Hòa thượng THÍCH ĐỨC NHUẬN - Một nhà văn hóa uyên bác trong lòng một chính trị gia lỗi lạc

Hoa Thịnh Đốn.- VB, 30/1/02

Hòa Thượng Tích Đức Nhuận, viên tịch hôm 21-01 vừa qua tại Sài Gòn, không chỉ là một tu sỹ uyên bác, một nhà văn hóa lớn của Việt Nam mà còn là một chiến sỹ cách mạng dân tộc kiên cường và hiên ngang đối diện thẳng mặt với đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt 26 năm. Vị Hòa thượng 79 tuổi ra đi đã để lại bốn văn kiện chính trị mà nội dung và tư tương chỉ có thể viết ra từ một người yêu nước chân thành, không sợ phải đổi mạng sống cho sự tồn tại bất diệt của Phật giáo và hạnh phúc của dân tộc.

ĐỐI DIỆN VỚI HÀ NỘI

Tài liệu thứ nhất:

Hành động dấn thân cứu nước khỏi họa Cộng sản của Hòa Thượng bắt đầu bằng Tuyên Ngôn của Lực lượng Dân tộc Kháng chiến Giải cứu Việt Nam. Văn kiện này, do Chủ tịch Lý Vạn Thắng (Thích Đức Nhuận) ký tên công bố ngày 20-7-1977, dài trên bốn ngàn chữ, có nội dung chống Cộng không nhân nhượng và đã quyết liệt buộc tội đảng Cộng sản Việt Nam phản dân hại nước trước đồng bào và thế giới.

Theo một số thành viên chủ lực của tổ chức đang sống tại Mỹ thì lễ ban hành Tuyên Ngôn đã diễn ra bí mật tại Sài Gòn còn có sự tham dự của đông đủ các đại diện đảng phái, tổ chức và các tôn giáo lớn của Việt Nam. Có lẽ trong lịch sử đấu tranh chống bạo quyền của các tôn giáo từ trước đến nay, đây là lần đầu tiên một Tuyên Ngôn chính trị chống Cộng có lời lẽ đanh thép và thuyết phục như thế đã do một nhà sư soạn thảo. Sự ra đời của bản cáo trạng, hai năm sau ngày Cộng sản chiếm miền Nam, còn được coi là hành động can đảm phi thường của những nhà lãnh đạo tôn giáo, trí thức và những chính trị gia vào lúc đảng CSVN, do Lê Duẩn cầm đầu, đang thi hành ở cao độ kế hoạch đàn áp nhân dân miền Nam.

Tuyên Ngôn cũng đã vạch trần vai trò tay sai của Hồ Chí Minh và đảng CSVN cho đế quốc Cộng sản cùng đưa ra ánh sáng mọi âm mưu thâm độc của của những kẻ lãnh đạo đảng này trong quá trình phản bội công lao dựng nước và giữ nước của tiền nhân. Vì vậy mà Hà Nội đã dốc toàn lực lượng công an và tình báo đi điều tra và lùng bắt tác giả của bản Tuyên Ngôn và những thành viên của tổ chức. Nhưng nhờ vào tinh thần cảnh giác cao độ và sự che chở của đồng bào mà đa số đã thoát hiểm và Hà Nội không biết ai là tác giả của bản Tuyên Ngôn. Mãi đến khi Cộng sản mở chiến dịch đàn áp toàn diện các cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong hai năm 1984-1985, (nhân vụ Cộng sản giết HT Trí Thủ ngày 1-2-1984) Hòa thượng Đức Nhuận mới bị bắt cùng với các Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát), Thích Nguyên Giác, Thích Chơn Nguyên, Sư bà Thích Nữ Trí Hải v.v... Nhưng Công an vẫn không có bằng chứng để buộc tội thầy là lãnh tụ của tổ chức và là tác giả của bản Tuyên Ngôn hùng hồn này. Ngài bị Hà Nội cáo tội "chống phá cách mạng" với bản án 10 năm tù rồi rút xuống còn chín.

NỘI DUNG

Tuyên Ngôn mở đầu ghi nhớ công ơn bảo vệ bờ cõi chống ngoại xâm của các bậc anh hùng, liệt sỹ tiền nhân trong lịch sử "giành độc lập tự chủ cho quốc gia". Nhưng sự nghiệp vĩ đại của Tổ tiên, theo lời bản Tuyên Ngôn, đã bị những người Cộng sản Việt Nam phản bội. Bản văn viết: "Cho đến năm 1945, sau trận [thế] chiến thứ hai chấm dứt, mọi biến chuyển quốc tế cũng dồn dập diễn ra làm thay đổi hẳn cuộc sống toàn diện. Cả nhân loại xôn xao với cuộc đời mới tự do. Các nước nhược tiểu, chậm tiến ở Á Phi bừng tỉnh và đứng dậy đòi chủ quyền độc lập. Nước Việt Nam tưởng [sẽ] có hoàn cảnh và điều kiện thoát khỏi ách ngoạI thuộc, cởi bỏ được kiếp sống ngựa trâu tôi tớ. Nhưng vận nước vừa mới mở ra đầy hy vọng, cũng là lúc nước ta lại sa vào màng lưới thống trị của đế quốc mới đẫm màu máu của chủ nghĩa Marx - Lénine"

"Nạn nước không từ ngoài tới, mà bi thảm thay, lại do chính con người Việt Nam, mất linh hồn, chối bỏ dân tộc, từ chối giá trị làm người, cam tâm làm tôi tớ cho ngoại bang. Con người ngu tồi, nhiều tham vọng, và tội lỗi, tên giặc nước kinh tởm nhất lịch sử Việt Nam là Hồ Chí Minh và bè lũ. Bọn chúng đã xô đẩy đồng bào đất nước ta vào cuộc chiến tranh lửa đạn, một cuộc chiến tranh tàn bạo, nhơ bẩn, phi lý, chỉ nhằm phục vụ ý [thức] hệ và quyền lợi của khối Quốc tế Vô Sản do "mẫu quốc" Nga Sô lãnh đạo, chỉ huy." Tuyên ngôn sau đó thẳng thắn lên án Hồ Chí Minh và đảng CSVN đã lợi dụng chiêu bài kháng chiến giành độc lập để đàn áp, tiêu diệt những nhà ái quốc không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản. Hòa Thượng Đức Nhuận viết: "Chúng còn quỉ quái đề ra chính sách "tiêu thổ kháng chiến" để có cớ đốt phá, hoặc mượn tay địch đốt phá, hủy diệt nhà cửa, ruộng vườn, làng mạc của đồng bào. Và đình chùa, tháp miếu, những thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa từ lâu đời của đất nước ta cũng bị chúng coi đấy là tàn dư của thời đế chế, phong kiến, giai cấp tư sản thoái hóa cần phải phá đổ." "Hầu hết di sản tinh thần, về cách sống, lối sống, nếp sống đạo nghĩa thanh cao từ nhiều đời thể hiện trong truyền thống sinh hoạt quốc gia, trong tư tưởng giới, trong văn hóa, nỗi thăng trầm vinh nhục buồn vui trong sáng của dân tộc mà [xưa nay] người Việt vốn lấy đó làm tự hào là một nước "Văn Hiến Chi Bang" cũng bị chúng bôi bỏ đi hết."

HIỆN TẠI

Vì là một tu sỹ di cư từ Bắc vào Nam lánh nạn Cộng sản, hơn ai hết thầy Đức Nhuận biết rõ hết chân rết của những con người lột xác từ Việt Minh sang Cộng sản nên những lời lẽ trong Tuyên Ngôn là một bằng chứng lịch sử hùng hồn khiến họ không chối được trách nhiệm về những thảm họa do Hồ Chí Minh và đảng CSVN gây ra cho dân tộc. Ngài viết: "Đã hơn ba mươi năm, toàn thể dân ta từ Bắc chí Nam phải triền miên sống trong cảnh loạn lạc, mất an ninh, sống trong khổ cực, đói rét, lầm than, cơm không có đủ ăn, áo quần không đủ mặc, và nén lòng nhận chịu hết mọi sự rủi ro bất trắc xẩy đến bất cứ lúc nào, khiến cho cha con, chồng vợ, anh em, thân thuộc ly tán mỗi người mỗi ngả." "Nỗi chết chóc thường xuyên ám ảnh tâm thức con người. Tất cả thảm trạng hãi hùng ấy đều do bọn quỉ đỏ gây ra cả. Chúng cuồng tín, gian ác và lừa bịp một cách trắng trợn, lừa bịp không chỉ đối với toàn dân Việt Nam, mà lừa bịp cả nhân dân thế giới nữa. Chúng che dấu sự thực và rất sợ sự thực. Chúng núp dưới danh nghĩa dân tộc kháng chiến làm cách mạng và đưa ra chiêu bài "độc lập, tự do, hạnh phúc" để lừa dối, mê hoặc dân ta. Như đồng bào đã thấy, và đã thể nghiệm trong cuộc sống đau thương chất ngất hàng ngày." So sánh giữa những khổ lụy của đồng bào, từ sau ngày đảng Cộng sản chiếm miền Nam, với khẩu hiệu tuyên truyền mỹ miều giả tạo "độc lập, tự do, hạnh phúc" của Hồ Chí Minh, Hòa thượng Đức Nhuận nói thẳng vào mặt lãnh đạo: "Nói rằng độc lập? Thì sự thực hiển nhiên [ngày nay] đất nước dân tộc Việt Nam, về tổ chức bị chúng áp đặt đứng trong khối quốc tế vô sản xã hội chủ nghĩa, và về tư tương hoàn toàn lệ thuộc bởi chủ nghĩa Marx - Lénine. Thử hỏi còn đâu nữa danh nghĩa quốc gia, tinh thần tự chủ dân tộc.... Một quốc gia thực sự độc lập điều kiện tiên quyết và trước nhất là độc lập về tư tưởng, ý hệ, nhưng ngay ở điểm căn bản này đã không có làm sao có thể tự hào xưng là độc lập." Tự do thì sao, bản Tuyên Ngôn vạch ra: "Hiện đồng bào mọi giới đang phải nép mình sống cuộc đời tù ngục, mất hết tự do kể cả thứ tự do tối thiểu cần có dành cho con người là quyền cư trú, đi lại, làm ăn sinh sống cũng đã bị nhà nước ngụy quyền cộng sản hạn chế, ngăn cấm”. Và hạnh phúc đã có chưa? Hòa Thượng đáp: "Đó chỉ là mỹ từ trừu tượng, trên thực chất con người chỉ còn biết lầm lũi sống trong tủi hổ nhọc nhằn, nghèo đói, lo âu, sợ sệt, buồn nản, lừa đảo, dối trá, triền phược và bất an. Chúng cai trị dân ta với cả kế sách sâu độc là "bần ngu hóa" và "nô lệ hóa" con người, biến con người thành thứ công cụ của lao động sản xuất. Chúng giẫm đạp lên thân phận con người, bóc lột đến tận xương tủy đồng bào và coi dân như cỏ rác. Nhưng chúng lại khéo giả vờ đề cao lòng yêu nước, thương dân, kỳ thực, chúng đã bán nước và làm khổ nhân dân. Toàn thể dân Việt giờ đây đang gục lịm trong thân phận tù đày, nô lệ dưới gông cùm của chế độ cộng sản tàn bạo phi nhân." Phản ứng về hành động tịch thu, đốt sách nhằm tiêu diệt văn hóa và văn nghệ sỹ miền Nam trong đó có ngài và nhiều người trong tổ chức, bản Tuyên Ngôn lên án: "Chúng toan tính làm lại lịch sử nước ta, chúng đốt sách, xuyên tạc sự thực lịch sử, bôi nhọ tiền nhân qua lối nhìn duy vật sử quan cận thị của học thuyết Marx – Lénine. Chúng mù quáng tôn vinh đảng, bác Hồ của chúng là trên hết. Chúng có chủ mưu đồng hóa nguồn văn hóa Việt với chủ nghĩa cộng sản, cốt làm đổi thay cõi sống tâm hồn, ý thức, tình cảm của mỗi người dân mà sự thực phũ phàng này, biểu hiện rõ rệt nhất: bằng nếp suy tư một chiều, bằng cách thức sinh hoạt phản nhân tính, bằng lối xây dựng con người kiểu thời tiền sử, thậm chí cho đến bản nhạc, lời ca, giọng hát, điệu múa cũng lại bắt chước rập khuôn theo lề lối, hệ thống tổ chức của khối quốc tế vô sản xã hội chủ nghĩa một cách ngờ nghệch, ngu xuẩn. Chúng đang đào xới và nhổ tận gốc rễ nền văn hóa Việt tộc, một cách tận tình, không chút sót thương. Thế mà chúng thường vênh váo, tự đắc khoe khoang coi đấy là sự nghiệp vĩ đại trong cái gọi là "lịch sử giải phóng dân tộc" đầy vinh quang của chúng."

QUYẾT TÂM

Đối với những ai đã trải qua những tháng năm có chiến dịch cưỡng bách đi vùng kinh tế mới; đi nghĩa vụ quân sự chuẩn bị cho cuộc xâm lăng Cao Miên tháng 12-1978; bị bắt đi tù mục xương được mệnh danh cải tạo; bị đánh lừa trong chiến dịch đổi tiền hay bị lừa bịp trong chiến dịch đánh tư sản mại bản đến nỗi phải tìm đường bỏ nước trốn đi hẳn phải biết rõ tại sao thầy Đức Nhuận đã viết ra những dòng chữ đanh thép này: "Đã từ hơn ba mươi năm nay, bọn quỉ đỏ hoành hành làm mưa làm gió trên khắp đất nước Việt Nam, với những hành động tội ác tầy trời: nào cướp của, giết người và bắt giam hết những ai chống đối chúng; nào đầy ải mọi tầng lớp dân chúng bằng cách lần lượt tống đi lao động khổ sai tại công trường, nông trường, khai khẩn hầm mỏ, phá rừng núi, đắp đập, xẻ sông; nào thanh niên nam nữ tuổi từ 17 đến 35 bị lùa vào quân ngũ, làm lính đánh thuê, phục vụ cho ý đồ bành trướng thế lực của khối quốc tế vô sản trên đại lục Á châu nói riêng, thế giới nói chung. Và bây giờ thì cả nước ta thực sự đã là địa ngục mà không có chữ nghĩa nào mô tả hết nỗi kinh hoàng được."

Rồi ngài thống thiết nói lớn lên cho cả thế giới nghe: "Cả dân tộc ta biến thành bầy nô lệ bi thương, không một lời lẽ nào than khóc cho đủ được. Thật chưa bao giờ dân tộc Việt Nam lại chịu sự khổ lụy, đắng cay, điêu linh, tủi nhục như bây giờ! Nếu có đem những thế kỷ Bắc thuộc kinh hoàng, Tây thuộc bi thương xâu kết lại cũng không thể so sánh bằng cuộc nô lệ của dân tộc Việt Nam ngày nay dưới xích xiềng cộng sản."

Quay lại với đồng bào cả nước, Tuyên Ngôn kêu gọi: "Hỡi đồng bào toàn quốc, hẳn đồng bào còn nhớ cuộc kháng chiến chống Pháp dài gần thế kỷ, và trong 9 năm gian khổ, cho tới sau ngày trận chiến Điện Biên Phủ kết thúc thì bọn Việt gian cộng sản cũng công khai phản bội: chúng phản bội quê hương, phản bội tổ quốc, phản bội đồng bào. Chúng âm mưu cấu kết với các thế lực quốc tế thù nghịch với dân tộc Việt Nam, ngầm chia chác quyền lợi với nhau, đồng tình ký kết Hiệp Định Genève ngày 20/7/1954: chia cắt thân thể nước Việt Nam ra làm hai mảnh. Một nửa phần đất phía Bắc nước ta lọt vào gông cùm cộng sản. Một nửa phần đất miền Nam còn lại, sau nhiều trận giằng co vật lộn, bi thảm kéo dài hơn 20 năm, chung cuộc bị bọn quỉ đỏ đồng đảng với ngoại bang biến toàn thể dân ta thành chư hầu kiểu mới của chủ nghĩa cộng sản. Vì đâu nên nông nỗi ấy? Vì Việt cộng. Làm thế nào để dân tộc ta thoát khỏi kiếp ngựa, trâu tôi tớ hiện giờ? Phải trừ họa cộng sản." Sau khi lên án Cộng sản là thủ phạm của 30 năm chiến tranh nồi da xáo thịt, Tuyên Ngôn cáo buộc CSVN đã "xô hàng triệu đồng bào đủ mọi tầng lớp, thành phần tuổi tác phải chết một cách oan uổng, hàng vạn gia đình bị hủy diệt, quê hương bị lưu đầy đổ vỡ tang thương, để rồi cùng đưa đến cảnh huống là xã hội Việt Nam tan nát, bị đẩy lùi hàng thế kỷ lạc hậu, chậm tiến, kiệt quệ về khắp [mọi] mặt."

Với bằng ấy tội ác, Hòa thượng Đức Nhuận kết luận: "Đây quả là một biến cố đau thương, đen tối nhất lịch sử dân tộc thời đại" Bản Tuyên Ngôn ra đời vào lúc những vết nứt trong nội bộ Cộng sản quốc tế do Nga sô cầm đầu đang loãng ra, bắt đầu từ các nước Đông Âu với cuộc nổi dậy của công nhân thợ thuyền Ba Lan thuộc Công đoàn Đoàn kết. Nhưng mãi đến năm 1989 thì đảng Cộng sản Ba Lan mới sụp đổ để kéo theo hàng loạt những đổ vỡ khác trong khối Liên bang Sô viết. Cho đến năm 1991, đảng Cộng sản Nga cũng vỡ ra từng mảnh và năm sau (1992) thì nhân dân Nga nổi lên đạp đổ 70 năm thống trị đẫm máu của nhà nước Cộng sản.

Nhưng Hòa Thượng Đức Nhuận đã nhìn thấy ngày tàn của chủ nghĩa Cộng sản từ khi đặt bút ký vào bản Tuyên Ngôn ngày 20-7-1977. Ngài viết: "Thực sự giờ đây cả dân tộc ta đang phải đối diện với một thế lực vô cùng tàn bạo, khối quốc tế vô sản, bọn đế quốc kiểu mới chuyên thống trị nước ngoài, chúng không trực tiếp chiếm đất đai, mà thi hành sách lược hiểm độc là dùng người Việt trị người Việt. Chúng đào tạo và dậy dỗ cho một thiểu số người Việt mất gốc, ngu muội, ham danh lợi, giả đạo đức, giả yêu nước, chỉ biết cúi mặt tuân hành mệnh lệnh đảng và tuyệt đối tôn thờ chủ nghĩa Marx - Lénine, thứ chủ nghĩa không tưởng, quyết không bao giờ có thể đạt tới đích điểm cả. Huống nữa thuyết ấy đã bị vượt dưới sự nhận thức toàn diện của nhân loại giác ngộ. Quả thật, chủ nghĩa cộng sản hiện nay đang trên đà đổ vỡ. Nó không chỉ đổ vỡ về mặt lý thuyết không thôi, mà đổ vỡ cả về mặt thực tiễn lẫn tổ chức nữa. Phải chăng đây là lẽ tất yếu của chu kỳ lịch sử loài người phải đi tới và đang xẩy ra."

Lời tiên tri của vị chân tu, đạo hạnh, biết nhìn xa trông rộng đã được lịch sử chứng minh trong thế giới ngày nay.

CHÂN - GIẢ TRƯỚC CỔNG CHÙA

Tài liệu thứ nhì, viết sau khi ra tù 9 năm (ngày 14-1-1993), là bức tâm thư nhân Mùa Phật Đản gửi cho ba Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Thích Thiện Siêu và Thích Minh Châu, cựu Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh. Họ là những tu sỹ từng sát cánh với Hòa thượng trong hàng ngũ lãnh đạo của Giáo hội PGVNTN trước năm 1975, nhưng nay phục vụ cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Cộng sản thành lập.

Hòa thượng Đức Nhuận viết: "... Trong thời nước ta bị đô hộ, kẻ đô hộ đã tìm mọi cách để tách rời Phật giáo ra khỏi đại khối dân chúng. Họ (kẻ đô hộ) hiểu rõ rằng : vào các mùa Tự chủ của dân tộc, những tín hiệu tập họp dân chúng thường đã được phát ra từ dưới mái chùa cổ đơn sơ, nơi những người tăng sĩ áo vải hiền lành."

Ngài vạch ra cho ba vị này biết rằng họ không thể, vì danh lợi mà quay lưng trước những thảm họa Giáo hội đang phải gánh chịu. Tâm thư viết: "Miền nam sụp đổ, nhiều nhà lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị tù đày, bị cô lập, nhiều tự viện và các cơ sở văn hóa, xã hội bị tịch thu. Ngôi Việt Nam Quốc tự tại Sài Gòn bị san bằng và được thay thế vào đó là một tụ điểm ăn chơi giải trí khổng lồ, còn lại chăng chỉ là một ngôi tháp chưa xây xong đứng cô đơn lạc lõng ! Đây là một niềm đau nhức đối với toàn khối Phật tử Việt Nam."

"Nhưng một niềm đau lớn nhất", Hòa thượng Đức Nhuận nói, "phải kể đến việc quý Hòa thượng đứng ra lập lên một giáo hội mới. Thực tế giáo hội đó chẳng những không có tính cách pháp nhân của một tôn giáo lớn như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, lại cũng chẳng được hưởng quy chế Hiệp hội như thời thực dân, mà nó chỉ còn là một tổ chức có tính cách nằm trong hiệp hội, đó là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam."

"Đau xót biết bao", thầy Đức Nhuận viết như đang khóc, "khi Phật giáo Việt Nam từ con lạch nhỏ đã vùng thoát ra được đại dương, thì nay quý Hòa thượng lại tự bước vào một vũng ao tù." (tài liệu của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, Paris)

MỜI NGƯỜI HÃY ĐI LÊN

Văn kiện thứ ba có nội dung hỗn hợp đạo và đời, viết vào mùa Báo hiếu năm 1994, có nhan đề "Bằng đôi chân của mình mời người hãy đi lên" đã thể hiện sự hiểu biết sâu xa của Hòa thượng Đức Nhuận về mặt trái của chủ trương "đổi mới" nửa vời của CSVN. Ngài đã phản ảnh nỗi ưu tư sâu kín của một nhà lãnh đạo tinh thần đối với số phận của quê hương và dân tộc Việt Nam bằng những đoạn đáng chú ý như sau:

- "Phải công bằng mà nói rằng quê hương chúng ta đang nằm trong chiều hướng đổi mới, chiều hướng này chỉ mới được khởI đầu ở mặt kinh tế. Mà kinh tế theo đúng kinh điển của chủ nghĩa Duy vật là "Kinh tế quyết định tất cả". Khi kinh tế đã bắt buộc bị đổi mới thì liệu rồi đây những thượng tầng kiến trúc được xây dựng trên nền tảng kinh tế bao cấp xưa kia còn miễn cưỡng duy trì được bao lâu nữa." Ngài tiên đoán Hoa Kỳ, sau khi đã bỏ cấm vận sẽ đi đến bình thường quan hệ ngoại giao và chấp thuận cho Việt Nam hưởng quy chế tối huệ quốc để Việt Nam có cơ hội đổi mới nhanh hơn vì "các nước phương Tây, nhất là Hoa Kỳ đã dễ dàng nhận thấy rõ sự đổi mới kinh tế của Việt Nam hiện nay đã đi đúng đường hướng kinh tế của họ".

Hiển nhiên là những sự việc này đã tuần tự xẩy ra sau đó. Thầy Đức Nhuận cũng khuyến cáo rằng muốn tránh "những khuyết tật hiểm nguy" của nền kinh tế thị trường, Việt Nam cần phải có một chế độ dân chủ phân quyền rõ rệt giữa Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp. Ngài bảo hàng ngũ lãnh đạo Hà Nội: "Để theo sát những hành vi của các cơ quan quyền lực của quốc gia, và phản ánh được ý nguyện của toàn dân, một nền truyền thông báo chí phải hoàn toàn tự do."

Nhưng Cộng sản Việt Nam đã mỗi ngày một xiết chặt hơn các quyền tự do căn bản của người dân, dù họ đã viết như thế trong Hiến pháp. Vì vậy, Ngài mới cảnh cáo: "Còn các nước có nạn độc tài mà cũng theo đuổi áp dụng kiểu kinh tế thị trường thì nhất định không tránh khỏi cảnh lạm quyền tham nhũng.... Kẻ trên quyết tâm bảo vệ quyền lực thì phải làm ngơ bao che cho kẻ dưới thò tay ra vơ vét tài sản của quốc gia và quốc dân... Thế rồi vì mục đích kiếm tiền làm giàu, theo kiểu kinh tế thị trường, người ta đã không ngần ngại gì mà không dùng mọi thủ đoạn dù tàn nhẫn thâm độc tới mấy để kiếm ra thật nhiều tiền. Tệ nạn tham nhũng là những ung nhọt làm rữa nát chế độ và làm nghèo đất nước. Đất nước ta hiện nằm trong thảm cảnh đó...."

Trong tình cảnh như thế, Hòa thượng Đức Nhuận đã cảnh giác về sự dè dặt đầu tư của ngoại quốc và lo sợ mất vốn của người dân trong nước, trong khi tiền viện trợ của thế giới sẽ bị những kẻ có quyền, có chức rút tỉa. Thầy viết: "Đây là hậu quả tất nhiên và đương nhiên của sự bước đi trên đường đổi mới mà chỉ bằng một chân. Một người bình thường và tự nhiên muốn đi trên con đường dài thì chẳng thể mãi mãi nhảy cò cò một chân được. Ở Việt Nam hiện nay, điều cấm kỵ là nói tới một chân kia của bước phát triển đất nước. Khó cho mọi người có lòng đóng góp phần mình vào việc xây dựng và phát triển quê hương là ở chỗ đó."

Đối với người Việt có may mắn sống và hạnh phúc ở nước ngoài, thầy Đức Nhuận không khỏi băn khoăn lo lắng. Ông viết ra từ đáy lòng: "Nhưng sống trong hoàn cảnh tự do nơi xứ người, đồng bào chắc cũng không ít gặp phải khó khăn, nhất là lúc nào cũng thấy mình cô độc giữa một biển người mênh mông. May mắn là những nơi có đồng bào quần tụ, thì ở nơi đó chẳng sao tránh khỏi tình trạng phân hóa khốc liệt, vốn là sản phẩm phân hóa của không khí chính trị tại miền Nam trước kia. Để làm cho mình nổi bật, hoặc thấy người may mắn nổi bật hơn mình, thì người ta kiếm ngay những chiếc mũ khác chụp lên đầu nhau, thậm chí còn giết hại lẫn nhau nữa."

Ngài buồn rầu nói với những người lưu vong: "Trên bảy mươi triệu người sống âm thầm tại quê hương một khi được biết về điều này đều cúi đầu rơi lệ.."

LÊN ÁN CHÍNH SÁCH TÔN GIÁO

Sau cùng là bức thư gửi lãnh đạo CSVN ngày 4-9-2001, hai ngày sau khi Phật tử Hồ Tấn Anh, 61 tuổi, tự thiêu phản đối chính sách đàn áp tôn giáo của nhà nước. Thầy Đức Nhuận khuyến cáo những người cầm quyền về hậu quả hành động của họ: "....Trong cương vị lãnh đạo tinh thần đối với Phật tử Việt Nam, tôi tự thấy có bổn phận nhắc nhở Đảng Cộng sản Việt Nam hãy có đủ can đảm thừa nhận trách nhiệm của mình trước sự tự thiêu vì lý tưởng của Phật tử Hồ Tấn Anh. Quí vị không nên lẩn tránh trách nhiệm này bằng cách quy chiếu cho những nguyên nhân mà tôi biết chắc tự bản thân quí vị thấy rõ là dối trá."

Bức thư chót trong đời của Hòa Thượng còn giải thích tại sao mà tín đồ đạo Phật phải nổi lên chống nhà nước. Ngài viết: "Nguyên nhân sâu xa nhất đó là chính sách tiêu diệt Phật giáo Việt Nam, hòn đá tảng cho các giá trị truyền thống dân tộc, bằng cách khống chế mọi sinh hoạt của Phật giáo Việt Nam, ngụy tạo và tự ý biến cải giáo pháp trong sáng của Phật Tổ rập khuôn theo cái gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa, biến Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành một tổ chức chính trị dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Tổ quốc với chính sách thâm hiểm là thông qua tôn giáo để tập hợp và khống chế quần chúng, hầu phục vụ tham vọng quyền lực chính trị của một thiểu số thiển cận trên tuyệt đại đa số quần chúng nhân dân."

Cuối cùng Hòa thượng Đức Nhuận nói thẳng với hàng ngũ lãnh đạo CSVN rằng: "...Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất sẽ làm hết sức mình để tăng, ni và Phật tử Việt Nam không vì chính sách thiển cận của đảng cộng sản Việt Nam mà phải hy sinh thân mạng. Nhưng nếu đảng Cộng sản Việt Nam không tự hối cải, thay đổi chính sách không phải chỉ riêng với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, mà thay đổi toàn diện chính sách cai trị đất nước, thì tình hình sẽ rất tệ hại. Bạo lực chỉ có thể khuất phục những người khiếp nhược, nhưng không có ý nghĩa gì đối với những con người biết sống và chết cho xứng đáng với phẩm giá con người."

Với bốn tài liệu chứa đựng những tinh anh và hào khí bất khuất trước gông cùm và bạo lực của một nhà lãnh đạo Phật giáo, thầy Đức Nhuận không những đã để lại cho hậu thế tấm gương sáng yêu nước, mến đạo mà còn cho đảng CSVN những bài học làm người, nhất là làm người của một nước Việt Nam và một dân tộc không bao giờ biết khuất phục trước bạo lực, dù bất cứ bởi ai và từ đâu đến.

* * * * *

Tài liệu phụ đính 1 Bức thư HT Đức Nhuận gửi Cụ Trịnh Sâm.

Sau vụ HT Trí Thủ bị giết (1-4-1984) và, qua đợt đàn áp tăng ni và Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Hòa thượng Thích bị bắt chung với các Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát), Thích Nguyên Giác, Thích Chơn Nguyên, Sư bà Thích Nữ Trí Hải, Sư cô Thích Như Minh, các cư sĩ Phan Văn Ty, Tôn Thất Kỳ, Lê Đăng Pha, Hoàng Văn Cường, Ngô Văn Bạch, v.v... Bức thư Ngài viết ngay từ SàiGon ngày 20-5-1984 cho Cụ Trịnh Sâm ở Los Angeles (nguyên Giám Đốc Nhà In Đại học Vạn Hạnh) qua Giáo Sư Cao Hữu Đính, bạn cố tri của 2 vị chúng minh rằng HT Đức Nhuận không nghĩ đến an nguy bản thân mà chỉ lo tự giữ lời hứa dù sớm dù muộn, thế nào cũng phải hoàn thành tác phẩm hầu mong trả nợ cơm áo đối với chúng sinh, và hy vọng góp một chút chất liệu tim óc của chính mình vào công cuộc xây dựng tòa nhà Phật Giáo Việt Nam trong tương lai

Thư HT Đức Nhuận gửi Trịnh Sâm ngày 20-5-1984

Thưa Cụ,

Đã lâu quá không có thư gửi sang “vấn an” Cụ, lòng tôi vẫn mãi băn khoăn! Hôm nay, tôi x in có ít hàng chữ chân thành cầu chúc Cụ, nhờ ơn Đức Phật gia hộ, thân tâm được tự tại và toàn gia quí quyến hưởng mọi phước lành.

Cách đây khoảng hai năm, khi nhận được thư Cụ gửi cho, tôi đã viết thư “phúc đáp” nhưng bị trả lại!. Và mới đây độ một tháng, ông Đính mang lại lọ dầu Bạch Hoa và nói là của Cụ gửi tặng. Tôi xin chân thành cảm ơn Cụ nhiều lắm!!.

Có lần ông Đ nói cho tôi hay là Cụ có nhờ ông nói lại với tôi “Nếu tôi có viết được tác phẩm Đạo Phật mới nào thì gửi sang để Cụ lo việc xuất bản hầu truyền bá Chính Pháp bên phía trời Tây”

Dù ông Đính chỉ nhắc miệng thế thôi, nhưng qua câu nói trên đã tạo nơi tâm tư tôi một xúc động tình cảm sâu xa, vì nghĩ rằng, ở nơi xa xôi kia vẫn có những “người” nhớ tới mình! Đây quả là một lời nhắn nhủ cần thiết đối với kẻ lạc lõng như tôi, một kẻ cô đơn tuyệt đỉnh!

Thật vậy, qua lời nhắn nhủ của Cụ, tôi cảm thấy mình như mang một món nợ tinh thần cần phải trang trải cho xong. Thì bây giờ đây, tôi xin báo tin Cụ rõ: Tôi đã hoàn thành gần xong một tác phẩm ĐẠO PHẬT VIỆT, dày trên 500 trang khổ 20-12, theo bản đánh máy.

Thế là món nợ tinh thần đối với Cụ tôi đã trả được 8/10, chỉ còn lại 2/10 nữa là xong. Rất tiếc, trong hơn 3 tháng nay, vì bận những chuyện không đâu, ngòi bút như bị khựng lại, tôi chẳng viết thêm được một chữ nào cho tác phẩm nói trên! Nhưng tôi tự hứa dù sớm dù muộn, thế nào cũng phải hoàn thành tác phẩm hầu mong trả nợ cơm áo đối với chúng sinh, và hy vọng góp một chút chất liệu tim óc của chính mình vào công cuộc xây dựng tòa nhà Phật Giáo Việt Nam trong tương lai.

Trong thời gian qua, tôi ít có thư kính thăm Cụ, nhưng lòng lúc nào cũng tưởng nhớ tới Cụ và thầm cầu nguyện [Cụ] luôn được mạnh khỏe, mọi sự đều hanh thông.

Về phần tôi vẫn tạm an ổn, tuy đôi lúc cũng có gặp chướng ngại nhưng đều vượt qua cả.

Xin tạm dừng bút, một lần nữa, tôi thành tâm cầu chúc Cụ và toàn gia quí quyến được “VẠN SỰ CÁT TƯỜNG NHƯ Ý”

Nay kính

Nhuận

* * *

Tài liệu phụ đính 2 Thích Tuệ Sỹ và Trí Siêu Lê Mạnh Thát

http://dansinh.tripod.com/hr/ttsvts.htm

Ngày 1 tháng 04-1984 công an đã bao vây chùa Quảng Hương Già Lam và đã bắt đi Thượng Tọa Trí Thủ cùng các Thượng Tọa Thích Trí Siêu, Thích Tuệ Sỹ và sư bà Thích Trí Hải. Thượng Tọa Thích Trí Thủ đã bị tra tấn đến chết ngay đêm đó vào hồi 21g30.

Sau bốn năm bị giam cầm, trong một phiên tòa những ngày 28, 29 và 30 tháng 10 năm 1988, hai Thượng Tọa Tuệ Sỹ và Trí Siêu bị tuyên án tử hình, các vị khác bị khổ sai chung thân.

Theo bài tường thuật của báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 29/09/88 thì từ giữa năm 1977, Phạm Văn Thương (tức Thượng Tọa Tuệ Sỹ) và Lê Mạnh Thát (tức Thượng Tọa Trí Siêu) là những phần tử phản động trong giới Phật Giáo đã cùng "đồng bọn" tổ chức nhiều hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. "Bọn chúng" thành lập tổ chức "phản cách mạng" với danh xưng Lực Lượng Việt NamTự Do (hợp nhất từ hai nhen nhóm "phản cách mạng" Mặt Trận Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam do Từ Mẫn làm chủ tịch, Phạm Văn Thương làm cố vấn với nhen nhóm "phản cách mạng" do Phan Văn Ty và Trần Thắng Tài cầm đầu hoạt động tại khu vực Bình Tuy. "Bọn chúng" đã lợi dụng nơi tôn nghiêm, thường xuyên tụ họp tại chùa Tập Thành (Bình Thạnh) và thư viện chùa Già Lam để bàn kế hoạch, phân công thực hiện và thông qua tuyên ngôn, cương lĩnh, điều lệ, màu cờ... do Phạm Văn Thương soạn thảo. Phạm Văn Thương còn viết nhiều tài liệu tuyên truyền với nội dung cực kỳ "phản động" như Con Đường Giải Phóng, Những Rặng Trường Sơn và thành lập tờ báo Dân Chủ nhằm tuyên truyền xuyên tạc tình hình trong và ngoài nước, đả kích Đảng và Nhà Nước ta. Theo đường lối hoạt động đề ra từ đầu, "bọn chúng" lần lượt thành lập các mật khu: Núi Bé (Bình Tuy), Sông Lạnh (Đồng Nai), Cây Gạo (Đồng Nai) làm nơi tích trữ lương thực, vũ khí tài liệu và huấn luyện quân sự. "Bọn chúng" còn móc nối với các tổ chức "phản động" ở nước ngoài và nhận hàng chục ngàn đô la do các tổ chức này viện trợ thông qua "các tên" Trần Thắng Trí, Trần Thắng Chiến, Việt kiều tại Pháp và Thụy Sĩ mang về nước để mua vũ khí và lương thực chuẩn bị hoạt động. Theo yêu cầu của "bọn phản động lưu vong", "bọn chúng" đã chuẩn bị đốt rạp Bến Thành để gây tiếng vang, nhưng kế hoạch chưa thực hiện được thì từ năm 1982 đến năm 1984 "bọn chúng" đã lần lượt bị bắt (hết trích báo Sài Gòn Giải Phóng).

Trong phiên tòa, các Thượng Tọa đã dõng dạc tuyên bố: "Chúng tôi tranh đấu cho toàn dân. Trước một chính thể đi ngược lại ý nguyện của quần chúng, đem lại nghèo đói cho dân tộc, chúng tôi không tiếc đem thân mạng hy sinh để tranh đấu... Chúng tôi tranh đấu cho nhân quyền, cho tự do bình đẳng, cho cơm no áo ấm của đồng loại... Chúng tôi không cần xin lượng khoan hồng của ai. Tất cả việc chúng tôi làm để lịch sử phán xét. Không có một chế độ nào có quyền phán xét chúng tôi..."

Sau khi nghị án, Thượng Tọa Trí Siêu, Tuệ Sỹ bị tuyên án tử hình, các bị can khác từ chung thân đến bốn năm rưỡi tù.

Nhưng sau khi bị cộng đồng Việt Nam hải ngoại biểu tình chống đối, sự can thiệp của hội Ân Xá Quốc Tế và áp lực của các chính phủ đã viện trợ rất nhiều cho Việt Nam như Thụy Điển và Úc Đại Lợi dọa cắt giảm viện trợ, bản án tử hình của hai Thượng Tọa đã được biến thành 20 năm tù.

Hiện nay, Thượng Tọa Thích Trí Siêu bị giam tại trại tù K3, Xuân Lộc, Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ bị thuyên chuyển từ trại A20, Phú Yên ra trại Ba Sao, Nam Hà.

* * *

Tài liệu phụ đính 3 Bốn tháng trước khi viên tịch Ngài khóc thương Huynh trưởng GĐPT Huỳnh Tấn Anh và viết Văn Thư cuối cùng trên cỏi Ta Bà cho Nhà cầm quyền Việt Nam

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT CỐ VẤN BAN CHỈ ĐẠO VIỆN HÓA ĐẠO

Kính gửi Các vị Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam

Các vị Lãnh đạo Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội chủ nghĩa Việt Nam

Thưa Quí vị,

Quí vị đã biết rõ sự kiện Phật tử Hồ Tấn Anh, pháp danh Hạnh Minh, 61 tuổi, tự thiêu ngày 02/9/2001 để phản đối chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đối với Phật giáo Việt Nam. Sự kiện ấy đã làm xúc động lương tâm toàn thể nhân loại. Yêu lẽ sống, ghét cái chết, đó là bản tính tự nhiên của mọi chúng sinh. Những cái chết tự nguyện từ trong sâu thẳm, đều hàm chứa ý nghĩa thiết cốt nhất của nhân sinh, phản ánh rõ thực trạng xã hội. Vì vậy, trong cương vị lãnh đạo tinh thần đối với Phật tử Việt Nam, tôi tự thấy có bổn phận nhắc nhở Đảng Cộng sản Việt Nam, và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hãy có đủ can đảm thừa nhận trách nhiệm của mình trước sự tự thiêu vì lý tưởng của Phật tử Hồ Tấn Anh. Quí vị không nên lẩn tránh trách nhiệm này bằng cách quy chiếu cho những nguyên nhân mà tôi biết chắc tự bản thân quí vị thấy rõ là dối trá.

Nguyên nhân sâu xa nhất, đó là chính sách tiêu diệt Phật giáo Việt Nam, hòn đá tảng cho các giá trị truyền thống dân tộc, bằng cách khống chế mọi sinh hoạt của Phật giáo Việt Nam, ngụy tạo và tự ý biến cải Giáo pháp trong sáng của Phật Tổ rập khuôn theo cái gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa, biến Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành một tổ chức chính trị dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Tổ quốc với chính sách thâm hiểm là thông qua tôn giáo để tập hợp và khống chế quần chúng, hầu phục vụ tham vọng quyền lực thống trị của một thiểu số thiển cận trên tuyệt đại đa số quần chúng nhân dân. Chính sự băng hoại của các giá trị truyền thống cùng với chính sách áp bức bằng bạo lực chuyên chính vô sản là nguyên nhân chính cho nhiều vụ tự thiêu của tăng, ni và Phật tử Việt Nam trong quá khứ. Giá trị đạo đức căn bản của Phật giáo là tôn trọng sự sống. Lý tưởng của những người theo đạo Phật là nâng cao phẩm chất sự sống của mình, và của hết thảy chúng sinh.

Vì vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã và sẽ làm hết sức mình để tăng, ni và Phật tử Việt Nam không vì chính sách thiển cận của đảng Cộng sản mà phải hy sinh thân mạng. Nhưng nếu đảng Cộng sản Việt Nam không tự hối cải, thay đổi chính sách không phải chỉ riêng với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, mà là thay đổi toàn diện chính sách cai trị đất nước, thì tình hình sẽ rất tệ hại. Bạo lực chỉ có thể khuất phục những người khiếp nhược, nhưng không có ý nghĩa gì đối với những con người biết sống và chết cho xứng đáng với phẩm giá của con người. Quí vị hiểu rõ điều này. Vì vậy, một cách chân thành, tôi xin nhắc nhở Quí vị đừng vì cuồng vọng quyền lực mà chạy trốn sự thật, lẩn tránh trách nhiệm của mình trước mọi tình cảnh khốn quẫn của bất cứ một công dân nào. Vì hạnh phúc của nhân dân, vì sinh mạng vô giá của con người, tôi cầu mong đảng Cộng sản Việt Nam sớm thức tỉnh, để không một công dân nào vì bảo tồn danh tiết và các giá trị thiêng liêng của con người mà phải chọn con đường tự hủy.

Trân trọng kính chào Quí vị.