The Left Eye of God

TAM HOA TỤ ĐẢNH & NGŨ KHÍ TRIỀU NGUƠN

LÃO TỔ

1) NHÂN HOA: Luyện Tinh hóa Khí

Người vốn do sự hòa hợp của Tinh Huyết mà sanh sản cho nên Tinh là chuẩn tử của luân hồi. Kẻ tu tâm phải lìa hạ tiêu, tức là đường dẫn khí nằm trên bàng quang, chủ về phân biệt thanh trược (chỉ ra mà không vào). Có diệt trừ dâm dục, có đoạn được dâm căn thì Tinh mới đầy và Hoa Chì mới nở.

2) ĐỊA HOA: Luyện Khí hóa Thần

Người ta sống được là nhờ Khí, kẻ tu tâm phải lìa được trung tiêu, tức mạch dẫn khí nằm trong lằn trong bao tử. Không kinh sợ, không oán thù, giận hờn, ắt là Khí hòa thuận bình yên, đạo thông suốt, trung khí đủ thì không nghĩ đến ăn Hoa Bạc mới nở.

3) THIÊN HOA: Luyện Thần hoàn hư

Tinh Khí tuy đầy đủ song không có Thần ắt thân thể không có ánh sáng thì kể như chết, cho nên Thần là chủ tể. Kẻ tu tâm phải lìa thượng tiêu tức mạch dẫn khí nằm phía trên bao tử mới không chấp trước . Thần đầy tức không nghĩ tới ngủ, hồn trong lặng tỉnh táo ắt thoát xác trở về hư vô, vào cảnh giới hư không và Hoa Vàng mới nở.

Bởi vậy, người tu phải giữ trọn TINH KHÍ THẦN là ba món báu để luyện hầu đạt đạo quả.

Là 5 khí của Ngũ Hành trở về nguồn cội. Vì mong cứu độ chúng sanh Ta nay đặc biệt chỉ phép Ngũ Khí Triều Nguơn như sau:

Mọi người đều sanh ra từ Ngũ Hành khí nên sách Thánh cũng có câu:

“Dầu cho Tạo Hóa mấy lò,

Hóa Công mấy thợ, một pho Ngũ Hành.”

Song con người vì chìm đắm trong cõi phàm trần, Tinh Thần hao phí quá nhiều khiến Ngũ Khí chẳng thể nào triều nguyên nổi, cuối cùng không trở về nguồn cội. Đem cái Khí nguồn gốc ném vào ngũ thể khiến cho tan loãng, Tiên thể thuần chơn biến thành thân xác ô tức, linh khí thất tán, vô phương trở về nguồn cội ban đầu.

Ngũ Hành gồm có:

Hành MỘC: ứng về phương Đông, với ngũ giới cấm là giới sát sanh, với ngũ luân là Đức Nhơn, với ngũ tạng là buồng Gan nơi chứa Hồn.

Hành KIM: tương ứng với phương Tây, với ngũ giới cấm là giới du đạo, với ngũ luân là Đức Nghĩa, trong thân người là cái Phổi nơi chứa Phách.

Hành THỦY: ứng với phương Bắc, với ngũ giới cấm là giới tửu nhục, với ngũ luân là Đức Trí, trong người là trái Cật nơi chứa Tinh.

Hành HỎA: ứng về phương Nam, với ngũ giới cấm là giới tà dâm, với ngũ luân là Đức Lễ, trong thân người là Tim nơi chứa Thần.

Hành THỔ: ở giữa bốn Hành ứng với Trung Ương, với ngũ giới cấm là giới vọng ngữ, với ngũ luân là Đức Tín, trong thân người là Lá Lách nơi chứa Ý.

Bốn Hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa phải do nơi Đất (Thổ) mới lập thành.

Kim sanh từ Thổ, Mộc nhờ Thổ mà lớn, Thủy trong Đất mà ra, Hỏa dựa Thổ mà sáng. Vạn vật phải nhờ Thổ mới nuôi dưỡng, mới có thể sanh trưởng thành tựu. Càn là Trời là Dương, cũng như Khôn là Đất là Âm. Người xưa nói: “Trời sanh Đất nuôi”, công tác chính yếu trong sự nuôi dưỡng loài người và vạn vật là do Đất.

Trong ngũ luân gồm có Nhơn, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín mà Đức Tín thuộc Thổ. Nay một chữ Tín, Ta thấy nếu người ta không có Đức Tín ắt không đứng vững. Cho nên phải biết Tín là chủ của ngũ thường, mà Thổ giữ đức Tín nhiều nhất. Trồng dưa đặng dưa, trồng đậu được đậu, tơ tóc chẳng sai, gieo giống gì mọc thứ nấy, tuyệt đối không dối trá thất Tín.

Người tu hành không nóng nảy, không căm thù, không hờn giận, ắt là Hồn định, can khí trong sạch tốt đẹp là Thanh Đế ở phương Đông thì MỘC khí triều nguơn.

Không buồn rầu ắt Phách định là Bạch Đế ở phương Tây thì KIM khí đã triều nguơn.

Không còn kinh khủng sợ sệt ắt Tinh định là Hắc Đế ở phương Bắc thì THỦY đã triều nguơn.

Không còn buồn vui thái quá, ắt Thần định là Xích Đế ở phương Nam vì HỎA đã triều nguơn.

Không lo tính theo tham dục ắt Ý định là trung ương Hoàng Đế vì THỔ đã triều nguơn.

Trên đây là cái lý “TAM HOA TỤ ĐẢNH và NGŨ KHÍ TRIỀU NGUƠN”.

Nói cách khác, người luyện Đạo thì NGŨ HÀNH trở về NGŨ LÃO, TAM HOA hóa TAM THANH, quy hoàn bản thể vô cực đạt cứu cánh viên thông sống trong thời TAM HOÀNG NGŨ ĐẾ!

Tu quả là không khó, giữ trọn TINH KHÍ THẦN, tồn NHƠN NGHĨA LỄ TRÍ TÍN. Không đau buồn, vui sướng, dâm dục, giận hờn, ắt bản tính tự tại thành tựu được quả vị Kim Tiên, tự nhiên siêu thoát ba cõi, ra khỏi Ngũ Hành, trần gian không có gì trói buộc được nữa!

 

(Nguồn: Lý Hồng Uyên Nguyên sưu tầm trong THIÊN DU KÝ PHÁP của G/S Ngọc Trường Thanh)