Trở lại trang chánh của Website Thiên Lý Bửu Tòa

 

17.- TRIẾT-LÝ: KHOAN-HỒNG ÐẠI-ÐỘ

__________

THI:

chánh khoan dung sự lạc lầm,

THÁI bình vạn vật đặng tình thâm,

BẠCH minh trước áng người tường hiểu,

Giáng thế kỳ ba rõ chánh tâm.

* * *

Khoan dung cho kẻ lỗi lầm thân,

Hồng phước Tiên bang mới đặng gần,

Ðại đức học gương xưa Phật-Tổ,

Ðộ nhơn hà hải rạng tinh thần.

      Từ xưa đến nay, cũng nhiều Kinh sách, luật điều của các tôn-giáo chỉ dạy người tu, nhưng người đời vì chấp một bên cực đoan, mà quên phức chỗ Khoan-Hồng Ðại-Ðộ. Bởi vậy tôn-giáo, các giáo-hội thường có sự xung khắc lẫn nhau.

      Thế là lạc lầm, là thấp thỏi, dầu người tu cao kiến mà còn ích kỷ như thế thì không có độ rổi ai đặng. Mà mình tự hãm nhốt mình vào chỗ tối tăm.

      Ở ngoài đời, thường có sự chiến tranh, cũng vì tại nơi chỗ giựt giành quyền lợi riêng cho một nước mà gây thù chác oán.

      Ở trong Ðạo, thường có sự ganh ghét lẫn nhau, vì tự cho giáo lý mình cao mà khinh bỉ tôn-giáo khác là dị đoan, là bàng môn tả đạo. Hai lẽ ấy dầu ai cũng biết là đê tiện hẹp hòi, mà chính người tu còn chưa tập đặng là cũng vì ích kỷ, nên muốn nói mình phải thì cho kẻ khác quấy, muốn trọng mình hơn, phải đè ép kẻ khác thua. Dầu khi đã rõ chơn-lý rồi, mà con người còn viện lẽ đặng tự tôn lấy mình, cho có thế quyền cao hơn người khác.

      Vậy nên đời còn lầm lạc, tự tạo sự khổ nhọc lầm than cho đời. Ðạo càng sanh điều nghịch lẫn, chê bai ngạo mạn chia rẻ, phân vân, gây nỗi tương tàn cho Ðạo.

      Có một lẽ trung tâm để phá tan cái màn hắc ám kia, nhưng người đời dầu có tỉnh thức thì cũng giả quên mà dung dưỡng cái lòng ích kỷ, thế thì người tu phải cần biết rằng: đem thân vào cửa Ðạo là đã biết mục đích của cuộc đời, nên dọn mình cho trong sạch, đổi họa làm duyên, bỏ giả về chơn, dẹp cái đời hẹp hòi bản ngã mà gầy dựng cái đời rộng rãi đại đồng. Thế mới gọi là tu, là học Ðạo.

      Ở đời có lòng bác-ái mà làm cho yên tịnh dân gian, thanh nhàn xã hội. Giữ trật tự cho hoàn tất, giao thông cùng các nước, dân trí mở mang. Còn trong Ðạo thì cần phải tập cho được cái đức Khoan-Hồng Ðại-Ðộ, thì đường Ðạo mới tiến thủ đặng.

      Người đời thường có cái chỗ hẹp hòi, hoặc vì cái lợi riêng, hoặc muốn thâu nhập về mình, nên thường đến khi thất bại thì đem những lợi khí cộc cằn để gây nên điều bất thuận. Nay xét cho kỷ dầu đi đường nào thì cũng không đến chỗ tối cao của Ðạo đặng. Vì tâm chí của đời chỉ yếu có lãnh hội được một phần viên mãn của Ðạo mà thôi.

      Khi tỉnh giấc mộng trần, thì con người chỉ thấy cuộc thế gian bao la rộng rãi, mà con người đối với vũ-trụ cũng chẳng khác một hột cát vậy. Khi con người suy nghĩ việc sanh tồn của vạn loại, thì chỉ thấy mỗi vật đều có sự tương thân cùng liên lạc lẫn nhau. Bởi vì thế gian là giáo trường, mà vạn vật đều là học sanh, thì phải biết sự nương cậy cùng nhau, để tiến hóa mà thôi.

      Kìa thử xem một người làm ruộng, nếu không có người dệt vải thì phải chịu trần truồng; mà người dệt vải nếu không có người làm ruộng thì phải đói khát.

      Vạn vật ở trên thế gian đều tương đối cùng nhau cả thảy, cho đến nước nầy qua nước kia, cũng tương đối với nhau luôn luôn. Ðến chỗ nhỏ mọn là một người đối với một người, một vật đối với một vật, thì thảy đều như thế cả.

      Vậy người tu đã biết cái chỗ vi diệu ấy rồi, thì phải mở đức Khoan-Hồng Ðại-Ðộ mà đối cùng nhơn vật, ấy mới nên cho.

      Nếu chẳng đặng lòng ấy, thì con người cứ tàn hại cho người, ắt phải mất sự tiến hóa nơi tinh thần. Bởi để lòng hơn thua tranh giành cái bả lợi mồi danh kia, rồi mãn kiếp tu cho cao mấy cũng đem theo hai bàn tay trắng, lại còn lưu cho đời một bài học vô danh vô vị nữa.

      Ðức Khoan-Hồng còn phải cái chỗ đáng cùng không đáng. Người đời có nhiều khi thấy người làm quấy có hại đến chúng sanh, mà vì có quyền có phẩm rồi cũng đồng để cho người cứ việc tiến hành. Làm như vậy không phải là khoan-hồng mà vốn là ích kỷ, hoặc muốn cầu thân, hoặc muốn lợi dụng.

      Người thấp thỏi mới xem vào thì cho là rộng rãi, chớ kỳ trung là một sự hại người trong cơn tăm tối đó.

      Người biết Khoan-Hồng Ðại-Ðộ thì chỉ giữ một lòng rộng rãi luôn, nhưng thường rộng rãi về chỗ công bình chơn lý, không thiên vị bên nào.

      Khoan-Hồng về sự ăn ở, người có đức thường xá lỗi cho đời, dầu lỗi lớn hay nhỏ cũng vậy.

      Vì biết rằng: người mang lấy xác thân phàm, dầu cho bực nào cũng có sự khuyết điểm cả. Nên mình đã rõ chơn lý rồi thì chỉ khuyên bảo mà thôi. Không nên câu chấp, xét cái chỗ lầm lạc kia là tại người chưa tiến hóa đến, hoặc còn vô minh nên mới làm những điều như vậy.

      Ấy vậy đức khoan-hồng đáng học đáng làm cho người đời dầu trong trường hợp nào cũng để vào đặng.

      Xưa Lưu-Khoan tha cho đứa ở đổ cháo trên áo rồng, mà người còn lo cho tay của đứa hài nhi kia sợ phỏng. Quan-Vân-Trường tha Tào-Tháo đã cam đoan trước mặt Khổng-Minh mà còn liều mình cam tự tội, lại sợ Tào-Tháo chạy không khỏi mà phải lụy thân.

      Ôi! Những sự nhỏ nhen như thế người đời không để ý đến đâu, mà lại cho là thấp thỏi, để kiếm Ðạo cao siêu huyền bí, học làm Tiên làm Phật mà thôi!!!

      Nhưng xem kỷ lại, thì làm người chưa đặng. Thế gian bởi cái chỗ sai lầm ấy mà tu nhiều thành ít. Không có Tiên Phật nào mà còn tánh ích kỷ hẹp hòi cả.

      Rất đổi một người văn trung quan, võ dõng tướng còn không có tánh xấu thay, huống chi là những bậc Tiên Phật. Người tưởng rằng là làm Tiên Phật dễ dàng lắm, cứ ăn chay cho qua bữa, lạy Phật lấy ngày, rồi tự kiêu tự đắc cho là tu hành, cho là giải thoát, chớ kỳ trung trong cái tu ấy không tập tánh, không sửa lòng!

      Thường có những kẻ hướng đạo cũng vì lẽ ấy rồi một ít lâu ra ngoài thôi Ðạo. Ðời vần xây biến đổi, lòng người thường có chuyện rất nhỏ mọn, không thể tả ra đây. Vì muốn đem một chén thuốc linh đơn cho đời uống mà mở lòng tự hiểu đặng tu cái Ðạo cao siêu chơn lý giải thoát ngoài vòng đau khổ, nên Lão mới cậy ngọn bút thần để diễn giải đôi lời trên quyển Thánh-Ðức, đặng nhắn nhủ người đời mau mau tự hối, kẻo mất hết cơ hội quí báu, là lúc Ðạo Trời rộng mở nầy.

      Khuyên người đời rán suy nghĩ mà sửa lòng.

THI:

Học trau cho kỷ mới nên danh,

Ðạo đức muốn xong phải học hành,

Học Ðạo sửa tâm cho rộng rãi,

Tu thân xét kỷ mới nên rành.

      Lão ban ơn chư hiền nam nữ. Khá thành tâm tiếp giá TRẦN-ÐOÀN LÃO-TỔ.

      (Tiếp điển)

THI:

TRẦN thế hi-di một giấc nồng,

ÐOÀN cơ tạo-hóa lúc thong dong,

LÃO lai mừng quyển Chơn Kinh-Thánh,

TỔ khảo chia vui chốn đảo Bồng.

      Mừng chư hiền sĩ.

THI:

Cuộc cờ sắp sẵn đợi hiền nhơn,

Hứng cảnh lạc nhàn lúc khảy đờn,

Vui thú tiêu thần cơ chuyển vận,

Hưởng thanh điển tụ chúc huyền chơn.

BÀI:

            Huyền chơn thanh bạch cứu đời,

Chuyển mê sanh chúng nơi nơi hưởng nhàn.

      Lòng sở nguyện cứu an bá tánh,

      Luyện kim-đơn tựu đảnh nê-hườn,

            Chuyên cần siêng tập chớ sờn,

Lần dò chịu khổ nguồn cơn rõ lòng.

      Thân người dưới phong trần ngao ngán,

      Ngậm ngùi cho một đám tàn linh,

            Chuyển xây mối cả cao minh,

Rõ lòng bác-ái Ðạo Huỳnh rưới chan.

      Chí hiển đạt thân tàn còn đắm,

      Lúc mê tân khắc tấm mây vàng,

            Cúc cung tận tụy chiêu an,

Ðộ hồn sanh chúng khỏi đàng trầm luân.

      Vì có Ðấng Huyền-Khung tá thế,

      Nhỏ cam-lồ phổ tế nạn tai,

            Rán tâm chớ có miệt mài,

Trần gian lầm lũi khó quày đường Tiên.

      Lòng áo não dẹp phiền thảm thiết,

      Lòng ưu tư nhiệt liệt quá nhiều,

            Thậm thâm nhơn nghĩa dấu yêu,

Cứ lòng na nỡm sớm chiều gìn xong.

      Vì gây quả than lòng quá đáng,

      Bởi thấy trò chưa hản lý chơn,

            Lạc đường sái ngõ cưu hờn,

Chẳng thông đại độ nghĩa nhơn cứu đời.

      Khá lưu ý cho người thức giấc,

      Phải lo làm âm chất đặng tròn,

            Ðủ đầy một dạ sắc son,

Chiêu an quần chúng nương thoàn lý chơn.

      Khá biết rõ tiếng đờn lưu thủy,

      Tiếng phù trầm thâm thúy đêm khuya,

            Nghe xa đừng để tâm lìa,

Cheo leo giữa bể cứ bia thế tình.

      Cơ Tạo-Hóa huỳnh minh linh động,

      Gieo điển quang cơ thống huyền thâm,

            Ðiểm tô rạng vẽ thâm trầm,

Cho ra manh mối cơ cầm thế nao.

      Lòng ái truất tâm bào ta thán,

      Lòng đầm đìa ai oán thêm buồn,

            Chỉnh xem cơ Ðạo thêm buồn,

Thể như giọt nước trong nguồn chảy ra.

      Chung trí khá hiệp hòa vững chắc,

      Quyết đồng tâm dẫn dắt khách trần,

            Khoan-hồng đại-độ cân phân,

Lỗi lầm chớ chấp một phần nào đâu.

      Lòng tịnh thanh lo câu nhơn ái,

      Quyết tâm đồng chế cải cho hòa,

            Chí thành qui hiệp nhứt gia,

Làm người hướng đạo thiệt là làm gương.

      Khá giữ phận chiêu chương lãnh hội,

      Rõ máy linh thúc hối kịp giờ,

            Chuyên cần chớ trễ Thiên-cơ,

Lướt lần qua hội phất cờ phi vân.

      Phải thực hành ân cần lo lắng,

      Chuyển Càn-Khôn dậm thẳng lưu hành,

            Máy Trời nguyên thủy căn thành,

Mối linh quang phát đường lành ruổi dung.

      Khá đeo đuổi cho cùng thiên lý,

      Hằng kềm lòng chí khí cho thanh,

            Thảo ngay một dạ chí thành,

Chung lòng trẻ thảo mới dành ngôi xưa.

      Chí vững an thượng-thừa cương quyết,

      Tâm rán tìm lý triết học đòi,

            Quán thông mọi lẽ rẽ ròi,

Khá noi gương Thánh lòng soi cho cùng.

      Thân anh tuấn giải xong cơ Tạo,

      Quyết chơn tìm hải đảo tịnh thanh,

            Luyện thần tựu đảnh cho thành,

Lưu thông trên dưới đã đành ngồi yên.

      Phá tứ vách rõ liền Thiên lý,

      Phá mê đồ chí khí nào phai,

            Chơn tâm phát triển có ngày,

Bồng-Lai thưởng thức chiều mai khó gì.

* * *

      Bần-đạo nhắm xem chẳng có trò nào thực hành Ðức Khoan-Hồng cho vững chắc.

      Vì học Ðạo cần yếu phải lấy lẽ ấy mà làm căn bổn. Bấy lâu các trò bị mang dục vọng che lấp, thành thử "Ðức Khoan-Hồng" phải bị cách xa. Các trò cứ dùng một phía cực đoan là cơ chuẩn, chỉ biết có "TA" chớ không có quan thiết đến người, nên phải chia rẽ giai cấp, làm cho cốt nhục tương tàn. Ðạo rất cần thiết là Ðức Khoan-Hồng, thiếu đức tánh đó thì phải lắm phen đau đớn khổ cay. Bởi mình câu chấp đủ điều nên thân hình tiều tụy.

      Ðó chẳng qua là lớp vỏ huyển tưởng ngăn lấp làm cho linh quang phải chịu lu lờ. Vậy các trò hằng ngày phải nhờ Ðức Khoan-Hồng cho lắm.

            Ta ban ơn các trò.

----> NEXT

 

Thiên-Lý Bửu-Tòa, 12695 Sycamore Ave, San Martin, CA 95046 - USA. Tel: (408) 683-0674

Website: www.thienlybuutoa.org     Email    Sơ đồ hướng dẫn tới TLBT

Thông bạch in Kinh