The Left Eye of God

Ý NGHĨA CỦA 4 CHỮ "THIÊN-LÝ BỬU-TÒA"

Trong Ðàn Dậu-thời ngày Rằm tháng 10 năm Kỷ-Mùi (4-12-1979), Ðức Chí-Tôn Ngọc-Hoàng Thượng-Ðế chính thức ban bảo danh cho ngôi Thiên-Lý Diệu-Ðàn như sau:

"... THẦY: NGỌC-HOÀNG THƯỢNG-ÐẾ. Thầy mừng chung tất cả thiện-tín. Hôm nay là một ngày đại phúc, Thầy giá ngự lâm trần chứng minh cuộc thiết lễ lạc thành cho cảnh tân thiền và cũng là một ngày hữu hạnh cho toàn linh.

Vậy Thầy ban ơn, các con hãy bình thân an tọa. Và nay Thầy cũng ban cho cảnh tân thiền một bảo-danh để được xứng đáng với danh từ Ðại-Ðạo Thiên-Khai hoằng hóa đại-đồng, qui nguyên Tam Giáo mà chính Thầy hạ điển nhiệm mầu mở khai cứu thế. Vậy các con hãy lóng nghe:

Thi rằng:

THIÊN tải nhựt phùng chuyển thế gian,

LÝ Ðạo hoằng khai giữ kiện toàn,

BỬU thị danh đề khư vạn bá,

TÒA vàng rực chói ánh hào quang.

THIÊN LÝ BỬU TÒA

..." (xin bấm vào đây để coi nguyên văn Ðàn Cơ 4-12-1979)

Nếu hiểu theo nghĩa đen thì "Thiên-Lý Bửu-Tòa" có nghĩa là một ngôi Bửu-Tòa (ngôi tòa quý báu) chứa đựng lý của Trời (Thiên-lý), hoặc là một ngôi Bửu-Tòa ở xa ngàn dặm (thiên-lý). Ngoài hai nghĩa trên, bốn chữ "Thiên-Lý Bửu-Tòa" còn có các ý nghĩa khác.

Trong Ðàn Ngọ-thời tại Thiên-Lý Bửu-Tòa ngày 21 tháng 11 năm Canh-Thân (27-12-1980), Ðức LÝ-GIÁO-TÔNG giải nghĩa 4 chữ "THIÊN-LÝ BỬU-TÒA" như sau:

"... (Thập-Tự Tam-Thanh) Nét ngang nằm ngay trung tâm của nét đứng. Phía trên để chữ THIÊN tức là Trời. Phần dưới để chữ LÝ tức là Thái-Bạch Kim-Tinh. Bên phải có chữ BỬU tức là Cam-Lộ bảo trì là Phật Quan-Âm Bồ-Tát. Phía bên trái có chữ TÒA: Tòa tức là tượng trưng cho công-lý, khử bạo trừ gian, thưởng thiện, phạt ác tức là Quan-Thánh Ðế-Quân. Thì bốn chữ THIÊN-LÝ BỬU-TÒA nó sẽ nằm trong THẬP-TỰ TAM-THANH, tức là trung tâm Chánh-Ðạo. Từ thuở ban sơ khai Thiên dựng Ðịa thì cái Thập-Tự ấy tức là do nơi sự vận hành vô cùng cực của vòng Thái-Cực mới hóa thành Lưỡng-Nghi, thì Thập-Tự tức là sợi Long-Thừa của thời khai Thiên dựng Ðịa mà Ðức Chí-Tôn đã có giải rồi. Vậy thì ngày nay vốn là thời kỳ đệ nhị, là một thời kỳ Ðạo đã được thuần túy, đã trải qua ngũ-thập-tam (53) niên. Những gì sai ngoa thì nay đều được sửa chữa và bổ túc, thì ngôi THIÊN-LÝ BỬU-TÒA nầy sẽ là một ngôi Tòa Công-Lý Trung-Ương của mối đại-đồng. Tuy nay vốn là thời kỳ sơ khởi, xem thôi bé nhỏ, nhưng phần Chánh-Ðạo thì tương lai mới rõ biết.

Còn về phần Thiên-Phong Chưởng Quản thì Bạch-Diệu-Hoa vốn là một vị Chưởng Quản của thời kỳ đệ nhị. Trên phần Cửu-Trùng-Ðài, Ðức CHÍ-TÔN vốn là Chủ-Tể. THÁI-BẠCH KIM-TINH vốn là Giáo-Tông. Còn phần TAM GIÁO TÒA cũng sẽ nằm trong Cửu-Trùng-Ðài. Các chư PHẬT, THÁNH, TIÊN đều có nhiệm vụ đặc trách rất chu đáo..."

Tóm lại, bốn chữ THIÊN-LÝ BỬU-TÒA có nghĩa là:

THIÊN: Ðức Ngọc-Hoàng Thượng-Ðế.

LÝ: Ðức Lý Ðại-Tiên-Trưởng kiêm Giáo-Tông Ðại-Ðạo Tam-Kỳ Phổ-Ðộ.

BỬU:      Ðức Quan-Thế-Âm Bồ-Tát.

TÒA:      Ðức Hiệp-Thiên Ðại-Ðế Quan-Thánh Ðế-Quân.

Ý nghĩa của bảo danh Thiên-Lý Bửu-Tòa như vậy đã chỉ rõ là THẦY cùng với Tam-Trấn Oai-Nghiêm điều hành về phần Cửu-Trùng-Ðài Vô-Vi nơi Tòa-Thánh Trung-Ương.

Trong Ðàn Dậu-thời tại Thiên-Lý Bửu-Tòa ngày 16 tháng 3 năm Tân-Dậu (20-4-1981), Ðức LINH-QUAN THỔ-ÐỊA có dạy rằng:

"... Việc hành Ðạo thì ai ai cũng quí mộ Ðàn-Cơ. Phải nên tỏ xét: nếu tâm mộ sự giáo huấn của Ơn-Trên thì những lời Thánh-Ngôn phải đồng xem báu-quí, phải đọc xem để hiểu rõ tận tường và phải vâng theo những điều chỉ giáo ấy thì mới nên cầu mộ Ðàn-Cơ. Nếu như xem thấy Thánh-Ngôn có vẻ quá tầm thường thì tốt hơn là không dự thính, bởi vì Thiên-Ðiển giáng trần một phút cũng là biết bao nhiêu ân huệ, cả sự khó khăn, mà Ơn-Trên cũng vì thương xót nên mới hạ điển xuống cõi trược trần, Ơn-Trên đã chịu biết bao là điều khó nhọc! Các chư đạo-tâm chớ nên nghĩ rằng ân điển giáng thường chắc là những điều quá dễ. Nếu như giáo huấn bất tùng, hiệp hòa chẳng thấy, mọi tư tưởng cá nhân ngày càng vọng động, tổ chức Ðạo bị nhiều trở ngại gay go. Ðạo không thành lập đặng, điển ân đã rút thì thời cơ tận diệt sẽ kề cận nhân sinh. Chư đạo-tâm chớ nên xem thường các Ðấng Thiêng-Liêng mà đắc tội. Hãy nên ôn lại đoạn bài của Ðấng Chí-Tôn dạy dịch ngoại ngữ, xem lại tỏ tường sẽ thấy mấy câu:

Hãy ngừa tai mắt Thần-linh,

Kề bên ghi chép tội tình của ta.

Sau đó cũng có mấy câu:

Xin đừng nghĩ ngợi thấp cao,

Chờ cho đến lúc lao-nhao muộn rồi!

Thì chư đạo-tâm cứ hiểu rõ rằng là hành Ðạo để lo cứu thế, chớ việc hành Ðạo không phải là làm sáng sủa cho danh phận của riêng mình. Nếu từ nay mà chư đạo-tâm hãy còn nhiều thắc mắc với Ơn-Trên, vô tình buông lời bất cẩn thì hình luật cũng khó nổi vị tha. Những sự đã qua thì chư đạo-tâm hãy cần nên kiểm điểm tự mình, nếu như cảm thấy chính mình đã hẳn vô tình mà gây tạo những tư tưởng sai thì Tòa-án lương tâm của tự mình phải nên cư xử lấy mình thì mới thiệt quả là tự giác. Chư hiền chớ nên nghĩ rằng phải đi đến tận nơi Thiên-Lý Bửu-Tòa thì mới thấy được cái Ðạo, và mới thấy rõ ràng cái ngôi nhà lụp-xụp mà có mang một cái danh xưng là Thiên-Lý Bửu-Tòa, mà khi bước ra khỏi mái nhà thì Thiên-Lý Bửu-Tòa không có đi theo.

Cái THIÊN-LÝ BỬU-TÒA vốn là nó ở trong cái thân thể của mỗi cá nhân đều có. Chư đạo-tâm cứ đứng thẳng lên, giăng thẳng hai tay ra thì sẽ thấy toàn thân của mình vốn là cái THIÊN-LÝ BỬU-TÒA. Phía trên đầu tức là Huyền-Quang khiếu, cửa Thiên-Môn tức là THIÊN. Tại Nhâm thuộc vị-tỳ tức là LÝ. Cánh tay bên phải là nguồn sáng tạo, mọi vật chi cũng nhờ do tay phải tạo ra, ngọc ngà, châu báu, mễ-diêm để nuôi cho thân sống tức gọi là BỬU. Tay trái thuộc Tâm, Tâm là cái TÒA để dành xử lý cho mọi sự của đời sống cá nhân của mình.

Nếu đôi khi vì dục vọng trong mọi cơ cấu xúi biểu, làm ác, làm tội, mà đã lỡ gây tội ác xong rồi thì Tòa-án lương tâm cũng sẽ hành phạt chớ nào không, đâu có thiếu sót chỗ nào. Thế nên đi chùa hầu Ðàn cũng vậy, mà ở nhà biết ăn-năn tội thì cũng vậy, có chỗ nào mà không có Ơn-Trên? Tất cả đạo-tâm nếu đã thông cảm lời Ðịa thì hãy cần nên đọc lại bài thi của Ðức Lý ngâm thơ xuất điển. Nếu như cảm thấy mình có lỗi lầm thì tự mình hãy nên ăn-năn xét xử, không nên nhắm mắt buông tay để chờ đợi cho Tòa Hình-Luật vô-vi xét xử, thì các đạo-tâm sẽ không có đặng hữu ích chi đâu!..."