NGÔ VĂN CHIÊU - người môn đệ Cao Đài đầu tiên (phần II)
Tiếp theo bài "Ngô Văn Chiêu - người môn đệ Cao Đài đầu tiên (phần I)"
Đàn Hiệp Minh ở Cái Khế, tỉnh Cần Thơ nay là chùa Hiệp Minh (ảnh Đạt Truyền & Đạt Linh)
II. CON ĐƯỜNG ĐẾN VỚI CAO ĐÀI
1. Nhân duyên với các đàn tiên
Xu hướng tín ngưỡng của tiền bối Ngô Văn Chiêu sớm bộc lộ từ buổi ấu thơ. Nhà dượng tiền bối tại Mỹ Tho có lập trang thờ Đức Quan thánh, do đó tiền bối quen dần với việc cúng kính và tụng kinh Minh thánh. Kinh này diễn sự tích Quan Vũ đời Tam Quốc, khuyến tu, do Đức Quan thánh giáng cơ vào đời Thanh (Trung Quốc), khá phổ biến ở Nam Kỳ qua nhiều nhan đề và bản dịch khác nhau.[1]
Ngoài ra tiền bối còn ăn chay mỗi tháng hai kỳ sóc vọng (mùng 1 và 15, theo âm lịch). Mãi đến năm 1920 (Canh Thân), lúc ở đảo Phú Quốc, vâng theo lời dạy của Đức Cao Đài, tiền bối mới thôi tụng kinh này, chuyển sang tu thiền.
Vốn đã có tín ngưỡng, tiền bối tin ở cơ bút và trước khi gặp đạo Cao Đài đã từng nhiều lần hầu đàn tiên do nhiều nhân duyên khác nhau.
Năm 1902 (Nhâm Dần), muốn cầu thọ cho thân mẫu, tiền bối đến hầu đàn Minh Thiện (tại Thanh An tự) ở tỉnh Thủ Dầu Một. Một ông tiên ban cho tiền bối một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt.
Năm 1917 (Đinh Tỵ), muốn xin thuốc cho thân mẫu đang đau nhiều, tiền bối tìm đàn Hiệp Minh ở Cái Khế, tỉnh Cần Thơ. Đến nơi thì đàn đã lập, đồng tử đang tiếp điển thiêng liêng. Không dám đường đột đi vào, sợ náo động, tiền bối đứng ở ngoài. Nào ngờ tiên gia gõ cơ cho phép tiền bối vào hầu, ban cho bài thuốc và hai bài thơ. Bài thơ thứ nhất dài mười câu lục bát:
Trời còn sông biển đều còn,
Khắp xem cõi dưới núi non đượm nhuần.
Thanh minh trong tiết vườn xuân,
Phụng chầu, hạc múa, gà rừng gáy reo.
Đường đi trên núi dưới đèo,
Lặng tìm cao thấp ải trèo chông gai.
Phận làm con thảo há nài,
Biết phương tiên phật bồng lai mà tìm.
Xem qua xét lại cổ kim,
Một bầu trời đất thanh liêm chín mười.
Sau này, có lẽ tuân hành lời dạy của thiêng liêng, tiền bối nối tiếp thêm bốn câu nữa, để dùng làm lời khấn khi cầu cơ:
Vàng trau ngọc chuốt càng tươi,
Bền lòng theo phật cho người xét suy.
Thần tiên vốn chẳng xa chi,
Có lòng chiêm ngưỡng nhứt thì giáng linh
Năm 1919 (Kỷ Mùi), vì thân mẫu đau nhiều, tiền bối trở lại đàn Hiệp Minh, nhưng tiên gia chỉ ban cho bài thơ dài chứ không cho thuốc. Tiền bối quay về đàn Minh Thiện ở Thủ Dầu Một, được Đức Quan thánh ban cho một bài thất ngôn tứ tuyệt. Cuối năm này thân mẫu tiền bối tạ thế.
2. Nghe hồng danh Cao Đài lần thứ nhất (1920)
Trước khi chuyển đi tỉnh Hà Tiên, khoảng tháng 1 hay 2 năm 1920 (Kỷ Mùi), tiền bối thường lập đàn cầu cơ tại tỉnh Tân An cùng các ông Đoàn Văn Kim (1868-1946), hương bộ Lê Kiển Thọ (1868-1946), thầy giáo Nguyễn Văn Vân (1893-1981), nhà giáo kiêm soạn giả Trần Phong Sắc (1873-1928). Ông Sắc là một nhà nho hữu danh, hồi ấy đã được khách Lục châu biết tên qua các một số tuồng hát và nhiều bản dịch truyện Tàu như Đại Minh hồng võ (1907), Anh hùng náo tam môn giai (1907)...
Phận sự các ông trong những buổi lập đàn tiên như sau:
- pháp đàn: Trần Phong Sắc (vẽ bùa để trấn đàn, ngăn cản tà quái xâm nhập đàn cơ; còn có trách nhiệm ký tên chứng thực giá trị của bổn điển sau cùng).
- đồng tử âm: Lê Kiển Thọ; đồng tử dương: Nguyễn Văn Vân (hai người cùng thủ cơ, bốn bàn tay giữ đại ngọc cơ, gọi là đồng tử âm dương hay song đồng).
- điển ký: Đoàn Văn Kim (ghi chép bổn điển tức là lời dạy qua phương tiện cơ bút và đồng tử; có khi cần hai, ba điển ký để sau khi xả đàn tức là dứt buổi cầu cơ, pháp đàn sẽ đối chiếu các bổn điển mà hiệu đính những sai sót).
- độc giả: Ngô Văn Chiêu (nhìn ngọn cơ viết chữ trên mặt bàn và đọc ra tiếng để cho điển ký ghi chép).
Trong một buổi lập đàn tại nhà tiền bối Ngô Văn Chiêu, khi đọc bài cầu cơ đến câu Ngũ chơn bửu khí lâm trần thế... thì cơ gõ mạnh xuống bàn, một đấng xưng danh Cao Đài Tiên ông, bảo pháp đàn sửa lại câu văn nọ. Ông Sắc không chịu nghe. Tiên ông bảo tiền bối Ngô Văn Chiêu sửa. Tiền bối đổi lại là Bửu chơn ngũ khí lâm trần thế... Tiên ông gõ cơ khen.
Không rõ Cao Đài Tiên ông là đấng nào, các ông bạch, xin cho biết lai lịch. Tiên ông trả lời:
Cao Đài ứng hóa theo lòng chúng sanh,
Đố ai biết được cái danh Cao Đài.
Các bài cầu cơ thỉnh tiên lưu truyền trong dân gian thường có vài dị bản. Chẳng hạn, ngoài quyển Vạn pháp quy tông của đạo giáo Trung Quốc truyền sang Việt Nam, bài cầu cơ ở nhà tiền bối Ngô Văn Chiêu cũng có trong quyển Thần chú thỉnh tiên (Sài Gòn: nhà in Phát Toán, 1907, tr. 3-4), mà La Thành Đầm tự Mộ Tần (thơ ký nhà Đoan) gọi là Bài thỉnh tiên sơ thỉnh dài 46 câu, trong đó câu 9 in là Ngọc chơn bửu khí lâm trần thế.
3. Nghe hồng danh Cao Đài lần thứ hai (1920)
Xong tuần bá nhật (một trăm ngày) của thân mẫu, ngày thứ Hai 01-3-1920 (11-01 Canh Thân) tiền bối Ngô Văn Chiêu đổi ra tỉnh Hà Tiên. Tiền bối thường lên núi Thạch Động cầu tiên. Một vị tiên cô xưng danh Ngô Kim Liên ban cho tiền bối hai vé thơ, ngụ ý khuyến tu:
Văng vẳng nhạn kêu bạn giữa thu,
Rằng trời cùng đất vẫn xa mù.
Non tây ngoảnh lại đường gai góc,
Gắng chí cho thành bực trượng phu.
Ngần ngần trăng tỏ giữa trời thu,
Cái cảnh Tây phương vẫn mịt mù.
Mắt tục nào ai trông thấy đấy,
Lắm công trình mới đúng công phu.
Đêm trung thu năm Canh Thân (Chủ Nhật 26-9-1920), tiền bối cùng các ông Cao Văn Sự, Nguyễn Thành Diêu lập đàn tại nhà ông Lâm Tấn Đức. Tiên ông ban cho bốn câu thơ vừa xưng danh vừa điểm danh như sau:
Cao Đài minh nguyệt Ngô Văn Chiêu,
Linh lung vạn hộc thể Quan, Diêu.
Vô thậm Sự, Đức nhiệm ngao du,
Bích thủy, thanh sơn tương đối tiếu.
Lâm Tấn Đức (Huệ Nhẫn sưu tầm)
Nhà Lâm Tấn Đức (Huệ Nhẫn sưu tầm)
Chưa biết Quan là ai. Diêu và Sự thì đã rõ. Riêng Lâm Tấn Đức (1866-1934, tự Hữu Lân, không con) là anh ruột của Lâm Tấn Thoại, và ông Thoại là cha của danh sĩ Đông Hồ Lâm Tấn Phác (1906-1969).
4. Thọ pháp (1921)
Thứ Ba 26-10-1920 (15-9 Canh Thân), tiền bối Ngô Văn Chiêu đổi ra đảo Phú Quốc. Về hòn đảo này, Đông Hồ cho biết: “Ở Phú Quốc phần nhiều là còn giữ được cái phong tục, cái đức tính cổ thời, rõ là xã hội ‘gia vô bế hộ’. Nhà ở không bao giờ có làm cửa. Những nhà hào phú muốn làm cửa là cho tốt coi chớ ban đêm cũng vẫn không khóa. Cửa bỏ ngỏ mà không bao giờ có kẻ trộm.” [2]
Tại hòn đảo này, tiền bối thường lập đàn cầu tiên trên núi Dương Đông. Đàn được lập ở một Phật đường của đạo Minh Sư, tục gọi là chùa Quan Âm, cách dinh quận chừng 500 mét. Đông Hồ Lâm Tấn Phác tả chùa Quan Âm như sau: “Chùa cất trên tuyệt đỉnh, trước mặt thì có núi cao bình án, sau lưng thì có biển rộng hoành triều, rất được thế non nước. Tường đá rào tre quanh co, các thứ nhàn hoa cổ thụ, u ảo thanh tịnh vô cùng.” [3]
Chùa của Minh Sư được gọi là Phật đường. Do không hiểu, các báo cáo của mật thám, thanh tra Pháp thường gọi lầm là “đạo Phật đường”. Chùa Quan Âm vì thế cũng gọi Quan Âm Phật đường, thuộc tông Hoằng Tế. Phải chăng do môi trường này tiền bối đã có dịp quen biết một chức sắc lớn của Minh Sư là Thái lão sư Tùng Ngạc?
Cuối năm 1920 (Canh Thân), một tiên ông ẩn danh giáng đàn, dạy rằng nếu tiền bối thuận làm đệ tử thì tiên ông sẽ vui lòng truyền đạo. Tiên ông còn dặn hãy ngưng tụng kinh Minh thánh. Đến lúc ấy, tiền bối vẫn giữ lệ ăn chay mỗi tháng hai kỳ vào các ngày sóc, vọng. Cho nên, khi tiên ông dạy phải giữ thập trai (mỗi tháng ăn chay mười ngày) để đủ điều kiện thọ pháp tu thiền, thì tiền bối lại e ngại việc đời ràng buộc, sẽ khó giữ tròn giới nguyện.
Mùng 1 Tết Tân Dậu (thứ Ba 08-02-1921), tại chùa Quan Âm, tiền bối chưa kịp bộc bạch điều gì thì tiên ông đã ra lịnh: “Chiêu, tam niên trường trai.” Thế là tiền bối chỉ còn biết vâng lời, cầu xin tiên ông hộ trì.
Các tín đồ Cao Đài Chiếu Minh, học theo phép tu thiền của tiền bối Ngô Văn Chiêu, đã chọn ngày mùng 1 Tết Tân Dậu làm một trong bốn ngày âm lịch kỷ niệm tiền bối:
- 01 tháng 01: kỷ niệm ngày trường trai thọ pháp.
- 07 tháng 01: kỷ niệm sinh nhật.
- 05 tháng 3: kỷ niệm ngày hiển đạo tại thế.
- 13 tháng 3: kỷ niệm ngày quy thiên.
Kể từ mùng 1 Tết năm ấy, tiền bối tu học thiền pháp với tiên ông ẩn danh. Tuy rằng trực tiếp học với vị sư phụ vô hình, nhưng trong bước đầu bỡ ngỡ, có những thắc mắc nho nhỏ mà chỉ cần người có kinh nghiệm tọa thiền nhiều năm là giúp giải quyết được dễ dàng, không cần mỗi sự việc đều phải lập đàn cơ thỉnh giáo. Ăn cơm có canh, tu hành có bạn. Như vậy, tiền bối chắc chắn đã có một vị thiện tri thức làm bạn đạo, để trợ duyên trong buổi đầu còn sơ cơ. Vị thiện tri thức đó vốn là một chức sắc cao trọng của phái Minh Sư, một phái tu sở trường về thiền pháp.
Sự kiện này được Đại tiên Ngô Minh Chiêu trong một đàn cơ tại tu viện Minh Đức (Vũng Tàu) nhắc lại vào thứ Năm 13-3-1980 (27-01 Canh Thân) như sau: “Buổi đầu Tiên huynh được Thượng đế chọn làm môn đệ đầu tiên. Đức Từ phụ tùy theo căn cơ và sự sống, tuổi tác của Tiên huynh mà cho người dẫn dắt một phương pháp công phu tu luyện, mặc dầu đã có từ ngàn xưa, nhưng nay cũng tạm đặt là Cao Đài tân pháp để làm đường giải thoát cho Tiên huynh, một đồ đệ đầu tiên của Đức Thượng đế trong Tam kỳ Phổ độ.”
Hai năm sau, cũng tại tu viện Minh Đức, thứ Sáu 23-7-1982 (03-6 Nhâm Tuất), Minh Đức Đạo nhơn tiết lộ thêm về sự kiện này: “Vì Đạo vô vi, sư vô vi nên cũng cần có sự hộ trợ của hữu hình. Như ngày xưa, thuở ban sơ khai Đạo, Đức Chí tôn cũng cần có Thái lão sư Tùng Ngạc truyền đạo cho Minh Chiêu Đại tiên khi còn tại thế.”
5. Thiên nhãn xuất hiện (20-4-1921)
Tiên ông ẩn danh dạy tiền bối không được tiết lộ pháp môn tu luyện, có lẽ vì thời cơ chưa đến. Tiền bối cũng chưa biết một nghi thức nào để thờ đấng sư phụ vô vi. Một hôm, tiên ông dạy tiền bối hãy nghĩ ra một biểu tượng nào đó cho mối đạo do tiên ông sáng lập. Tiền bối đề nghị chữ thập. Có lẽ điều này là kết quả của việc học đạo bấy lâu. Hệ từ thượng truyện của kinh Dịch có câu “Nhất âm nhất dương chi vị Đạo.” (Một âm một dương gọi là Đạo.) Tượng trưng Đạo là sự phối hiệp hòa hài lưỡng nghi (âm dương), các nhà đạo học dùng chữ thập, vạch ngang là âm, vạch đứng là dương. Khi đề nghị thờ chữ thập, phải chăng tiền bối muốn ám chỉ cái nguyên lý huyền diệu chi phối khắp cả vũ trụ càn khôn là Đạo?
Tuy nhiên, tiên ông dạy phải tìm một biểu tượng khác, bởi vì chữ thập gợi đến hình ảnh cây thánh giá của đạo Thiên Chúa. Tiền bối xin thời hạn một tuần, nhưng rồi cũng không thể nghĩ ra được ý gì.
Buổi sáng ngày 20-4-1921 (13-3 Tân Dậu), vào lúc tám giờ, tiền bối đang ngồi trên võng, phía sau dinh quận Phú Quốc, nhìn ra biển khơi, chợt thấy trước mặt hiện rõ một con mắt trái thật lớn, linh động, hào quang chói lọi. Tiền bối sợ, lấy tay che mắt. Hồi lâu, mở mắt ra nhìn, cảnh tượng vẫn còn. Tiền bối chắp tay, khấn xin tiên ông cho con mắt ấy biến đi, nếu như tiên ông muốn tiền bối thờ con mắt. Lạ thay, sau đó cảnh tượng mờ dần rồi mất hẳn. Mặc dù vậy, trong dạ tiền bối hãy còn phân vân. Vài hôm sau, tiền bối lại mục kích một cảnh tượng y như vậy, và cũng chỉ sau khi khấn, hứa xin thờ con mắt thì con mắt nọ mới biến đi.
6. Nghe hồng danh Cao Đài lần thứ ba (tháng 4-1921)
Khoảng vài ngày sau khi Thiên nhãn xuất hiện lần thứ hai, tiền bối đến hầu đàn tại chùa Quan Âm. Tiên ông dạy tiền bối vẽ lại Thiên nhãn (con mắt trái) như đã mục kích để thờ. Dịp này, tiên ông xưng hồng danh Cao Đài Tiên ông Đại bồ tát Ma ha tát, dạy tiền bối gọi Đức Cao Đài bằng Thầy.
Ở tỉnh Tân An và Hà Tiên tiền bối đã hai lần được nghe hồng danh Cao Đài (1920), hơn nữa hai chữ Cao Đài vẫn thường được nhắc tới mỗi khi đọc bài chú thỉnh tiên (Cao Đài tiên bút thi văn tự).
Những người Nam Kỳ thời xưa dùng sách Ấu học Quỳnh Lâm để học chữ Nho cũng không lạ hai chữ Cao Đài. Đây là một quyển sách giáo khoa rất xưa, do Trình Đăng Cát đời Minh (1308-1644) soạn, rồi Trâu Thánh Mạch đời Thanh (1644-1911) viết thêm phần tăng bổ.
Quỳnh là một loại ngọc quý, màu đỏ. Quỳnh Lâm là tên một cảnh vườn trong phủ Khai Phong đời Tống (Trung Quốc). Vua Tống tổ chức tiệc thết đãi các tiến sĩ mới thi đậu ở vườn ấy. Vậy nhan đề sách này ngụ ý là dạy cho trẻ con (ấu học), mong sau này các trẻ sẽ thi đậu tiến sĩ (được dự tiệc ở vườn Quỳnh Lâm).
Vào mùa thu năm 1912 tại Thượng Hải, Quảng Ích thư cục đã phát hành Ấu học Quỳnh Lâm (khoảng 15x26cm). Đây là bản in đá của nhà sách Thiên Bảo, và gồm bốn quyển. Quyển hai có mười hai chương; nơi chương Thân thể (trang 21) có câu tăng bổ: Cao đài viết đầu (…). Nghĩa là đài cao gọi là đầu (…). Lời chú giảng thêm cho câu ấy là: [Phật kinh] Đầu vi cao đài (…). Nghĩa là nói theo kinh Phật thì đầu là đài cao (…).
Sau này một số thánh giáo Cao Đài cũng dạy Cao Đài là đỉnh đầu (thuật ngữ đạo Lão thường gọi là nê huờn cung, côn lôn đảnh). Chẳng hạn:
Thử hỏi Cao Đài ở chốn nao?
Người tu trở lại trở về đâu?
Phải chăng tìm đến Cao Đài thượng?
Đài thượng vô vi tại đỉnh đầu.
(Đức Đông Phương Lão tổ)
“Chữ Cao Đài là gì? Là côn lôn đảnh hay nê huờn …”
(Đại thừa chơn giáo, Sài Gòn: 1956, tr. 56.)
7. Ý nghĩa của đàn tại chùa Quan Âm
Tiền bối Ngô Văn Chiêu được nghe hồng danh Cao Đài Tiên ông Đại bồ tát Ma ha tát trong đàn cơ lập tại chùa Quan Âm. Như vậy đàn này có một ý nghĩa rất lớn, vì đã xác lập những cơ cấu căn bản tối thiết của một tôn giáo. Nói cách khác, do đàn này, có thể khẳng định rằng đạo Cao Đài dù còn tiềm ẩn đã sớm hình thành từ năm 1921, với các yếu tố ban đầu như sau:
- Giáo chủ (vô vi): Đức Ngọc Hoàng Thượng đế, tá danh Cao Đài Tiên ông Đại bồ tát Ma ha tát.
- Giáo đồ đầu tiên: tiền bối Ngô Văn Chiêu.
- Giáo pháp: Phần nội giáo tâm truyền (hay hình nhi thượng học), tức là pháp môn tu đơn (tọa thiền), cũng được gọi là tân pháp Cao Đài.
- Giáo tượng (thánh tượng): Thiên nhãn.
- Giáo thuyết: hồng danh Cao Đài Tiên ông Đại bồ tát Ma ha tát thể hiện đường lối dung hợp Tam giáo với Cao Đài biểu thị Nho, Tiên ông biểu thị Lão, Đại bồ tát Ma ha tát biểu thị Phật.
- Giáo điển: Một số bài kinh dùng khi cúng trưóc Thiên bàn vào các thời Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu đã có như bài “Đại la Thiên đế, Thái cực Thánh hoàng...” và ba bài dâng tam bửu (hoa, rượu trắng, trà):
Dâng hoa
Hoa tươi năm sắc sắc thiên nhiên,
Đầu cúi xin dâng lễ kỉnh thiềng [kính thành].
Cảm Đức Cao Đài lòng đoái tưởng,
Từ bi cứu thế giáng đàn tiên.
Dâng rượu trắng
Tửu vị hương hề tửu vị huơng,
Khấu đầu cung hiến chước hồ trường.
Cao Đài hứng cảnh nhàn quan nhã,
Đệ tử cung trần mỹ vị hương.
Trường hợp cúng rượu nho (bồ đào tửu: wine, vin), hay rượu mía (cam giá tửu: rum, rhum) của phương Tây thì đổi bài trên bằng bài:
Bồ đào, cam giá tửu Tây phương,
Bả trản cung trần mỹ vị hương.
Đệ tử thành tâm kiềng phụng hiến,
Cao Đài hoan lạc kiết trinh tường
Dâng trà
Đông độ thanh trà mỹ vị hương,
Khấu đầu cung hiến chước hồ trường,
Cao Đài hứng cảnh nhàn quan nhã,
Đệ tử cung trần mỹ vị hương.
Như vậy, nhiều sự kiện quan trọng của lịch sử khai đạo Cao Đài đã xảy ra tại chùa Quan Âm. Chùa này thoạt đầu do công tạo tác của các ông Huỳnh Đăng Khoa, Đỗ Minh Châu (tức Cả Bốn). Về sau, ông Châu truyền chùa lại cho con là Đỗ Kim Cự. Ông Cự lại truyền chùa cho ông Đỗ Văn Đồ (tức Tám Gia).
Người thừa tự này tính khí thất thường, có khi gây chuyện náo động làm cho buổi hầu đàn mất thanh tịnh, thiếu trang nghiêm. Vì vậy, sau hơn nửa năm lập đàn ở đây, tiền bối Ngô Văn Chiêu phải chuyển đến chùa Sùng Hưng của hòa thượng Thích Ngộ Tiên (1885-1946), cách chùa Quan Âm khoảng 200 mét.
Lần hồi, thiếu người chăm sóc, chùa Quan Âm suy sụp đổ nát. Năm 1961 (Tân Sửu), muốn giữ lại một di tích có liên quan ít nhiều đến thời kỳ khai nguyên nền Đạo, các tín đồ Cao Đài Chiếu Minh đã dựng trên nền cũ của chùa Quan Âm một mái chùa mới, tức là Cao Đài Hội thánh. Gần đó là một am nhỏ, kỷ niệm chùa Quan Âm.
Sùng Hưng Tự, Phú Quốc (ảnh tài liệu)
Cao Đài Hội thánh, Phú Quốc (ảnh Phan Văn Hoàng)
8. Ba năm tu học (1921-1924)
Trong thời gian ba năm học đạo với Đức Cao Đài trên đảo Phú Quốc, tiền bối Ngô Văn Chiêu một lòng tinh tấn với tâm bất thối chuyển. Đức Cao Đài khuyến khích:
Ba năm lao khổ độ nhứt nhơn,
Mắt Thầy xem rõ lòng dạ chắc,
Thương vì con trẻ hãy còn thơ,
Gắng chí tầm phương biết đạo mầu.
“Thương vì con trẻ hãy còn thơ”, có lẽ ám chỉ việc tiền bối đang luyện đơn. Đơn kinh đạo Lão có câu “Thập ngoạt hoài thai, tam niên nhũ bộ.” (Mười tháng mang thai, ba năm bú mớm.) Hoặc nói ẩn dụ là thánh thai, anh nhi, xích tử... Tất cả đều ám chỉ một giai đoạn tu luyện của hành giả trên đường thiền.
Giữa năm 1924 (Giáp Tý), tiền bối được chuyển về làm việc tại Sài Gòn. Đức Cao Đài ban cho tiền bối một bài lục bát trường thiên dài hai mươi câu, trong đó có những lời khen:
Ba năm lòng sáng như son,
Trèo non xuống biển vuông tròn công phu.
Hay là:
Giờ này Thầy điểm thâm công,
Ngày sau con sẽ cỡi rồng về nguyên.
Lời tiên tri “cỡi rồng về nguyên” sau này sẽ ứng nghiệm, khi tiền bối quy thiên trên một nhánh sông Cửu Long lúc đang trên phà Mỹ Thuận vượt sông Tiền (18-4-1932).
Rời đảo Phú Quốc ngày thứ Ba 29-7-1924 (28-6 Giáp Tý), tiền bối về đến Sài Gòn ngày hôm sau.
Gia đình tiền bối vẫn còn ở tỉnh Tân An. Tiền bối mướn nhà ở, và đổi chỗ luôn (như đã thuật ở trên). Tiền bối sống kín đáo như một ẩn sĩ giữa chốn phồn hoa: tan sở lại về nhà trọ đóng cửa tu luyện âm thầm. Thời cơ chưa đến, đạo Cao Đài chưa thể ra đời, và Đức Cao Đài chưa cho phép tiền bối truyền bá tân pháp (thiền Cao Đài). Còn phải đợi đến cuối năm 1925 (Ất Sửu), bởi vì từ giữa năm này trở đi, Đức Cao Đài lại vận chuyển cho một nhóm môn đồ khác, sẽ hiệp cùng tiền bối Ngô Văn Chiêu trên đường truyền giáo, trong cái thế nội ngoại song hành là thiền (nội giáo tâm truyền hay hình nhi thượng học: esotericism) và phổ độ (ngoại giáo công truyền hay hình nhi hạ học: exotericism).
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Về kinh Minh thánh, xem thêm: Lê Anh Dũng, Quan thánh xưa và nay. Hà Nội: Nxb Văn Hóa - Thông Tin, 1995.
Hoặc xem tại: http://khangthin.multiply.com/journal/item/335
[2] Đông Hồ, “Thăm đảo Phú Quốc”, Nam Phong tạp chí. Số 124, năm 1927, tr. 545.
[3] Đông Hồ, “Thăm đảo Phú Quốc”, tr. 545.
Huệ Khải
>>> Xem tiếp bài "Ngô Văn Chiêu - người mở con đường thiền của đạo Cao Đài"