Trở lại trang chánh của Website Thiên Lý Bửu Tòa

 

CHỮ HÒA và SỰ THƯƠNG YÊU

TRONG GIÁO-LÝ CỦA ÐẠI-ÐẠO TAM-KỲ PHỔ-ÐỘ

          Nam-Mô Cao-Ðài Tiên-Ông Ðại-Bồ-Tát Ma-Ha-Tát.

            Kính thưa chư Thiên Ân Sứ Mạng Chức Sắc, Chức Việc.

            Kính thưa quí Ðạo Trưởng, đại diện các Chi Phái Ðạo và các Tôn Giáo bạn.

            Kính thưa quí Quan Khách Ðạo Tâm lưỡng phái.

Hôm nay, tiểu đệ được hân hạnh thay mặt Ban Tổ Chức trước tiên có đôi lời chào mừng và chân thành cảm tạ toàn thể quý vị đã không quản ngại đường sá xa xôi, ngoài trời mưa gió, đáp lời mời đến tham dự buổi "Ðại-Lễ Cầu-An và Kỷ Niệm Khai Minh Ðại-Ðạo Tam-Kỳ Phổ-Ðộ" do Thiên-Lý Bửu-Tòa tổ chức.

            Sau, tiểu đệ xin được đại diện Thiên-Lý Bửu-Tòa gởi đến quý vị món quà nhỏ để kỷ niệm buổi hội ngộ hôm nay, đó là bài Ðạo-luận nói về ý nghĩa của Chữ HÒA và Sự Thương Yêu trong Giáo-Lý của Ðại-Ðạo Tam-Kỳ Phổ-Ðộ. Toàn thể bài Ðạo-luận này được tham khảo từ các Thánh-Ngôn Thánh-Giáo của Ðại-Ðạo. Tuy nhiên, vì thời giờ hạn hẹp và với sự hiện diện của các bậc cao minh nơi đây, nếu trong bài Ðạo-luận nầy có điều chi sơ sót hoặc chưa diễn giải đầy đủ ý nghĩa, kính mong quý vị niệm tình thứ lỗi và xin quý vị vui lòng chỉ giáo thêm cho.

            Kính thưa quý vị,

Ðất nước Việt-Nam chúng ta tuy là một nước nhỏ bé trên hoàn cầu, nhưng dân tộc Việt-Nam ta từ ngàn xưa đã thấm nhuần ba nền luân lý của Tam-Giáo đó là Nho-Giáo, Lão-Giáo, và Thích-Giáo. Ba nền tôn-giáo nầy tuy không được khai sáng tại Việt-Nam, nhưng sau khi du nhập vào đất nước ta đã được phát triển tới một mức độ cực thịnh. Tổ tiên chúng ta không những chỉ sùng bái cả ba nền tôn-giáo ấy mà còn khéo léo kết hợp ba nền luân lý của Nho-Giáo, Lão-Giáo, và Thích-Giáo một cách hài hòa, bổ túc cho nhau để tạo thành dân tộc tính đặc thù của người Việt-Nam, đó là: - Ðầy đủ Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín của Nho-Giáo. - Yêu mến thiên nhiên tịch tĩnh của Lão-Giáo. - Tin vào thuyết Luân-Hồi, Quả-Báo của Phật-Giáo.

Chính nhờ vào sự kết hợp hài hòa nầy nên vào đầu thế kỷ 20 vừa qua, dân tộc Việt-Nam đã được hạnh hưởng một ân phước vô cùng to lớn, đó là được Ðấng Tạo-Hóa Ðức Chí-Tôn Ngọc-Hoàng Thượng-Ðế tá danh Cao-Ðài Tiên-Ông Ðại-Bồ-Tát Ma-Ha-Tát dùng huyền diệu cơ-bút điển quang giáo Ðạo, chọn để khai sáng ra một nền Quốc-Ðạo cho đất nước dân tộc Việt-Nam gọi là Ðại-Ðạo Tam-Kỳ Phổ-Ðộ với tôn chỉ Tam-Giáo qui nguyên, Ngũ-Chi phục nhứt, và vạn giáo đồng nhứt lý.

Cái tá danh rất khiêm tốn "Cao-Ðài Tiên-Ông Ðại-Bồ-Tát Ma-Ha-Tát" của Ðức Thượng-Ðế đã nói lên được tôn chỉ Tam-Giáo qui nguyên của Ðại-Ðạo Tam-Kỳ Phổ-Ð vì theo Nho-Giáo, Cao-Ðài là nơi Thượng-Ðế ngự; còn Tiên-Ông là một chức nhỏ trong hàng Tiên, theo Lão-Giáo; và Bồ-Tát là một chức nhỏ trong hàng Phật, theo Thích-Giáo.

Trong những ngày đầu khai Ðạo Ðức Chí-Tôn Thượng-Ðế đã phán:

Hảo Nam-Bang! Hảo Nam-Bang!

Tiểu quốc tảo khai hội Niết-Bàn!

Tại Thánh-Thất Bàu-Sen (Chợ-Lớn), vào Lễ Giáng-Sinh năm Ðinh Mùi (1967) Ðức Gia-Tô Giáo-Chủ Jésus Christ có giáng cơ ca tụng như sau:

"Một hân hạnh lớn lao, một hãnh diện to tát, chư hiền được đem ra từ một dân tộc của một quốc gia trong muôn vàn quốc gia mà Ðại-Từ-Phụ điểm nhuận. Trách vụ cam go chỉ giao cho người chí khí. Mọi thử thách sẽ định giá cho thành quả của sự vụ mai sau...

Hỡi chư hiền của dân tộc được chọn! Sứ mạng mà chư hiền được Chí-Tôn giao phó, không phải là người vun phân, mà là người gieo giống. Sự quan trọng không phải ở những điều kiện khởi phát mà là mầm khởi phát...

Việt-Nam ơi! Hồng Lạc ơi!

Ðấng Thượng-Ðế, Ðức Cao-Ðài đang ngự trị!"

Tại Huờn-Cung-Ðàn (Khánh Hội, Sài Gòn) Tý thời mùng 8 tháng 4 Ất-Tỵ (1965) Ðức Thường-Cư Nam-Hải Quan-Thế-Âm Bồ-Tát cũng có giáng cơ ca tụng như sau:

"Chư hiền-sĩ, hiền-muội! Hạ-Nguơn mạt pháp, Ðại-Ðạo hoằng dương, gồm Tam-Giáo vào một lý duy nhứt để phục hưng chánh pháp, cứu rỗi toàn linh trong cơn lặn hụp xa vời trên dòng bể khổ, lập lại đời Thượng-Nguơn Thánh-Ðức cho trăm họ hòa bình, càn khôn an tịnh.

Nam-Bang này rất có duyên phúc trong kỳ Long-Hoa chuyển thế, nên mới được Thượng-Ðế lâm phàm, cùng hàng chư Phật, Tiên, Thánh, Thần dùng điển quang giáo Ðạo. Duyên phúc này, hỡi ai đã biết gội nhuần và thọ hưởng!..."

            Trong suốt 76 năm qua, nền Ðại-Ðạo Tam-Kỳ Phổ-Ðộ với huyền diệu Cơ-Bút, đã được phổ thông một cách nhanh chóng tại Việt-Nam và lan ra khắp hải ngoại. Ðức Chí-Tôn Thượng-Ðế, Ðức Diêu-Trì Kim-Mẫu và chư Phật, Tiên, Thánh đã ban cho vô số Kinh điển, Thánh-Ngôn, Thánh-Giáo quí giá bằng chữ quốc-ngữ để dạy cho nhơn sanh tu hành hầu lập lại đời Thượng-Nguơn Thánh-Ðức. Trong vô số Kinh điển quí báu đó, nổi bật nhứt và cũng là căn bản của giáo-lý Ðại-Ðạo đó là Ðức Cao-Ðài Thượng-Ðế muốn dạy cho chư đệ tử và nhơn sanh một chữ "HÒA". Vì có HÒA thì chúng ta mới thấu hiểu được ý nghĩa chân thật của Sự Thương Yêu.

Nghĩa nhân đành gởi thân trăm tuổi,

Dạy bảo cho nhau một chữ HÒA.

            Trong buổi lập giáo sơ khai, Ðức Cao-Ðài Thượng-Ðế đã khuyến nhủ:

            "Thầy chỉ một lòng mơ ước cho các con biết thương yêu nhau trong Thánh-Ðức của Thầy. Sự thương yêu là chìa khóa mở Tam-Thập-Lục Thiên, Cực-Lạc Thế-Giới và Bạch-Ngọc-Kinh.

            Kẻ nào ghét sự thương yêu thì chẳng hề qua khỏi cửa Luân-Hồi..."

            "...Mọi sự khó khăn, Thầy gánh vác, chỉ cậy các con thương yêu gắng công độ rỗi..."

            "Sự thương yêu là giềng bảo sanh của Càn-Khôn Thế-Giới. Có thương yêu, nhơn loại mới hòa bình, Càn-Khôn mới an tịnh. Ðặng an tịnh mới không thù nghịch lẫn nhau, mới giữ bền Cơ Sanh Hóa...

            Vì có ghét nhau, vạn loại mới khi nhau. Khi lẫn nhau mới tàn hại lẫn nhau; mà tàn hại lẫn nhau là Cơ Diệt Thế.

            Vậy Thầy cấm các con từ đây, nếu không đủ sức thương yêu nhau, thì cũng chẳng đặng ghét nhau, nghe à!

            Vào năm 1962, tại Vô-Vi Thánh-Tòa Huỳnh-Quang-Sắc, Ðức Vô-Cực Từ-Tôn Diêu-Trì Kim-Mẫu có phán dạy như sau:

            "Con ôi! Vô-Cực Từ-Tôn không ngự trên đài cao hoang vắng tình thương, mặc dầu nó đầy đủ vẻ vàng son rực rỡ. Ở đâu có ấu-nhi đau khổ là có Mẹ. Ở đâu có liễu-bồ bất hạnh là có Mẹ. Nếu các con làm được những việc cứu khổ cho nhơn loại chúng-sanh là Mẹ đã ngự trong Tâm hằng cứu rỗi đó con..."

            Lời dạy của Ðức Chí-Tôn và Ðức Mẹ ở trên có nghĩa gì? Ðức Chí-Tôn và Ðức Mẹ muốn dạy chúng ta, nhơn loại, và chúng-sanh, cần phải có Tình Thương đối với nhau, nếu chúng ta, nhơn loại, và chúng-sanh muốn sống chung trong hòa-bình hạnh-phúc, trong Thánh-Ðức của Ðức Chí-Tôn Thượng-Ðế.

            Tôn Giáo nào cũng dạy yêu thương hòa ái. Ky-Tô-Giáo dạy hãy yêu người láng giềng như yêu mình. Hồi-Giáo dạy hãy yêu người lân cận như anh em ruột thịt. Ấn-Giáo đòi hỏi tín đồ phải luôn luôn bất bạo động. Phật-Giáo dạy tình mẫu tử: hãy thương người như một bà hiền mẫu thương yêu đứa con duy nhứt của mình. Nho-Giáo dạy phải công bình, nghĩa là: hãy thương người nếu mình muốn người ta thương mình, đừng ghét người nếu mình muốn người ta không ghét mình. Lão-Giáo dạy nhơn sanh phải mở rộng lòng lành yêu thương tất cả vạn vật để trên mặt đất này không còn có sự oán thù, giận ghét, gây oan chác nghiệt lẫn nhau. Mà cả nhơn loại đều coi nhau như ruột thịt để cùng nhau chung tâm kiến tạo một cõi đời trọn tốt, trọn lành, đại đồng, yêu sanh bác ái. Cao-Ðài-Giáo lấy công-bình, bác-ái, từ-bi làm tôn chỉ và luôn luôn chủ trương tình thương đại đồng để tái tạo đời Thượng-Nguơn Thánh-Ðức, Thuấn nhựt Nghiêu Thiên.

            Tại Tam-Tông-Miếu (Sài Gòn), Tuất thời đêm 8-9 Kỷ Dậu (1969), Ðức Vạn-Hạnh Thiền-Sư có giáng cơ giải thích:

            "Tôn Giáo dạy người phải lấy tình thương yêu hòa ái từ xã hội nhỏ như gia đình, phu phụ, phụ tử, huynh đệ, bằng hữu, đến một xã hội bực trung là đoàn thể, quốc gia, dân tộc, và chí đến nữa là đại xã hội nhân loại đại đồng.

            Xã hội nhỏ có thương yêu hòa ái thì đoàn thể được phát triển mau lẹ trong sự dìu dắt, giáo dục, bảo vệ cho nhau. Một quốc gia, toàn thể dân trong nước đó, từ vua quan cho đến lê thứ, dân giả, cùng đinh mà biết thương yêu hòa ái thì quốc gia đó được thạnh trị, dân tộc được phú túc, sung mãn, hùng cường. Nếu đại xã hội nhân loại đại đồng biết thương yêu nhau thì đại xã hội đó là một thiên-đàng, cực-lạc tại thế gian."

            Ðức Diêu-Trì Kim-Mẫu có phán dạy tại Huờn Cung Ðàn năm 1962 như vầy:

            "Hễ mỗi người thực hiện được tình thương, hễ thương thì không còn giết hại lẫn nhau, đời thanh bình thạnh trị, dầu không cầu mong, cũng đến".

            Ðức Ðông-Phương Lão-Tổ cũng có quả quyết:

            "Nếu tình thương có được trang trải, gieo rải càng lớn rộng trong khắp nhơn gian, làm động lực lôi kéo một số lớn người trong xã hội đồng đua nhau làm việc thiện, chan rưới tình thương, thì đương nhiên những chiến họa khổ sở hại đời, không ai dẹp cũng tan, thái hòa trong nhơn loại, không ai kêu cũng đến, hận thù không ai chôn, tự nó cáo chung, để nhường cho tình thương, bảo tồn, đùm bọc".

            Tại Minh-Lý Thánh-Hội (Sài Gòn), Tuất thời, mùng 6-10-Kỷ Dậu (1969), Ðức Vạn-Hạnh Thiền-Sư cũng có khải giáo:

            "Tình thương xuất phát nơi lòng trắc ẩn mà ra, chớ không phải thấy người khác thương, rồi bắt chước thương theo. . .

            Tình thương không riêng đối với kẻ thương mình, mà còn phải thương luôn đối với kẻ ghét mình, để tìm cơ hội cảm hóa họ trở lại đường thiện lương chân chánh.

                                    Tình thương không luận với người nào,

                                    Giàu có sang hèn hoặc thấp cao;           

                                    Phải tập tánh tình theo các Ðấng,

                                    Từng giờ từng phút cố giồi trau".

            Tại Trúc-Lâm Thiền-Ðiện, Vĩnh-Long, Ngọ thời 18-7-Kỷ Dậu (1969), Ðức Ðông-Phương Chưởng-Quản Hiệp-Thiên-Ðài, có giáng cơ đề thi:

                                    "Tình thương không luận lạ hay quen,

                                    Khôn dại cao sang với thấp hèn;

                                    Thương cả đến người dưng nước lả,

                                    Thương vì lòng Ðạo chẳng vì khen".

            Ðức Ngô-Ðại-Tiên có diễn dụ:

            "Tình thương được phát nguồn từ mảnh Tâm Ðiền đạo đức, cây tình thương khả dĩ tươi tốt được, ngoại trừ miếng Tâm Ðiền đạo đức thì không còn chỗ nào phát triển được".

            Phật có dạy: "Nếu lấy oán báo oán, oán ấy chồng chất, chỉ có lấy tình thương trả oán, oán mới tiêu tan". Thánh Nhơn cũng dạy: "Oan gia năng giải bất năng kết". Ðó là lấy tình thương xóa bỏ hận thù. Ðó là thuật đổi thù ra bạn mà ai ai cũng nên áp dụng.

            Ðêm lễ kỷ niệm Giáng-Sinh năm 1962, tại Huờn-Cung-Ðàn, Ðức Gia-Tô Giáo-Chủ có giáng cơ dạy rằng:

            "Sự tiến triển của chúng sanh chẳng những không xây dựng cho nhau một cuộc đời thuần lương đạo đức mà chỉ tiến theo mức nhu cầu sanh sát lẫn nhau, để rồi đi đến ngày thê lương thảm khốc, sẽ đưa chúng sanh đến bến diệt vong!

            Ngày nay, toàn thể nhân loại không còn một lối thoát ngoài bao nổi lòng băn khoăn vì lâm vào vòng tử địa, tựa hồ như đám cừu non lạc vào bải sa mạc, dẫu khát đói đến gần kiệt sức, nhưng cũng không tìm ra một khóm cỏ non hay một dòng nước bạch, để có thể xoa dịu đi những nổi đói khát.

            Nhưng cũng may là bên cuộc sống của chúng sanh, Ðức Thượng-Ðế bao giờ cũng ban cho một liều thuốc linh, là Tình Thương."

            Qua lễ Giáng-Sinh 1963, Chúa Jésus cũng giáng bút tại Tam-Giáo-Ðiện (Khánh Hội), Tý thời và có dạy thêm:

            "Ðây Ta cũng nhắc lại những lời dạy của Ta khi xưa với các tông đồ Ta rằng: Các con hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con vậy, và các con hãy yêu thương những kẻ ghét con, và làm ơn cho những kẻ bắt bớ vu cáo con, để xứng đáng là con của Cha trên Trời là Ðấng đã làm cho mặt trời mọc soi người lành người dữ, làm mưa xuống cho người công chánh và người tội lỗi, và các con không nên phán xét ai, để khỏi bị phán xét. Bởi luật vô vi, không ai thoát khỏi: Ngày phán xét đại đồng, và cả thế gian, dù người chết cùng người sống, cũng thưởng phạt rất đúng mức công bình".

            Bởi vậy, Ðức Diêu-Trì Kim-Mẫu, vì lo sợ đến ngày phán đoán đại đồng, Long-Hoa đại-hội, các con gái thân yêu của Ðức Mẹ sẽ bị phạt quá nhiều hơn được thưởng, nên Ðức Mẹ tha thiết nhủ khuyên:

                                    "Con ôi! một dạ phải yêu thương,

                                    Khắn khít tình thâm mới tận tường;

                                    Chẳng đổi không phai lòng sắc đá,

                                    Cùng nhau giúp đở lúc tai ương;

                                    Khuyên lơn dẫn dắt qua bờ giác,

                                    Em chị lần bươn đến hội trường;

                                    Phận gái nữ nhi thân liễu yếu,

                                    Nhứt tâm mai hậu hưởng thanh bường."

            Chính nhờ có tình thương chân thật mà Ðông-Cung Thái-Tử Sĩ-Ðạt-Ta, sau khi chứng kiến bốn cái khổ (Sanh, Lão, Bịnh, Tử) của thế nhân ở ngoài thành, mới bỏ ngai vàng, trốn cha mẹ, vợ con, lén một người một ngựa ra đi trong đêm tăm tối vào rừng sâu tìm phương giải khổ cho nhân loại. Cũng vì tình thương mà Chúa Jésus mới nhẹ nhàng chịu chết trên cây Thánh-Giá để chuộc tội cho toàn thể nhơn loại.

            Ðức Vô-Cực Từ-Tôn có phán khẳng định rằng: "Tình thương là bí quyết thành tựu của sự đoàn kết".

            chính sự Hòa-Hiệp và Thương-Yêu là phẩm vật quí báu duy nhứt mà Ðức Chí-Tôn và Ðức Mẹ Diêu-Trì luôn mong mỏi nơi đoàn con của các Ngài, chứ không phải ở nơi những phẩm vật tầm thường của thế gian.

            Trong dịp lễ Kỷ-Niệm Khai-Minh Ðại-Ðạo năm Kỷ-Mùi 1979, chư Tiền-Bối Ðại-Ðạo có giáng dạy như sau:

            "Nầy các em! Hình thức chiêm bái và chiếc áo chức sắc Thiên-phong không tạo nên giá trị Thiên-Ân hướng Ðạo, mà giá trị đó là ta đã thực hiện sứ mạng tận độ trong cơ hội nầy và phục lịnh trước Ðức Chí-Tôn Từ-Phụ.

            Thế nên, nếu các em không nhấc nổi tảng đá ngàn cân, cũng đừng quên nhặt hòn sỏi ném vào hố sâu ngăn cách giữa người và người, giữa người và ta.

            Trong một tổ chức, một cơ quan với sứ mạng đã được đặt để từ Thượng-Ðế Chí-Tôn, các em hãy thương yêu nhau, hãy tin cậy lẫn nhau, dầu cho đến ngày pháp nạn mà các em vẫn hòa hợp thành một khối tình thiêng liêng, thì cũng hóa giải được rồi. Ngược lại, thì các em sẽ tự sát trước ngày pháp nạn..."

            Vì thời giờ có hạn, tiểu đệ xin được tạm dừng nơi đây và xin chân thành cảm tạ quý vị đã để tâm lắng nghe. Nếu có điều chi sơ sót, kính mong quý vị chỉ giáo thêm cho. 

 (Bài Ðạo-luận trên được đọc tại Thiên-Lý Bửu-Tòa nhân dịp "Ðại-Lễ Cầu-An và Kỷ Niệm Khai Minh Ðại-Ðạo Tam-Kỳ Phổ-Ðộ" được tổ chức vào ngày 2 tháng 12-2001, nhằm ngày 18-10 năm Tân-Tỵ.)

Thiên-Lý Bửu-Tòa, 12695 Sycamore Ave, San Martin, CA 95046 - USA. Tel: (408) 683-0674

Website: www.thienlybuutoa.org     Email    Sơ đồ hướng dẫn tới TLBT

Thông bạch in Kinh