khuyên cho nhơn loại cuộc đăng trình (54)
Hành tròn sứ mạng trang hiền sĩ (55)
Hành đức tha nhân được thái bình.(56)
HỰU
Bình tâm (57) thấy rõ lẽ mầu vi (58)
Vi hiển (59) cùng soi đạt trí tri (60)
Chẳng chạy đầu non và cuối bể
Cũng nhìn đầy đủ Đạo Tam Kỳ.
HỰU
Kỳ chót là kỳ tuyển lựa đây
Hỡi ai còn bận cõi trần ai
Mau chơn kẻo trễ trường công quả
Điểm đạo cho người chẳng lệch sai.
Chư đạo hữu nam nữ! Với những lời tất yếu (61) trên, Bần Tăng mong mỏi tâm đạo của mỗi người trên bước đường tu kỷ độ tha (62) luôn luôn tiến triển, không phải ngừng nghỉ để bị bánh xe thời gian lăn cán và được đúng với Đạo Trời hành vận (63) luôn luôn như quân tử tự cường bất tức.(64) Bất tức là không nghỉ, nếu nghỉ là chểnh mảng. Hễ chểnh mảng là đi sái với Đạo Trời rồi vậy.
Mấy lời đạo lý hôm nay
Mong chư đạo hữu đem tài chiếu tri (65)
Dù cho gặp buổi loạn ly
Mỗi người mỗi ngả cứ y tu hành
Chẳng tu xa lánh nhơn sanh
Chẳng tu độc thiện để hành độc thân
Vi nhân cùng với chúng nhân (66)
Xử sao cho vẹn mỗi phần thì thôi.
Bần Tăng ban ơn lành toàn tất chư đạo hữu đàn trung lớn nhỏ nữ nam. Hẹn ngày tái ngộ. Bần Tăng xin chào chung. Giã từ. Thăng.
Huệ Khải chú thích:
(1) Chư hướng đạo Thiên ân: Các vị được ơn Trời có nhiệm vụ hướng dẫn đồng đạo.
(2) Đàn tiền 壇前: (Có mặt) trước đàn cầu cơ. ([present] before the séance).
(3) Thiền y 禪衣: Áo thiền, áo người tu.
(4) Bảo hợp 寶合: Sự kết hợp tốt đẹp, bền vững. Sanh tử còn mơ đời bảo hợp: Đời người sống nay chết mai, thế mà còn mơ tưởng hão huyền những sự kết hợp bền vững, vì sẽ có lúc chúng phải ly tan.
(5) Huyền thông: Thông huyền 通玄, hiểu rõ lẽ ảo diệu, sâu xa. Ngã nhân chưa tỏ đạo huyền thông: Còn phân biệt ta (ngã) với người (nhân) thì vẫn chưa hiểu rõ lý lẽ mầu nhiệm, sâu xa của Đạo.
(6) Ngộ không 悟空: Hiểu ra lẽ không. Không là đạo chân thật, trái với sắc là tạm bợ, chẳng bền vững. Ví dầu được có đừng mơ có: Sống trong thế gian (cõi nhị nguyên gồm sắc không đối đãi) thì khi có cũng đừng chấp có, đừng bám víu vào có, vì cái có ấy không bền vững (vô thường). Thì lúc lìa không cũng ngộ không: Nhưng chẳng chấp có thì cũng đừng chấp không, như vậy mới thật là hiểu rõ, hiểu đúng lẽ không. Bởi vậy, Bát Nhã Tâm Kinh dạy: Sắc tức thị không, không tức thị sắc (Sắc tức là không, không tức là sắc).
(7) Mạt hạ: Hạ nguơn (nguyên) mạt kiếp 下元末劫 (the last kalpa); thời kỳ cuối cùng của một đại chu kỳ gồm có a) thượng nguơn (nguơn thượng đức, nguơn tạo hóa), b) trung nguơn (nguơn thượng lực, nguơn tranh đấu), c) hạ nguơn (nguơn điêu tàn, nguơn tái tạo để trở lại thượng nguơn). Oi ả lạnh lùng thời mạt hạ: Oi ả (rất nóng) và lạnh lùng (rất lạnh) là hai mặt đối lập ở mức độ cao; thời hạ nguơn mạt kiếp, con người phá hủy, tàn hại lẫn nhau rất dữ dội; các giá trị đối lập (thiện ác, lành dữ...) cũng tương phản nhau rất mãnh liệt (cái ác càng tăng, điều thiện càng giảm).
(8) Nương cơ: Mượn ngọn đại ngọc cơ để dạy đạo.
(9) Kẻ tâm đồng: Người tri kỷ; người có cùng lý tưởng hay ước mơ, cùng một hướng đi.
(10) Lễ Phật Đản (Vesak): Đại lễ mừng Đức Phật ra đời. Trước năm 1950, cũng như một số nước Đông Á, Việt Nam mừng lễ này vào ngày 08-4 âm lịch. Đại Hội Phật Giáo Thế Giới lần thứ Nhất (the First Conference of the World Fellowship of Buddhists) tổ chức tại Tích Lan (Sri Lanka) từ 25-5 đến 08-6-1950, quy tụ đại biểu hai mươi sáu nước thành viên (trong đó có Việt Nam) đã đồng thuận chọn ngày Phật Đản cho toàn thế giới là ngày 15-4 âm lịch. Người Hoa chuyển âm (translitering) Vesak thành Vệ Tắc 衛塞; gọi lễ Phật Đản là Vệ Tắc tiết 衛塞節, Phật Đản tiết 佛誕節, Phật Đản nhật 佛誕日.
(11) Ngọc Lịch Nguyệt: Khi tại thế là Ngọc Đầu Sư, thế danh Lê Văn Lịch (1890-1947).
(12) Thiện tín 善信: (Người) có lòng kính thành (kiền thiềng 虔誠) tin tưởng Trời Phật.
(13) Nguyên nhân (nhơn) 原人: Những linh căn 靈根 nguồn gốc từ cõi trời, xưa kia nhận lãnh sứ mạng xuống thế gian độ đời.
(14) Như Lai 如來: Một trong mười tôn hiệu của Đức Phật (Tathāgata). Kinh Kim Cương dạy: Đức Như Lai không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, nên gọi tên là Như Lai. (Như Lai giả, vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai. 如來者,無所從來,亦無所去,故名如來.)
(15) Cuộc diện: Cục diện 局面, tình hình, tình thế (situation).
(16) Nhân sự 人事: Việc người (human affairs).
(17) Ly gia 離家: Rời bỏ gia đình (to leave one’s family). Cát ái 割爱: Cắt đứt tình cảm yêu thương ràng buộc (to give up what one favours or loves).
(18) Sĩ phu 士夫: Những người có học thức, giới trí thức của một nước, một xã hội (the intelligentsia).
(19) Tráo đấu (lường cân): Cân non đong thiếu để gian lận.
(20) Tha nhân 他人: Người khác (other people).
(21) Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành 諸惡莫作, 眾善奉行. Chớ làm các việc ác, vâng làm những điều lành. (Lời Phật dạy trong kinh Pháp Cú, phẩm 183.)
(22) Sở học 所學: Chỗ học vấn, cái học mình có được (one’s learning).
(23) Phế đời: Bỏ việc đời.
(24) Minh sư 明師: Thầy sáng, thầy giỏi.
(25) Vô minh 無明: Ngu dốt, tối tăm, không hiểu biết (ignorant).
(26) Tự giác 自覺: Giác ngộ cho mình (enlightenment for self). Giác tha 覺他: Giúp cho người khác giác ngộ (enlightenment for others).
(27) Giác hạnh viên mãn 覺行圓滿: Giác ngộ và hoàn thành đều trọn vẹn (perfect enlightment and accomplishment), nghĩa là ở mức độ cao nhất, hơn hẳn Bồ Tát. Có câu: Phật sở cụ túc chi tam giác: Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. 佛所具足之三覺: 自覺, 覺他, 覺行圓滿. Phật có đủ ba giác là: Giác ngộ cho mình, giác ngộ cho người, giác ngộ và hoàn thành trọn vẹn. Bậc La Hán thì có tự giác. Bậc Bồ Tát thì có cả tự giác và giác tha. Chỉ riêng Phật mới có đủ ba (ở mức độ cao hơn Bồ Tát).
(28) Tu thân độc thiện: Tu độc thiện kỳ thân 獨善其身, tu cho riêng bản thân được tốt.
(29) Thâm sơn cùng cốc 深山窮谷: Núi sâu hang thẳm [ở chốn xa xôi hẻo lánh] (remote mountains and grottos).
(30) Thân trần: Thân phàm, tấm thân xác thịt cõi trần (worldly body, physical body).
(31) Nguyên bản 原本: Nguồn gốc (origin).
(32) Sóng thần (hải khiếu) 海嘯: Sóng lớn, cao từ 20 đến 30 mét, do nước biển rút ra khơi rồi trở lại bờ với tốc độ 500 đến 800 km/giờ, sức tàn phá vô cùng khốc liệt (tsunami).
(33) Phong hóa 風化: Tập tục (phong tục) đã được dạy bảo (giáo hóa) và trở thành tốt đẹp.
(34) Phong vân bất trắc 風雲不測 : Những thay đổi vận mạng không lường trước được, không ngờ được (sudden change of fortune).
(35) Phong vũ bất kỳ 風雨不期 : Những thử thách gian nan không hẹn trước (unexpected trials and hardships).
(36) Diệu hữu 妙有: Cái có tuyệt đối (cái có mà không phải là có), đối lập với cái có tạm bợ (giả hợp) của mọi sự vật, hiện tượng thế gian. (The absolute reality, the incomprehensible entity, as contrasted with the superficial reality of phenomena; supernatural existence.)
(37) Tự mãn 自满: Tự cho là mình đã có đầy đủ, hài lòng với những gì mình đang có (complacent, self-satisfied).
(38) Bất di bất dịch 不移不易: Không dời đổi, không thay đổi (unchanging, steadfast).
(39) Hữu thể 有體: Tiếng gọi bất kỳ một vật, một hình thể, một cái trừu tượng, một ý tưởng, một pháp (a thing, form, dharma, anything of ideal or real form).
(40) Linh quang 靈光: Ánh sáng thiêng liêng (sacred light).
(41) Tiểu thiên địa 小天地: Vũ trụ nhỏ (microcosmos), ám chỉ thân xác con người.
(42) Bổn (bản) thể 本體: Theo triết học, bản thể là cái tự nó tồn tại (đối lập với hiện tượng), thường dịch là substance, being... Trong đạo học, bản thể còn gọi là bản tính, pháp tính, chân như, v.v...
(43) Như như 如如: Không thêm không bớt, không lay không động (free from any effect). [Khi dùng như danh từ, như như đồng nghĩa với chân như, như lai, Phật tánh, Thượng Đế tánh, bản thể, chân như bản thể…]
(44) Xem vèo: Xem nó là khoảnh khắc tan biến rất nhanh.
(45) Hình thinh (thanh) sắc 形聲色: Hình thể, âm thanh, hình tướng (những thứ không bền vững, vô thường).
(46) Thần linh: Ý nói phần giá trị rất thiêng liêng ẩn giấu bên trong con người.
(47) Chẳng hề đâu: Chẳng hề hấn gì, chẳng sao đâu, chẳng hệ trọng đâu (insignificant).
(48) Diệu hữu 妙有: Cái có tuyệt đối (cái có mà không phải là có), đối lập với cái có tạm bợ (giả hợp) của mọi sự vật, hiện tượng thế gian. (The absolute reality, the incomprehensible entity, as contrasted with the superficial reality of phenomena; supernatural existence.)
(49) Chơn (chân) thường 眞常: Cái vĩnh cửu chân thật (the true eternity).
(50) Ba đào 波濤: Sóng lớn (great wave, billow).
(51) Đào nguyên 桃源: Cõi Tiên.
(52) Đạo mạch 道脈: Nguồn, dòng của Đạo; nguồn này từ Đạo chảy ra, theo nguồn này người tu trở về Đạo.
(53) Âm chất 陰騭: Âm công 陰功, âm đức 陰德. Việc lành, việc thiện không phô trương, tuy che giấu người đời nhưng Trời Phật, Thánh Thần đều biết (hidden good deeds). Chúa Giêsu dạy làm âm chất như sau: Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời, ban thưởng. (Matthêu 6:1); Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh. (Matthêu 6:3-4)
(54) Đăng trình 登程: Lên đường (to start a journey).
(55) Hành tròn sứ mạng trang hiền sĩ 賢士: Làm tròn sứ mạng thì là người hiền có tài có đức.
(56) Hành đức tha nhân 他人 được thái bình: Thi hành đạo đức thì người khác được hưởng thái bình.
(57) Bình tâm 平心: Lòng phẳng lặng, không xao động.
(58) Mầu: Huyền diệu, mầu nhiệm. Vi 微: Huyền diệu, mầu nhiệm.
(59) Vi 微: Ẩn giấu. Hiển 顯: Bày ra cho thấy.
(60) Trí tri 致知: Biết cho rốt ráo, biết cho đến cùng tột (to attain the utmost knowledge).
(61) Tất yếu 必要: Rất cần thiết, không thể thiếu được (indispensable).
(62) Tu kỷ 修己: Tu thân, sửa đổi và luôn cải thiện chính con người mình (to cultivate and constantly improve oneself). Độ tha 渡他: Giúp người khác tu.
(63) Hành vận 行運: Chuyển động, xoay vần.
(64) Quân tử tự cường bất tức: Do câu Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức. 天行健, 君子以自強不息. Trời vận hành mạnh mẽ, quân tử nhân đó mà tự mình cố gắng mạnh mẽ không ngừng. (Đại Tượng Truyện quẻ Kiền)
(65) Chiếu tri 照知: Hiểu biết rõ (to comprehend). [Chiếu cũng có nghĩa là hiểu biết. Thí dụ: Tâm chiếu bất tuyên. 心照不宣. Trong lòng đã hiểu rõ nhưng không nói ra.]
(66) Vi nhân 為人 cùng với chúng nhân 眾人: Làm người cho đúng nghĩa, đúng đạo lý con người trong lúc sống chung với mọi người.