Trở lại trang chánh của Website Thiên Lý Bửu Tòa

 

12.- TÔN-GIÁO VÀ KHOA-HỌC

__________

      Ðời là nơi bể khổ đối với kẻ vô Ðạo không tu, mà là đường tấn hóa của vạn linh sanh chúng. Giữa cuộc đời để chịu sự não nồng cay đắng, để trả quả tiền khiên, hoặc học cho hiểu sự khôn dại, mấy cái luật ẩn vi của võ trụ, hầu ngày sau nầy mới đoạt máy huyền vi.

      Những thí sinh phải tùy cao thấp mà tấn hóa theo ngôi vị của mình, dầu xa gần cũng tới. Thế gian thường gọi: "Hay là Trạng, dở ấy trò", thì cũng cho là đáng phải. Vì bài vở của Trạng cao siêu, mà bài vở của trò còn thấp thỏi. Nhưng dầu hay của Trạng, thì trước cũng là trò; mà dầu dở của trò thì sau nầy cũng Trạng.

      Thế thì không có điều chi cao thấp; không có điều chi hơn thua, chỉ một lý cần yếu hơn hết là chúng sanh tuần tự mà tiến thủ tới địa vị tối cao, vậy trước hay sau cũng một màu trong võ-trụ. Nhưng hoàn cảnh không vì cơ đời bó buộc, khiến cho người thiện căn thường ngộ cảnh khắc khe đành mau thức tỉnh mà bước về con đường đạo-đức.

      Trước khi người đời vừa tỉnh thức, thì ai cũng lựa một món đạo mà tu hành, thế thì khuôn linh của Tạo-Hóa đã bủa lưới giăng dò, đón người thiện hạnh, có nhiều khi bày cửa dữ để dạy lành, mà cũng lắm lúc tạo sự lành để khuyên kẻ dữ.

      Bởi thế nhiều Tôn-Giáo ra đời. Lại nữa, khi trước thì "Càn vô đắc khán, Khôn vô đắc diệt".

      Nhơn sanh còn lòng dạ vô minh thấp thỏi, nên chi lo hành đạo nơi tư phương mình mà thôi. Mạnh ai nấy tu, không tranh giành, không hơn thiệt.

      Còn nay thì "Càn Khôn dĩ tận thức". Cả chúng sanh đều bước một bước khá cao trên con đường thông minh quảng đại, nên rồi cũng vì nhiều tôn giáo ấy mà con người chia rẻ, kẻ tự cho mình chơn đạo, người tự phụ chánh tu. Bởi chữ tranh cường nên phải vấn vương tai nạn. Ðấng NGỌC-HOÀNG THƯỢNG-ÐẾ không nở ngồi xem cơ đời xáo lộn, tôn giáo tranh giành, mới hoằng khai ÐẠI-ÐẠO đến kỳ thứ ba để chuyển phục nhơn tâm, qui nguyên tôn giáo lại.

      Nhưng than ôi! vì miếng mồi vật chất quá ngon, trải bao phen chúng sanh chưa nhìn nhận, qui tùng. Cũng bởi kẻ làm đầu thiếu chí thiếu tu, cũng tại mối Thiên-cơ xây vần luân chuyển.

TÔN GIÁO:

      Lấy theo trí tưởng của người đời mà gọi các Tôn Giáo là một cái cơ quan yếu trọng, gìn trật tự của người hành đạo, để huấn giáo kẻ tín đồ theo qui cũ chuẩn thằng của tôn-giáo, tức là ép tập con người lần lên con đường đạo, đặng giao cảm mối huyền linh, thấu đến Trời Phật Tiên Thánh Thần. Nếu người hành đạo quá với cái phạm vi ấy, thì tôn-giáo không chỗ dựa nương nên phải biến thành mê tín.

KHOA HỌC:

      Trí lự tinh thần của vạn loại do cơ tấn hóa mà tiến hành, vì vậy nên mới biến thành các khoa-học, các khoa-học lại lấy sự thiệt nhiệm của lý tưởng mà chế sự điều hòa, sự khuyết điểm cá nhơn cho đến chỗ hoàn toàn chung thể.

      Khoa-học để sửa trị sự mê-tín ra chánh-tín, sự cường thạnh nên mềm mại, dắt con người tấn bộ đến tuyệt cuộc đời. Dầu vậy, nếu không có Ðạo mà kềm thúc một bên thì khoa-học sẽ trở nên lêu-lổng và bất thành. Vì Ðạo là cơ bí nhiệm càn-khôn vũ-trụ, nhờ Ðạo mà người đời được rõ lý thâm uyên chánh triết.

      Tóm lại đến thời kỳ nầy các tôn-giáo và khoa-học đều cần hợp nhứt mà làm tôi trung thành cho Ðạo, thì tự nhiên phát tiết đến cõi thật hiện, tinh thần và kết quả trên con đường đạo-đức. Cái chỗ sai lầm chia rẻ của tôn-giáo và các khoa-học là sở dĩ lấy cái lý cá nhơn tuyệt đối, mà làm cho mất vẽ dung hòa; chớ chưa tường cái lý hiệp nhứt hoàn toàn giữa các tôn-giáo, các khoa-học là Ðạo vậy.

      Ðiều cần yếu hơn là các tôn-giáo, các khoa-học phải biết nhìn nhận cái chỗ chung hòa mới khỏi điều lầm lạc.

THI:

Ðạo truyền cứu thế buổi tai ương,

Chỉ rõ phân rành sự rộng thương,

Giáo lý học thông đồng hiệp nhứt,

Huyền linh máy nhiệm mới thông tường.

      Ta khuyên chúng sanh rán suy nghĩ cho kỷ những lời Ta phân biện trên đây. Ta ban ơn chúng sanh.

                                                                  NGÔ-ÐẠI-TIÊN.

----> NEXT

 

Thiên-Lý Bửu-Tòa, 12695 Sycamore Ave, San Martin, CA 95046 - USA. Tel: (408) 683-0674

Website: www.thienlybuutoa.org     Email    Sơ đồ hướng dẫn tới TLBT

Thông bạch in Kinh