ĐỨC TIN

Ngọc Chơn Thông

Vững tâm, tâm đạo phát sanh,

Tam huê tụ đảnh, ngũ hành triều nguơn

(Đại Thừa Chơn Giáo)

Chúng ta hãy bắt đầu bằng sự quan sát cuộc sống của một thiếu niên đang tuổi học trò: ngày ngày cậu cắp sách đến trường, lo thức khuya, dậy sớm miệt mài đèn sách, đôi khi phải hy sinh cả những buổi chiều cuối tuần đẹp trời, hoặc giả đò quên một chương trình hấp dẫn trên ti vi, mong sao việc học được tấn tới để đạt kết quả tốt hầu tìm được một chỗ đứng vững vàng trong xã hội. Động lực nào đã thúc đẩy cậu học trò nỗ lực trong hiện tại để mong tìm thấy một tương lai xán lạn? Đó chính là NIỀM TIN!

Một bà mẹ tóc bạc hoa râm, tuổi đã về chiều, lưng còng, gối mỏi, nhưng vẫn còn dầu dãi nắng sương với công việc đồng áng, mong sao ngày mùa lúa tốt để lo cho con ăn học, đỗ đạt nên người. Bà mẹ già nua đáng yêu, đáng kính đó căn cứ vào đâu để biết rằng sự hy sinh của bà bây giờ sẽ mang lại cho con bà một cuộc sống sáng sủa hơn trong mai hậu? Bà đã căn cứ vào NIỀM TIN!

Mỗi một ai trong chúng ta trước khi lìa cố quốc cũng đều nhìn thấy trước cái đoạn trường gian lao sẽ phải vượt qua: nào sóng nước trùng dương, nào phong ba bão táp, nào hải tặc hoành hành... nhưng cuối cùng rồi thuyền cũng ra cửa biển. Chúng ta cũng đã lên đường với niềm hy vọng mong manh là tương lai của ta sẽ khá hơn nơi một phương trời xa lạ tự do nào đó. Sức mạnh nào đã giúp chúng ta thắng được những lo ngại về hiểm nguy để vượt đại dương tìm đến nơi này? Đó là sức mạnh của NIỀM TIN!

Trên đây là những thí dụ nhỏ nhặt và cụ thể để thấy niềm tin quan hệ đối với cuộc sống chúng ta là dường nào. Niềm tin là lẽ sống của mọi người. Nó càng có ý nghĩa và được người ta bám víu vào như một vị thần hộ mạng trong những cơn khủng hoảng và tuyệt vọng cùng cực. Người Do Thái trong những năm tháng sống cuộc đời ly hương vô tổ quốc, đã dùng niềm tin để hun đúc ý chí và tinh thần tái lập xứ sở, ước mơ một ngày về lại nơi đó. Người ta kể lại rằng: trong những lúc chia tay sau những buổi họp mặt, tiệc tùng, người Do Thái thường dùng câu: “Hẹn tái ngộ tại Jérusalem!” như một lời từ giã. (Jérusalem là một thánh địa trong lịch sử Thiên chúa giáo.) Ngày trở lại cố quốc của người Do Thái thuở xưa hay của người Việt Nam tỵ nạn chúng ta bây giờ dù xa xôi hay gần gũi cũng đều được ước mơ và mong đợi với một niềm tin mãnh liệt.

Cái quê hương ta đó, một mảnh đất với đầy tình nghĩa của Cha, Ông từng ấp ủ và nuôi nấng ta từ tấm bé bằng ruộng lúa, nương khoai là đối tượng cho chúng ta mong đợi và tìm về. Nhưng cho dù chúng ta có được đặt chân trở lại để sống nốt quãng đời thì rồi cũng có lúc ta phải ra đi theo đúng cái định luật “Sống gởi, thác về” vì bản chất đích thực của cuộc đời là giả tạm. Chúng ta sẽ đi về đâu? Để trả lời câu hỏi đó, tôi xin mời quý vị hãy ôn lại bốn câu trong một bài thi của Đức Phật Thích Ca trích từ Đại Giác Thánh Kinh:

THÁI độ người lành gắng học lo,

TỬ phủ quê xưa cố lần dò,

SĨ hiền tạo lập nên danh tốt,

ĐẠT bảng tên đề mới phải cho.

Tử phủ hay “Cung Tử phủ” tức là cung tiên, còn được gọi bằng một danh từ khác nữa là “Nhụy châu chơn võ”. Đó là quê hương đích thực của con người. Từ thuở hoang sơ, càn khôn vũ trụ chưa thành hình, chỉ có một bầu hư vô chi khí, tức là khí hồng mông, bầu khí này mới lần lần phân định ra âm dương tức là Lưỡng Nghi. Lưỡng Nghi hóa thành Tứ Tượng, biến ra Bát Quái... rồi từ đó mới hóa sanh càn khôn muôn vật. Con người cùng trong quá trình đó mà thành hình. Trong Đại Thừa Chơn Giáo, đức Chí Tôn có dạy rằng: “Có Thầy rồi mới có các con, có các con rồi mới có chư Tiên, chư Phật...” Như vậy, con đường từ “THẦY” đến “CÁC CON” là con đường ra đi, và con đường từ “CÁC CON” đến “CHƯ TIÊN, CHƯ PHẬT” để hội hiệp cùng “THẦY” là con đường trở về. Đoạn thánh giáo sau đây tóm tắt cái chu trình đó:

Đạo phân một, một, hai, ba,

Là ngôi Thái-Cực Chúa-Cha chưởng quyền.

Âm dương hiệp với ngôi Thiên,

Hóa sanh vạn vật mối giềng chẳng xao.

Một hai ba ấy lẽ nào?

Cho đi khắp chỗ cũng vào một ngôi.”

(Đại Thừa Chơn Giáo – Đại Đạo luận)

Con người và nói chung cả chúng sanh đều đang học hỏi để tìm đường trở về. Các bậc đại giác, các đấng Giáo chủ từ trước đến giờ đã chỉ vẽ cho chúng ta những con đường trở về, tùy theo căn cơ mà mỗi người chọn lấy con đường thích hợp. Có một điều cần ghi nhận là dù chọn con đường nào, chúng ta cũng phải nắm vào cái điểm then chốt là “ĐỨC TIN” thì mới mong đi hết quãng đường, vì khi làm một việc gì mà chúng ta không biết chắc có đạt kết quả hay không thì dễ sinh ra giải đãi, nản chí, và bỏ cuộc. Đức tin cũng ví như nền móng của một căn nhà. Đức Phật có dạy rằng: “Tin là mẹ của vô lượng công đức.” Kinh sách của Phật đã nói rất nhiều đến đức tin và năng lực của nó. Chẳng hạn như trong phần nói về ngũ căn (tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, và huệ căn), tin (tức là đức tin, tín căn) được xếp vào hàng đầu. (Tưởng cũng nên định nghĩa sơ lược về ngũ căn: Căn ở đây là căn bản, là gốc rễ. Ngũ căn là năm nguồn gốc từ đó các nghiệp lành phát xuất.) Nhưng chúng ta tin cái gì đây? Xin thưa ta tin ở Phật, Pháp, Tăng và ở chính mình.

- Tin Phật: Phật là các đấng đã chứng ngộ được đạo quả thậm thâm vi diệu, đã phá được màng vô minh, nhìn thấy được nguồn gốc và cách chấm dứt phiền não, sanh tử luân hồi. Chúng ta luôn hướng đến chư phật, noi theo tấm gương sáng của quý ngài để tìm sự giác ngộ, giải thoát mà chư phật đã thân chứng được.

- Tin Pháp: Pháp là những điều chư phật đã thuyết giảng và lưu lại cho con người dựa vào đó để tu tiến; nó gồm có kinh sách, lễ nghi, giáo điều, giới luật v.v... Tất cả đều để giúp chúng sanh kiến tạo một cuộc sống thái bình ngoài xã hội, an lạc trong tâm hồn khi còn ở thế gian, và được siêu sanh về nơi bồng lai tiên cảnh khi từ giã cõi đời. Chúng ta tin mãnh liệt rằng nếu làm đúng như lời Phật dạy thì sẽ tìm được một cuộc sống an nhiên tự tại nơi cõi hữu và vô hình.

- Tin Tăng: Tăng là [những bậc hướng đạo nói chung, là] người [chơn chánh] thực hành giáo pháp của chư phật để giải thoát cho mình và phổ độ nhơn sanh. Đó là những anh lớn hướng đạo đang miệt mài trên con đường tự giác và giác tha. Quý anh lớn là những bậc thế thiên hành đạo, đã được Thầy Mẹ chọn để giao trọng trách, dìu dẫn nhơn sanh đưa từ bến mê sang bờ giác, Chúng ta hãy nhiệt tâm quy hướng về quý anh lớn để học hỏi và được dìu dẫn. Trong quãng đời tu và hành đạo, chắc quý vị cũng đã nhìn thấy được sự xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo của các bậc chức sắc, đôi khi còn hy sinh cả mạng sống, nếu cần, để cho cây Đại Đạo được xanh tươi, trổ hoa kết trái cho chúng sanh hưởng nhờ. Chúng ta hãy nương vào sự dìu dẫn của các bậc hướng đạo đàn anh để tu học.

- Tin ở chính mình: Tin ở Phật, Pháp, Tăng không thôi vẫn chưa đủ, ta còn phải tin ở chính mình. Tin rằng mình có khả năng và nghị lực để theo đuổi con đường tu đến cùng. Đó là cái quan niệm “Thiên nhơn hiệp nhứt”. Trong truyện Kiều, Nguyễn Du đã mượn lời vãi Giác Duyên để nói lên quan niệm đó:

Sư rằng: phúc họa đạo trời,

Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra,

Có trời mà cũng có ta,

Tu là cội phúc, tình là dây oan...”

Có “Trời” không thôi vẫn chưa đủ, phải có “ta” góp phần vào thì mới có kết quả. Trời Phật vạch cho ta con đường, nhưng tự chính ta phải đi mới đến nơi được. Đức Phật lúc còn tại thế đã từng nói: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành.” Chúng sanh và chư phật cũng một bản thể như lời ngài Hớn Chung Ly Đại Tiên đã nói trong kỳ đàn ngày 11 tháng 10 năm 1981 tại Thiên Lý Bửu Tòa: “Thánh thể, phàm thân cũng đạo đồng.” Chúng ta hãy mạnh dạn đánh thức niềm tin sẵn có nơi tự chính mình.

Trong Kinh Thánh, Chúa Jésus cũng đã từng nhắc đi nhắc lại nhiều lần sự quan trọng và năng lực huyền diệu của đức tin. Có một lần, một người đàn bà mắc bệnh huyết hậu ngót 12 năm đến đàng sau sờ vào vạt áo của Chúa Jésus và thì thầm nói: “Nếu tôi chỉ rờ áo Ngài thì chắc được cứu.” Chúa Jésus xoay lại, thấy nàng thì phán rằng: “Con gái ơi, hãy vững lòng, đức tin con đã cứu con!” (Mathiơ 9:12) Đó là một trong muôn ngàn câu chuyện đã được ghi lại trong Kinh Thánh, nhờ vào niềm tin mà được lành bệnh hoặc được ơn ban. Đức tin vô hình, vô tướng, tồn tại trong tất cả mọi người, tùy vào khả năng đánh thức mà một người có đức tin vững mạnh hoặc yếu kém, bởi thế đức Chí Tôn có dạy rằng:

Đức tin như thể đòn cân,

Tùy lòng con trẻ, Thầy phân cạn lời.

Đức tin mạnh hay yếu là tùy nơi mỗi người. Cũng cùng một lời dạy trong kinh sách, nhưng người có nhiều đức tin thì hiểu thông suốt và được nhiều ơn soi dẫn hơn là người yếu kém đức tin. Đức Tây Phương Giáo chủ đã nói lên điều đó trong quyển Tam Nguơn Giác Thế: “Cái phép của Phật, hễ thành tâm thì phát huệ, còn xao lãng thì phát ám tâm.” Đó là điều chúng ta cần khắc cốt ghi tâm, nhất là những người đang thọ và hành pháp, phải luôn luôn hướng đến Thầy Mẹ trong từng cử chỉ, lời nói và ý nghĩ. Có như thế thì tâm hồn ta mới định, lục căn, lục trần mới không có dịp thao túng và hoành hành, chúng ta mới tiếp được thanh điển và ơn ban, tinh thần mới sáng suốt, ý chí mới vững mạnh.

Phần lớn chúng sanh trong buổi hạ nguơn, vì lăn lộn trong cõi ta bà này lâu quá nên không còn mấy ai đủ sáng suốt để nhìn thấy sức mạnh của niềm tin. Sức mạnh đó thật vô biên như lời Chúa Jésus nói trong Kinh Thánh: “Nếu các ngươi có đức tin bằng một hột cải, sẽ bảo núi này rằng “Hãy dời từ đây qua đó” thì nó dời đi, và không có sự gì bất năng cho các ngươi cả.” (Mathiơ 9:29) Lời nói ấy tuy đã xa xưa, nhưng âm vang còn đồng vọng đâu đây như nhắc nhở chúng ta hãy bám chặt vào niềm tin trên mỗi bước đi và trong từng giây phút. Chỉ cần một niềm tin nhỏ bé bằng hạt cải thôi cũng giúp chúng ta làm được chuyện dời non, lấp biển. Nhưng thử hỏi mấy ai đã làm được? Tại sao? Bởi lẽ đức tin của chúng ta chưa có, hoặc nếu có thì cũng chỉ đại khái thôi, chưa vững mạnh đúng mức.

Đức tin là nền tảng để tạo ngôi nhà công đức, là chiếc thuyền đưa ta từ bến mê sang bờ giác, từ cõi tục đến cảnh tiên:

Đức tin nung chí vững bền,

Đức tin là một cái nền Phật, Tiên,

Đức tin là chiếc pháp thuyền,

Đưa ta cho đến tận miền bồng lai.

Đức tin hằng có trong mỗi con người không phân biệt sang hay hèn, quê mùa hay trí thức. Trên con đường phản bổn hườn nguyên dài liên tu bất tận, chúng ta nhờ vào niềm tin để un đúc ý chí, nó giúp ta nhìn thấy được cái ánh sáng lẻ loi ở cuối đường hầm, mạnh dạn dấn bước để không bỏ cuộc nửa chừng hoang phí cả cuộc đời:

Tu là nhờ tấm lòng hữu chí,

Phải đâu là liệt sĩ mới nên,

Phú bần nào ngại tâm bền,

Tu nhờ chỉ có niềm tin mới thành.

Thầy Mẹ cùng các đấng thiêng liêng, vì đức háo sanh, vì thương xót con người mãi lẩn quẩn trong vòng luân hồi quả báo, mãi lặn hụp nơi cõi trần lao, nên đã nhiều lần nhắc nhở chúng sanh hãy vững niềm tin trên bước đường tìm về với đấng Cha lành. Như trên đã trích dẫn lời đức Đại Từ Phụ là: “Có Thầy rồi mới có các con, có các con rồi mới có chư Tiên, chư Phật...” Như vậy thì Thượng Đế, chư phật tiên và chúng sanh đều cùng một bản thể nên có thể cảm thông nhau. Do đó mới có một vị Phật lấy tên là “QUÁN THẾ ÂM”, tức là nghe được tiếng nói, hiểu được tiếng kêu la thống thiết của thế gian. Trong chúng ta, chắc cũng đã có nhiều người thường niệm danh hiệu và tưởng nhớ đến Ngài, nhất là trên đường di tản đầy hiểm nguy và bất trắc.

Có niềm tin vững mạnh cũng ví như có một cái nền nhà kiên cố, chúng ta phải tiến thêm nhiều bước nữa để xây cất thì mới hoàn thành được căn nhà, chứ nếu có niềm tin rồi để đó theo cái kiểu ngồi chờ sung rụng thì cũng chẳng đi đến đâu. Niềm tin giúp chúng ta sức mạnh để tiến bước trên đường tu hầu tiêu trừ nghiệp chướng, phát huệ thông minh. Trong mỗi việc làm để hướng đến thiện nghiệp, chúng ta phải thành tâm thì mới mang lại kết quả mong muốn, còn nếu làm để lấy lệ, để cho thế gian nhìn thấy ta đây cũng tu hành kinh kệ, cũng sớm mỏ chiều chuông, nhưng thực chất tâm không thành thì cũng chẳng mang lại kết quả chi, chỉ phí công và phí sức như trong kinh A Di Đà có dạy:

Dầu cho tụng niệm mãn năm,

Bụng không cố tưởng như cầm mà chơi.

Tụng kinh mà lòng không tưởng chẳng khác nào như hát đưa đò hoặc hát ru em. Trên đường tu, tụng kinh, cúng kiếng, đọc thánh ngôn, thánh giáo là những điều căn bản. Mỗi khi đã mặc chiếc áo lễ vào quỳ trước Thiên bàn, hoặc lật quyển kinh ra đọc, chúng ta nên cố giữ cho thần được yên, trí được lặng thì mới mong tiếp được thanh điển ơn trên:

Trẻ già, trai gái biết lo,

Niệm kinh lòng tưởng, rủi ro có Ngài.”

Cõi hữu hình và thế giới vô hình rất gần gũi. Chúng ta quá tăm tối và ô trược nên không nhìn thấy đó thôi, chứ thực ra Thầy Mẹ cùng chư phật, tiên, thánh, thần lúc nào cũng ở bên cạnh để dìu dắt chúng ta, nhất là trong Kỳ Ba đại xá này. Còn chần chờ gì nữa mà chúng ta không đặt hết niềm tin vào sự cứu độ của chư thiêng liêng, dốc hết tâm lực tu trong một kiếp để dứt hẳn nợ trần. Nơi Diêu Trì cung, Mẹ hiền đang mỏi mòn chờ đón sự trở về của chúng ta như một người mẹ thế gian đang ngồi tựa cửa trông đứa con yêu đã ra đi biền biệt nhiều năm tháng:

"DIÊU điện thương con giáng điển hồng,

TRÌ chí khẩn cầu rõ phép công,

KIM cổ lời truyền ai lắng nhủ,

MẪU tử thâm tình dạ luống trông."

(Đại Giác Thánh Kinh, TLBT, 6-8-1977)

Tình thương của Mẹ thật bao la, lòng kiên nhẫn đợi chờ của Mẹ thật bất tận. Với niềm tin mãnh liệt, vững chắc, có một ngày chúng ta sẽ về lại với Người./.

Ngọc Chơn Thông (Arkansas, tháng 2-1982)