Trở lại trang chánh của Website Thiên Lý Bửu Tòa

 

23 tháng 9 - Bính Tý (1936)

        VŨ TRỤ

Thi:

CAO xanh dòm thấy cuộc đời xiêu,

ÐÀI ngọc lìa ngôi xuống dắt dìu,

THƯỢNG giới vĩnh tồn nhàn lạc Ðạo,

ÐẾ quân cứu thế buổi thời tiêu.

       Thầy các con.  Thầy mừng các con.

       Buổi đời bá Ðạo cạnh tranh, xúm cấu xé giựt giành, đua nhau trong trường đời mộng ảo, nhơn tình sôi nổi, thế sự đổi thay, biết bao nhiêu nông nổi trong cuộc đời, Thầy không thể ngơ tai cho đành dạ.

Thi:

Nhơn tình sôi nổi lắm chua cay,

Dòm thấy khổ ương nhíu mặt mày,

Hoàn cảnh nguy nan lôi cuốn mãi,

Tai Trời chung chịu đổi dời thay.

       Ðây Thầy giải về thiên:  Vũ-Trụ (Luận qua mấy cõi Hư-Linh).

Thi:

Một bầu Vũ-Trụ rộng thinh thang,

Mấy cõi Hư-Linh cảnh lạc nhàn,

Pháp nhiệm Tạo-Công bày sắp đủ,

Lập thành Ðạo-đức dựng cơ quan.

       Sao kêu là Vũ-Trụ, các con biết chăng?

       Khắp cả Càn-Khôn Thế-Giới là Vũ, cùng chỗ Vũ kêu là Trụ.  Vũ nghĩa là trùm cả bốn phương và trên với dưới.  Trụ cũng có nghĩa là xưa nay qua lại, nên trong chữ Vũ-Trụ nó có gồm cái nghĩa cả không gian và thời gian.

       Trước khi chưa định ngôi Thái-Cực thì trong khoảng không gian ấy còn đương mịt-mịt mờ-mờ với khí Hồng Mông, vì đó là còn trong thời kỳ bổn nguyên vậy.

       Không gian ấy tức là Vô-Cực.  Trong Vô-Cực ấy lại có một cái nguyên lý Thiên-Nhiên tuyệt diệu, tuyệt huyền, rồi lại có thêm một cái nguyên khí tự-nhiên nữa.  Lý với Khí ấy tức là Âm với Dương trong buổi Hồng-Nguyên thời đại.  Lý, khí ấy lại lần lần ngưng kết với nhau mà đông tụ lâu đời nhiều kiếp mới thành ra một khối tinh quang rất đủ đầy các sự tốt đẹp.  Chừng đúng ngày giờ khối ấy mới nổ tung ra một tiếng vang lừng dữ dội phi thường, làm cho rúng động cả không gian, bèn có một điểm linh-quang từ trong tiếng nổ ấy văng ra mà lẫn lộn quây quần giữa chốn không trung, dang tủa hào quang rất chiếu diệu rạng ngời, trùng trùng điệp điệp, rực rở chói lòa khắp cả mọi nơi.  Ấy chính là ngôi Chúa-Tể của Càn-Khôn Vũ-Trụ đã biến hóa ra vậy: mà Vũ-Trụ từ đây mới bắt đầu có ngôi Thái-Cực trọn lành, trọn tốt, toàn tri, toàn năng, thiên biến, vạn hóa, vô tận, vô cùng, nắm trọn quyền hành, thống chưởng cả Càn-Khôn Vũ-Trụ, và lấy cơ thể âm dương mà phân thanh biện trược, làm máy động tịnh để gom tụ cái Hư Vô đặng hóa sanh muôn loài vạn vật.

       Máy âm dương ấy cứ vần vần xây chuyển, không ngừng nghỉ một giờ khắc nào mà dưỡng dục chúng-sanh, bảo tồn Thiên Ðịa.

       Khắp trong Vũ-Trụ biết bao là quả linh cầu, có quả trược quả thanh, có bực cao bực thấp, có cái sáng cái tối, thảy thảy đều tuân theo máy Thiên-cơ mà tuần tự chuyển luân xây chạy, cái lại, cái qua, cái lên, cái xuống, không bao giờ ngừng nghỉ đặng.

       Linh cầu nào cao thanh, khinh phù thì vượt qua mấy cõi khác mà lên ngất trên thượng tằng không khí.  Vậy quả địa cầu của các con đây tuy là một quả địa cầu vật chất, hữu hình, trọng trược, song cũng còn thuộc về bực khá, chớ dưới nữa lại còn lắm quả địa cầu còn trọng trược hơn nữa.  Những quả địa cầu như thế thì nó nặng trầm chìm tột dưới đáy sâu của Vũ-Trụ, nên rất tối tăm, mờ mịt, âm khí nặng nề, thảm sầu buồn bã, gớm ghê; để đày đọa các linh-hồn nào bị phạm tội ở thế gian xuống đó.

       Những cõi ấy mà linh-hồn nào phải rủi ro bị đọa lạc vào thì càng ngày càng thêm mê-muội, tối tăm mãi mãi.  Ôi!  Khốn khổ biết bao: Thầy khó tả ra cho hết những sự đọa đày trả quả của các linh-hồn phạm tội phải cam chịu trong mấy cõi ấy.

       Cõi ấy là chi?  Là cõi Diêm-Phù, mà bên Phật Ðạo thường gọi Âm-Ty hay miền Ðịa-Ngục.

       Nhưng cõi Diêm-Phù tuy là nơi các linh-hồn phạm tội phải chịu khổn-nguy hành phạt đến đều, thế mà đối với lủ quỉ ma thì những hồn bị đọa ấy lại còn hữu phước hơn chúng nó nữa.  Vì sao vậy?

       Vì con người hễ khi làm mất hết chơn-dương thì tất phải thuần-âm, mà người đã thuần-âm tuyệt-dương là tất phải chết, mà chết như vậy thì tất phải làm ma làm quỉ, chớ không được nhập vào một thế-giới nào mà an nghỉ hết, dẫu thế-giới ấy là nơi Diêm-Phù cũng vậy.

       Ðã không được nhập vào thế-giới nào thì lũ quỉ ma ấy chỉ phải nương tựa gió mây mà chờ ngày tiêu diệt thôi.

       Và không nhập vào thế-giới nào được là cũng chỉ tại chúng nó đã làm cho tiêu mất hết cả phần chơn-dương của chúng nó rồi.  Chớ như các linh-hồn phạm tội, tuy vậy chớ còn được chút ít chơn-dương, vì còn chơn-dương nên còn nhập vô cõi Diêm-Phù mà chịu hình phạt được, mà hễ còn chơn-dương thì lại còn mong mỏi có ngày sẽ đầu thai trở lại được nữa.  Bởi vậy tuy thọ hình trả quả nơi Diêm-Phù mà còn có phước hơn là làm ma làm quỉ.

       Còn mấy cõi trên đây một chút thì là nơi các linh-hồn ít tội lỗi một khi bỏ xác thịt nầy được về đó nghỉ an một lúc, rồi chờ ngày chuyển kiếp đầu thai. 

       Các con hãy xem ở dưới đây thì rõ:

Thi Bài:

         Khắp trong Vũ-Trụ Càn-Khôn,

Một ngôi Chúa-Cả Chí-Tôn nắm quyền.

         Trên cai tam-thập-lục Thiên,

Cả trong chư Phật, Thánh, Tiên phục tùng.

         Thần thông biến hóa vô cùng,

Ðức ân vô tận, thỉ chung nhiệm mầu.

         Dưới bảy-hai quả địa cầu,

Quản cai thưởng phạt người hầu tỉnh mê.

         Thế gian cõi trược nặng nề,

Linh-hồn phải chịu trăm bề gian nan.

         Có chi bền bỉ vững vàng,

Quí là xác thịt còn tan nát liền.

         Sao bằng mấy cõi thiêng-liêng,

Linh-hồn an ổn nghỉ yên đời đời.

         Trách sao khỏi cuộc đổi dời,

Người noi Ðạo-đức cơ Trời thuận theo.

         Mỏi mong trọn kiếp hiểm nghèo,

Lìa trần hồn khỏi lộn mèo thở than.

         Dựng nên cõi tạm thế gian,

Làm trường tấn-hóa cho hàng chúng-sanh.

         Biết lo bỏ dữ làm lành,

Chơn linh sau đặng rỡ thành cõi trên.

         Nhưng chưa chắc hẳn vững bền,

Tái sanh lại thế đắp đền lập công.

         Trải qua mấy cảnh hư không,

Càng cao càng thấy trắng trong nhẹ nhàng.

         Tùy theo công quả trần gian,

Chết rồi Trời, Phật thưởng ban chỉ phần.

         Thăng bằng họa phúc có cân,

Không hề sai chạy một phân đặng nào.

         Các con Thầy nhốt trong rào,

Luật công thưởng phạt mảy hào chẳng sai.

         Bầu Trời Thầy nắm trong tay,

Dẫu cho xa chạy cao bay ngỏ nào.

         Biết phương tầm nẻo mà vào,

Cướp cơ Tạo-Hóa luyện trau tinh thần.

         Người còn một cái chơn thân,

Nên lo bồi bổ lần lần lại con.

         Ðừng cho tan rã hao mòn,

Thì ngôi vị cũ vẫn còn y nguyên.

         Luận qua bí pháp tâm-truyền,

Cho đời rõ thấy Ðạo Huyền cao siêu.

         Luyện thành huệ mạng tiêu diêu,

Muôn đời ngàn kiếp không siêu đảo mà.

         Tại sao có quỉ có ma?

Quỉ ma trước bởi người ta tội nhiều.

         Chết rồi mới hóa tinh yêu,

Không nơi nương dựa máng điều tai ương.

         Thân người thì bán âm dương,

Có trong có đục Ðạo thường chuyển xây.

         Biết tu luyện mãi đêm ngày,

Làm cho tam bửu đủ đầy hòa minh.

         Trau giồi cơ thể hữu hình,

Cho trong sạch cái thân mình Ðạo-tâm.

         Lần lần tuyệt hết phần âm,

Thuần dương thì đặng cao thâm trở về.

         Còn người nào mắc tánh mê,

Cả đem âm khí nặng nề vào trong.

         Tinh thần tiêu tán không xong,

Khí dương đã tuyệt khó mong sống đời.

         Nên chi hồn xác rã rời,

Tại chưng làm mất khí trời muội hôn.

         Âm thần thành quỉ âm hồn,

Thành ma khuấy phá làm khôn với đời.

         Dựa vào đồng cốt gạt chơi,

Xưng cô, xưng cậu dối đời kiếm ăn.

         Ðộc hung bắt buộc lăng xăng,

Những người mê tín nghe xằng thì tin.

         Chọc người ghẹo chúng sợ kinh,

Nương theo mây gió ẩn mình lánh tai.

         Sao mà chẳng chịu đầu thai?

Ðầu thai đâu đặng Như-Lai mất rồi!

         Ngặt vì không có vị ngôi,

Biết đâu trú ngụ qua hồi tai ương . . .

         Tại làm mất điểm chơn-dương,

Thành ra phải chịu trăm đường chông gai.

       Thầy ban ơn các con. Thầy thăng.

Thiên-Lý Bửu-Tòa, 12695 Sycamore Ave, San Martin, CA 95046 - USA. Tel: (408) 683-0674

Website: www.thienlybuutoa.org     Email    Sơ đồ hướng dẫn tới TLBT

Thông bạch in Kinh