Trở lại trang chánh của Website Thiên Lý Bửu Tòa

 

28 tháng 8 - Bính Tý (1936)

THẬP TỰ TAM THANH

Thi:

NGỌC chẩm huyền môn phá khiếu trung,

HOÀNG lư pháp diệu Khảm Ly cung,

THƯỢNG điền ký tế âm dương huợt,

ÐẾ dĩ Càn-Khôn vạn vật tùng.

       Mừng các con, đại tịnh, nghe Thầy minh Ðạo.

       Thầy giáng giờ nay là vì các con nhứt tâm thiện nguyện tu hành đặng thoát ly tứ khổ.

       Than ôi! Các con còn khuyết điểm rất nhiều trong bước đường Ðạo-đức.  Ngày nay đã tìm ra lý chánh, lánh đường tà thì các con phấn lực tận tâm thiệt hành pháp diệu.  Thầy sẽ truyền Ðạo pháp chỗ "QUÁN NHỨT CHẤP TRUNG" cho các con phanh-luyện, tụ khí ngưng thần hầu có siêu phàm nhập thánh.  Nếu các con chẳng đặng nhứt tâm thì phải chịu luân-hồi chuyển kiếp vạn vạn muôn muôn, tùy cơ tuần huờn vận chuyển mà tấn-hóa mãi cho tận đến nơi Thầy, biết bao nhiêu là khó khăn lao lụy.  Vậy các con phải biết rằng:  Ðạo là vô-vi, hạo nhiên chi khí, vận tải châu lưu trước khi sanh Trời, Ðất.  Trời, Ðất phải bẩm thọ khí hạo nhiên sanh ra rồi phân định Nhựt, Nguyệt, Tinh cùng muôn loài vạn vật.

       Các con ngày trước thọ bẩm nơi Thầy một điểm "thanh-hư huyền-khí" giáng trần, bị khí Hậu-Thiên hãm sát vào làm cho vật báu linh biến tan ra nơi thất-tình, lục dục, lục-trần, lục-căn mà tiêu tan lần lần hết tam-bửu ngũ hành.  Càng ngày càng làm cho hư hỏng cái điểm thanh-quang của Thầy ban cấp, biết đường sá đâu mà trở lại, dầu có muốn trở lại cũng chẳng dễ gì.  Là tại sao các con?

       Là tại không có Thánh-thai Phật-tử đó vậy.

       Tại sao các con phải chịu chuyển kiếp luân-hồi?

       Là vì các con xa nơi chỗ Ðạo, hư hỏng tinh-thần, tiêu mòn khí huyết, chẳng biết đem tánh mạng hiệp hòa, luyện tam bửu cho đầy, qui năm hành nhứt khiếu.

       Sao lại tử tử, sanh sanh?

       Các con muốn hiểu chỗ Ðạo thì trước phải phanh-luyện tinh-thần và phải tạo một cái xác thân thiêng-liêng kêu rằng "Mâu-Ni" hay là "Xá-Lợi".  Cái xác thân thiêng-liêng ấy bất tiêu, bất diệt, bất tử, bất tồn, mà các con cần phải có xác thân ấy.

       Xác thân ấy là chi?

       Là cái bổn tánh thuần-dương vậy.  Khi các con bỏ xác phàm nầy thì điểm linh-quang của các con nương theo đó mà về thẳng đến nơi Thầy.  Còn các con không có cái xác thân ấy, các con phải chuyển kiếp khác hoài hoài, luân-hồi khó dứt.  Còn như các con không chuyển kiếp đầu thai thì các con phải luân-vơi nơi âm dương khí mà hóa tan rã ra thành mây mưa gió bụi.  Vậy thì điểm linh-hồn của các con phải tiêu diệt còn chi.  Các con phải biết rằng:  Muốn tạo xác thân thiêng-liêng ấy chẵng phải dễ mà cũng không khó chi. (Cười . . .)

       Thầy hỏi thử: như loài thủy tộc nó không luyện đến khí hư-linh này, nó bỏ nước mà ở khô đặng chăng? Là vì nó ở chất thủy quen (khí chất lỏng).  Ít nữa muốn từ nơi thủy mà lên khô ở thì cá ấy phải luyện cho hạp với khí hư-không, còn không hạp thì trong đôi phút đồng hồ phải dứt hơi mà chết.  Các con khá biết à!  

*  *  *

       Ðây Thầy giải về THẬP-TỰ TAM-THANH.

       Tại sao Thờ Thập-Tự? Cười . . . Các con không hiểu đâu?  Cười . . .  đó là Ðạo.

       Tại sao kêu là Ðạo?

       Cái sổ dài xuống (  |  ) là nhứt dương chi khí hay là hạo nhiên khí.

       Còn cái ngang qua (    ) là nhứt âm chi khí hay là huyền khí.

       Âm dương ấy có động, có tịnh, nó có trược có thanh mà trong âm dương đó có lẫn lộn nhau:

       Âm có lẫn lộn một phần chơn-dương (trung âm, hữu dương) nên có huyền-khí xung lên.

       Dương có lẫn lộn một phần chơn-âm (trung dương, hữu âm) nên có lửa hư-vô trầm xuống.

       Hai khí ấy bèn đun đẩy, đụng chạm nhau mà hỗn hiệp mới huân-chưng đầm-ấm, hóa-hóa sanh-sanh muôn loài vạn vật.  Hai điển-quang ấy gát chồng nhau (lằn điển dương nằm trên, lằn điển âm nằm dưới), kêu rằng "Lưỡng Nghi".  Lưỡng-Nghi mới sanh "Tứ-Tượng" là vì lằn điển âm dương gát chồng nhau, ló ra bốn cánh thành chữ Thập ( + ).  Chữ "thập" đó mới vần vần quanh lộn, chạy lăn tròn như chong chóng mà văng tủa ra muôn ngàn triệu quả linh cầu thế-giới.

       Chữ Thập ấy ở dưới có bốn cái bóng kêu là "Tứ âm".  Tứ âm với "Tứ dương" mới kêu rằng "Bát-Quái".  Bát-Quái ấy tác thành thì biến hóa vô cùng vô tận, nên mới phân định ngũ hành cùng Càn-Khôn muôn vật.  Các con rõ chăng? Ðó là Thập-Tự.

       Trong Thập-Tự các con thờ ngày nay đó lại có đề:

       1 - Sổ Dài Xuống:

            a) Ở phía trên đề: Huyền-Khung-Cao Thượng-Ðế, Ngọc-Hoàng Ðại-Thiên-Tôn.

            b) Ở dưới: Cao-Ðài, - Thái Bạch, - Thổ Thần Tiên Ông, là ý nghĩa gì?

       Ở trên thuộc về: Cao-thượng vô-hình, còn ở dưới thuộc về: Hậu-Thiên hữu chất.

       Chữ Cao-Ðài là chi?

       Là Côn-Lôn đảnh hay Nê-Huờn, thuộc về Thượng-Giới.

       Chữ Thái-Bạch là cái tâm kêu là Linh-Sơn Tháp, thuộc về Trung-Giới.

       Chữ Thổ-Thần là đơn-điền kêu là huỳnh-đình, thuộc về Hạ-Giới.

       Tại đơn-điền là chỗ chứa đơn, an-lư lập-đảnh mà luyện Thánh-thai.  Chừng nào Thánh-thai đó đặng siêu xuất tam giới thì hiệp với Thượng-Thanh chi khí.

       Vậy Trời cũng có tam giới là: Vô-Sắc giới, Sắc giới, và Dục giới, còn trong thân thể con người cũng có tam giới.  Chừng nào linh-hồn phá Thiên-môn đặng là nhập vào Thượng-Thanh-Cung.

       Thiên-môn là chi? Là cái khiếu Nê-Huờn-Cung đó.

(HÌNH  THẬP-TỰ  TAM-THANH)

       2 - Sổ Ngang Qua lại có đề "TAM-THANH chi vị".  Tam Thanh là: Chơn-Thanh (Thái-Thanh), Ngọc-Thanh, và Thượng-Thanh.

       Chơn-Thanh là Nguơn-khí của các con,

       Thượng-Thanh là Nguơn-thần

       Ngọc-Thanh là Nguơn-tinh

       Tinh, Khí, Thần hiệp nhứt mới thành Ðạo, các con khá hiểu à.

       Trời có ba báu là: Nhựt, Nguyệt, Tinh, hay là tam nguơn: Thượng, Trung, Hạ.

       Ðất có ba báu là: Thủy, Hỏa, Phong.

       Người có ba báu là: Tinh, Khí, Thần.

       Trời nhờ ba báu ấy mà dưỡng dục muôn loài, hóa sanh vạn vật, luân chuyển Càn-Khôn mới chia ra ngày, đêm, sáng, tối.

       Ðất nhờ ba báu đó mà phong võ điều hòa, cỏ cây tươi nhuận, phân ra thời tiết: xuân, hạ, thu, đông.

       Người nhờ ba báu đó mà tạo Tiên, tác Phật.

 

Thiên-Lý Bửu-Tòa, 12695 Sycamore Ave, San Martin, CA 95046 - USA. Tel: (408) 683-0674

Website: www.thienlybuutoa.org     Email    Sơ đồ hướng dẫn tới TLBT

Thông bạch in Kinh