GIA TRUYỀN (A FAMILY’S LEGACY)

Dạy trẻ con về lòng nhân ái nên như thế nào? Nhà mô phạm đưa ra một bài giáo khoa về luân lý, đạo đức? Bậc tu hành khuyến thiện bằng cách nói về phần thưởng là quả lành báo ứng mai sau? Ai chuộng người thực việc thực thì tìm gương sáng trong sử sách, trong đời thường và nêu ra làm điển hình kiểu mẫu?

Với Linda Rivers bài học về lòng nhân ái không hề là lý thuyết, giáo điều; cũng không hề là một cái gì xa vời, nằm bên ngoài cuộc sống của chị. Nhân ái chính là một phần thuộc về huyết thống, máu thịt của chị. Từ tấm bé, chị đã lãnh hội được bài học nhân ái từ cha, và sau này (khi con gái chị quyết định theo gương ông ngoại) chị càng ý thức trọn vẹn cái gia sản tinh thần to tát mà cha chị đã để lại cho con cháu.

Tôi sẽ không bao giờ quên được ngày hè năm 1965 khi má đột ngột qua đời ở tuổi 36 vì căn bệnh không rõ. Chiều hôm ấy, một viên cảnh sát ghé nhà xin phép ba cho bệnh viện được dùng van động mạch chủ (aorta valve) và các giác mạc (corneas) ở mắt của má. Tôi hoàn toàn sửng sốt. Các bác sĩ muốn cắt xẻ má ra đem cho người khác! Tôi nghĩ thế khi chạy vô nhà, nước mắt đầm đìa.

Mười bốn tuổi đầu, tôi hoàn toàn không hiểu tại sao ai đó lại cắt xẻ người mà tôi yêu thương. Vậy mà ba đã chấp thuận. Tôi gào lên: “Sao ba lại để họ làm thế với má! Má đến cõi đời này toàn vẹn hình hài và má cũng phải ra đi nguyên vẹn như vậy.”

Ba quàng tay ôm tôi, dịu dàng bảo: “Linda, tặng vật to tát nhất mà con có thể đem cho là một phần của chính con. Cách nay lâu rồi ba má đã quyết định rằng sau khi ba má qua đời nếu ba má còn có thể thay đổi được cuộc sống dù của một người thôi, thì cái chết của ba má cũng sẽ có ý nghĩa.” Ba tiếp tục giải thích là ba má đều đã quyết định làm những người hiến tặng các bộ phận cơ thể.

Bài học ba dạy tôi ngày ấy đã trở thành một trong những điều quan trọng nhất đời tôi.

Năm tháng qua đi, tôi lấy chồng và có một mái gia đình riêng. Năm 1980, ba đau nặng vì bịnh khí phế thũng (emphysema) và dọn về ở với chúng tôi. Trong sáu năm sau đó, cha con tôi có nhiều thời gian chuyện trò về lẽ sống chết.

Ba hân hoan bảo tôi rằng khi ba qua đời, ba muốn hiến tặng bất kỳ bộ phận nào còn tốt của cơ thể, nhất là đôi mắt. “Thị giác là một trong những tặng vật to tát nhất mà một người có thể trao cho.” Ba nói vậy, nhấn mạnh rằng sẽ kỳ diệu biết bao nếu có thể cứu giúp một em bé để em nhìn được và vẽ ra những con ngựa như cháu Wendy con gái tôi đã vẽ.

Cháu lâu nay vẫn vẽ hoài những con ngựa và đã giành được hết giải thưởng này đến giải thưởng khác. Ba nói: “Thử tưởng tượng xem một ông bố hay bà mẹ nào khác sẽ hãnh diện thế nào nếu con gái họ cũng vẽ được như Wendy. Hãy nghĩ xem con sẽ tự hào xiết bao khi biết rằng đôi mắt của ba sẽ làm cho việc ấy có thể thực hiện được.”

Tôi kể cho Wendy nghe những gì ông ngoại bảo và cháu đã ôm chầm lấy ông thật chặt, nước mắt đoanh tròng. Cháu mới mười bốn tuổi - cũng cùng cái tuổi mà khi xưa tôi được biết đến chương trình hiến tặng cơ thể.

Ba mất đi ngày 11 tháng 4 năm 1986, và chúng tôi đã hiến tặng đôi mắt của ba như ý người muốn. Ba hôm sau, Wendy nói: “Má ơi, con rất tự hào về việc má đã làm cho ngoại.”

Tôi hỏi: “Việc đó khiến con tự hào ư?”

“Má có thể tin chắc điều ấy. Má có bao giờ nghĩ rằng không nhìn được thì sẽ như thế nào chăng? Khi con chết, con muốn đôi mắt con được đem hiến giống y như ngoại vậy.”

Giây phút ấy tôi nhận ra ba đã đem tặng hiến nhiều hơn đôi mắt. Cái mà ba lưu truyền lại đã sáng lên trong mắt con gái tôi - là tự hào.

Hôm đó, khi ôm Wendy trong tay, có điều mà tôi không sao biết được là chỉ hai tuần sau tôi sẽ lại thêm một lần ký tên vào hồ sơ dành cho chương trình hiến tặng cơ thể.

Wendy tài hoa, đáng yêu của tôi trong lúc cỡi ngựa dọc theo ven đường đã bị xe tải tông thiệt mạng. Khi tôi ký tên vào các giấy tờ, lời cháu nói vang vang bên tai tôi: Má có bao giờ nghĩ rằng không nhìn được thì sẽ như thế nào chăng?

Ba tuần sau khi cháu mất đi, vợ chồng tôi nhận được thơ của Ngân hàng Mắt Lions bang Oregon:

Thưa Ông Bà Rivers,

Chúng tôi muốn ông bà biết rằng việc ghép giác mạc đã thành công, và giờ đây hai người mù đã tìm lại được ánh sáng. Họ tượng trưng cho một tượng đài sống để kỷ niệm con gái của ông bà; cô là người rất có lòng với đời để sẻ chia san sớt những cái đẹp của đời.

Nếu đâu đó trên quê hương này, có người được tặng mắt khám phá ra một tình yêu mới mẻ dành cho loài ngựa và ngồi xuống vẽ lấy một chú, thì tôi nghĩ tôi biết rõ ai đã tặng mắt cho người ấy. Một bé gái mắt xanh, tóc vàng vẫn đang ngồi vẽ.

01-6-1998

Dũ Lan Lê Anh Dũng dịch