CAO CUNG LÊN …

         "Cao Cung Lên"     Bản nhạc "Cao Cung Lên" (dạng PDF)

(Cảm nghĩ về đêm dâng Thánh Lễ Giáng Sinh ngoài trời do Cộng Đồng Công Giáo NSW (Úc Châu) tổ chức tại công viên Paul Keating, Bankstown, 24.12.2007).

Võ Đại Tôn

Tôi không làm công việc viết phóng sự như một nhà báo chuyên nghiệp ghi lại số người tham dự, tường thuật từng tiết mục chương trình. Tôi cũng không ca tụng “con người” và sử dụng mỹ từ để làm hài lòng từng vị trong Ban Tổ Chức mà quên đi sự đóng góp âm thầm của những tấm lòng dâng hiến, những người lặng lẽ dựng sân khấu, đóng cột cờ, dọn bàn ghế và lượm rác trên sân cỏ công viên sau khi buổi lễ bế mạc, mọi người thanh thản ra về.

Tôi chỉ xin dâng lời Ca Tụng, cùng hát khúc Cao Cung, để cảm nhận lòng mình được chắp cánh bay lên gần Thượng Đế qua niềm tin của tôi, và chỉ xin dâng lên lời Ca Tụng về với cội nguồn Dân Tộc hằng sống trong kiếp lưu vong. Đêm nay, cũng như bao ngàn đêm đã qua trong thao thức trằn trọc, và Hy Vọng.

Tôi đến để cùng dâng Thánh Lễ theo đức tin riêng, chung với đồng hương tín hữu, mở lòng chan hòa vào ánh sáng thiêng liêng mầu nhiệm tỏa ra từ một ngôi sao chiếu rạng hơn 2000 năm về trước tại vùng trời Bê-Lem xa xôi nào đó. Tôi chỉ thấy địa danh ghi trên bản đồ thế giới. Nhưng kể từ khi tôi quỳ xuống trước bàn thờ tôn giáo để được làm phép “rửa tội”, hơn 50 năm về trước, tại trường trung học Providence ở Huế, địa danh Bê-Lem không còn là một cái tên huyền hoặc, đối với tôi. Đêm nay, tiếng hát “trong hang Bê-Lem, ánh sáng tỏa lan tưng bừng…” lại vang lên tại vùng trời Bankstown trên đất tạm dung.

Từ bao lâu nay, con người thường hay “dị ứng” một cách không chính đáng với từ ngữ “Chính Trị”, muốn tách rời ra khỏi đức tin Tôn Giáo, có lẽ đôi khi tự “ngụy biện” để che lấp sự thiếu vắng trong mọi sinh hoạt cộng đồng, đoàn thể đấu tranh, cho quê hương cội nguồn. Và quên luôn cả mọi “Giáo Hội Thầm Lặng” đang len mình trong bóng tối bủa vây của các chế độ Vô Thần để mong rao giảng Tin Lành. Nhưng đêm nay, Chính Trị đúng nghĩa và Tôn Giáo thuần thành đang quyện hòa trong lòng mỗi người hiện diện. Tôi đã gặp LM Paul Văn Chi, LM Nguyễn Khoa Toàn, cùng quý Vị trong Ban Đồng Tế. Tôi đã gặp anh Nguyễn Văn Thanh, cùng các Bạn trong Ban Mục Vụ, trong các Ca Đoàn. Những đạo hữu thuần thành, với đức tin tôn giáo mãnh liệt, hơn tôi vạn lần. Tôi đã nhìn thấy các Cụ ngồi trên sân cỏ, tay cầm tràng hạt mân-côi, và các em thanh thoát mang cánh Thiên Thần. Trước giờ thánh lễ, mọi người đứng dậy, hướng mắt nhìn về bàn thờ Tổ Quốc được trang trọng dựng lên phía cuối sân, đối diện với bàn thờ tôn giáo. Cùng chung một lời qua ánh mắt đầy nỗi ngậm ngùi, trước sau, LM Văn Chi và anh Nguyễn Văn Thanh cùng nhiều vị khác đã nói với tôi : “Lãnh thổ quê hương đã bị mất dần… đêm nay chúng ta chung lòng cầu nguyện với Quốc Tổ…” . Tôi im lặng cúi đầu. Đức tin tôn giáo và sự hiện hữu của Tổ Quốc đang len vào huyết mạch, nâng tôi đứng dậy, tiếp tục đứng dậy từ bóng tối một thời trong lao tù, chưa bao giờ bỏ cuộc. Giữa tiếng chiêng trống từng nhịp vang lên, qua hình ảnh quý vị chăn chiên cúi đầu dâng hương trước bàn thờ Tổ Quốc, giữa tiếng đập nhẹ của hàng ngàn quả tim cùng với ánh mắt bừng sáng nhìn về lá quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ, tôi cảm nhận được sự hiện hữu thiêng liêng của Hồn Sông Núi. Tôi cúi đầu im lặng. Qua lời âm thầm khấn nguyện, tôi tưởng thấy hình ảnh - mặc dù chưa một lần được đối diện ngoài đời - của các nhà đấu tranh trong nước. Hình ảnh LM Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng trước cái gọi là “tòa án nhân dân”, của Lê Thị Công Nhân bình thản, của Trần Khải Thanh Thủy bị bệnh trong phòng giam, của ngọn lửa tự thiêu từ làng Hòa Hảo, của nhà nguyện Tin Lành bị đập phá trên đất Cao nguyên, từ sự bủa vây nơi thánh thất Cao Đài, và hình ảnh của bao nhiêu người đang bị đọa đày trên quê hương chỉ vì mong được sống cho đúng nghĩa Con Người, với đức tin Tôn Giáo và lý tưởng Tự Do. Tôi nghe tiếng sóng vỗ nghẹn ngào từ hải đảo Hoàng Sa. Tiếng thác chảy âm thầm uất hận từ Bản Giốc, và hình bóng tạ từ tiển biệt nơi Ải Nam Quan. Tôi thấy bạn đồng đội gục ngã trên chiến trường, bạn tù bị vùi chôn trong manh chiếu rách, và thấy cả dòng nước mắt quê hương. Tôi cũng nghe luôn cả tiếng cười hả hê của những người vội vàng quên Nước, tiếng thị phi vô lương của những kẻ đang ném lời dèm pha ganh tỵ vào mặt hay sau lưng những người đang miệt mài đấu tranh chân chính vì tự do, vì tín ngưỡng và lẽ trường tồn Dân Tộc. Bên này và bên kia đại dương. Một lời khấn nguyện mà sao chen lẫn biết bao nỗi niềm, trong đêm nay. Tôi chợt rùng mình, tự hỏi tại sao lại còn bận lòng, vướng mắc với những chuyện nhỏ nhen tầm thường trong cõi “chợ đời”. Tôi lại nhớ lời thơ tôi “viết” bằng trí nhớ trong ngục tù cộng sản, cũng vào một đêm Giáng Sinh đầy bóng tối xà-lim :

Lạy Mẹ Maria

Hồn con dâng tiếng khóc.

Quê hương con là ngục tù tang tóc

Bao năm rồi dòng máu chảy trong đêm.

Đường Thánh Giá sao cứ mãi dài thêm

Đời khổ nhục, đá cũng tan thành lệ…..

Qua phần Thánh Lễ, tiếng nhạc đồng ca, lời giảng trầm bổng của LM Văn Chi, hàng ngàn ngọn nến nâng cao tỏa sáng, khung cảnh hang đá Bê-Lem với các em trong trang phục Thiên Thần… đưa hồn tôi nhập hòa vào Đêm Thánh nhiệm mầu. Nơi đây đang có sự Bình An. Nơi đây, Tình Thương và sự Bao Dung đang chiến thắng Bạo Lực và Gian Dối. Nơi đây, trọn lòng đang hiến dâng lên Thượng Đế và Tổ Quốc. Cho tất cả Nhân Loài. Con người đang đứng gần nhau hơn, chung lời cầu nguyện. Những cái bắt tay nồng ấm Chúc Lành cho nhau, biến xa lạ thành thân quen. Chung một Niềm Tin về sự vĩnh hằng của Hồng Ân và sự trường cửu của Dân Tộc. Hồn tôi thanh thoát bay lên, bay lên, choáng ngợp trong ánh sáng tâm linh từ một Vì Sao huyền diệu.

Từ nơi nghèo nàn trong máng cỏ hang lừa đến đỉnh đồi Gôn-Gốt-Ta, là một chặng đường hơn ba mươi năm. Để gánh tội trần gian. Từ khi lìa bến quê hương đến nơi xứ lạ, con người tỵ nạn cộng sản cũng đã trải qua một chặng đường hơn ba mươi năm. Để có kẻ quên, người nhớ. Cũng ba mươi năm về trước, khi những nhóm người tỵ nạn đầu tiên đến Úc, trong đó có tôi, làm sao tìm được một thánh lễ Việt Nam ? Chúng tôi như những con chiên lạc đàn. Ngồi trong ngôi nhà thờ địa phương của người bản xứ, cũng có cung đàn tiếng hát, cũng hình tượng Chúa Hài Đồng trong máng cỏ, nhưng sao cảm thấy thiếu vắng hơi thở quê hương ? Vẫn biết Chúa là biểu tượng của Tình Thương, không dành riêng cho một chủng tộc, một quốc gia nào, nơi trần thế - theo đức tin của chúng tôi – nhưng tận đáy lòng, tôi luôn nghĩ rằng Chúa đang hướng về quê hương tôi, nơi đó đã và đang có quá nhiều khổ đau, máu và nước mắt nhiều hơn nụ cười. Tình Thương cần đến với những con người đau khổ. Tôi lặng lẽ ra về khi tan Thánh Lễ, bỗng nhiên hình ảnh của Chúa Hài Đồng chuyển sang hình tượng của cây Thánh Giá, trong lòng tôi. Trong tiếng nhạc Cao Cung Lên còn văng vẳng trong hồn, đêm nay, tôi lại đọc cho một mình tôi nghe những câu thơ trong tù, cầu mong sự cảm thông từ Thượng Đế:

Dù là bụi, xin vuông tròn hạt bụi

Lăn theo đường Thánh Giá của Cha đi….

Và từ Dân Tộc :

Lạy Mẹ Việt Nam

Quê hương con còn đó

Xin tâm nguyện quay về…

Nhưng không để cất tiếng cười vang

Trên nỗi lầm than Tổ Quốc.

Không để đùa vui trên thân Em gầy guộc

Chỉ bằng tuổi cháu con…

Trong bóng đêm nhạt nhòa, trên đường đến chỗ đậu xe, tôi nghe một gia đình người Úc nói với nhau : “Thật là một đêm Thánh Lễ Việt Nam tuyệt vời. Hoành tráng và thiêng liêng quá !”. Tôi quay nhìn lại phía công viên, anh chị em trong Ban Tổ Chức còn đang dọn dẹp bàn ghế và tháo gỡ sân khấu hành lễ. Tôi lại cúi đầu, xin gửi lời Cảm Tạ. Bình an dưới thế cho người Thiện Tâm.

Võ Đại Tôn

24.12.2007.