14.- CHÂN HẠNH PHÚC NGƯỜI TU
Minh Lý Thánh Hội
Tuất thời, 08-4 Canh Tuất (Thứ Ba 12-5-1970)
Thông công: Bộ phận Hiệp Thiên Đài
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam.
Pháp đàn: Huỳnh Chơn. Đồng tử: Hoàng Mai.
THANH TỊNH ĐẠI HẢI BỒ TÁT
Chào chư Thiên sắc. Chào chư thiện tín (1) lưỡng ban. Ta vâng lịnh Phật Tổ Như Lai đến báo đàn. Chư thiện tín thủ lễ nghinh tiếp. Ta chào tất cả. Xin xuất ngoại hộ đàn. Thăng.
TIẾP ĐIỂN
KỆ
Trùng dương khổ hải đập đùng xao (2)
Thương bấy nhơn sanh chốn dạt dào (3)
Nước mắt nhiều hơn vùng nước biển (4)
Máu đào vượt hẳn sóng ba đào (5)
Tham sân khuấy động tâm thanh tịnh
Si dục nhận chìm trí tuệ cao
Tiên Phật thường khuyên tu giải thoát
Dọn mình trở lại cảnh tiêu dao.(6)
BỔN SƯ (7) THÍCH CA MÂU NI TÔN PHẬT (8)
Bổn Sư chào mừng chư môn đồ, chư hướng đạo (9) cùng thiện tín lưỡng ban.
Chư môn đồ! Ngày này, một số lớn chùa thất am tự vẫn còn giữ theo cổ lệ,(10) đều thiết lễ kỷ niệm mừng ngày thánh đản (11) mà nhơn sanh trọn lòng thành kỉnh đối với một người đi trước biết tìm ra phương pháp giải khổ và diệt khổ (12) để lại cho nhơn sanh tìm đường chánh giác.
Bổn Sư giáng cơ giờ này nơi đây cũng như các nơi khác để chứng lòng thành kỉnh của chư môn đồ thiện nam tín nữ. Hãy giữ tâm thanh tịnh để tìm lý siêu nhiên nhiệm mầu Tạo Hóa vẫn có sẵn nơi mỗi con người.
Hôm nay, Bổn Sư có mời Vạn Hạnh Thiền Sư đến để luận đàm cùng chư môn đồ. Vậy đàn trung (13) hãy thủ lễ tiếp nghinh. Bổn Sư ban ơn lành chung tất cả. Thăng.
TIẾP ĐIỂN
THI
Phật Tiên nào phải quá thanh nhàn
Đến nỗi ngao du (14) chốn thế gian
Khổ hải thương đời đang lặn hụp
Dắt dìu trở lại cõi Tây phang.
VẠN HẠNH THIỀN SƯ
Bần Tăng chào mừng chư Thiên mạng,(15) chư đạo hữu đạo tràng.(16) Bần Tăng vâng lịnh Đức Bổn Sư Thích Ca Như Lai giáng cơ, trước thăm viếng chư đạo hữu sau thời gian xa cách, và cũng để luận đàm đôi điều đạo lý cùng chư đạo hữu. Bần Tăng mời chư Thiên mạng, chư đạo hữu đồng an tọa.
Chư đạo hữu! Thế cuộc đang đổi thay từng giờ từng phút. Trong sự đổi thay ấy, đối với người đời thì luôn luôn xao tâm bận trí, buồn vui ghét sợ, nhưng đối với người tu hành trong cửa đạo, tâm phải được thanh tịnh và xem những sự kiện đổi thay ấy như nước khi lớn lúc ròng, như mây khi tan lúc hiệp, và cũng như bộ máy tuần hoàn châu lưu (17) trong nhỏ nhứt là cơ thể con người và ở sự lớn nhứt là nơi vũ trụ. Bởi vì nơi cõi vô thường nầy không có một vật gì gọi là bất di bất dịch,(18) chỉ có một điều là sự di dịch ấy có thấy được cùng không, có nghe được cùng không. Đừng nghĩ rằng khi thấy khi nghe được mà gọi rằng có, còn lúc không nghe không thấy được mà lại gọi rằng không. Vì giác quan con người chỉ có giới hạn, còn sự tuần hoàn luân chuyển của vũ trụ thì lại vô hạn vô biên.
Linh hồn tạm mượn thể xác nơi cõi sắc giới (19) này cũng ví như con ốc mượn hồn.(20) Đừng nên chấp cái vỏ ấy rồi làm trở ngại bước đường tiến hóa. Sự tu học của người tu hành, mục đích cuối cùng là toàn thiện toàn mỹ để thích hợp với trình độ tiến hóa của các Đấng trọn lành nơi cõi hư linh.
Tạm mượn chỗ giả để gầy dựng cái chơn. Đừng quan niệm rằng chỉ cực đoan (21) theo cái chơn rồi phế tất cả cái giả. Nếu vậy là thả mồi bắt bóng.
Tạo Hóa đã an định con người nơi cõi này, phải làm tất cả những điều thích hợp đạo lý để phục vụ cho cõi này mới mong có một nền tảng vững chắc làm bàn đạp tiến đến cõi chơn. Người tu hành nhiều khi vấp phải một điểm gọi là giải thoát mà vô tình gây tạo sợi dây trói buộc càng thêm.
Sự giải thoát tự nó sẽ đến, người tu cứ quan niệm, cứ thực hành đạo lý trong vô tư vô vọng.(22) Nếu trong lúc thực hành có tư có vọng là đã trói buộc cái giải thoát đó.
Một lữ hành trên đường thiên lý thấy một bần nhân (23) đói khổ ăn xin, vì động lòng trắc ẩn (24) trước sự đói khát rét lạnh mà cho, chớ không vì sự làm phước mà cho. Sự cần thiết của thực tại là làm sao giải quyết hộ kẻ cơ hàn (25) qua cơn giày vò, đó là xong. Nếu vì sự cho là làm phước để có tài sản vô hình gởi với Trời Phật, đó là hậu ý, là vọng, là tạo dây tự trói buộc đó.
Cũng như ai đều biết rằng tu là để cải tạo tư tưởng trở nên chí thiện chí mỹ. Có chí thiện chí mỹ mới tương đồng với các điển lành của thế giới trọn lành như Phật Tiên, đương nhiên sẽ được sống vào thế giới đó. Nhưng khi tu thân hành đạo, phải tâm thanh tịnh, vô tư, kiến cơ nhi tác (26) mà đừng mong vọng sẽ trở thành Phật Tiên.
Sự giải thoát không phải đợi đến rũ bỏ nhục thể linh hồn mới được giải thoát. Ngay lúc sinh thời, ai ai cũng có thể thực hành phương pháp giải thoát. Câu cư trần bất nhiễm (27) đã hàm ý cho định nghĩa ấy rồi. Nếu đợi ngày rũ bỏ nhục thể, lấy gì chứng minh rằng được giải thoát cùng không? Nếu như thế thì Thiêng Liêng không khuyên bảo người tu đem đạo giáo đời để cho tất cả mọi người trọn tốt trọn lành, để an hưởng cõi thiên đường cực lạc tại thế gian. Ngay buổi sinh thời, nếu không cải tạo được tư tưởng theo các Đấng trọn lành thì dù có bỏ nhục thể trăm ngàn lần, tục lụy vẫn hoàn tục lụy, luân hồi chuyển kiếp vẫn chuyển kiếp luân hồi theo nhịp độ của nghiệp duyên.
Chư đạo hữu ôi! Bần Tăng chỉ một khía cạnh nhỏ của vấn đề ấy mà mỗi người đều có kinh nghiệm và có ảnh hưởng ít nhiều. Chư đạo hữu có thấy không, chân hạnh phúc của đời người đâu phải căn cứ vào vật chất hữu thể sung mãn. Một khi đã làm một việc thiện, một công đức, một điều đạo lý, tâm hồn được khoan khoái yên vui mát mẻ. Đó nếu không là chân hạnh phúc thì còn gọi là gì?
Thánh xưa thường an bần lạc đạo,(28) vui trong cái vui của tha nhơn, buồn khổ trong cái buồn khổ của tha nhơn, nhưng biết trước cái biết của tha nhơn. Đó là tri túc thường túc,(29) tri lạc thường lạc.(30) Thế nên đạo lý không dành riêng hoặc đặc ân cho bất cứ một giai tầng (31) nào. Có tu có đắc, có hành có thành. Một kiếp biết tu muôn kiếp hưởng, một thời (32) lầm lỗi vạn thời trầm.(33)
THI
Ở thế mà tâm chẳng nhiễm trần
Tuy mang nhục thể thấy phi thân (34)
An bần lạc đạo nơi trần tục,
Giải thoát tự nhiên có sẵn phần.
THI BÀI
Thân ở tục lòng trần chẳng nhiễm
Tập hằng ngày tu niệm gìn tâm
Lọc lừa để tránh sai lầm
Việc hành chánh đạo vui thầm luôn luôn.
Còn ở thế vai tuồng thế sự
Tùy cơ duyên cư xử cho xong
Dùng phèn nước đục lóng trong
Tập rèn tư tưởng tâm hồn thanh cao.
Dù ở chỗ nơi nào cũng thế
Tiếng thị phi (35) chớ nệ (36) chê khen
Ao bùn kìa ngắm bông sen,
Ngàn năm muôn kiếp chẳng phen nhiễm bùn.
Còn sống tạm chung cùng thế tạm
Giữa hỏa lò hắc ám lợi danh
Ai chen đua để giựt giành
Người tu nhứt mực tu hành mới nên.
Đời ham muốn tuổi tên danh bảng
Người tu hành ẩn dạng rèn tâm
Dò chơn khỏi sụp hố hầm
Dắt dìu bạn tác sưu tầm Đạo Cao.
Đừng chấp nê sắc màu bên ngoại (37)
Mà gây nên trở ngại bước đường
Đạo thường dạy tạo tình thương
Từ bi, bác ái trên đường quả công.
Dù vạn giáo cũng đồng nhứt lý
Tập hằng ngày xả kỷ vị tha (38)
Mong sao cõi thế nhà nhà
Tình thương đùm bọc ái tha (39) chủng loài.
Tu trước nhứt đừng vay nợ mới
Do cái danh cái lợi mà ra
Tu lo trả nợ đời qua
Nghiệp duyên tiền kiếp do ta tạo gầy.
Làm công quả đủ đầy phúc đức
Tuy vô hình chẳng mất đi đâu
Tu lo xây bắc nhịp cầu
Nhịp cầu thông cảm tự đầu Bắc Nam.
Người ở thế chia làm nhân ngã
Thật với tình Tạo Hóa đương nhiên
Cùng chung bản thể hậu thiên
Cũng trong bộ máy diệu huyền mà ra.
Đừng e sợ tu qua một kiếp
Không vẹn tròn lỡ nhịp cầu Tiên
Lo là e chẳng vẹn tuyền
Thủy cần chung đãi,(40) liên miên đổi dời.
Đừng lo chẳng có Trời tế độ (41)
Phật Thánh Tiên chẳng hộ chẳng dìu
Lo là e được buổi chiều
Trong đêm lại phải đổi chiều thay phương.
Đừng e sợ lạc đường cựu vị (42)
Lo là không khắc kỷ vô minh (43)
Miệng thì tụng đọc câu kinh
Mà lòng lại có ẩn tình đâu đâu.
Lời hay nói “Máy sâu họa kín” (44)
Việc uống ăn tiền định (45) huống chi
Việc đời việc đạo khác gì
Lành siêu dữ đọa tiếng ghi muôn đời.
Dù tu Phật, tu Trời, tu Thánh
Hoặc tu Tiên, Khổng Mạnh, Gia Tô
Chung quy một nẻo thù đồ (46)
Thủy chung vẹn giữ đạo cơ (47) mà hành.
Hễ gieo được giống lành phải chỗ
Đừng ngại không kết quả đơm hoa
Luận gần rồi lại luận xa
Để chư đạo hữu nghiệm ra mà hành.
THI
Hành đạo hư nên tự bởi mình
Lánh xa sắc tướng với âm thinh
Thường hành nhựt dụng chung như thủy,
Thanh tịnh tâm trung ráng giữ gìn.
Chư đạo hữu! Bần Tăng cảm ơn chư đạo hữu đã dành nhiều thiện cảm đối với Bần Tăng. Bần Tăng chỉ mong là chư đạo hữu được kiên tâm trì chí,(48) thường hành đạo sự vào nếp sinh hoạt thường nhựt. Mỗi người mỗi việc, mỗi trình độ tu tiến, mặc dù có chênh lệch khác nhau nhưng chung quy rồi cũng đến mức cuối cùng là trùng hoan (49) nơi cựu vị. Những việc hành thiện trong vòng đạo đức là những phương tiện tối cần để đưa người tu hành đến nơi chí thiện chí mỹ.
(…)
Cố gắng tập làm sao cho cõi lòng mở rộng bác ái với tha nhân thì quý lắm. Việc tập luyện ấy ban đầu hơi khó, nhưng nhiều ngày sẽ thành thói quen. Hãy xem bình tích nước trà. Mỗi lần châm trà, đem súc bình không thấy dính chi trong lòng bình tích, nhưng lâu ngày sẽ thấy màu trà đóng bên trong. Rất đỗi lau chùi mạnh tay cũng khó ra. Sự tập luyện nội tâm cũng vậy. Muốn tập thì nên hành phương pháp giản dị sau đây:
Khi nào muốn phê bình chỉ lỗi một người nào, tự xét coi đời mình có lần nào lâm vấp lỗi ấy không. Nếu có hãy tha thứ cho họ. Khi nào trong lòng cảm thấy giận hờn buồn tức người khác, tự vấn lương tâm hỏi coi mình có cần sự an ủi vỗ về với lời dịu dàng trìu mến trong tinh thần xây dựng hay không? Nếu cần, sẽ tha thứ và hãy dùng các biện pháp ấy để giúp người đó. Cố gắng tập rèn mãi mãi. Khi gặp một cảnh ngộ nào xảy đến, phải tập cho lòng mình có chút trắc ẩn xót thương tội nghiệp giùm cho người ấy. Sau thời gian lâu ngày, tự nhiên thấy lòng mình từ ái vô biên, thanh cao mát mẻ. Từ đó, thể hiện lên nét mặt dễ kính dễ mến, dễ gây thiện cảm với mọi người.
Trong một tập thể, nhứt là tập thể người tu, nếu mỗi người tập được như vậy, bầu không khí từ ái sẽ bao trùm một vòm trời không nhỏ vậy.
THI
Lòng thương kẻ khác tập hằng ngày
Năm tháng bền tâm sẽ đổi thay
Từ chỗ hẹp hòi ra đại lượng
Đáng yêu đáng kỉnh khắp trong ngoài.
(…)
Thôi, Bần Tăng xin giã từ chư Thiên mạng, chư hướng đạo và chư đạo hữu lưỡng ban. Chúc cầu tu tiến trên đường Thiên Đạo. Thăng.
Huệ Khải chú thích (28-5-2014):
(1) Thiện tín 善信: Thiện nam tín nữ 善男信女 (good male and female believers), tức tín đồ 信徒.
(2) Trùng dương 重洋: Biển và đại dương (seas and oceans). Khổ hải 苦海: Biển khổ (the sea of suffering), ám chỉ cõi đời. Đập đùng xao: (Sóng vỗ) ầm ầm, xao động dữ dội (raging waves).
(3) Bấy nhơn sanh: Nhiều ngần ấy con người (such lots of people). Dạt dào (dào dạt): Nhiều và liên tục. Chốn dạt dào: Cõi đời khổ nhiều và liên miên (như biển lúc nào cũng dậy sóng).
(4) Kinh Phật hay nhắc câu “nước mắt chúng sinh còn nhiều hơn bốn biển” (the tears of sentient beings are much more than the waters of the four oceans).
(5) Máu đào: Máu đỏ. Ba đào 波濤: Ba là sóng (wave), đào là sóng lớn (huge wave). Gộp chung, ba đào là sóng lớn, sóng cồn (huge waves, surge billows). Trong câu thơ này Ơn Trên chơi chữ, dùng hai chữ đào đồng âm để nói rằng máu đỏ của chúng sanh tuôn trào còn nhiều hơn sóng cả dâng trào. Câu trên nói nước mắt, chỉ mới là đau khổ. Câu này tới nói máu trào tức là xương thịt tan nát, chết chóc khốc liệt hơn.
(6) Tiêu dao (diêu) 逍遙: Thong thả nhàn du, tự do tự tại, không bị bó buộc (to be free).
(7) Bổn (bản) sư 本師: Thầy của con, thầy tôi (my master); tiếng Phật tử gọi Phật Tổ. Tổ sư (Patriarch). Sử Ký 史記 (Nhạc Nghị Truyện 樂毅傳) chép: Nhạc Thần Công học Hoàng Đế, Lão Tử, kỳ bổn sư hiệu viết Hà Thượng Trượng Nhân, bất tri kỳ sở xuất. 樂臣公學黃帝, 老子, 其本師號曰河上丈人, 不知其所出. (Nhạc Thần Công học Hoàng Đế, Lão Tử, tổ sư của ngài hiệu là Hà Thượng Trượng Nhân, không biết xuất thân từ đâu.) Cách tự xưng của Đức Phật. Có vị tiền bối đàn anh như Đức Huỳnh Chơn, khi giáng đàn nói với các em trần gian thì tự xưng là Bổn Huynh.
(8) Thích Ca Mâu Ni 釋迦牟尼佛: Cách người Hoa dịch âm (translitering) hồng danh Sakyamuni. Tôn Phật 尊佛: Đức Phật tôn kính (the Honoured Buddha).
(9) Chư hướng đạo 諸向導: Các vị dẫn dắt đạo hữu (those who lead their brethren).
(10) Cổ lệ 古例: Lệ cũ, tập quán cũ, quy định cũ (old tradition, old custom). Trước năm 1950, cũng như một số nước Đông Á, Việt Nam mừng lễ Phật Đản (Vesak) vào ngày 08-4 âm lịch. Đại Hội Phật Giáo Thế Giới lần thứ Nhất (the First Conference of the World Fellowship of Buddhists) tổ chức tại Tích Lan (Sri Lanka) từ 25-5 đến 08-6-1950, quy tụ đại biểu hai mươi sáu nước thành viên (trong đó có Việt Nam) đồng thuận chọn ngày Phật Đản cho toàn thế giới là ngày 15-4 âm lịch. Sau nghị quyết của Đại Hội ấy, tại Việt Nam từ 1950 đến nay ngoài ngày Phật Đản 15-4 âm lịch vẫn duy trì ngày 08-4 âm lịch theo cổ lệ.
(11) Thánh đản 聖誕: Ngày sinh của một vị giáo chủ, như Khổng Tử, Phật Thích Ca, Đức Chúa Gia Tô... (holy birthday).
(12) Đức Phật hàm ý nhắc tới Tứ Diệu Đế. Tứ Diệu Đế 四妙諦 (the Four Noble Truths) là giáo lý nền tảng của Đức Phật Tổ, chỉ rõ nguyên nhân của khổ và con đường giải thoát. Tứ Diệu Đế gồm bốn chân lý như sau: Khổ Đế: Mọi kiếp sống đều chịu khổ. Tập Đế: Tham dục là nguyên nhân gây ra khổ. Diệt Đế: Diệt trừ tham dục thì diệt được khổ và đưa tới hạnh phúc. Đạo Đế: Con đường diệt khổ là Bát Chánh Đạo.
(13) Đàn trung 壇中: Những vị có mặt trong đàn cầu cơ (those who are present at the seance).
(14) Ngao du 遨遊: Dạo chơi (to roam, to travel).
(15) Thiên mạng (mệnh) 天命: Bậc hướng đạo đang nhận lãnh sứ mạng của Trời giao phó là thế Thiên hành hóa 替天行化 (thay Trời hành đạo để giáo hóa dân chúng tu hành).
(16) Đạo tràng (trường) 道場: Chỗ tu học, nơi sinh hoạt tôn giáo (chùa, thất, thánh đường, thiền viện, tu viện…).
(17) Châu (chu) lưu 周流: Chảy khắp nơi (to be circumfluent, to flow everywhere).
(18) Bất di bất dịch 不移不易: Không dời đổi, không thay đổi (unchanging, steadfast).
(19) Sắc giới 色界: Cõi sắc, thế giới vật chất hữu hình (the realm of material forms).
(20) Ốc mượn hồn: Loài còng nhỏ sống trong vỏ ốc đã chết (hermit-crab).
(21) Cực đoan 極端: Quá khích, quá mức bình thường (extreme).
(22) Vô tư 無思: Không tơ tưởng đến, không bận tâm nghĩ đến (carefree, thinking nothing about, unworried about). Vô vọng 無望: Không ngóng trông, không mong mỏi (expecting nothing).
(23) Bần nhân 貧人: Người nghèo (a poor person).
(24) Trắc ẩn 惻隱: (Lòng) thương xót (compassion, pity).
(25) Cơ hàn 飢寒: Đói lạnh (hungry and cold).
(26) Kiến cơ nhi tác 見幾而作: Nhìn thấy triệu chứng (mầm mống vừa hiện ra). To see the minutest signs. Chữ cơ này có nghĩa là sự nhỏ nhặt, điềm mới khởi, dấu hiệu mới vừa xuất hiện (triệu chứng), tương ứng tiếng Anh là “the minutest sign(s)”. Thành ngữ “kiến cơ nhi tác” lấy trong Kinh Dịch (Hệ Từ Hạ), cả câu như sau: Quân tử kiến cơ nhi tác, bất sĩ chung nhật. 君子見幾而作, 不俟終日. (Sĩ: chờ đợi; chung nhật: hết ngày.) Nhiều sách dịch “kiến cơ” là “nhìn thấy thời cơ, cơ hội” thì không chính xác. Nguyễn Hiến Lê dịch đúng hơn cả: “Người quân tử thấy trước triệu chứng mà ứng phó ngay, không đợi cho hết ngày.” Có thể dịch câu văn trên ra tiếng Anh như sau: The superior man sees the minutest signs, and acts accordingly without waiting for a single day. Thí dụ, Trương Lương vừa nhìn thấy cái mòi Lưu Bang lên làm vua (Hán Cao Tổ) bắt đầu trở mặt, muốn âm mưu giết hại công thần thì ông liền từ quan đi tu. Còn Hàn Tín cứ tin vào lòng dạ Lưu Bang, cứ ở lại triều làm quan hưởng lộc, cuối cùng đành chết thảm. Trương Lương là người “kiến cơ nhi tác”. Trong bài thánh giáo này, Đức Thiền Sư dạy người tu đừng vọng niệm ngóng trông mình sẽ thành Tiên thành Phật, hãy luôn để lòng thanh tịnh, sáng suốt nhận định hoàn cảnh chung quanh; và “kiến cơ nhi tác” nghĩa là hễ thấy cái mòi phải ẩn thì sớm ẩn ngay, thấy cái mòi phải làm thì sớm làm ngay không được chần chờ; dù ẩn hay làm thì lúc nào cũng giữ tâm không, chẳng ôm ấp một ý đồ riêng tư nào cả.
(27) Cư trần bất nhiễm 居塵不染: Sống ở cõi trần mà không bị bụi trần làm cho ô nhiễm, không bị ảnh hưởng của trần gian (in the dust does not dye).
(28) An bần lạc đạo 安貧樂道: Bằng lòng trong cảnh nghèo mà vui sống theo đạo lý (content in poverty and happy with a righteous life).
(29) Tri túc thường túc 知足常足: Biết đủ thì thường thấy có đủ (He who contents himself with what he has got will always feel sufficient).
(30) Tri lạc thường lạc 知樂常樂: Biết vui thì thường thấy vui (He who feels happy with his situation will always enjoy himself).
(31) Giai tầng: Giai tằng 階層, thứ lớp, cấp bậc, tầng lớp (stratum, class).
(32) Thời 時: Lúc (a moment).
(33) Trầm 沉: Chìm đắm (to sink).
(34) Phi thân 非身: Không có thân (having no body).
(35) Thị phi 是非: Đúng sai, phải trái (right and wrong). Lời khen chê (pros and cons).
(36) Chớ nệ: Đừng bận lòng mà cho là quan trọng (not to concern oneself with).
(37) Bên ngoại: Bên ngoài, bề ngoài.
(38) Xả kỷ vị tha 舍己為他: Cũng như vong kỷ vị tha 忘己為他, bỏ lòng ích kỷ (quên lợi ích bản thân) mà nghĩ tới người khác (selfless, unselfish).
(39) Ái tha 爱他: Thương yêu người khác (to love other people).
(40) Thủy cần chung đãi 始勤終怠: Mới đầu siêng năng nhưng sau lại lười biếng.
(41) Tế độ 濟渡: Tế là qua sông (đồng nghĩa với độ). Tế độ là cứu vớt con người khỏi bể khổ sông mê, giống như đưa thuyền đến vớt kẻ chết đuối chở sang bờ bên kia.
(42) Cựu vị 舊位: Ngôi vị cũ ở trên trời, trước khi xuống trần làm người (former position in heaven).
(43) Khắc kỷ 克己: Kiềm chế bản thân, kỷ luật với chính mình (self-restraint, to subdue one's self), tức là khắc chế bản ngã, trừ khử lòng tự tư tự lợi. Khắc kỷ vô minh: Kềm chế bản thân trước những cám dỗ do ngu dốt (vô minh) xúi giục.
(44)Máy sâu họa kín: Máy Trời thâm diệu khôn lường, tai họa báo ứng thì kín nhẹm không thể đoán trước được. (Kinh Sám Hối, câu 225: Phải hiểu biết máy sâu họa kín.)
(45) Uống ăn tiền định: Do câu Nhất ẩm nhất trác giai do tiền định 一飲一啄皆由前定 (Một miếng uống, một miếng ăn đều có số định trước / Even a drink or a peck is predestined).
(46) Chung quy một nẻo thù đồ: Do câu Đồng quy nhi thù đồ 同歸而殊途 (Đường tuy khác nẻo nhưng cùng về một chỗ / different ways lead to the same place).
(47) Đạo cơ 道基: Nền tảng đạo đức (virtuous basis).
(48) Trì chí 持志: Giữ vững ý chí (to maintain one’s will firmly).
(49) Trùng hoan 重歡: Vui mừng gặp lại nhau (joyful at reunion).