The Left Eye of God

ĐÔI NÉT VỀ HẠNH TU

CỦA CHỊ LÊ THỊ BẠCH TUYẾT

 

Trong di cảo (1) chị Lê Thị Bạch Tuyết có bốn câu thơ sau:

Tôi chỉ mong sao đặng trọn hiền

Đền xong trần nghiệp học Cao Tiên

Gội sạch mê tân hồi giác ngạn

Thức tỉnh chúng sanh chí phỉ nguyền.

Cao Tiên là Cao Đài Tiên Ông. Mê tân là bến mê, là cuộc đời này. Giác ngạn là bờ giác, bờ bên kia. Hồi giác ngạn là trở về bờ giác. Phỉ nguyền là toại nguyện.

*

Bạn đạo chị kể lại: Nơi nhà trọ trên đường Lý Thái Tổ (quận 3, Sài Gòn), chị treo trên vách hai câu:

Lời nói không mất tiền mua,

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

*

Các bạn đạo từng tu học với chị tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý có nhắc lại lời chị Lê Thị Bạch Tuyết tâm sự: “Chúng ta còn nhiều bổn phận, hãy sống cho kẻ khác trước, phần mình sẽ không mất.”

*

Chị Lê Thị Bạch Tuyết cũng nói: “Tôn giáo chỉ là những bảng tên chỉ đường mà hành vi phụng sự thiết thực mới là phương tiện, mới là động năng cần ích giúp ta tiến trên con đường Đại Đạo. Nếu ta cứ khư khư ôm lấy bảng tên chỉ đường mà không dấn bước, mà không lên xe nổ máy chạy thì làm sao đến đích được.”

*

Trong những ngày thân xác bị bệnh ung thư bạch cầu (leukemia) hành hạ, chị vẫn giữ trọn đức tin và hồi hướng tư tưởng lành về cho chúng sanh trong pháp giới. Lá thư cuối cùng ngày 21-4-1969 gởi cho một bạn đạo, chị viết:

“Trong thế giới bệnh hoạn, nhiều lúc buồn quá, em chỉ biết giải buồn trong kinh sách cùng những lời thánh huấn trong thánh giáo, nhờ nơi đây em đã tìm được một nguồn an ủi và nguồn an ủi ấy xoa dịu cho em phần nào những cơn đau khổ vì bệnh hành hoặc những lúc tinh thần khủng hoảng u tối vì ảnh hưởng nhược thể và cũng nhờ nơi đây giúp em biết chịu đựng an phận trong cảnh ngộ của mình nữa, chị ạ!

... Nghĩ rằng bệnh đây là vì trả quả do mình gây ra tội khi trước chớ nào phải ai muốn cho mình chịu khổ thế đâu mà mình lại làm cực lòng người thân chung quanh phải không chị, thế nên phải ráng chịu vậy chớ đừng gây thêm nghiệp mới nữa. Em thường tự nhủ thế đó chị. Trả quả không cũng chưa đủ, vì nếu mình thiếu nợ chỉ làm để đủ trả thì khi trả xong mình còn chi mà hưởng? Vậy phải làm thêm mới có mà dùng sau này chứ, phải chăng chị? Vậy bây giờ mình vừa trả quả, vừa phải lập công nữa, mà vì bệnh hoạn làm sao mình có đủ khả năng và sức khỏe để làm công quả như bao nhiêu người khác, chị nhỉ! May thay, thánh huấn có dạy rằng tu học cũng đóng góp được công quả, bởi lẽ thay vì tâm bị vọng động, tư tưởng đang nghĩ đến những việc buồn rầu hoặc chẳng được thanh trong thì mình lại tập trung tư tưởng vào lời kinh, lãnh hội được điều đạo đức của Thánh Hiền, nhờ đó tâm chí mình được thanh tịnh sáng suốt, chừng đó những ý lành sẽ hiện ra. Rồi sẽ nhờ đó, tinh thần mình mới tập trung mà nguyện cầu cho chính mình, cho cha mẹ, người thân và cho xã hội chúng sanh. Từ từ, nhờ ảnh hưởng những lời lành, tâm tánh mình cũng sẽ thay đổi và trở nên tốt đẹp hơn. Như vậy, sự tu học chẳng những được phần công quả vì mình nguyện cầu cho người khác lại được phát triển về tâm linh, đồng thời trừ được những tư tưởng vọng động buồn nản, xâm nhập nội tâm nữa phải không chị, chị có đồng ý thế không?” (2)


(1) Di cảo: Bản thảo sách vở, thi văn của người chết để lại.

(2) Chân thành biết ơn Giáo Sĩ Huệ Ý (Tập Đoàn Giáo Sĩ, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo) trợ giúp tư liệu tham khảo. (H.Kh.)