Hành Trình Về Phương Đông
(Life and Teaching of the Masters of the Far East)
Tác giả: Baird T.Spalding
Dịch giả: Nguyên Phong
--- o0o ---
Chương 4
Trên Đường Thiên Lý
Cuộc gặp gỡ Brahmananda và Sudeih Babu đã thay đổi
tất cả. Cho đến lúc đó, phái đoàn mới công nhận rằng đằng sau khu rừng mê
tín dị đoan, còn có những chân lý cao siêu đáng học hỏi và nghiên cứu. Sự
hiện diện của một vị Chân sư bí mật gửi thông điệp bằng tư tưởng cho
Brahmananda và Sudeih Babu, làm phái đoàn phấn khởi, tin tưởng rằng cuộc
khảo cứu sẽ còn vượt xa hơn điều họ dự tính.
Cuộc tiếp xúc với Sudeih Babu đã khiến mọi người
bắt đầu cởi bỏ các thành kiến dị biệt, các quan niệm bảo thủ và lòng tự hào
của người Âu, để bắt đầu quan sát, học hỏi thêm về nền minh triết bí truyền
của Á châu.
Phái đoàn bắt đầu cuộc hành trình nhắm hướng
Rishkesh trực chỉ. Lúc đầu, đường xá còn tốt nên sự di chuyển còn nhanh
chóng, nhưng về sau có những đoạn đường bị ngắt quãng, phái đoàn phải dùng
lừa, ngựa hoặc đôi khi phải đi bộ qua các eo núi. Sự kiện một nhóm người Âu,
di chuyển trên những con đường độc đáo, hẻo lánh là một điều chưa hề xảy ra.
Các sĩ quan quân lực Hoàng Gia đã hết sức ngăn cản vì lý do an ninh. Mặc dù
Ấn Độ là thuộc địa của Anh, nhưng nhiều địa phương vẫn không hợp tác với
chính quyền. Việc di chuyển đòi hỏi sự hộ tống của lực lượng quân đội võ
trang đầy đủ. Có nhiều vùng, ngay cả dân địa phương cũng ít dám qua lại, vì
có những đảng cướp hoạt động mạnh mẽ. Để đề phòng, phái đoàn đã võ trang cẩn
thận, nhưng trong suốt thời gian di chuyển, không hề có một sự kiện đáng
tiếc nào xảy ra. Toàn thể mọi người có cảm tưởng như được che chở bởi một
quyền năng mạnh mẽ vô hình.
Trên đường, phái đoàn đi qua một đền thờ của đạo
Jain. Căn bản của tôn giáo này xây dựng trên chủ trương mở rộng lòng từ bi
(Ahimsa). Tín đồ đạo Jain thực hành lý tưởng Ahimsa triệt để, đôi khi có vẻ
quá khích. Đạo Jain được thành lập hơn 2000 năm, do đức Mahavira, một vị
hoàng tử đã từ bỏ cung vàng, điện ngọc vào rừng tu hành và đắc đạo. Ngay khi
bước chân vào đền, người ta đã thấy ngay pho tượng đức Mahavira ngồi thiền,
trên trán có gắn một viên kim cương lớn. Trước khi vào đây, du khách phải
cởi thắt lưng, giày dép, những vật gì làm bằng da thú, sừng, ngà voi, v.v…
tất cả các vật do sự giết chóc mà ra. Sở dĩ phải làm thế, vì giáo lý Ahimsa
dạy các tín đồ phái này không được sát sinh, ăn thịt cá, mà ngay trong nhà
cũng không được chứa một thứ gì của sự giết chóc. Các giáo sĩ đạo Jain mặc
toàn đồ trắng, trên mặt bịt một miếng vải thưa chỉ chừa đôi mắt. Họ làm thế
để tránh loài ruồi, muỗi khỏi bay lọt vào mũi, miệng. Vì lòng từ bi (Ahimsa)
bao trùm tất cả, lỡ có sâu bọ nào vô phúc bay lọt vào rồi nằm lì trong đó
thì phạm tội sát sinh. Không những thế, các giáo sĩ đạo Jain mỗi năm phải
nhập thất một lần trong suốt ba tháng hè, vì thời gian đó côn trùng sinh sản
nhiều, nếu di chuyển sợ dẫm lên chúng.
Đối với người Âu, việc thực hành Ahimsa có vẻ quá
khích và vô lý, nhưng phần đông tín đồ đạo Jain thực hành giới luật rất
nghiêm chỉnh. Họ tin rằng nếu các giới luật mà không giữ được thì không hy
vọng gì đi xa hơn trên đường tu học.
Một số giáo sĩ Jain còn “quá khích” hơn nữa. Sau
một thời gian tu ở trong đền, họ phát nguyện vào rừng tu và sống lõa thể. Họ
chỉ uống nước suối, ăn trái cây, và dành trọn thời giờ thiền định. Họ quan
niệm rằng khi còn ăn cơm gạo, mặc y phục là còn mang nợ xã hội. Còn hưởng
những vật dâng cúng của tín đồ là còn mang nợ loài người. Khi tu là phải ly
khai với đời, từ bỏ tất cả, không bận tâm đến bất cứ chuyện gì của thế gian,
như của cải, vật chất, và ngay cả mảnh vải che thân. Đạo Jain cho rằng xuất
gia phải tuyệt tất cả ý niệm sở hữu, vì sở hữu bất cứ gì đều là ràng buộc,
níu kéo đưa đến sự quyến luyến, gây chướng ngại cho việc tu hành giải thoát.
Ngay cả các đền thờ đẹp đẽ cũng phải từ bỏ để vào rừng lấy đất làm giường,
lấy trời làm nhà, và thú rừng làm bạn. Họ dành tất cả thời giờ để thiền định
về ý niệm mở rộng lòng thương đến muôn loài. Nhiều tu sĩ ngồi thiền mà thú
rừng kéo đến quấn quít chung quanh, không hề sợ hãi. Các học giả người Âu đã
gọi tôn giáo này là phái “Lõa thể”, vì quan niệm từ bỏ triệt để này. Điều
đáng tiếc là danh từ “Lõa thể” thường bị đồng hóa với các sự kiện xấu xa,
mọi rợ, thiếu văn minh. Khi người Anh đến cai trị xứ này, rất nhiều tu sĩ
đạo Jain đã bị bắt giam vì tội xâm phạm thuần phong mỹ tục, mặc dù họ chỉ
sống trong rừng không tiếp xúc với xã hội. Khi gác bỏ các thành kiến dị
biệt, phong tục và tập quán, phái đoàn thấy đạo Jain chủ trương rất thực tế.
Giáo phái này tin tưởng rằng sức mạnh của tình thương có thể san bằng mọi
khó khăn, trở ngại. Tuy nhiên, tình thương phải hết sức tuyệt đối. Mục đích
của nó không giới hạn vào một hạng người nào riêng biệt, mà phải được ban
rải đồng đều cho tất cả, không phân biệt giai cấp, chủng tộc hay tín ngưỡng.
Đây là một cải cách hết sức lớn lao vì phong tục Ấn Độ vốn rất thiên vị, và
chủ trương dị biệt giai cấp. Tín đồ đạo Jain tin rằng, con người dù mạnh hay
yếu, sang hay hèn, trung lưu hay hạ lưu, bình dân hay vua chúa, đều thụ
hưởng lòng thương như nhau. Lòng thương chẳng những phải bao la, mà còn nồng
nàn như tình mẹ con, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm. Lòng thương phải
chân thành, thâm thúy phát ra từ đáy lòng, không thể giả dối, hay vị nể một
hoàn cảnh nào. Sau khi ban rãi tình thương khắp đồng loại, còn phải ban rãi
đến loài vật, từ con voi to lớn đến các côn trùng nhỏ nhen. Do đó, họ tránh
sát sinh đã đành mà còn không sử dụng bất cứ vật dụng gì do sự giết chóc
mang lại. Đạo Jain cho rằng chiến thắng kẻ thù bằng sức mạnh là một thú tánh
cần loại trừ, nhưng chinh phục bằng tình thương là đường lối duy nhất để
giải quyết mọi việc.
Đạo Jain có khá đông tín đồ, phát triển mạnh tại
miền bắc Ấn Độ, nhưng không đi đến các nơi khác, vì gặp phải sức chống đối
của Ấn Độ giáo và Hồi giáo. Lịch sử Ấn Độ ghi nhận Hồi giáo đã tiêu diệt
Phật giáo và đạo Jain một cách hết sức dã man. Hơn nữa, quy luật khắc khe
của tôn giáo này không mấy ai theo nổi, và các tu sĩ bịt mặt, lõa thể dễ bị
người đời ngộ nhận. Có lẽ thế, nên tôn giáo này chỉ bành trướng trong các
vùng hẻo lánh miền sơn cước.
Ashmah là một làng nhỏ, nằm sát chân núi. Phái đoàn
dừng chân ở đây một thời gian cho lừa, ngựa nghỉ ngơi. Một lý do nữa là gần
đó có một di tích lịch sử quan trọng: Ngôi đền yên lặng.
Đó là một ngôi đền kiến trúc bằng đá trắng, xây cất
hơn 4000 năm nay. Trong đền không có hình tượng gì, mà chỉ là một căn phòng
to lớn, trang nghiêm. Bước vào ngôi đền yên tĩnh, tất cả mọi người đều thấy
trong lòng bỗng lắng xuống một cảm giác bình an khôn tả. Tục truyền, hoàng
đế Rapoor mang quân đi chinh phục các nước láng giềng, đã gặp một vị đạo sĩ
nơi đây. Đạo sĩ khuyên vua nên bỏ ý định chinh phục bằng sức mạnh, mà chỉ
nên lấy nhân nghĩa mà đối xử với người. Nhà vua nghe theo, ra lệnh bãi binh,
khuyến khích dân chúng sống theo đạo hạnh. Từ đó vương quốc Rapoor được
hưởng một nền thái bình, thịnh trị.
Thời gian trôi qua, đến nay chẳng còn mấy ai biết
đến thời đại của hoàng đế này, nhưng ngôi đền xây cất để kỷ niệm sự tỉnh ngộ
của nhà vua vẫn còn tồn tại. Khi bước chân vào đây, không ai được nói một
lời nào, mà phải tuyệt đối giữ yên lặng. Lý do ngôi đền không có hình tượng
gì là để nói lên cái chân lý tuyệt đối vốn vô hình, vô tướng. Vị đạo sĩ giữ
đền đã giải thích cho phái đoàn.
- Đền yên lặng là nơi chỗ của quyền năng, vì yên
lặng đồng nghĩa với quyền năng. Khi con người đạt đến chỗ im lặng trong tư
tưởng thì họ đã đến chỗ mà tất cả đều là sự hợp nhất với quyền năng thiêng
liêng. Con người có sức mạnh tư tưởng nhưng vì vô ý thức, họ đã để cho nó
hao tán. Quyền năng hao tán là Động, còn tập trung là Tĩnh. Khi tập trung
mọi sức mạnh tư tưởng vào một trung tâm sinh lực duy nhất, con người tiếp
xúc với Thượng Đế. Khi hợp nhất với đấng thiêng liêng, ta hợp nhất với mọi
quyền năng và đó là di sản tâm linh tối hậu. Phương pháp duy nhất để hòa hợp
với đấng thiêng liêng là tiếp xúc với ngài một cách ý thức, từ bỏ ngoại
cảnh, để quay về với nội tâm, vì đấng thiêng liêng ẩn tàng trong tâm con
người. Khi con người từ bỏ ảo giác của kiêu mạn, bản ngã, nhận thức sự vô
minh, hèn kém của mình và sẵn sàng học hỏi, sửa đổi, đó là tu thân. Người ta
không thể dạy bảo điều gì cho những cá nhân kiêu căng, tự phụ, vì chỉ có
người khiêm tốn mới thấy được chân lý. Đấng thiêng liêng không nghe các lời
cầu xin ồn ào, lập đi lập lại mà chỉ nghe những lời cầu nguyện chân thành
của những kẻ đến với Ngài bằng trái tim, sùng kính Ngài bằng tâm hồn và sự
im lặng. Kẻ nào tiếp xúc với Ngài trong ầm thầm sẽ nhận biết quyền năng của
Ngài do sự thực hiện các điều mong muốn của họ.
- Nhưng nếu không cầu nguyện theo mọi sách vở,
thánh kinh, làm sao tín đồ có thể hiểu biết về tôn giáo mà họ đang theo
đuổi?
- Minh triết phát sanh từ sự yên lặng. Thượng Đế
không cần ta phải tuyên dương ngài một cách ồn ào hay bằng một ngôn ngữ gì.
Khi một tín đồ thành tâm trong tĩnh lặng, y sẽ hòa hợp tư tưởng với ảnh
hưởng thiêng liêng, và ảnh hưởng này chỉ có thể nhận biết được khi lòng ta
vắng lặng. Khi tâm hồn hoàn toàn an tĩnh, ta có thể tự phân tích mình, trau
dồi phẩm hạnh và đón nhận những mặc khải từ cõi trên. Chỉ trong sự vắng
lặng, con người mới ý thức năng lực trong mình, và chung quanh mình. Chỉ
trong yên lặng các quyền năng tiềm ẩn mới phát sinh và nẩy nở. Tâm có an thì
việc bên ngoài mới không vọng động, dục vọng mới chịu yên tĩnh. Con người có
giải thoát các ồn ào, náo nhiệt bên ngoài, thì mới đón nhận được các hòa âm
tuyệt diệu đến từ cõi vô biên. Con người cần khám phá rằng hạnh phúc ở trong
tâm mình. Hiện nay phần lớn đều tìm kiếm hạnh phúc bên ngoài, nhưng ngoại
cảnh chỉ đem lại các giải trí trong chốc lát, thay vì hạnh phúc vô biên. Tất
cả phương pháp tìm kiếm bên ngoài đều vô vọng. Con người phải biết quay về
nội tâm vì mọi hình tướng, nghi thức đều là sự áp chế.
- Nhưng làm sao tìm thấy điều gì khi ngồi yên lặng?
- Con người sẽ dần dần ý thức được chính mình. Dĩ
nhiên, điều này đòi hỏi một thời gian. Họ sẽ tìm thấy ở mình một thứ hạnh
phúc không lệ thuộc ngoại vật, cũng không lệ thuộc tha nhân. Một tâm trạng
giải thoát không ai có thể cướp được, đó là tâm trạng “tôn giáo”, kết tinh
bởi sự nẩy nở, thăng hoa các ý thức sâu kín trong nội tâm. Con người sẽ tự
mình tìm thấy câu giải đáp khi họ ý thức thực chất của chính mình, và ảnh
hưởng cao cả của Thượng Đế. Chỉ khi đó, mọi sự tìm kiếm ở ngoại cảnh sẽ chấm
dứt.
- Những điều ông nói rất hay, nhưng nếu không có
sách vở chỉ dẫn, làm sao con người biết đâu mà tìm để đạt đến trạng thái đó?
- Đa số người Âu chỉ quen hoạt động và ỷ lại vào
một phương pháp, giáo lý hướng dẫn cuộc đời. Do đó, họ dễ bị hướng dẫn sai
lạc, lầm lẫn. Phải tự mình suy gẫm và tìm lấy con đường cho chính mình mới
là phương pháp đứng đắn. Con đường giải thoát đòi hỏi can đảm và nổ lực cá
nhân, vì không đường nào giống đường nào. Lịch sử cho thấy có biết bao tôn
giáo rao truyền chân lý cực kỳ tốt đẹp, nhưng có mấy tín đồ nghiên cứu tường
tận? Đa số đều ỷ lại vào các giáo sĩ chỉ dẫn. Chính các giáo sĩ còn chưa
giải thoát chính mình, thì còn cứu độ cho ai nữa? Đó là lý do hoàng đế
Rapoor xây dựng ngôi đền yên lặng và trong đó không có một pho tượng, một
hình ảnh hay ngôn ngữ nào, để tránh đi vào con đường của các tông phái Ấn
giáo. Thượng Đế ở khắp mọi nơi và tuyệt đối, ngôn ngữ, hình ảnh không thể
diễn tả được. Chỉ trong sự im lặng hoàn toàn phá bỏ tất cả hình tướng, nghi
thức, con người mới tự do sống bình an với nhau, hiểu sự liên quan giữa y và
những người đồng loại. Con người thường suy tư về sự liên hệ giữa người với
người, nhưng sự suy tư này ít nhiều đều thiên vị. Nó luôn luôn sai lạc nếu
nó khảo sát sự vật xuyên qua bản ngã. Tư tưởng con người chỉ chân chính khi
họ giải thoát khỏi các thành kiến, điều kiện bao bọc bên ngoài. Tự do tư
tưởng không phải chỉ là muốn nghĩ thế nào thì nghĩ, mà còn là giải thoát ta
ra khỏi các áp lực bắt ta phải suy nghĩ theo một lề lối riêng. Đây là một
chân lý chỉ tìm thấy trong sự yên lặng, trong sự cởi bỏ mọi nghi thức, hình
tướng, ngôn từ, các thành kiến dị biệt, các cưỡng bách tư tưởng, các sợ hãi
bắt nguồn từ vô minh. Chỉ khi nào hoàn toàn tự do, con người mới thực sự
bình an và giải thoát.
Phái đoàn từ giã vị giáo sĩ coi đền. Cuộc viếng
thăm tuy ngắn ngủi nhưng đã gây một ấn tượng tốt đẹp với mọi người. Hình như
có một luồng từ điện vô hình phảng phất quanh ngôi đền, khiến ai cũng thấy
trong lòng dào dạt một sự bình an khó tả. Lối tu trong yên lặng không còn là
một vấn đề trừu tượng, vô ích như họ nghĩ. Quả thật xứ Ấn còn rất nhiều điều
để cho người Âu học hỏi và suy nghĩ.