BÀI HỌC VÔ GIÁ (FROM CHICAGO, WITH LOVE)

Bai hoc vo giaMarvin J. Wolf kể lại chuyện một đứa trẻ non nớt, nghèo khổ sớm bước vào đời với công việc khá vất vả để chắt chiu từng xu cỏn con mang về cho gia đình. Công việc em làm rất nhỏ bé, tầm thường, nhưng bằng hết tinh thần trách nhiệm, em đã hoàn thành phận sự hàng ngày vô cùng chu đáo. Cuối cùng, công khó của em được đền bù xứng đáng. Ngoài món quà vật chất rất giá trị với em và gia đình em, còn là một bài học sáng giá về đạo đức kinh doanh, về lương tâm chức nghiệp. Đó là bài học đầu đời mà em tiếp thu từ thơ ấu và sẽ mãi mãi không bao giờ quên được, dẫu sau này trưởng thành, đi vào thế giới phức tạp của người lớn.

Khi lên chín, cần kiếm ra tiền, nên tôi đã hỏi Ông Miceli, người của báo Herald-American trong khu vực thành phố Chicago tôi ở, xin ông được lãnh báo đi giao sau giờ học. Ông bảo nếu tôi có xe đạp, ông sẽ cho tôi một tuyến.

Hồi ấy ba đang làm bốn công việc. Ban ngày ba làm bảng đèn nê ông trong một cửa hàng sắt tấm, buổi tối giao hoa tươi cho tới tám giờ, rồi lái tắc xi đến tận nửa đêm, và những ngày cuối tuần thì ghé từng nhà để chào bán bảo hiểm. Ba mua cho tôi chiếc xe đạp cũ, nhưng liền sau đó ba phải vào bệnh viện vì viêm phổi nên không thể tập cho tôi cỡi xe đạp. Đằng khác, Ông Miceli không đòi hỏi tôi phải đạp xe cho ông coi thử. Ông chỉ yêu cầu cho ông nhìn thấy chiếc xe. Thế nên tôi dắt xe xuống ga ra của ông, trình cho ông thấy và lãnh việc làm.

Thoạt đầu, tôi đem túi xắc đầy các cuộn báo quàng ở ghi đông rồi dẫn xe đi xuôi theo vỉa hè. Nhưng đẩy một cái xe đạp với cả đống báo thì lóng cóng lắm. Sau mấy hôm, tôi bỏ xe ở nhà và mượn má chiếc xe đẩy mua hàng có hai bánh và giỏ lưới thép.

Ngồi trên xe đạp giao báo phải khéo tay. Bạn chỉ có một cơ hội khi thảy một tờ báo, nếu nó không rớt đúng vào bên dưới mái hiên thì thật tệ hại. Nhưng tôi để xe đẩy của má ở vỉa hè rồi mang từng tờ báo đặt vào đúng chỗ nó phải nằm. Nếu hàng hiên nằm trên lầu một, khi thảy hụt cú đầu tiên, tôi nhặt lại báo và thảy lần nữa. Những hôm Chủ nhật, khi báo dày và nặng hơn, tôi mang từng tờ leo lên cầu thang. Bữa nào trời mưa, tôi đặt báo ở những chỗ không bị hắt nước. Ngày mưa hay ngày tuyết, tôi lấy áo mưa của ba trùm kín xe để báo được khô ráo.

Giao báo bằng xe đẩy thì lâu hơn khi dùng xe đạp, nhưng tôi không ngại. Tôi gặp được từng người trong khu vực - những người thợ gốc Ý, Đức hay Ba Lan lúc nào cũng tử tế với tôi. Dọc đường nếu gặp chuyện gì vui lạ, chẳng hạn, một con chó với bầy chó con, hay là lớp váng dầu lóng lánh sắc cầu vồng trên mặt nhựa đường, tôi đều có thể dừng chân ngắm nghía ít lâu.

Khi xuất viện, ba nhận lại công việc làm ban ngày, nhưng quá yếu sức phải bỏ các phần việc khác. Lúc này cả nhà lại cần có được từng xu nhỏ để trang trải các khoản, nên phải bán xe đạp. Tôi vẫn chưa biết đi xe, chẳng phản đối gì hết.

Ông Miceli hẳn thừa biết tôi bấy lâu không đi xe đạp, nhưng ông chẳng đả động gì với tôi. Thật ra, ông chả năng nói chuyện cùng bọn trẻ con bán báo, trừ khi nào rầy la chúng tôi vì tội làm mất bớt khách hàng hoặc vì làm báo ướt bẩn.

Trong tám tháng, từ ba mươi sáu khách hàng, tuyến đường của tôi tăng lên năm mươi chín người đăng ký mua báo, hầu như vì những người khách đều giới thiệu cho tôi các mối mới là láng giềng họ. Thỉnh thoảng người ta chặn tôi dọc đường, bảo ghi thêm tên của họ vào danh sách thân chủ của tôi.

Với mỗi tờ báo ra từ thứ Hai tới thứ Bảy, tôi kiếm được một xu; một tờ Chủ nhật thì được năm xu. Tối thứ Năm nào tôi cũng thu tiền báo, và vì hầu như ai cũng cho tôi thêm năm hay mười xu, nên chẳng mấy chốc mà tôi lãnh tiền thưởng gần xấp xỉ tiền công do Ông Miceli trả. Như thế mà hay, bởi lẽ ba vẫn chưa làm việc nhiều được và tôi phải đưa má hầu hết tiền công của mình.

Tối thứ Năm trước lễ Giáng sinh năm 1951, tôi nhấn chuông gọi người khách hàng đầu tiên. Dù nhà vẫn để đèn sáng, chẳng ai ra mở cửa, nên tôi qua nhà thứ hai. Chẳng ai cả. Rồi hết nhà này sang nhà kia, cũng cứ như thế. Không mấy chốc, tôi hầu như đã gõ cửa và nhấn chuông tất cả mọi khách hàng, nhưng nhà ai cũng đều vắng bóng.

Tôi lo lắm; tôi phải nộp lại tiền báo mỗi thứ Sáu. Mà sắp Giáng sinh rồi, tôi chưa từng nghĩ rằng hết thảy mọi người đều đi chợ mua sắm ráo trọi.

Thành thử tôi mừng húm khi đang bước lên lối đi vô nhà ông bà Gordon, lại nghe văng vẳng tiếng người, tiếng nhạc. Tôi rung chuông. Tức thì cánh cửa bật tung ra, Ông Gordon chỉ việc kéo tôi vào nhà.

Chen chúc trong phòng khách nhà ông gần như đủ mặt năm mươi chín khách hàng của tôi! Giữa phòng là chiếc xe đạp hiệu Schwin mới cáu cạnh. Xe sơn màu đỏ mứt táo, với chuông, đèn chiếu hẳn hoi. Máng ở ghi đông là cái túi vải bố căng phồng những bao thơ đủ màu đủ sắc.

Bà Gordon lên tiếng: “Của cháu đấy. Các bác, các chú mỗi người đóng góp một tí.”

Các bao thơ đựng những thiệp Giáng sinh, cùng với tiền báo trong tuần. Hầu hết đều kèm theo tiền thưởng cho tôi rất hậu. Tôi nín lặng sửng sờ. Còn biết nói gì. Sau cùng, một bà bảo mọi người im lặng rồi dịu dàng dắt tôi ra giữa phòng. Bà bảo: “Cháu là đứa trẻ bán báo giỏi giắn nhất từ trước tới giờ. Chưa từng có bữa nào báo bị mất hay chậm trễ cả. Chẳng hề có ngày nào báo bị ướt. Tất cả các bác, các chú đều nhìn thấy cháu đẩy chiếc xe nhỏ dưới tuyết hay trong mưa. Và thế là hết thảy mọi người ở đây đều nghĩ rằng cháu phải có xe đạp.”

Tất cả những gì tôi thốt ra được chỉ là: “Cháu cám ơn, cám ơn.” Cứ thế mà lập đi lập lại.

Khi tôi về tới nhà, đếm tiền thưởng được hơn một trăm đô la - cả một gia tài bất ngờ biến tôi trở thành người hùng trong gia đình và mang lại cho cả nhà một mùa Giáng sinh tuyệt vời.

Các khách hàng của tôi ắt hẳn đã gọi điện thoại cho Ông Miceli, vì hôm sau tôi tới ga ra của ông để nhận báo, ông đang đợi bên ngoài. “Mười giờ mai cháu mang xe đạp lại đây, bác tập cho.” Tôi đã làm theo lời ông dặn.

Khi tôi bắt đầu thấy thoải mái tự nhiên trên yên xe, Ông Miceli yêu cầu tôi nhận thêm tuyến giao báo thứ hai, với bốn mươi hai tờ báo. Giao báo cả hai tuyến bằng xe đạp mới lại mất ít thời gian hơn khi dùng xe đẩy trên một tuyến cũ.

Nhưng gặp lúc mưa, tôi xuống xe để mang từng tờ báo vô chỗ an toàn, khô ráo. Và nếu tôi ném hụt báo lên một lầu cao, tôi dừng lại, dựng chống xe, và ném lần nữa.

Xong trung học tôi nhập ngũ và cho thằng Ted em tôi chiếc xe đạp Schwin. Tôi không nhớ về sau nó ra thế nào. Nhưng những khách mua báo của tôi ở Chicago đã cho tôi một món quà khác - đó là bài học sáng ngời về lòng tự trọng đối với công việc dù cho việc ấy nhỏ nhít mấy chăng nữa. Bài học làm quà Giáng sinh năm xưa đến nay tôi vẫn cố noi theo, cũng như luôn ghi nhớ những con người tử tế đã trao nó cho tôi.

01-02-1998

Dũ Lan Lê Anh Dũng dịch